Cần mẫn và tỉ mỉ, nghiêm túc mà tự do, đắm mình giữa không gian giao thoa văn hóa nhưng vẫn rạch ròi, độc lập trong từng suy nghĩ, các nghệ sĩ tham gia Tháng thực hành nghệ thuật (tại Heritage, Hà Nội) đã cùng nhau phá bung rào cản về ngôn ngữ, khác biệt về khuynh hướng và lối mòn về quan niệm sáng tác. Họ đã có một cuộc dấn thân thực sự, đánh thức tư duy để làm mới mình, đem đến hy vọng cho nghệ thuật đương đại Việt Nam.



Kích hoạt sáng tạo

Đặt tờ báo gấp dở lên bàn, Choi bước đến bên cạnh cô gái đang loay hoay sắp xếp, chỉnh sửa hàng tá đồ vật, nào là găng tay, bìa carton, những hộp màu, cây cọ nhem nhuốc, cả đống thủy tinh như hàng nghìn viên đá nhỏ đang lấp lánh dưới ánh đèn… “Bạn hãy phá cách đi, hãy cứ làm thật đi – Choi mỉm cười nói. Còn tôi thì sững lại trước lời khích lệ của anh ấy, có khi rồi đây, chẳng bao giờ tôi gặp lại nghệ sĩ Hàn Quốc này nữa, nhưng lời nói của Choi chắc chắn sẽ theo mãi hành trình nghệ thuật của tôi” – nghệ sĩ trẻ Trần Kim Hạnh chia sẻ kỷ niệm về Tháng thực hành nghệ thuật của mình. Không riêng Trần Kim Hạnh, mà toàn bộ 15 nghệ sĩ tham gia, mặc dù đến từ các quốc gia, tôn giáo và có lứa tuổi, quan niệm nghệ thuật, thẩm mỹ khác nhau, nhưng qua chương trình, họ được giao lưu, tương tác, chia sẻ với nhau, để từ đó kích hoạt ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, tư duy và nhận thức mới.


Nghệ sĩ Trần Trọng Vũ, người lên ý tưởng cho Tháng thực hành nghệ thuật cho biết: “Tôi không ép nghệ sĩ tư duy theo ý muốn của mình với một chủ đề nhất quán được đưa ra. Khi quy tụ họ lại, về cơ bản, tôi đưa họ vào một môi trường mới, và họ chính là những hạt phân tử chuyển động, tôi chỉ dõi theo cách họ ứng xử với không gian, không khí, nhịp điệu trong cách họ làm việc”. Đa phần nghệ sĩ tham gia chương trình vẫn làm theo những điều họ đang theo đuổi. Ví dụ nghệ sĩ Hàn Quốc Yun Woo Choi với thuyết vật lý vũ trụ, nghệ sĩ Ba Lan Ludwika Ogorzelec với những làn sóng vô hình thủy tinh hóa không gian, nghệ sĩ Pháp Therry Fontaine với những biến hóa phức tạp và tinh tế của nghệ thuật giàu tính sắp đặt và tạo hình, còn các nghệ sĩ Việt Nam thì đầy trăn trở, băn khoăn về mối liên kết bản thân với xã hội… Nhưng điều đó không có nghĩa, nhúng mình vào môi trường sáng tác này, họ không phải khởi động mọi nơron sáng tạo của mình, ngược lại các nghệ sĩ vừa phải nỗ lực phát huy hết tiềm năng, vừa phải làm giàu năng lượng nghệ thuật của mình từ những người khác. Đấy là lý do, chỉ trong một tháng, họ đã làm nên những nghệ phẩm độc đáo mà nếu đặt riêng lẻ, đó là những nốt nhạc đầy cá tính, đặc biệt và không trùng lặp. Nhưng khi xếp vào cùng một không gian, chúng bỗng biến thành những nhân vật biết đối thoại, tôn vinh nhau, ghép nối với nhau để tạo nên màn trình diễn domino nghệ thuật.


“Cú đá xoáy” vào tư duy


Chuyển động Brown là thành quả một tháng vật lộn trong mâu thuẫn giằng xé, căng thẳng dưới áp lực thời gian, tương tác với nghệ sĩ nước ngoài, các nghệ sĩ Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh sáng tạo và tư duy nghệ thuật mới mẻ. Những tác phẩm đã thoát ra ngoài tư duy truyền thống, đem đến trạng thái thẩm mỹ và tâm lý mới, tác động mạnh đến tiềm thức và ý thức của người xem. Ở đó, người ta ngắm Cơn mưa (tác giả Quách Bắc) kết tụ thành chuỗi ngọc rót một cách vô tư mà nặng trĩu từ trên mái nhà xuống mặt đất, nhắc nhớ về những vùng khuất tối trong cuộc sống; xem Cơ thể trắng (Trương Quế Chi) vừa thâm trầm, vừa cháy bỏng khát khao trong một khối phù điêu theo hướng kiến trúc nhại cổ; chìm trong cuộc Đàm phán hay nhảy múa (Lê Đức Tuấn Thịnh) của hàng chục bức tranh bị phá vỡ một cách rời rạc có chủ ý… Và qua đó, người ta bị thu hút về thị giác, bị lôi cuốn bởi sự dịch chuyển và bị say mê đầy chất trừu tượng được làm nên từ các chất liệu quá đỗi thân quen.


Giáo sư triết học người Mỹ Cynthia Freeland từng đặt một câu hỏi làm tiêu đề cho cuốn sách của mình: Thế mà là nghệ thuật ư? Bà lý giải những nguyên nhân khiến cho nghệ thuật đương đại thường khó được chấp nhận, bởi bản thân nó là sự tổng hòa của nhiều khuynh hướng sáng tác, tiếp nhận khác nhau và nhiều người không phải dị ứng với nghệ thuật đương đại mà là với những gì khác với mình vẫn thường nghĩ, hay cho là đúng. Các nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam, nghệ thuật đương đại tuy đã khởi phát hơn 25 năm trước nhưng vẫn còn vấp phải nhiều rào cản đến từ tâm lý tiếp nhận của công chúng và nhất là sự “e dè” của bản thân nghệ sĩ. Nhà nghiên cứu, họa sĩ Bùi Hoài Mai cho rằng: “Nghệ thuật đương đại Việt Nam phần lớn hoạt động trên cơ sở các nghệ sĩ tự tìm hiểu qua sách vở hoặc trên phương tiện thông tin, nhưng bằng cách ấy là chưa đủ. Chỉ khi họ được đặt vào môi trường chuyên nghiệp, được cọ xát với các nghệ sĩ nước ngoài thì họ mới thật sự trưởng thành và góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật đương đại nước nhà”.


Có thể thấy, 2015 là một năm gặt hái nhiều thành công cho nghệ thuật đương đại và Tháng thực hành nghệ thuật có đóng góp không nhỏ. Thông qua các chương trình giao lưu, triển lãm, nhiều người tin tưởng nghệ thuật đương đại Việt Nam đang được quan niệm, diễn giải và phát triển mạnh mẽ. Thay vì đặt câu hỏi Thế mà là nghệ thuật ư?, công chúng bắt đầu đi tìm câu trả lời, còn các nỗ lực của nghệ sĩ bước đầu được ghi nhận. Nhờ vậy, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã có được “cú hích” cần thiết, những tác phẩm nghệ thuật bao lâu “khuất diện” (hoặc chu du ở nước ngoài, hoặc ẩn mình trong một số tư gia) thì nay hiện hữu trước công chúng.

Nguồn ĐBND

Exit mobile version