Những bức ảnh này là những lát cắt thú vị kể về lịch sử thế giới ở nhiều lĩnh vực đa dạng. Đằng sau mỗi khoảnh khắc “đóng băng” là một câu chuyện thú vị ít biết.
Bức “Đôi giày mới” do nhiếp ảnh gia Gerald Waller chụp năm 1946 cho tạp chí Life (Mỹ), ghi lại hình ảnh cậu bé 6 tuổi người Áo có tên Werfel, cậu bé sống trong một trại trẻ mồ côi ở Áo, khi được Hội Chữ thập đỏ Mỹ trao tặng phần quà là một đôi giày mới, biểu cảm của cậu bé đã khiến nhiếp ảnh gia bị ấn tượng mạnh.
Bức ảnh phơi sáng được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Dickenson Alley làm việc cho tờ tạp chí Century (Mỹ). Bức ảnh chụp nhà phát minh người Mỹ Nikola Tesla đang ngồi trong phòng thí nghiệm, bên cạnh là một máy phát điện. Tesla được biết đến với nhiều đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực điện hồi cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.
Cô gái da màu có tên Dorothy Counts được biết tới trong lịch sử Mỹ là cô gái da màu đầu tiên đi học tại một ngôi trường trước đó chỉ tiếp nhận học sinh da trắng. Đó là một trường trung học nằm ở thành phố Charlotte, bang North Carolina, Mỹ.
Tại thời điểm năm 1957, trường hợp đặc biệt của Dorothy Counts là một sự kiện gây chấn động dư luận xã hội Mỹ bởi thời này vẫn còn phân biệt chủng tộc nặng nề. Bức ảnh trên đây do nhiếp ảnh gia Don Sturkey thực hiện, ghi lại cảnh Dorothy bị trêu chọc bởi những nam sinh da trắng.
Hai ngôi mộ của hai người yêu nhau nhưng vì sự khác biệt tôn giáo mà không thể chôn cất cạnh nhau. Ảnh chụp ở thành phố Roermond, Hà Lan năm 1888. Người vợ (bà J.C.P.H van Aefferden) theo Công giáo, người chồng (ông J.W.C van Gorcum) theo đạo Tin lành.
Khi người chồng qua đời năm 1880, ngôi mộ của ông nằm trong một khoảnh đất dành riêng cho các tín đồ theo đạo Tin lành. Năm 1888, khi người vợ qua đời, bà đã trăng trối lại, yêu cầu được chôn cất ngay bên ngoài khoảnh đất mà người ta đã chôn cất chồng bà và yêu cầu thực hiện hai cánh tay nắm lấy nhau từ hai ngôi mộ.
Bức ảnh trên đây đã cho thấy ý chí mạnh mẽ của hai con người yêu nhau, bất chấp những rào cản, hạn chế của xã hội đương thời, ngay cả khi họ đã nằm xuống, tình yêu của họ vẫn khiến người đời sau cảm phục. Cho tới giờ, hai ngôi mộ này vẫn còn ở tình trạng lý tưởng, được chăm sóc thường xuyên và là một điểm đến nổi tiếng đối với du khách ghé qua Roermond.
Khoảnh khắc những tù nhân Do Thái được trả tự do khi Đức Quốc xã đầu hàng hồi năm 1945. Bức ảnh này được chụp bởi một thiếu tá người Mỹ có tên Clarence L. Benjamin. Thứ 6 ngày 13/4/1945, những chuyến tàu chở các tù nhân Do Thái rời khỏi một trại tập trung đi tới địa điểm mới. Khi đi ngang qua thành phố Magdeburg, Đức, tàu dừng lại.
Những con người khốn khổ có mặt trên chuyến tàu tử thần bất ngờ được biết rằng chiến tranh đã kết thúc, quân đội Đức Quốc xã đã thất bại, người Do Thái được tự do, không còn phải tới bất cứ trại tập trung nào nữa. Lần lượt từng nhóm người từ các toa tàu bước ra để hít thở bầu không khí tự do quá đỗi mới lạ đối với họ.
