Bài & ảnh: QUYÊN GAVOYE (từ Pháp)
Ở một góc phố, ở một con đường, hay ở một khoảnh sân rợp bóng cây, bỗng xuất hiện một chiếc hộp vuông, một chiếc tủ gỗ, một bờ tường rào hay đôi khi chỉ là một hốc tường…, bất kể hình thù hay chức năng trước kia là gì miễn sao nó có thể chứa đựng được những cuốn sách. Những cuốn sách cũ, chưa nát nhàu mà người đã đọc muốn chia sẻ lại với những người chưa đọc, chưa biết đến cuốn sách. Đó chính là những “thư viện công dân” hay còn được gọi là “hộp sách”.
1/Bản thân câu chuyện về sự ra đời của những “hộp sách” này cũng rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ, một câu chuyện đẹp về tình yêu thương, sự sẻ chia và lòng hiếu thảo.
Năm 2009, ở Wisconsin, Mỹ, Todd H.Boll bất ngờ mất đi người mẹ yêu quý, một người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính, tri thức, vị tha và… rất yêu sách. Trong ngôi nhà của bà, hàng nghìn cuốn sách được sắp xếp gọn gàng và bà luôn sẵn sàng mở cửa cho tất cả những ai có nhu cầu đọc sách. Todd đã có một tuổi thơ tràn ngập sách vở và được nghe mẹ đọc trong suốt nhiều năm.
Nhờ vào sự giáo dục của mẹ thông qua những trang sách, Todd đã trở thành một người đàn ông cởi mở, nhân văn, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Nhưng giờ đây mẹ của anh không còn thuộc thế giới này nữa, anh muốn dành cho mẹ một sự tri ân có ý nghĩa, xứng đáng với tấm lòng của bà. Anh đã suy nghĩ về điều này rất lâu, với hàng nghìn lẻ những ý tưởng trong đầu.
Và rồi, vào một buổi sáng đẹp trời, khi thức dậy, anh biết mình phải làm gì! Đó là một ý tưởng đơn giản, nằm trong tầm với và hoàn toàn khả thi ở bất cứ đâu, với bất cứ điều kiện kinh tế, thời tiết và giá trị văn hóa nào. Ý tưởng về một “thư viện nhỏ miễn phí” được đặt trước cửa nhà của anh kèm với dòng chữ “Take a book, return a book!” (Hãy lấy một cuốn sách, mang đến một cuốn sách!). Chỉ có một điều anh không thể ngờ tới, việc làm của anh sẽ lan rộng khắp thế giới và trở thành một biểu tượng văn hóa.
2/Ngày nay, Hiệp hội Todd H. Boll có sứ mệnh giúp đỡ sản xuất và lắp đặt hộp sách trên toàn thế giới, đã tuyên bố, chỉ tính riêng ở Mỹ đã có hơn 50 nghìn địa điểm có “thư viện công dân”. Trong những năm gần đây, ý tưởng này đã phát triển mạnh ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp với hơn 2.000 hộp sách có đăng ký chính thức.
Tuy nhiên, theo nhà văn Pierre Martial, người luôn đấu tranh cho “sách” và thúc đẩy lan tỏa việc đọc trong cộng đồng, có hàng trăm nghìn hộp sách không được đăng ký nên không có số liệu thống kê quốc tế chính thức. Theo ước tính của ông cho đến đầu năm 2021, trên toàn thế giới có khoảng từ 300 nghìn đến 350 nghìn hộp sách.
Thành công đó có phần nhờ vào ý thức công dân, hưởng ứng sự chia sẻ xã hội, phát triển văn hóa đọc, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cho cuốn sách có cơ hội được nhiều người biết đến, giúp các “thư viện công dân” trở thành một phần của khuôn mặt đô thị tại châu Âu. Một nét đẹp hài hòa với khung cảnh rất đỗi nên thơ của những con phố nhỏ hay của những bức tường xù xì vốn chỉ là chỗ dừng chân vài phút của khách vãng lai trước khi tiếp tục chuyến ngao du thành phố. “Thư viện công dân” có thể chỉ là một chiếc tủ cũ kỹ được sơn lại sao cho bắt mắt, đôi khi một nghệ sĩ nghiệp dư nào đó cao hứng thêm vài nét cọ, thế là thành một kiệt tác đường phố. Tất cả những ý tưởng tưởng chừng rất đỗi nhỏ nhặt góp phần tôn vinh những trang giấy đôi khi đã có chút hoen ố của thời gian. Đó chính là phần hồn dân dã dễ chạm đến, là nét độc đáo đường phố của “thư viện công dân”.
3/Nguyên tắc hoạt động và tồn tại của các “thư viện công dân” rất đơn giản, mỗi công dân là chủ nhân và là độc giả góp phần lên sự sinh tồn của nó. Mỗi cuốn sách sau khi đã được đọc, nếu người đọc không muốn giữ lại cuốn sách hoặc nếu muốn chia sẻ, sẽ được mang đến và đặt vào hộp sách. Những người đến mở hộp có thể là bất cứ ai có nhu cầu đọc. Họ chỉ cần chọn những cuốn sách mà không nhất thiết phải để vào hộp những cuốn sách khác. Nhưng nếu muốn một “hộp sách” tồn tại lâu dài và luôn có được sự quan tâm của độc giả thì “thư viện công dân” rất cần sự trao đổi thường xuyên. Mỗi quyển sách được lấy đi, sẽ có một cuốn khác được đặt vào. Đó chính là nguyên tắc sẻ chia cộng đồng. Vì thế, ngoài biểu tượng của văn hóa đọc, “thư viện công dân” còn là biểu tượng của tinh thần trao đổi cộng đồng.
Tại sao ở Việt Nam không thử nghiệm hình thức “phổ cập” việc đọc này trong xã hội? Hãy biến những cuốn sách thành vật dụng bình thường như bao vật dụng khác để người ta không còn phải lo lắng hay buồn tẻ khi nhặt nó lên. Muốn như thế thì sách có thể như những cây cỏ dại, mọc ở khắp mọi nơi bất chấp khái niệm không gian, nhất là những nơi có sự giao thoa của mọi tầng lớp xã hội. Đó chính là đường phố. Khi sách có mặt ở mọi ngóc ngách, không cần quá phô trương, nhưng cũng không phải quá kín đáo, sách sẽ tự mang lại ham muốn đọc cho con người dù chỉ là một vài trang trong lúc chờ đợi cơn mưa tạnh hẳn.
Chưa bao giờ việc phổ cập đọc lại dễ như bây giờ khi được in ra mỗi ngày là hàng chục, hàng trăm đầu sách. Hãy để sách có cơ hội trở thành một vật dụng hữu ích trong đời sống giải trí của mỗi người.
Theo nhandan.vn/baothoinay
Hồng Nhung đưa bài