Hải Miên

Đọc sách tại thư viện làng Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội).

Trong khi còn nhiều người chưa quan tâm đến sự đọc thì chính các thư viện làng quê, tủ sách dòng họ đang “kéo” nhiều người đến với sách hơn. Nhiều tấm gương tâm huyết đã lan tỏa giá trị của tri thức vào đời sống hiện đại.

Yêu chữ nên làm thư viện

Đến nhiều ngôi làng ở Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở đó, những người dân giàu tâm huyết đã tích cực xây dựng các thư viện. Có thể kể đến thư viện làng Bình Vọng, thư viện làng Văn Hội thuộc xã Văn Bình (huyện Thường Tín), thư viện làng Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), thư viện xã Yên Sở, thư viện xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức)… Ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…, nhiều thư viện do cá nhân hoặc nhóm cá nhân, đoàn thanh niên xã thành lập cũng đã nhiều năm phục vụ bạn đọc, nâng cao dân trí, khơi gợi tinh thần hiếu học.

Yêu sách, quý trọng sự học, anh Phùng Bá Hưng, người đồng sáng lập thư viện Dương Liễu, chia sẻ: Tôi và anh Nguyễn Bá Dương thành lập thư viện từ tháng 9/2013. Nhờ các bạn bè tâm huyết, sự ủng hộ của thôn, xã nên đến nay thư viện đã có nhiều hoạt động và sự phát triển. Thư viện Dương Liễu mở cửa cả ngày thứ bảy, chủ nhật và tối thứ ba, thứ năm hằng tuần. Trung bình mỗi buổi phục vụ 40 – 50 bạn đọc. Hiện, thư viện có khoảng 7.000 đầu sách, không chỉ phục vụ cho xã Dương Liễu mà cả dân ở các xã lân cận.

Xã Yên Sở là vùng quê hiếu học, đặc biệt còn giữ được nhiều di tích, giếng cổ. Người dân cũng tích cực xây dựng nông thôn mới, phát triển phong trào khuyến học. Đặc biệt, mấy năm qua thư viện Yên Sở do Đoàn thanh niên xã phụ trách là điểm đến quen thuộc của người dân trong xã. Thư viện có trụ sở được đặt ngay tại nhà văn hóa xã nên khá thuận tiện cho người dân trong xã đến đọc sách. Ông Nguyễn Minh Hồng, một người dân ở đây phấn khởi cho biết: Vì yêu chữ, nên xã và các tình nguyện viên đã tích cực tìm kiếm các nguồn lực xã hội hóa để có nguồn sách phục vụ nhân dân. Đặc biệt là những người phụ trách trông nom, trực cho mượn sách.

Xã Văn Bình (Thường Tín) là đất học. Song, người khởi xướng tình yêu sách báo ở thời hiện đại là cụ Dương Văn Phi. Từ năm 1999, cụ Phi đã xây dựng tủ sách, đặt tại đình Bình Vọng để “mời” người dân đến đọc sách. Không ít người thắc mắc, cụ Phi bảo: “Tôi mong ước mang văn hóa đọc về xã, giúp bà con ta mở mang thêm kiến thức”. Cụ đã vận động nhiều người cùng đọc, cùng gom sách để làm giàu thêm kho tàng tri thức của làng. “Đội tuyên truyền” cũng mau chóng hình thành, các thành viên đến từng nhà gặp gỡ, kêu gọi đóng góp và nói về lợi ích của việc xây dựng thư viện làng. Chỉ hai năm sau, thư viện Bình Vọng hình thành với hàng nghìn đầu sách. Không ít thư viện trong khu vực đã đưa sách về Bình Vọng theo chương trình “luân chuyển”, giúp một đầu sách đến được nhiều thư viện hơn, nhiều người được đọc hơn.

Chục năm nay, thư viện đã có cơ sở khang trang trong một không gian đẹp, bên cạnh hồ nước, cầu chùa và rất nhiều muỗm cổ thụ. Bà Dương Thị Lộ-Phó Chủ nhiệm thư viện, chia sẻ: “Mô hình thư viện của chúng tôi đã lan tỏa đến một số làng chung quanh, nhiều nơi khác đã đến học tập. Người dân chúng tôi tự hào vì có một kho tri thức và nhờ thế, tinh thần học tập cũng được nâng cao rất nhiều. Hằng năm nhiều em đỗ vào các trường đại học do ông bà, cha mẹ dạy cho tình yêu với sách vở và thích đọc sách”.