Bức ảnh chụp một người đàn ông duy nhất không thực hiện động tác chào theo kiểu Đức Quốc xã. Bức ảnh được chụp năm 1936 và từng xuất hiện trên tờ tuần báo Die Zeit của thành phố Hamburg (Đức). Bức ảnh chụp những công nhân làm việc tại một xưởng đóng tàu ở Hamburg đang có mặt tại lễ hạ thủy một tàu hải quân của Đức Quốc xã.
Trong khi đa phần mọi người đều giơ tay chào theo kiểu Đức Quốc xã thì có duy nhất một người đàn ông đứng khoanh tay và thể hiện thái độ phản đối rõ ràng. Về sau, khi bức ảnh này trở nên nổi tiếng, người ta đã lật lại hồ sơ để tìm kiếm danh tính của người công nhân dũng cảm kỳ lạ này.
Và dù không thể khẳng định chính xác, nhiều tài liệu cho rằng người đàn ông tên là August Landmesser (1910-1944), một công nhân đóng tàu ở Hamburg. August trước đó đã gắn bó với một phụ nữ Do Thái có tên Irma Eckler, chính điều này về sau đã khiến anh bị chính quyền Đức Quốc xã bắt giam, còn Irma phải vào trại tập trung.
August bị điều ra chiến trường theo lệnh của chính quyền Đức Quốc xã và bỏ mạng ngoài mặt trận. Irma cũng chết trong trại tập trung. Cặp đôi có một người con gái nhưng ở thời điểm đó, họ không được phép kết hôn và cô con gái ra đời phải mang họ mẹ. Điều may mắn là con gái của họ đã sống sót và về sau được nhà chức trách thay đổi giấy tờ để chính thức mang họ bố.
Bức ảnh chụp năm 1974 bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Jack Bradley cho tờ tạp chí gia đình Reader’s Digest, ghi lại hình ảnh Harold Whittles, cậu bé 5 tuổi bị khiếm thính vừa được đeo dụng cụ trợ thính.
Trước đó, Harold chưa từng được biết tới các thanh âm, khi vừa đeo dụng cụ trợ thính vào và được nghe những âm thanh đầu tiên phá vỡ thế giới im lặng mà em đã quen thuộc trước đó, Harold bị sửng sốt trước thế giới mới mở ra xung quanh mình.
Một thế giới hoàn toàn mới lạ khiến cậu bé hoảng sợ đôi chút. Đôi mắt mở to vì kinh ngạc đã được ghi lại trọn vẹn trong ống kính của nhiếp ảnh gia Jack Bradley.
Bức ảnh chụp tại giải chạy Marathon Boston tổ chức năm 1967, ở thời này, sự bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại nặng nề trong đời sống xã hội Mỹ. Ngay như tại một giải chạy tổ chức thường niên tại thành phố Boston, cũng chỉ có nam giới được đăng ký tham gia.
Dù vậy, vẫn có những phụ nữ tiến bộ đòi quyền bình đẳng bằng cách tự tham gia cuộc chạy bất kể có được chào đón hay không. Trong ảnh là một phụ nữ có tên Kathrine Switzer, cô kiên trì chạy hết chặng hành trình bất kể thành viên ban tổ chức gây nhiều khó dễ nhằm mục đích khiến cô phải bỏ cuộc.
Về sau, khi giải chạy Marathon Boston thay đổi điều lệ tổ chức, chào đón cả phụ nữ, những người từng tham gia không chính thức như Kathrine Switzer được nhắc đến như hình mẫu của những phụ nữ mạnh mẽ trong thời đại mới.
Bức ảnh chụp một người đàn ông Mỹ hồi đầu thập niên 1930. Không thể tìm được việc tại địa phương, nhiều người phải lên đường đi khắp nơi tìm việc. Không ít người đã lựa chọn cách đeo biển lên người, vừa lầm lũi đi, vừa trưng biển để chờ có người gọi lại giao việc.
Như trong bức ảnh này, người đàn ông đeo tấm biển đề: “Tôi biết 3 nghề, nói được 3 ngôn ngữ, đã vật lộn 3 năm, có 3 con, thất nghiệp đã 3 tháng, và chỉ cần một công việc”.
