Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng-Từ lúc cất tiếng khóc chào đời tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), đến nay đã tròn 140 năm (1/10/1876 – 1/10/2016); nhưng mỗi lần nhớ đến quyền Chủ tịch nước Cụ Huỳnh Thúc Kháng chúng ta không khỏi xúc động về một con người đã cống hiến trọn đời mình cho dân cho nước.

Bác Hồ và Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Ảnh: Internet

Còn nhớ vào đầu thế kỷ XX, Cụ Huỳnh sau khi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904), lúc chỉ mới 28 tuổi, mặc dù học giỏi đỗ cao, danh tiếng lừng lẫy nhưng đã không ra làm quan với triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Trước cảnh đất nước nghèo khổ lầm than dưới ách bọn thực dân đế quốc, Cụ cùng các sĩ phu yêu nước khác phát động phong trào Duy Tân để mở mang dân trí, tăng cường sức mạnh cho đất nước. Cuộc vận động này xuất phát từ Quảng Nam năm 1905 rồi lan nhanh ra các tỉnh Trung Kỳ và sau đó phát triển đến các tỉnh Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Do ảnh hưởng ngày càng lớn của phòng trào, năm 1908 Cụ bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Đến năm 1921 khi ra tù, Cụ về làm chủ bút báo Tiếng Dân và Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ.


Sau Cách mạng tháng Tám, Cụ tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng bộ Nội vụ, quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch hội Liên Việt. Dù ở cương vị nào con người của Cụ cũng luôn toát lên một nhân cách “giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả cuộc đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu; cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…1

Là một người ngay thẳng, chỉ biết nói điều hay lẽ phải, bởi thế ngay trong số đầu ra mắt báo Tiếng Dân ngày 10/8/1927, Cụ Huỳnh từng công khai tuyên bố: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói thì ít ra giữ những quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”2. Chỉ cần một tuyên ngôn đó cũng đủ để thấy nhân cách con người Huỳnh Thúc Kháng.


Phải nói rằng, bên cạnh những đóng góp trong hoạt động của phong trào Duy Tân, hoạt động dân biểu, hoạt động trên lĩnh vực báo chí, Cụ còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu. Một trong những đóng góp của Cụ đối với đất nước là những bài chuyên luận bàn về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Những bài viết của Cụ được đăng tải trên tờ Tiếng Dân mà Cụ là chủ bút. Đó không phải là những lời tuyên bố sáo rỗng, vô căn cứ, trái lại, Cụ đặc biệt chú ý đến các luận cứ khoa học để chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của đất nước ta.3

Từ giữa những năm 1938 trở đi, việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) giữa Pháp và Nhật hết sức gay gắt. Tháng 3/1939, Nhật chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam đặt dưới quyền cai trị của Pháp. Từ ngày 12/7/1938, Tiếng Dân bắt đầu đăng một loạt bài về quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) như: “Quần đảo Tây Sa (Paracels) với Pháp” (Tiếng Dân, số 1280), “Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng” (Tiếng Dân, số 1281), “Việc Paracels (Tây Sa), Pháp chính thức nhận chủ quyền đảo ấy (Tiếng Dân, số 1282). Đặc biệt, Tiếng Dân còn có một bài nghiên cứu, bình luận dài, viết rất công phu và có giá trị: Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ Biên Tạp Lục” (Tiếng Dân, số 1284, 23/7/1938) do Sử Bình Tử tức Huỳnh Thúc Kháng viết. Trong bài báo này Cụ đề cập đến việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa đã trở nên nghiêm trọng: “Như trong bài báo Tiếng Dân số trước đã nói, đảo Tây Sa là mấy hòn đảo con con làm nơi trú cho loài chim biển ở ngoài biển khơi, không ai cần để ý đến, mà nhân cuộc Trung Nhật chiến tranh trở nên một vấn đề nghiêm trọng trên trường quốc tế, rõ là một điều không ngờ4. Và Cụ khẳng định: “Theo các báo cáo ta gần đây sưu tập các tài liệu về đảo Tây Sa để chứng minh thì đảo ấy là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy…”.5

Cụ đã liệt kê các tài liệu phong phú: Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam Nhất Thống Chí cả bản trước và bản của Cao Xuân Dục soạn lại, Triều Chính Yếu Thực Lục của hai triều Gia Long – Minh Mạng, Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú hoặc Cống Hạ Ký Văn của Dương Quốc Dung, Mán Hình Thi Thoại Đông Hành Thi Thuyết của Lý Văn Thức, Biển Sử Cương Giám của Nguyễn Thông… trong đó đều đề cập đến Hoàng Sa và chủ quyền của nước ta từ thời bấy giờ. Trong số đó Cụ Huỳnh nhấn mạnh giá trị của Phủ Biên Tạp Lục bởi sự khẳng định chuẩn xác các yếu tố hành chính, địa lý, kinh tế, quân sự của một nhà khoa học uyên thâm. Qua bài báo “Dấu tích đảo Tây Sa (Parasels) trong lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ Biên Tạp Lục, trước hết Cụ Huỳnh nhấn mạnh vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cần phải dựa vào các tài liệu chữ Hán làm minh chứng: “…chúng ta lại phát kiến một điều không ngờ nữa là một mớ sách chữ Hán của tiền nhân ta lâu nay đã bỏ xó, lề hư bìa nát, phần đông nhất là bạn thanh niên, cho đó là một thứ học mượn, thứ chữ chết, không cần đếm xỉa đến, nay nhân vấn đề đảo Tây Sa, trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít”.

