Chỉ với mười năm, từ 1950 đến 1960, được Đảng phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại nhiều dấu ấn, kỉ niệm sâu sắc với những người làm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội nói chung và cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan Tổng cục Chính trị nói riêng. Với các văn nghệ sĩ – chiến sĩ, những bài học về công tác văn nghệ, quản lí văn hóa cũng như hình ảnh cùng những kỉ niệm về ông mãi như còn tươi mới. Với họ, ông không chỉ là một Đại tướng, một “đại chính ủy” mà còn là một người anh, người bạn lớn, nguyên tắc đấy nhưng lại rất dễ gần!

Ảnh Internet

Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967) là một danh tướng, cả đời trận mạc. Nhưng ông không chỉ là vị tướng “cầm quân ra trận” mà còn là một nhà chính trị có quan niệm để chiến thắng kẻ thù, luôn luôn phải “người trước, súng sau” như Bác Hồ từng chỉ ra. Và, với ông “văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận”, anh chị em văn nghệ sĩ vừa “là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đồng thời là những đồng chí, là những người bạn của ông. Với bút danh Nguyễn Vịnh, Nguyễn Chí Thanh, Trường Sơn… ông để lại cả ngàn trang viết về nông nghiệp nông thôn, về thi đua yêu nước, về xây dựng Đảng, xây dựng quân đội; đặc biệt là những bài bình luận quân sự, chính trị… rất sắc sảo. Văn phẩm về công tác văn hóa văn nghệ của ông không nhiều, chủ yếu được viết, nói trong thời gian ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Tuy ít ỏi, nhưng những văn phẩm của Đại tướng về nội dung này lại hết sức sinh động, giàu giá trị thực tiễn. Nhiều quan niệm, nhiều chủ trương đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thừa Thiên – Huế giàu truyền thống lịch sử văn hóa, trưởng thành trong khói lửa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong tư cách cán bộ chính trị, lại mang trong mình trái tim lãng mạn, Nguyễn Chí Thanh hiểu rất rõ rằng, để chiến thắng kẻ thù không chỉ nhờ vào súng vào gươm mà còn phải tựa vào văn hóa dân tộc. Tại diễn đàn Đại hội Hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ 2 tổ chức tại thủ đô Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít lâu, ông nói: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, trong thời gian qua, nhân dân và quân đội chúng ta đã làm Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi, cải cách ruộng đất căn bản hoàn thành. Nhân dân và quân đội ta rất tự hào về những thắng lợi vĩ đại ấy. Đó không những là một thắng lợi về chính trị, quân sự, kinh tế mà còn là thắng lợi bước đầu của nền văn học nghệ thuật cách mạng của nước ta”(1).
Luôn luôn tôn vinh văn hóa, coi trọng sức mạnh văn hóa và tri ân những người làm công tác văn hóa nghệ thuật trong chiến tranh cũng như trong công cuộc canh tân đất nước là tư tưởng nhất quán của ông. Cũng tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, Đại tướng nói: “Thay mặt quân đội chúng tôi xin chân thành cảm tạ toàn thể các bạn trong thời gian qua đã cống hiến công lao văn học nghệ thuật của mình phục vụ quân đội giết giặc lập công. Chúng tôi thay mặt quân đội biểu dương thành tích của ngành văn nghệ quân đội và hoan nghênh các văn nghệ sĩ, các đồng chí công tác văn nghệ trong quân đội, hiện đang tại ngũ hoặc đã phục viên chuyển ngành, đã phát huy được bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng của chúng ta.
Xin thay mặt toàn thể cán bộ chiến sĩ trong quân đội kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn của anh chị em văn nghệ sĩ vì công tác văn nghệ thời gian qua đã hi sinh anh dũng vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì quân đội”(2).
Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đến việc củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội nói chung và với văn hóa văn nghệ và văn nghệ sĩ nói riêng. Ông đặc biệt quan tâm tới việc chỉ đạo và xác lập chế độ đảng ủy để làm hạt nhân lãnh đạo thống nhất trong quân đội; định rõ chế độ thủ trưởng phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể và thống nhất của đảng ủy. Trong bài viết Quân đội ta là Quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo đăng trên tạp chí Học tập (1959), ông viết: “Đảng là người tổ chức lãnh đạo và giáo dục quân đội ta… Do nắm vững quan điểm cơ bản đó mà chúng ta chủ trương Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh chống tất cả những khuynh hướng cho quân đội là phi Đảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”. Ông nhiều lần khẳng định, nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất giúp cho quân đội ta giành được những thắng lợi vẻ vang trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành là được Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo; quân đội ta luôn tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, luôn đề cao và phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong quân đội, trong đó có các đảng bộ của các cơ quan văn hóa – văn nghệ, văn công, báo chí của Tổng cục Chính trị.
Trong một lần nói chuyện với những cộng tác viên, những bạn viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đại tướng khẳng định: sự lãnh đạo của Đảng với văn nghệ nói chung và với phong trào sáng tác trong bộ đội nói riêng mang tính chất “sống còn”, trọng yếu. Ông nói: “Qua phong trào viết văn năm 1959 chúng ta thấy rõ mấy điểm sau đây: một là, do đường lối của Đảng đúng đắn nên chúng ta mới thành công. Cho nên chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên quyết đấu tranh để giữ vững và quán triệt sâu sắc hơn nữa đường lối của Đảng. Đó là điểm rất trọng yếu trong công tác văn nghệ của chúng ta. Cán bộ ta nắm vững đường lối của Đảng nói chung là được nhưng chưa thật kiên định, chưa thật sâu sắc, thậm chí ở một đôi nơi chưa thật nắm vững, hay ngoài mặt thì nói là nắm vững nhưng trong thực tế tư tưởng thì chưa thông”(3).
Ông cho rằng, sáng tạo văn học, làm công tác văn hóa văn nghệ trong lực lượng vũ trang cũng là làm công tác Đảng, công tác chính trị và nói rõ nhà văn mặc áo lính, nhà văn trong bộ đội là cán bộ chính trị, cũng như cán bộ chính trị. Ông nói: “Người viết văn cũng như người cán bộ chính trị, khi thấy cái gì tiên tiến nhất phải tập trung ủng hộ thật mạnh, thật nhiệt tình. Cái đó phải thể hiện trong sáng tác… Tôi đã đọc nhiều bài văn, bài thơ của những anh em cũ, mới, có cả những bài của các anh em chưa tên tuổi gì nhưng văn viết rất hay. Trong những bài đó có những ý tứ, những câu rất khá, khá về nội dung tư tưởng, khá cả về mặt nghệ thuật. Anh em mới được phát động lên thì cách viết chưa được thuần thục nhưng về tư tưởng phần đông là lành mạnh. Anh em có thực tế sống. Nhưng chúng ta không thể thỏa mãn được. Về tư tưởng chưa phải là đã đầy đủ, về vốn sống cũng chưa phải đầy đủ, nghệ thuật thì đang còn non trẻ”(4).
Đại tướng không chỉ quan tâm tới tư tưởng, sáng tác của các văn nghệ sĩ mà ông còn “để mắt” tới cả lễ tiết, tác phong của các văn nghệ sĩ thuộc quyền. Nhà thơ Thanh Tịnh nhớ lại Tết năm 1957 khi đến chúc mừng năm mới các tướng “đồng hương Bình- Trị – Thiên” (Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Chưởng) và được các thủ trưởng “quyết” cho dời trụ sở Văn nghệ Quân đội từ trong thành (Bộ Quốc phòng) ra nhà số 4 phố Lý Nam Đế:
“Theo phong tục cổ truyền, sáng mồng một Tết năm 1957, tôi đến chúc tết gia đình anh Nguyễn Chí Thanh. Ngày ấy anh ở bên cạnh đền Quán Thánh, gần hồ Trúc Bạch. Tôi đến thì trong nhà đang có khách. Tôi ngập ngừng chưa dám vào. Tôi đến vì đã quen biết từ lúc anh phụ trách tờ Nhành lúa năm 1936 ở Huế. Chứ sự thật thì một đại úy như tôi cũng khó được gần một đại tướng. Thấy bóng tôi thấp thoáng ở bên ngoài phòng khách anh Nguyễn Chí Thanh liền bước ra. Thấy tôi, anh niềm nở nói: “Anh cứ vào, trong nhà toàn đồng đội, đồng hương cả chứ có ai lạ đâu”.
Tôi bước vào thì thấy anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và anh Lê Chưởng. Tôi chào và chúc tết. Hai anh đứng dậy bắt tay vui vẻ chúc lại. Nhân có tôi, anh Lê Chưởng tự nhiên nói: “Sang năm tờ Văn nghệ Quân đội sẽ ra công khai, phát hành rộng rãi…”. Anh Nguyễn Chí Thanh hỏi: “Thế đã tìm cho anh em trụ sở để đặt tòa soạn chưa?”. Anh Lê Chưởng suy nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ tìm một nơi trước Cửa Đông”.
Anh Nguyễn Chí Thanh đứng dậy xem bản đồ Hà Nội treo tường rồi nói: “Phố Cửa Đông xem ra còn nhiều nhà buôn bán, tòa soạn đặt ở đây không tiện, thế ngôi nhà mái cong làm theo kiểu đình chùa đầu đường Lý Nam Đế cạnh báo Quân đội nhân dân hiện nay ai ở?”. Anh Lê Chưởng trả lời ngay: “Nhà này chia nhiều phòng như khách sạn, hiện nay là nơi ở của thủ trưởng”. Anh Nguyễn Chí Thanh nhìn anh Lê Chưởng rồi nói: “Anh và anh Võ Hồng Cương cũng ở trong nhà này phải không? Thế thì nên nhường cho anh em, vì tạp chí đã ra công khai thì tòa soạn phải tiếp xúc với nhiều nơi, nhiều người, bạn đọc, bạn viết trong nước và ngoài nước”. Anh Lê Chưởng đáp gọn: “Thưa vâng!”. Anh Văn nãy giờ ngồi yên liền nói: “Tòa soạn Văn nghệ Quân đội đặt ở đó rất hợp, tại đây sẽ thành khu văn hóa văn nghệ của toàn quân vì các cơ quan báo chí, văn học, điện ảnh, xuất bản, thư viện quân đội đều ở gần bên nhau”.
Anh Nguyễn Chí Thanh nhìn tôi nói thêm: “Lúc ra ở riêng nhớ nhắc anh em trong lúc nói, viết và làm, đều luôn nhớ mình là bộ đội!”. Mỉm cười anh nói tiếp: “Nhớ mình là bộ đội không phải chỉ nhớ mặc quân phục và đeo quân hàm mà nhớ mình là bộ đội Cụ Hồ, vì nhân dân quên mình… Trước bất cứ khó khăn trở ngại nào cũng phải chiến đấu, chiến thắng nhất là chiến thắng bản thân!”(5).
Khi hạ bút kết thúc bài viết nhỏ về một nhân cách lớn Nguyễn Chí Thanh này, trong tôi cứ hiện lên từng dòng, từng dòng trong bài tường thuật của phóng viên Bàng Sĩ Nguyên trên báo Văn nghệ số 162, tháng 3 năm 1957 có tiêu đề Bắc Nam một nước văn nghệ một nhà với hình ảnh thủ trưởng Tổng cục Chính trị của chúng tôi: “Ngày 23 – 2 Đại hội lại họp chung nghe nhiều bản tham luận. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong bộ quần áo quân phục cứng cáp với lời nói gọn gàng và ấm áp thay mặt quân đội, đồng chí phát biểu ý kiến mong các văn nghệ sĩ tham gia cuộc vận động sáng tác về những đề tài trong quân đội, và tuyên bố mở rộng cổng thành Hà Nội và cổng các doanh trại đón những văn nghệ sĩ nào muốn tìm viết cho quân đội. Đại hội vỗ tay dài hưởng ứng lời đồng chí…”. Thật giản dị, thật thiết thực và cũng cảm động biết bao!

N.V.B

———-
1, 2. Báo Văn nghệ số 162 từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 3 năm 1957.
3, 4. Đẩy mạnh phong trào viết văn trong quân đội chúng ta, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 6 năm 1960.
5. Thanh Tịnh, Những dòng kỉ niệm thân thương, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 1 năm 1987.

Nguồn VNQD

Exit mobile version