Đạo diễn Lê Nguyên Đạt: Không năng động sẽ tự kéo lùi
QUỲ CHỮ thực hiện
Một vở kịch do đạo diễn Lê Nguyên Đạt dàn dựng.
Trưởng khoa Kịch hát dân tộc (Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) Lê Nguyên Đạt (ảnh dưới) vừa giảng dạy, vừa thực hành với vai trò Giám đốc Sân khấu Sen Việt, dàn dựng các vở cải lương biểu diễn định kỳ. Trong đời sống nghệ thuật thành phố, đa năng và năng động phải là cách để phát triển. Anh đang cùng ê-kíp hợp tác với Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh (tại Rạp Công Nhân) với mong muốn thay đổi diện mạo, kịch mục của nơi này.
Phóng viên (PV):Là diễn viên, rồi đạo diễn, làm đào tạo, là Giám đốc Sân khấu Sen Việt, thấy ở anh có ngọn “lửa” nghề ngùn ngụt. Nhưng phải chăng anh xuất hiện không đúng lúc khi sân khấu qua rồi thời hưng thịnh. Anh an ủi mình thế nào?
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt (LNĐ): Tôi đam mê nghệ thuật, học nghề và làm nghề, trải nghiệm nhiều vai trò khác nhau, kể cả kinh doanh, thiết kế trang phục… qua các lĩnh vực: cải lương, kịch nói, ca nhạc, thời trang, lễ hội, sự kiện văn hóa… Ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có những thành công nhất định. Điều đó cho tôi niềm đam mê, lửa làm nghề. Sự tìm tòi cái mới, khát khao hoàn thiện mình luôn là tiêu chí hàng đầu. Tất cả những trải nghiệm đó cho tôi niềm tin và bản lĩnh vượt qua khó khăn.
Còn về sự đúng lúc hay không ư! Làm sao ta chọn cho mình được năm sinh, và cũng không nên lấy đó làm tiếc! Tôi chỉ nghĩ, những người đang sống và làm việc với nghệ thuật sân khấu trong trong thời đại của mình hôm nay, trong đó có tôi, luôn phải đặt câu hỏi mình phải làm gì? Trách nhiệm, cống hiến và hành động thế nào cho đúng và tốt nhất, thì sự xuất hiện và đóng góp của mình sẽ không uổng phí.
PV:Sân khấu đang có ít người tìm đến các buổi diễn. Vậy, ở trạng thái đó, anh đang nghĩ gì cho sân khấu? Nó sẽ tồn tại bằng một hình thức nào khả dĩ, để cho diễn viên thỏa niềm đam mê?
LNĐ: Văn hóa – nghệ thuật nói chung sẽ đi cùng với sự phát triển của thời đại, luôn biến đổi và thích ứng, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng một cách tích cực. Vì vậy, người làm sân khấu, trong đó có vai trò người nghệ sĩ, phải tự hoàn thiện mình, là cầu nối với khán giả bằng chính niềm đam mê của mình và cùng nói lên tiếng nói cuộc sống. Theo tôi, nghệ thuật sân khấu phải luôn năng động, đứng trước vạch xuất phát thì đó mới là sân khấu tiến bộ, văn minh, hợp thời đại.
PV:Hằng ngày tiếp xúc với các em theo học sân khấu dân tộc, nhưng ngoài kia chân trời không mấy sáng sủa. Anh tiếp “lửa” nghề cho các em ra sao?
LNĐ: Trước hết người thầy phải là tấm gương, là người truyền lửa, khơi gợi sự sáng tạo, hiểu và tìm ra cái đẹp của nghệ thuật sân khấu, luôn thực tế với cuộc sống “học đi đôi với hành”. Tôi thường nói với học trò của mình: “Là một người nghệ sĩ đã khó, là một người nghệ sĩ dân tộc càng khó hơn”. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi giúp các em định hướng tương lai của mình như thế nào phù hợp nhất, tốt nhất cho bản thân. Sau những tháng ngày miệt mài trên lớp học, sàn tập, tôi cùng với học trò của mình lao ra xã hội làm bất cứ việc gì liên quan hai chữ “nghệ thuật”, điều đó giúp các em quý trọng hơn, cảm nhận rõ hơn trách nhiệm và niềm đam mê dưới sự lựa chọn của mình.
PV:Và anh có nghĩ, sân khấu sẽ đi theo con đường khác trước, và sẽ trở lại trong sự lung linh cũng khác trước không?
LNĐ: Chúng ta đã có một nền tảng và di sản văn hóa dân tộc to lớn mà ông cha để lại. Sự kế thừa của thế hệ tiếp nối hôm nay và tương lai, chắc chắn sẽ đi theo con đường phát triển và làm đẹp hơn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là con đường duy nhất!