Tranh Đông Hồ nói chung và bức tranh Đám cưới chuột nói riêng là di sản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt và vì thế nó còn sống mãi với thời gian.

Từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, cùng với các dòng tranh: Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Huế), Kim Hoàng (Hà Tây), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) như một điểm nhấn tạo nên nét đẹp truyền thống ở vùng quê Kinh Bắc nói riêng và cả khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ nói chung, nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về. Tranh Đông Hồ nói chung và bức tranh Đám cưới chuột nói riêng là di sản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt và vì thế nó còn sống mãi với thời gian.

*

Đôi nét về làng và tranh Đông Hồ

Làng Đông Hồ trước đây có tên gọi nôm là Làng Mái thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Vào những năm cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là thời kỳ phát triển nhất của các làng tranh dân gian, đặc biệt là tranh Đông Hồ. Và làng nghề truyền thống này càng nổi tiếng hơn khi nó đi vào trường ca Bên kia sông Đuống của thi sĩ đa tình xứ Kinh Bắc Bùi Hoàng Cầm trong những năm hòa bình vừa mới lập lại ở miền Bắc nước ta:

Bên kia sông Đuống 
Quê hương ta lúa nếp thơm đồng 
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong 
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, xưa kia, tất cả mọi người trong làng đều làm tranh và họ xem đây là một công việc cao quý. Vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm, cả làng tất bật, hối hả làm tranh chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Thưở ấy, khắp làng rực rỡ sắc màu giấy điệp, bất cứ ở đâu, nếu có thể là người dân đều tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, dọc đường làng, ngõ xóm, trên các triền đê cho đến các mái nhà, mái bếp,… đâu đâu cũng đều có giấy làm tranh. Người dân Đông Hồ xưa làm tranh như là đi trẩy hội tranh thực thụ. Chất hội hè còn in đậm ở mỗi bức tranh, những nét viền mạnh mẽ hòa cùng bố cục cứng cáp, cũng như màu sắc rực rỡ chân quê khiến người xem bị thuyết phục vì tính cộng đồng lộ rõ trên từng chủ đề. Sinh hoạt hàng ngày và những nghi thức mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc và có tính giáo dục cao thường được thể hiện khá rõ trên từng nét vẽ trong các bức tranh Đông Hồ. Chính điều ấy đã làm cho người xem luôn cảm thấy ngỡ ngàng và thú vị về khả năng tạo lập nên một không gian triết lý ảo cho tranh, vừa tài tình, vừa độc đáo, đặc biệt là bức tranh Đám cưới chuột.

So với các dòng tranh dân gian khác, tranh Đông Hồ phổ biến hơn cả không chỉ đối với người Việt Nam chúng ta, mà còn đối với cả du khách quốc tế. Cái đẹp của tranh Đông Hồ trước hết là nét dân dã, mang tính cộng đồng cao, vừa hóm hỉnh, vừa rất thâm thúy, sâu cay. Hình ảnh làng quê miền Bắc Việt Nam dưới bút phám tài tình của các nghệ nhân dân gian Đông Hồ được mô tả rất sinh động trong hầu hết các bức tranh. Cuộc sống thường nhật được đưa vào tranh hết sức tự nhiên, từ Lợn âm dương, Mẹ con gà, Rước trống, cho đến Đám cưới chuột, Ông đồ cóc, Đánh ghenHứng dừa,…

Bên cạnh mảng tranh có tính phê phán những thói hư tật xấu của con người trong xã hội phong kiến Việt Nam trước đây như: Đám cưới chuột, Ông đồ cóc, Đánh ghenHứng dừa,…thì mảng tranh biểu hiện khát vọng no đủ, sung túc của người nông dân như: Lợn âm dương, Mẹ con gà, Rước trống,… đã đem đến cho người xem tiếng cười hả hê tràn đầy hạnh phúc khi ngắm nhìn những con vật, đồ vật tượng trưng cho sự cao thượng, đức chịu thương chịu khó của người nông dân. Chính vì lẽ đó mà trước đây ở khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ hầu như nhà nào vào dịp Tết cổ truyền cũng treo một vài bức tranh Đông Hồ như là một cách để bày tỏ những mong ước của mình sang năm mới gặp được nhiều điều tốt lành hơn với gà, lợn, trâu, bò đầy chuồng, làng trên, xóm dưới ai cũng mặc áo mới, người già trẻ em hớn hở mặt mày, hòa vào những đám rước cờ xúy, kèn, trống đua nhau đi trẩy hội. Những người nông dân xưa kia chân lấm tay bùn, quanh năm suốt tháng không bước ra khỏi lũy tre làng, đón nhận tranh Đông Hồ như một người bạn tri âm, tri kỉ, có thể thấu hiểu và sẻ chia bao nỗi niềm lúc ngọt bùi, khi đắng cay. Tranh Đông Hồ là tấm gương phản chiếu một cách chân thực nhất cảnh đời, tình người ở chốn thôn quê, nhiều khi làm người xem cười ra nước mắt.