Từ đó Cụ dựa vào các tài liệu cổ sử để chứng minh đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của nước ta, cụ thể:

1. Trước hết Cụ dựa vào tài liệu Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối đời Lê để viết: “… nơi phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, làng An Bình gần biển, ngoài biển có nhiều hòn đảo, trong đó có đảo Hoàng Sa dài ước 30 dặm. Rồi kể vật sản: yến sào, chim biển, ốc taive, xà cừ, đồi mồi, hải sâm… Sử chép truyện Chúa Nguyễn có đặt đội Hoàng Sa 70 suất thay phiên ra đảo lấy hải vật, đi ba ngày đêm đến đảo, mỗi năm tháng 3 đi, tháng 8 về; lại có chép sao biên bản của Thuyên Đức Hậu là cai quản đội Hoàng Sa ấy, kể rõ mỗi năm nhặt được thiếc mấy cân, vàng mấy hốt, đồi mồi, yến sào mấy cân, lại có khi nhặt được đồng khí, súng tiền… (những thứ có lẽ là đồ vật của những chiếc tàu chìm đây đó). Đến giá trị nhất là tờ công văn của Quan Chánh Đường quan huyện Văn Xương, phủ Huỳnh Châu (Trung Hoa) gởi sang Chúa Nguyễn ở Thuận Hóa khi hộ tống hai tên trong đội Hoàng Sa bị phiêu bạt sang đây; trong “Thuận Hóa” công văn có chép: “Năm Càn Long thứ 19 (1754, triều Hiến Võ năm thứ 17) tên quân đội Cát Vàng, người làng An Bình, huyện Chương Mỹ, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam, ngày tháng 7 đi ra Vạn Lý Trường Sa tìm nhặt các hải vật, tám tên lên bờ tìm nhặt để hai tên lại giữ thuyền, rủi bị trận bão, đứt dây neo, thuyền trôi dạt vào bãi biển Tàu, viên huyện Văn Xương cho thuyền về xứ, chúa truyền Nguyễn Thuận Hóa cai bạ Thức Lượng Hầu làm thư phúc đáp. Đọc đoạn đại lược chép trên, thấy công trước tác của cụ Lê Quý Đôn thật không phụ cái tiếng “tài cao học rộng” và sách Phủ Biên Tạp Lục giá trị đáng quý là dường nào! (Bản này không chỉ kể chuyện trên, nào việc Xiêm La, Chân Lạp… cho đến làng xã, thuế khóa, vật sản, đường thủy, đường lục, cầu trạm, quán xá đều có chép). Trong nước có bản sách quý hóa như vậy mà chỉ có bản chép bằng tay, tam sao thất bản, rồi gác vào xó kín, không đem ấn hành và công bố sách độc, sách dạy; đến ngày nay nhân dịp có việc mới nhắc đến, để mong góp chút ánh sáng nhỏ nhoi truyền đến người đọc. Như thế trách nào dân không ngu. Rõ thẹn với hai chữ “văn hiến” biết bao”.

2. Dựa theo Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú, Cụ viết: “Cống Hạ Ký Văn của cụ Dương Quốc Dung dưới mục Phong Vực có nhắc đến… ngoài phần biển Quảng Ngãi có đảo Hoàng Sa từ cửa biển Sa Kỳ đi hướng đông, ba ngày đêm thì đến nơi, cồn cát nơi đứt nơi nối, vài mươi dăm không sao kể hết, dấu người ít đến”.

3. Cụ dựa vào Mán Hình Thi Thoại Đông Hành Thi Thuyết của cụ Lý Văn Thức ghi lại trong những chuyến đi Trung Quốc và Lucon (Philippines): Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) cụ đi Phúc Kiến có chép: “Thuyền đi về bến hữu, nơi gọi là “Vạn Lý Thạch Đường” đều là cát vàng (Hoàng Sa) cũng gọi là “Vạn Lý Trường Sa”; Cụ có bài thi có câu: Vạn Lý Trường Sa bí tuyệt hiểm Thất châu cuồng lăng nhạ oan hào. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) cụ lại đi Lữ Tống (Lucon) đảo Phi Luật Tân hồi đó thuộc Tây Ban Nha. Thuyền từ Quảng Ngãi đi theo hướng đông, bị gió lạc vào vùng Vạn Lý Trường Sa cụ có bài dẫn nói: Một chòm đảo cát nổi lên giữa biển, phía Tây là biển Quảng Ngãi phía Bắc tiếp biển Quảng Đông, Phúc Kiến, phía đông tiếp biển Lữ Tống, phía Nam thì kéo dài… là một nơi tuyệt hiểm có thuyền bè.

