HẢI MIÊN

NSND Hồ Thu trong vở “Khúc ca bi tráng”.

NSND Hồ Thu tâm sự rằng, nếu được chọn lựa lại, chị vẫn theo nghiệp Bài chòi. Bài chòi đã ngấm vào máu chị và chỉ cần có môn nghệ thuật này mới giúp chị thỏa đam mê.

1/ Nhiều nghệ sĩ ở Bình Định tâm sự rằng, Hồ Thu là một hạt giống tốt được gieo trồng trên đất tốt. Ở khía cạnh gia đình, chị được sinh ra trong dòng họ có truyền thống hát Bài chòi. Ông nội chị là nghệ sĩ Hồ Quý – trưởng một đoàn ca kịch từ những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bố chị là nghệ sĩ Hoàng Thu An, nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, cô ruột là một cô đào sành sỏi cả bài chòi và hát bội. Chưa kể, “anh xã” của chị, là NSND Nguyễn Hoài Huệ, hiện là Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, luôn song hành và giúp đỡ chị trong sự nghiệp.

NSND Hồ Thu chia sẻ rằng, thuở còn trong bụng mẹ chị đã được nghe mẹ ru với những câu hát đằm thắm. Rồi lớn lên lại được theo bố đi diễn. Hồ Thu kể: “Tôi nghe và thấm, thấm rồi thì yêu. Năm bảy tuổi tôi đã biết hát những câu đơn giản rồi. Khi ấy bố tôi đã phát hiện giọng hát của tôi có triển vọng. Bố quyết tâm đào tạo tôi. Ngày đó vở “Ba cha con” khiến tôi rất thích”. Năm 1972, hồi chín tuổi, khi đó quê Phù Mỹ của tôi còn chưa được giải phóng. Một tối các chú trong gia đình bảo tôi hát thử. Tôi đã hát say sưa và được hoan nghênh. Năm 15 tuổi thì bố gửi tôi đi học lớp Dân ca kịch Bài chòi của Trường trung cấp Văn hóa Thông tin Bình Định (Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định ngày nay), đó là môi trường giúp tôi thêm hoàn thiện mình”.

2/ Tài năng của chị được chắp cánh, uốn nắn với những người thầy – nghệ sĩ tên tuổi như Kim Việt, Nguyễn Kiểm. Cũng ở môi trường đó, Hồ Thu đã thân với chàng trai Nguyễn Hoài Huệ, bạn cùng lớp có chung đam mê và khát vọng. Học năm thứ hai, nhà trường đã kết hợp với Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định trong việc đào tạo diễn viên. Hồ Thu – Hoài Huệ đã trở thành cặp đôi diễn viên trẻ góp phần làm nên sức sống của đoàn nghệ thuật. “Tôi may mắn, như con cá gặp nước vậy. Tôi được bố và các cô chú nâng đỡ, sắm các nhân vật Xuân Nương trong vở “Lâm Sanh – Xuân Nương”, Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn”… đồng thời là người có duyên trong các vai đào bi như Huyền Trân, Ngọc Du, Ngọc Hân công chúa…”, Hồ Thu tâm sự. Chị sắm được cả vai bi, lẫn vai mạnh mẽ. Vai bi thường là những nhân vật có tính cách tiểu thư, nhẹ nhàng, còn nhân vật có tính cách mạnh là vai nghịch ngợm, ăn chơi.

Năm 1986, hai người bạn học cùng lớp, diễn cùng vở, được nhận về cùng ngày ở Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, quyết định… ở cùng nhà! Họ cưới nhau, là một cặp đôi nghệ sĩ trên sân khấu.

3/ Hồ Thu chia sẻ, nghệ thuật Bài chòi vừa mang tính trình diễn, vừa mang tính thực hành xã hội rất mở. Công chúng cùng một lúc được thưởng ngoạn nhiều thể loại, nhiều thành phần nghệ thuật khác nhau như thơ, trò diễn, trích đoạn sân khấu, dân ca, chuyện kể và cả diễn tấu nhạc cụ. Cái hay riêng là ở chỗ kể chuyện nhưng không giống như lối kể chuyện thông thường mà có động tác, nhạc cụ phụ họa. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sức khỏe, say nghề.

Cuộc sống cũng có lúc khiến chị lâm vào cảnh khó khăn, mức hỗ trợ công tác ít, cuộc sống vất vả, nhất là những năm tháng chị sinh con nhỏ. Nhiều khi cả hai vợ chồng thủ vai chính, mà con lại ốm, sốt, nên đóng vai mà tâm trạng cứ lo ngay ngáy. Có khi tập khớp chương trình phải đưa cả con đi, con khóc thì thay nhau xuống vỗ về… Nhưng vì tình yêu nghề, chị đã vượt qua để sống với nghệ thuật, như chị tâm sự, đó là một sự hy sinh. Còn nhớ, khi ở tuổi 41, chị hóa thân vào một cậu bé trai bụi đời, vô tình tìm lại được mẹ đã lấy được tình cảm và nước mắt của khán giả ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003 tại Đà Nẵng. Chị nhận được Huy chương Vàng cùng sự đánh giá cao của đồng nghiệp. Với những cống hiến của mình, nghệ sĩ Hồ Thu đã lần lượt được phong tặng các danh hiệu NSƯT năm 1997 và NSND năm 2015.

Nối nghiệp tổ, giờ đây chị còn truyền lại kiến thức cho thế hệ nghệ sĩ kế tiếp. Hiện nay chị đang tích cực cộng tác với Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định và Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tham gia giảng dạy các lớp trung cấp, đại học chuyên ngành dân ca kịch Bài chòi. Chị tin rằng, Bài chòi sẽ không bao giờ mất đi, dù văn hóa Việt Nam đang phát triển theo chiều hướng hiện đại hóa với sự du nhập các loại hình văn hóa mới. Nhất là môn nghệ thuật ấy luôn có những người đam mê, thắp lửa và gìn giữ.

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version