Và không gian triết lý ảo

Đã là nghệ thuật, nhất là hội họa, yếu tố hư cấu và tính ước lệ về thời gian, không gian bao giờ cũng là những vũ khí vô cùng lợi hại đối với các nghệ sĩ dân gian khi họ cùng một lúc vừa muốn nói lên những gì gần gũi, thân quen với cuộc sống hàng ngày của bản thân, gia đình, chòm xóm, nơi mình đang sinh sống, nhưng lại vừa muốn bày tỏ những nguyện vọng, khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chủ đề thứ nhất cần một bút pháp càng chân thực càng tốt. Chủ đề thứ hai cần sự bay bổng lãng mạn cho những khám phá, sáng tạo cá nhân. Sự khác biệt cơ bản của dòng tranh Đông Hồ và các dòng tranh khác chính là ở chỗ người nghệ sĩ làng Đồng Hồ đã kết hợp một cách thật sự nhuần nhuyễn và tài tình cả hai chủ đề trên.

Nói chung tranh Đồng Hồ, ngoài bút pháp tả chân ra, chúng đều ít nhiều mang bút pháp kỳ ảo về tính không xác định của dòng chảy thời gian và không gian, mà rõ nét hơn cả là bức tranh Đám cưới chuột. Có thể coi đây là một bức tranh đạt đến đỉnh cao về cả hai yếu tố bút pháp tả chân và bút pháp huyền ảo, cả về nội dung đề tài, sự kết hợp màu sắc, ngôn ngữ hội họa,… khiến cho nó có thể chuyển tải được một cách tốt nhất những triết lý đời sống nhân sinh trong ý tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ dân gian Đông Hồ. Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về sức sống mãnh liệt của bức tranh này. Ngắm thật kỹ bức tranh chúng ta thấy đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Các tầng ý nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật ở đây chỉ xoay quanh chủ đề Đám cưới chuột, nhưng nó vẫn có thể tạo nên sự hút hồn đối với mọi tầng lớp người xem.

Ở tầng ngữ nghĩa thứ nhất, chắc chẳng có nhiều điều để bàn thảo. Bởi lẽ, nghệ thuật dân gian nói riêng và văn hóa dân gian nói chung là tiếng nói của những người lao động. Quan niệm nghệ thuật, đề tài, chủ đề, giọng điệu, ngôn ngữ, màu sắc, âm thanh,… đều là những tiếng nói thật sự gần gũi với đời sống của đại bộ phận quần chúng nhân dân lao động ở các làng quê, thôn dã xưa. Tranh Đông Hồ, ngoài Đám cưới chuột còn có hàng chục bức tranh khác thuộc đề tài nông dân và nông thôn, nhưng nhìn chung đều rất dễ xem, dễ hiểu, còn hiểu đến đâu và hiểu như thế nào lại là một chuyện khác và tùy thuộc vào tâm lý, lứa tuổi, kinh nghiệm, tri thức, địa vị xã hội, năng lực cảm thụ thẩm mỹ… của từng người xem tranh.

Thế nhưng vấn đề cần quan tâm là ở chỗ vì sao Đám cưới chuột lại có thể vượt ra ngoài khuôn khổ của những nhận thức thông thường để trở thành một kiệt tác nghệ thuật dân gian. Nếu không có tầng ngữ nghĩa thứ hai được biểu đạt bằng một bút pháp nghệ thuật vô cùng kỳ diệu và thâm thúy, thì dù bức tranh có mô tả chân thực đến đâu và màu sắc đẹp đến mấy cũng khó có thể chiếm được cảm tình của số đông khán giả đến như vậy và nó có sức cuốn hút vượt thời gian và không gian đến như vậy. Có thể nói Đám cưới chuột đã vượt qua tất cả các rào cản về tâm lý, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, học vấn, địa vị xã hội, biên giới quốc gia,… để đem đến cho người xem trên toàn thế giới một triết lý nhân sinh rất Việt Nam và cũng rất phương Đông.