4. Tiếp đến Cụ dẫn Đại Nam Nhất Thống Chí cả bản trước và bản của cụ Cao Xuân Dục mới soạn lại và Bản Triều Chính Yếu Thực Lục cả tiền triều và triều Minh Mạng, Bản Biển Sử Cương Giám của Nguyễn Thông để minh chứng: Đảo Tây Sa là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy…

5. Cuối cùng Cụ kết luận, vấn đề “quốc tịch đảo Tây Sa” này, nếu trên sân khấu quốc tế, nhận chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phân thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta. Quyền ngoại giao ta ngày nay đã phó thác cho nước Pháp, quyền này đã có nước Bảo Hộ đối phó. Ký giả viết bài này cốt có hai điều cảm khái:

– Triều Nguyễn ta từ đời Minh Mạng về trước rất lưu tâm mặt quốc phòng, không chỉ về mặt biên giới lục địa như Xiêm La, Cao Miên, săn sóc mở mang, mà về đường hải phận thường có thuyền quan phải đi khảo sát và giao thiệp với các xứ ngoài (đời ấy gọi là Dương Đình Hiệu Lực).

– Những sách tiền nhân ta viết bằng chữ Hán, trong đó có nhiều sách giá trị quý báu, có quan hệ đến quốc gia và xã hội rất đáng biểu dương, không phải đáng mạt sát hết như phần đông các thiếu niên đã tưởng lầm. Nhân vấn đề đảo Tây Sa này, may ra những sách có giá trị trong kho Hán học bỏ xó kia, có một vài thứ đã chết sẽ sống lại chăng?6

Như vậy, theo Cụ Huỳnh Thúc Kháng, về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cần phải chú ý đến các yếu tố sau đây:

1. Vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa đã diễn ra từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX.

2. Quốc gia nào có đầy đủ các bằng chứng, cứ liệu sớm về phân thư, chúc thư, luật điền thổ – lập nghiệp của tiền nhân để lại, cũng như các thư tịch cổ khẳng định chủ quyền của quần đảo này thì quốc gia đó có luận cứ khoa học khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về mình.

3. Cần sử dụng các tư liệu Hán Nôm, các tài liệu thuộc về thư tịch cổ để tìm cơ sở khoa học cho chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam đã từ lâu.

4. Cần chú ý nghiên cứu triều Nguyễn về vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đặc biệt là biên giới biển đảo.

5. Trong tất cả các tài liệu cổ, tác phẩm Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn là tài liệu có giá trị nhất về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đối với Việt Nam.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã qua đời cách đây gần 70 năm (21/04/1947) nhưng những trăn trở, suy nghĩ, những lời răn dạy của Cụ về đất nước, về chủ quyền biển đảo vẫn còn nguyên giá trị lịch sử của nó. Nhớ về Cụ, chúng ta không chỉ nhớ về một con người có nhân cách trong sáng, ngay thẳng, trung thực, “không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm giàu sang” chỉ “phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”; nhắc lại những bút tích của cụ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, ta lại càng thấm thía hơn đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của Cụ đối với dân tộc và đất nước.

Nguyễn Văn Mạnh – (Nguồn: Tạp chí Sông Hương11-2016)

—————–
1. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Cụ Huỳnh Thúc Kháng khi Cụ qua đời, ngày 21/4/1947; dẫn theo Trương Điện Thắng (2009),Huỳnh Thúc Kháng và bài báo khẳng định chủ quyền Hoàng sa, http: biendaovietnam.com/2009/12/21.
2. Dẫn theo Trương Điện Thắng(2009), Bđd
3. Quần đảo Hoàng Sa nằm ở giữa kinh tuyến 111-118 độ Đông và vĩ tuyến 14.45 – 17.15 độ Bắc cách cửa biển Đà Nẵng 350 km đường biển. Quần đảo Hoàng Sa là 1 huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng; quần đảo gồm 2 nhóm đảo: nhóm Bắc gồm đảo Cây (Cù Mộc), đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Côn Nam, đảo Hòn Đá, đảo Linh Côn, đảo Phú Lâm; nhóm Tây gồm đảo Hoàng Sa, đảo Duy Mộng, đảo Quang Ánh, đảo Quang Hòa, đảo Bách Quy, đảo Trì Tôn.
4. Nguyễn Thành (1992), Lịch sử báo Tiếng Dân, tr.200.
5. Nguyễn Thành (1992), Sđd, tr.201.
6. Những bút tích trên đều dẫn từ Huỳnh Thúc Kháng (1938), Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản “Phủ Biên Tạp Lục” Tiếng Dân, số 1284 ngày 23/7/1938.

Theo Vanvn.net

Exit mobile version