Bức ảnh được chụp vào buổi sáng ngày 3/9/1967, trên phố Kungsgatan, Stockholm, Thụy Điển. Tại thời điểm này, một chính sách giao thông mới bắt đầu được thực thi tại Thụy Điển, quy định lái xe bên lề trái của đường vốn được áp dụng trước đó, giờ chuyển sang lề phải, gây nhiều xáo trộn, bỡ ngỡ trong những người tham gia giao thông.
Ảnh chụp ngày 21/8/1934 khi 3 diễn viên xiếc nhào lộn Jarley Smith, Jewell Waddek, và Jimmy Kerrigan cùng biểu diễn thăng bằng bên một rìa mép của tòa nhà chọc trời Empire State Building nằm ở quận Manhattan, New York, Mỹ.
Bức tượng Nữ thần Tự do trứ danh của nước Mỹ trong quá trình thực hiện tại Paris, Pháp, hồi năm 1884.
Trùm mafia khét tiếng tại thành phố New York – Joe Masseria – bị ám sát khi đang dùng bữa tại một nhà hàng ở quận Brooklyn hồi năm 1931. Tại hiện trường vụ án, cảnh sát ghi nhận trong tay của Joe Masseria cầm một quân át bích, trong văn hóa phương Tây, lá bài át bích là lá bài tử thần.
Tại thời điểm bị sát hại, Joe Masseria đang thực hiện một kế hoạch lớn nhằm thâu tóm toàn bộ quyền lực trong thế giới ngầm New York, ngay lập tức, Joe Masseria bị triệt hạ, tạo thành một vụ việc gây chấn động dư luận thành phố.
Kể từ thập niên 1920, Paris đã được biết tới là một chốn ăn chơi đa dạng với đời sống về đêm rất phong phú, tự do, thái độ của của người Paris cũng khá cởi mở, họ không kỳ thị người đồng tính như người dân ở nhiều quốc gia khác. Nhờ vậy, có nhiều hộp đêm dành cho người đồng tính đã được mở ra.
Trong số này có quán Le Monocle, là hộp đêm nổi tiếng nhất dành cho người đồng tính nữ. Thời này, “chuẩn” chung cho những phụ nữ sắm vai nam khi tới hộp đêm, đó là mặc tuxedo và để đầu bob. (Ảnh: Georges Brassai)
Bức họa nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci được đưa về trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp sau thời kỳ “sơ tán” hồi Thế chiến II. (Ảnh: Pierre Jahan)
Đây là những nải chuối đầu tiên xuất hiện trên đất Na Uy. Ảnh được chụp năm 1905. Tổng cộng 3.000 kg chuối đã được đưa vào Na Uy theo đơn đặt hàng của một hãng nhập khẩu hoa quả lớn hàng đầu đất nước. Trong ảnh, có một người đàn ông là Christian Mathiessen, chủ hãng nhập khẩu hoa quả Bama.
Đây được xem là một sự kiện lớn đối với hãng Bama bởi Na Uy là quốc gia thứ hai tại Châu Âu nhập khẩu chuối ở thời điểm đó, trước đó, mới chỉ có Anh là “chịu chơi” nhập thức quả ngoại lai này vào thị trường.
Ở thời này, khi giao thương buôn bán giữa các nước còn chưa mở rộng, người dân nước nào chỉ biết đến các thức nông sản bản địa của nước ấy, việc có một thức nông sản lạ được nhập về nước bỗng trở thành sự kiện, hiện tượng.
Tháp Eiffel ở Paris, Pháp, được sơn sửa lại hồi năm 1932.
“Biểu tượng sex của màn bạc Hollywood” – Marilyn Monroe – ghi hình cảnh quay kinh điển trong phim “The Seven Year Itch” (Bảy năm ngứa ngáy – 1955) trước một đám đông lớn gồm cánh phóng viên và fan hâm mộ. Chính trong sự kiện này, tà váy của Marilyn đã tung bay và tạo nên hình ảnh trứ danh gắn liền với nữ minh tinh.
Những huyền thoại của làng nhạc thế giới – Bob Dylan, Mick Jagger và Keith Richards – cùng tụ họp tại tiệc sinh nhật 29 tuổi của Mick Jagger hồi tháng 7/1972.
Theo Bích Ngọc – Dân trí