Nhưng, triết lý nhân sinh đó dường như không hiện hữu trong không gian thực của bức tranh. Nó tồn tại ở một dạng thức khác mà nhiều người thường gọi là không gian ảo trong nghệ thuật hội họa. Không gian ảo ở đây đã được nghệ nhân dân gian Đông Hồ xưa biểu thị bằng một đường ngăn cách theo chiều ngang của  bức tranh. Đường ngăn cách đó đã chia đôi bức tranh thành hai nửa trên, dưới như một sự phân chia rạch ròi, bất khả xâm phạm của xã hội loài chuột, tạo nên sự độc đáo về bố cục của bức tranh làm cho xúc cảm thẩm mỹ và nhận thức của người xem được gợi lên theo một hướng liên tưởng cũng như xúc cảm thẩm mỹ hoàn toàn khác.

Nếu đường ngăn cách đó chia đôi theo chiều thẳng đứng của bức tranh thì chỉ đem đến cho người xem nhận thức về chiều không gian trước và sau, tức là thứ tự trong không gian thực của những đám cưới thông thường mà chúng ta đã bắt gặp ở đâu đấy trong cuộc đời này. Như vậy thứ tự trước sau chưa nói được là bao ý tưởng sáng tạo của người nghệ sĩ. Mấu chốt là thông qua con đường chạy theo chiều ngang bức tranh đã đem đến cho người xem cảm nhận về sự phân chia thứ bậc và đẳng cấp trong xã hội loài chuột, mà ông trùm của xã hội ấy là cụ mèo vằn, kẻ thù không đội trời chung của họ hàng và các quan trưởng lão nhà chuột.

Cần lưu ý rằng chỉ có cụ mèo, các quan lại có chức sắc cỡ chánh tổng, lý trưởng thuộc hạng VIP và chú rể chuột mới được xác định danh tính thông qua những ghi chú bằng chữ Hán ngay trên đầu mỗi nhân vật. Còn đám dân đen tùy tùng mạt hạng làm gì có số má. Cụ mèo vằn phốp pháp, ngồi thu lu chìa tay ra nhận chim bồ câu và cá chép là những món khoái khẩu vào hạng nhất nhì của mèo chỉ xếp sau chuột. Nếu không có những thứ cống vật ấy, chắc chắn cả họ nhà chuột không thể nào mà đi qua được cửa tử ấy, thậm chí còn mất mạng nữa đàng khác. Mèo là đại diện cho tầng lớp thống trị phong kiến, chuyên ăn đút lót hối lộ của thần dân, nên xét về khía cạnh lợi ích và giai tầng xã hội mèo và chuột là kẻ thù không bao giờ đội trời chung. Vì quen ăn nhiều cống vật với những món sơn hào hải vị nên cụ mèo già kia trở nên vàng ươm, béo ngậy. Ra vậy, cống vật trong xã hội loài chuột cũng như là một thứ giấy thông hành cho phép đoàn tùy tùng rước cô dâu đi qua một cách dễ dàng. Cứ có cống vật xứng tầm cụ mèo vằn ắt sẽ cho qua tất thảy mọi chuyện. Đưa chuyện mèo và chuột vào bức tranh để nói lên thực trạng xã hội phong kiến nước ta những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX hết sức tài tình như vậy, có lẽ chỉ có các nghệ nhân dân gian Đông Hồ mới có thể làm được như vậy.

Không biết họ nhà chuột xám xưa kia có thực sự quá thông minh đến như vậy hay đây chính là qui luật muôn đời của trật tự xã hội loài người thời phong kiến Việt Nam mà người nghệ sĩ dân gian Đông Hồ muốn gửi gắm thông điệp thông qua bác tranh dân gian đầy ý vị Đám cưới chuột. Nhưng có lẽ, sự thú vị hơn là nó không chỉ phản ánh những thói hư tật xấu của các quan lại phong kiến xưa, mà dường như nó là một phần tất yếu của xã hội loài người, kể từ khi sức sản xuất của con người đã làm nên lượng của cải vật chất dư thừa, cũng là khi xã hội phân chia giai tầng, đẳng cấp. Và không biết có phải nhờ bút pháp không gian triết lý ảo ấy mà Đám cưới chuột trở thành một kiệt tác của dòng tranh dân gian Đông Hồ và có sức trường tồn đến như vậy không?

Đỗ Ngọc Yên – Vanvn.net

Exit mobile version