Nguyễn Khắc Phục là tác giả của 13 tiểu thuyết (Bay qua cõi chết, Ngôi đền, Thuyền nhân, Học phí trả bằng máu, Yếu huyệt, Khát vọng, Thăng Long ký…).

Tranh chân dung nhà văn Nguyễn Khắc Phục của họa sĩ Trần Nhương (trái)

và cuốn tiểu thuyết Kinh đô Rồngcủa ông (phải).

Nhà văn còn là tác giả khoảng 80 vở kịch sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia dàn dựng, 15 kịch bản phim nhựa, 200 tập phim truyền hình và nhiều kịch bản lễ hội lớn của đất nước.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa qua đời lúc 3g45 ngày 20-5 tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) sau 11 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi di căn.

Một loạt kịch bản của ông được các đạo diễn tên tuổi như Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Hồng Sến, Khánh Dư… dựng thành các bộ phim nhựa 35 ly gây dư luận như: Những ngôi sao biển, Tự thú trước bình minh, Sơn ca trong thành phố, Học trò thủy thần, Nhiệm vụ hoa hồng, Chiến trường chia nửa vầng trăng…

Phim truyền hình nhiều tập: Những nẻo đường phù sa, Những đứa con trong thành phố, Bình minh châu thổ, Bọn trẻ (huy chương vàng kịch bản văn học trong Liên hoan phim quốc tế Á – Phi 1994), kịch bản: Con mắt bão, Điện Biên Phủ trên không.

Những năm 1990, Nguyễn Khắc Phục làm mưa làm gió trên sân khấu kịch với các vở: Bất hòa với số phận, Bọn quỷ sống, Những giấc mơ bị trấn lột, Vườn quỳnh, Ngọc lưu ly và tình hận, Kết bạn với thiên thần, Trò đời, Ông sếp móc cống.

Ở lĩnh vực hội họa, Nguyễn Khắc Phục có hàng trăm tranh sơn mài, sơn dầu. Ông từng cùng với Trần Nhương làm một triển lãm có tên Hú họa vào tháng 7-2008 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.

Nguyễn Khắc Phục còn được mang danh “Vua kịch bản lễ hội văn hóa” khi viết rất nhiều kịch bản chương trình lễ hội, trong đó có 2 kịch bản khai mạc và bế mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


Theo Huệ Lam, Lam Điền – TTO


Exit mobile version