Nguyễn Tư Nghiêm qua đời lúc 10 giờ 27 phút ngày 15/6/2016, ông nhiều lần khẳng định mình sinh năm Mậu Ngọ (1918, không rõ ngày tháng), nhưng giấy tờ lại ghi 20/10/1922, nên việc tính tuổi khi qua đời cũng có chút lấn cấn. Nhưng đời ông còn nhiều chuyện đặc biệt khác, như việc có tên đường ở quận 2 (TP.HCM) từ trước khi ông qua đời hơn 15 năm.
Với chiều dài 625 mét (khoảng 123 căn nhà, chỉ tính số lẻ từ 1 đến 123), đường Nguyễn Tư Nghiêm ngày nay nối Nguyễn Duy Trinh đến Nguyễn Tuyển, thuộc phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP.HCM.
Ngã ba Nguyễn Duy Trinh – Nguyễn Tư Nghiêm, quận 2, TP.HCM
Đường được đặt theo Quyết định số 14/2000/QĐ-UB-VX ngày 7/4/2000 của UBND TP.HCM. Tên cũ là đường số 12, nối với các hương lộ, tức đường trong làng, trong xóm.
Liệu còn một nhân vật nào cũng mang tên Nguyễn Tư Nghiêm, chứ không phải danh họa trong bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái?
Theo một người làm trong ủy ban đặt tên đường (muốn giấu tên), khi ra quyết định này, ủy ban cứ ngỡ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã qua đời rồi. “Thấy thế hệ ông đã mất từ sau, nhiều người đã có tên đường, tên trường, ai ngờ ông vẫn còn sống”.
Hỏi gần 10 nhà dân hai bên đường, đa số đều cho biết đây là đường mang tên một nhà văn – nhà thơ, không ai biết đây là một họa sĩ vẫn sống tại Hà Nội, vừa mới qua đời. Đường cũng vừa được chỉnh trang, sửa chữa đầu năm 2016.
Chỗ “thắt lưng ong” nằm gần đoạn giữa của con đường
Đoạn giữa bị “thắt lưng ong” do có mấy lùm cây, hàng rào, bụi tre và mảnh đất lấn ra đường. “Do không đền bù, giải tỏa được”, một người dân gần đây nói.
Việc đặt tên vì nhầm lẫn như thế này được xem là một sai sót ngoại lệ tại Việt Nam. Vì theo quy định và thông lệ, sau khi danh nhân qua đời thì mới được xem xét để đặt tên đường phố. Nhưng trường hợp ngoại lệ vẫn diễn ra, như việc lấy tên La Văn Cầu (sinh 1932, còn sống tại Hà Nội) đặt tên đường tại Hà Nội, Vũng Tàu…, và cả tên trường học nữa.
Trở lại chuyện Nguyễn Tư Nghiêm. Lâu nay trong nước than phiền về nạn tranh giả tranh nhái làm mất phẩm giá của các bộ tứ mỹ thuật Việt Nam. Nhiều người còn cho rằng nhà nước thiếu chế tài minh bạch, thiếu trung tâm thẩm định… để phân biệt tranh giả tranh thật. Nếu có, liệu họ làm việc có hiệu quả không? Bởi một chuyện đơn giản như việc tìm hiểu Nguyễn Tư Nghiêm còn sống hay đã chết để đặt tên đường, vậy mà còn thiếu cập nhật.
Những với một cuộc đời trầm luân, mấy chục năm cuối đời sống trong lặng lẽ, việc đặt tên đường cho Nguyễn Tư Nghiêm ngay khi ông còn sống, có điều gì đó kì lạ, nhưng cũng đáng để suy ngẫm.
Dưới đây là những hình ảnh vừa chụp tại đường Nguyễn Tư Nghiêm:
Hình ảnh về đường Nguyễn Tư Nghiêm tại TP.HCM
Văn Bảy – Thể thao và Văn hóa