Sáng dạ hơn nhờ chăm đọc sách

Thành lập từ năm 1961, thư viện làng Trang Liệt, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) luôn đông đúc bạn đọc và được phục vụ miễn phí. Từ em học sinh đến các bậc cao niên, đều được truyền lửa tình yêu sách báo và ham học hỏi. Các lão nông cho biết, người Trang Liệt không chỉ cần cù chịu khó trong lao động, mà còn chăm chỉ đọc sách, học sinh trong thôn cũng vừa chịu khó học, vừa yêu sách. “Sách làm cho chúng em sáng dạ, giúp chúng em học tốt hơn, yêu quê hơn và bồi bổ được nhiều kiến thức. Vì thế mà chúng em vẫn bảo các bạn là phải chăm đến thư viện hơn”, em Lê Thị Duyên, học sinh lớp 8 thường đến đọc sách cho biết.

Cũng nhận thấy sự khuyết thiếu trong văn hóa đọc và hơn thế là sự nhìn nhận về tầm quan trọng trong tương lai của sách đối với trẻ em, năm 2010, người dân thôn Chi Hồ, xã Tân Chi (Tiên Du, Bắc Ninh) đã thành lập lại thư viện. Ông Phạm Chí Đãng, Chủ nhiệm thư viện cũng là người vô cùng yêu quý sách tâm sự: “Cách đây nhiều năm, tại nhà văn hóa thôn từng có tủ sách phục vụ nhân dân. Vì điều kiện khó khăn nên phòng đọc đóng cửa. Việc mở lại thư viện là sự mong mỏi nâng cao tri thức, tiếp cận kho văn hóa của người dân, giảm thiểu tiêu cực từ việc trẻ em mê các trò chơi game, bỏ học”. Hiện thư viện có hơn 4.000 đầu sách, báo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế nhưng, việc thành lập thư viện sách không chỉ là ý tưởng của các nhà giáo về hưu, các bậc cao niên của những thôn làng, mà còn là sự hăng hái, đón nhận của người trẻ, học sinh. Bởi thế, thư viện thôn Chi Hồ đã được sự hưởng ứng, ủng hộ của không chỉ những người được coi là rỗi việc, mà chính những người dân vốn đầu tắt mặt tối ngoài đồng ruộng cũng tranh thủ thời gian mượn sách về đọc.

Vì lẽ đó mà thư viện có khá nhiều bạn đọc thường xuyên là những người ở độ tuổi 25 đến 40, đang phải dành nhiều thời gian mưu sinh. Rất nhiều người không có việc gì làm, thì nay, nhờ đọc sách đã học được cách trồng cây cảnh, trồng nấm, làm vườn, phát triển kinh tế gia đình, dạy cho con cái điều hay lẽ phải. Chị Hà Thu Thủy, người dân trên địa bàn cho hay: “Nếu đọc thường xuyên thì sẽ tạo dựng được thói quen ham đọc. Gia đình nào bố mẹ yêu quý sách thì cũng lan tỏa sang con cái”.

Hiện nay, Bắc Ninh có hơn 10 thư viện thôn, làng. Điều đáng mừng là một số dòng họ đã thành lập được tủ sách dòng họ. Nhà Kiều học Nguyễn Quốc Bảo bộc bạch, chính tính định hướng sẽ góp phần tạo nên hiệu quả của phong trào đọc sách và từ những hạt nhân nhỏ sẽ tạo ra sự kích ứng của cộng đồng.

Theo báo Thời Nay

Luật Thư viện đã cụ thể hóa trong việc tạo cơ chế khuyến khích tư nhân xây dựng thư viện, phát triển văn hóa đọc. Đầu năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn 761/BVHTTDL-TV gửi các cơ quan chức năng về việc khuyến khích hoạt động thư viện tư nhân.
Exit mobile version