Bắt được trộm chó, cả làng lao vào đánh đấm, xuống tay dã man rồi đốt cả người lẫn xe; nghi ngờ bắt cóc trẻ em, cả làng lao vào đánh đấm, dù họ chỉ là 2 phụ nữ chân yếu tay mềm; thấy chóng mặt, hô hoán, cả làng lại lao vào đánh đấm, rồi huỷ hoại cả chiếc ô tô tiền tỷ. Đó là những vụ việc xảy ra gần đây, song vì sao đám đông lại có những hành xử coi thường luật pháp như vậy?
Những vụ việc đau lòng
Những vụ “cẩu tặc” bị người dân bắt quả tang, sau đó là màn đánh đập tập thể đã gây ám ảnh cho bất cứ ai chứng kiến, thậm chí chỉ cần nghe kể về vụ việc. Đơn cử như sự vụ hồi cuối tháng 9.2016, khi ấy, ở đoạn đường thuộc khu 4, phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, người dân phát hiện Đàm Quang C (26 tuổi, ở Quảng Yên) tử vong với nhiều thương tích.
Kết quả điều tra thể hiện, trước khi tử vong, anh C đã phải nhận trận “mưa đòn” của 5 thanh niên địa phương. Khi phát hiện anh C điều khiển xe máy vợt chó, 5 người đã tri hô, chặn bắt rồi lao vào đâm chém anh C tử vong bằng dao nhọn, gậy gỗ, tuýp sắt.
Gần đây, dư luận không khỏi rùng mình khi chứng kiến hình ảnh 2 phụ nữ đi bán tăm dạo ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị đám đông lao vào đánh đến toé máu. Sau tiếng hô hào, kích động, hàng trăm người như mất kiểm soát, lao vào đấm, đá 2 người phụ nữ, chỉ với một lý do, “nghe nói đang có ý định bắt cóc trẻ em”.
Hay vụ việc ở Hải Dương, một phụ nữ tên Quyên, trong khi bán hàng cho khách bỗng thấy chóng mặt, trong đầu chợt loé ra câu chuyện của những kẻ thôi miên, “thần hồn át thần tính”, chị này lao ra đường hô hoán, rằng có kẻ thôi miên mình. Chỉ ít phút sau, hàng ngàn người lao tới với những trận đòn “hội đồng”. Và, cao trào của tâm lý đám đông, của sự hỗn loạn chính là màn bật lửa thiêu rụi chiếc ô tô trị giá bạc tỷ của những người khách oan uổng.
Lỗi từ đâu?
Luận bàn về căn nguyên của câu chuyện “tâm lý đám đông”, sự hỗn loạn, vô phép, coi thường pháp luật, kỷ cương, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng, đây là lỗi hệ thống.
Theo ông Chiến, trước hết, về mặt chính quyền, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đến nơi đến chốn. “Chính quyền địa phương chưa thật sự vào cuộc, còn dấu hiệu buông lỏng, chưa gửi tới người dân những thông điệp về các án phạt nếu coi thường pháp luật, nếu có hành vi sai trái, do vậy, dẫn tới hiện tượng nhờn luật, hiện tượng không sợ luật của một bộ phận người dân” – luật sư Chiến phân tích.
Lý giải ở góc độ tâm lý, luật sư Hằng Nga – Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội – cho rằng, ở xã hội hiện tại, không ít người dân đối mặt với các câu chuyện bức xúc không được giải toả. Có thể, đó là những khó khăn trong cuộc sống, như “cơm áo gạo tiền”, hay, cũng có thể là câu chuyện nuôi dạy con cái, công việc không thuận lợi, hay vô vàn những ức chế, bức xúc khác, nên khi thấy hô hào có người phạm pháp, những người này lao đến để “xả cơn giận” một cách vô cớ.
Ở góc độ khác, luật sư Vi Văn A – Trưởng văn phòng luật sư số 7, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội – đưa giả thiết: “Tôi đang nghĩ nhiều đến thành phần xúi giục. Thông thường, trong đám đông ấy, sẽ có một vài kẻ xấu, cố tình làm ồn ào vấn đề, rồi hô hào, kích động để những người xung quanh bị lây lan cảm xúc, dẫn đến mất kiểm soát hành vi”.
Cuối cùng, luật sư Chiến đánh giá, việc xảy ra hiện tượng đám đông coi thường pháp luật nó có thể là hệ lụy của những bức xúc kéo dài, hoặc bị mặt trái của thông tin tác động: “Tôi nhớ, nạn trộm chó hoành hành ở nhiều địa phương, gây không ít bức xúc cho người dân. Người dân rất yêu quý loài động vật này, nên khi thường xuyên bị bắt trộm, sẽ dẫn đến bực tức, rồi khi bắt được, họ trút cơn giận sau nhiều năm tháng tích tụ. Hay nạn bắt cóc trẻ em cũng vậy, có những thông tin trái chiều, các trang mạng xã hội hay đưa tin kiểu bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng, do vậy, khi chỉ cần hô hoán có người đang thực hiện hành vi này, đám đông sẽ sực nhớ đã đọc thông tin ở đâu đó, rồi dẫn đến mất kiểm soát”.
Trước tình thế này, ông Chiến đưa ra giải pháp, cần chấn chỉnh hệ thống thông tin trên các trang mạng, hoặc cơ quan báo chí chưa thông tin chuẩn xác. Tiếp đó, các hành vi coi thường kỷ cương cần xử lý nghiêm khắc, qua đó, làm gương cho những người khác.
Nguồn Báo Lao động ĐT
Dương Thanh Minh đăng bài