TRANG ANH

Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam diễn ra tại Ðà Nẵng (tháng 12-2017). Ảnh: THANH NHÃ
Hội Nhạc sĩ Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập (30-12-1957 – 30-12-2017). 60 năm là hành trình các thế hệ nhạc sĩ đóng góp cho sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam giàu bản sắc, hiện đại, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Song vẫn còn đó nhiều vấn đề của âm nhạc đương đại khiến không ít nhạc sĩ trăn trở, băn khoăn.
Từ các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở miền bắc khi đánh trả lực lượng không quân của đế quốc Mỹ trong những năm 1960; phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong các đô thị miền nam trước năm 1975; sau này là những phong trào thanh niên đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, hát về biển đảo quê hương, hát về nông thôn mới, vùng sâu, vùng xa… và trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, âm nhạc vẫn luôn là vũ khí tinh thần sắc bén. Với nhiều thể loại ca khúc, khí nhạc, giao hưởng…, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã làm nên một kho tàng âm nhạc đồ sộ, giá trị để đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của dân tộc. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận định: Trong dòng chảy hội nhập, sức sống tự nhiên của âm nhạc đã mang đến một toàn cảnh âm nhạc phong phú. Sau nhiều năm chìm vào quên lãng, dòng âm nhạc lãng mạn từ thời tiền chiến lại được đánh thức. Dòng chảy của tình ca mang hơi thở nhạc nhẹ đã được khơi nguồn và tuôn trào ào ạt với sự nối tiếp của nhiều thế hệ tác giả, tiên phong là Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Huy Du…; rồi tới Trần Tiến, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Cường, Thanh Tùng, Nguyễn Ðình Bảng, An Thuyên, Phú Quang, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện… Cũng từ dòng chảy này có một phân nhánh phát triển tạo nên khái niệm dòng dân gian đương đại như một trào lưu pop – rock Việt gắn với thế hệ kế cận tài năng như Ngọc Châu, Ðức Trịnh, Vũ Quang Trung, Võ Thiện Thanh, Lê Minh Sơn, Quốc Bảo, Giáng Son, Lưu Thiên Hương… Bên cạnh đó, dòng nhạc thính phòng cũng vẫn được gìn giữ, phát triển; dòng nhạc không lời từ tiểu phẩm cho các nhạc cụ, đến những bản xô-nát, công-xéc-tô và giao hưởng vẫn được nuôi dưỡng. Có thể thấy, đời sống âm nhạc trong những năm gần đây trở nên đa dạng hơn, từ chuyên đến không chuyên; từ chất lượng, học thuật đến nhu cầu giải trí; từ sáng tác, biểu diễn, đào tạo, tới xuất bản, quảng bá, và nhất là khâu thưởng thức âm nhạc.

Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường với nhiều tác động từ công nghệ số, âm nhạc Việt Nam hôm nay cũng phải đối mặt vô vàn thách thức. Nhạc sĩ Ðỗ Bảo thẳng thắn chỉ ra: Sự phát triển của in-tơ-nét đã tạo nên những chuyển biến lớn trong đời sống âm nhạc. Âm nhạc được số hóa mang tính chính xác hơn, người sáng tác được thoải mái, tự tin với vô số những cung bậc âm thanh mới nhưng cũng vì thế mà chủ quan hơn, lệ thuộc hơn, lơi lỏng những kỹ năng cơ bản. Một phần mềm chỉnh phô chênh cho giọng hát có thể làm lóe lên mơ ước trở thành ca sĩ cho một giọng ca yếu, một phần mềm sắp đặt các đoạn âm thanh có thể là hy vọng cho việc được xưng tụng thành nhạc sĩ; cho nên ngày càng có những sản phẩm lệch, kém chuẩn ra đời. Kéo theo đó, tình trạng ngộ nhận về tài năng sáng tác, biểu diễn đang có phần phổ biến. Trên thực tế, mật độ xuất hiện các tác giả mới, tác giả kiêm nghệ sĩ biểu diễn khá dày đặc nhưng giới nhạc sĩ chuyên nghiệp chưa thể hài lòng với một đời sống âm nhạc có vẻ sôi động ở bề mặt bởi “lượng” nhiều khi không đi kèm “chất”. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, khi sáng tác âm nhạc chạy theo phục vụ mục tiêu lợi nhuận thì những yếu tố giải trí hời hợt càng có cơ hội lên ngôi. “Việc sản xuất âm nhạc ngày nay đang gần với công việc sản xuất những mặt hàng để cạnh tranh và thu lợi. Ðây chính là một thực trạng đáng suy nghĩ bởi đó cũng chính là lý do làm mài mòn nhân cách nghệ sĩ, hủy hoại những cảm hứng sáng tạo trong lành” – nhạc sĩ Ðỗ Bảo trăn trở.

Ðể định hướng sự phát triển âm nhạc cũng như nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng, hoạt động lý luận phê bình chuyên nghiệp đóng vai trò quyết định. Song công tác này dường như không theo kịp sự phát triển sôi động của âm nhạc bởi đội ngũ những người phê bình âm nhạc quá thiếu và yếu. Thay vào đó, truyền thông báo chí đang trở thành lực lượng chính trấn giữ mảng lý luận phê bình, đặc biệt về ca khúc. Trong đó, số lượng được đào tạo và có chuyên môn âm nhạc chỉ đếm trên đầu ngón tay nên càng khiến dòng chảy phê bình có xu hướng thiên về thanh nhạc, nhẹ về khí nhạc. Áp lực về tăng lượt xem, lượt bình luận, bảo đảm doanh thu trong hoạt động truyền thông, càng khiến đời sống âm nhạc đương đại nghiêng về giải trí; từ đó chi phối, gây ảnh hưởng không cân xứng tới định hướng thẩm mỹ âm nhạc của công chúng, nhất là công chúng trẻ.

Theo PGS, TS, Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trước mắt và quan trọng nhất là bằng mọi cách phải nâng cao trình độ sáng tác của các nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ trẻ; nâng cao trình độ nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc bởi chính họ là người chắp cánh cho các tác phẩm đến với công chúng. Các cơ quan chuyên môn cùng cơ quan quản lý cần tạo ra mặt bằng âm nhạc một cách hài hòa có kiểm soát và ưu tiên phát triển các loại hình âm nhạc kinh điển có giá trị nghệ thuật và sức khái quát cao như giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, âm nhạc cổ truyền, dân gian, dân tộc… để có sự đầu tư thích đáng về tài chính, nguồn lực. Cùng với việc tạo điều kiện để những tài năng âm nhạc phát triển, tôn vinh những nhạc sĩ nhiều cống hiến, đào tạo đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc, còn cần đặc biệt chú ý đến việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng. Bởi một khi công chúng đủ khả năng thẩm định cái hay, cái đẹp của âm nhạc đích thực, họ sẽ tự lựa chọn những dòng nhạc mà mình yêu thích và tự đào thải những sản phẩm kém giá trị.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 

Exit mobile version