Bộ phim The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) đã gây nhiều sự quan tâm tại các LHP Venice và Toronto vừa diễn ra. Câu chuyện trong phim kể về họa sĩ Einar Wegener, người đàn ông đầu tiên trên thế giới phẫu thuật chuyển giới thành một người phụ nữ có tên Lili Elbe.

Nhưng còn có một người phụ nữ khác đứng sau Einar Wegener/Lili Elbe. Đó chính là vợ ông, nữ họa sĩ Gerda Wegener. Bà cũng có một cuộc đời và sự nghiệp hiển hách chẳng kém gì chồng.

Một nghệ sĩ khác người

Trong phim The Danish Girl, bà Gerda được mô tả như một nghệ sĩ tài năng (do nữ diễn viên Alicia Vikander thủ diễn) và luôn nhiệt thành ủng hộ chồng. Tuy nhiên trong cuộc đời thực, câu chuyện lại không hoàn toàn như vậy.

Gerda kết hôn với Einar hồi năm 1904 và bà trở thành một trong những người xuất chúng nhất tại giới nghệ thuật trang trí Đan Mạch. Bà là nhà tiên phong trong quan niệm phá bỏ các hàng rào về giới.

“Tôi thường nghĩ về bà như là Lady Gaga (siêu sao pop Mỹ với phong cách sống và có những ý tưởng nghệ thuật khác người) của những năm 1920” – sử gia nghệ thuật Andrea Rygg Karberg, giám tuyển cuộc triển lãm mới về các tác phẩm của Gerda ở Copenhagen, đánh giá.


Gerda và Einar Wegener đứng trước bức tranh Sur la route d’Anacapri của Gerda trong triển lãm hồi năm 1924

Theo ông, “Gerda là nhà tiên phong, người đã có 2 thập kỷ hoạt động trong khung cảnh nghệ thuật Pháp, đã cách mạng hóa lối mô tả phụ nữ trong nghệ thuật. Trong lịch sử, tranh về phụ nữ đẹp thường được thực hiện qua góc nhìn của nam giới. Nhưng Gerda đã thay đổi tất cả. Bà mô tả những người phụ nữ mạnh mẽ, xinh đẹp với sự ngưỡng mộ, coi họ là những chủ thể có ý thức, chứ không chỉ là đối tượng nghệ thuật”.

Gerda Gottlieb sinh năm 1886 ở thị trấn biển Grenaa. Mặc dù là con gái của một mục sư và lớn lên trong một môi trường đầy bảo thủ, tuy nhiên Gerda vẫn thuyết phục gia đình cho bà rời khỏi nhà, tới Copenhagen khi còn ở tuổi vị thành niên. Bà tìm tới đây để theo học tại Viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch.

Ở Vienna, Gerda gặp Einar Wegener, người là sinh viên một trường đại học gần đó. Hai người kết hôn khi Gerda mới 19 tuổi.

Sống giữa các nghệ sĩ, diễn viên và vũ công ở thủ đô Đan Mạch, Gerda được truyền ý tưởng phải vẽ có phong cách, miêu tả các nhân vật một cách tích cực, như thể họ đang thách thức người xem.

Năm 1904, do một trong những người mẫu không tới làm việc như đúng hẹn, bà đã đề nghị chồng làm mẫu thay. Einar đồng ý và chấp nhận thay đổi thành “Lili”, người mẫu dần được Gerda ưa chuộng.

Điều Gerda không ngờ rằng chồng mình đang dần đón nhận cuộc sống mới trong lốt Lili. Cuối cùng, ông Einar đã công khai nói với vợ về xu hướng giới tính của mình, quyết định sống dưới tên Lili. Năm 1912, 2 người chuyển tới Paris và sống “như 2 người phụ nữ” trong một cộng đồng nghệ thuật.


Một tác phẩm mô tả phụ nữ của Gerda Wegener, vẽ hồi năm 1925

Chẳng kém gì đàn ông

Ở Pháp, Gerda được ủy quyền vẽ minh họa cho các tờ báo La Vie Parisienne, Le Rire La Baionnette. Bà trở nên cực kỳ nổi tiếng. “Điều ấn tượng hơn cả là Gerda không cần nỗ lực mà vẫn có thể khẳng định mình cũng chẳng kém gì đàn ông” – Karberg cho biết.

Gerda rất thích vẽ tác phẩm khỏa thân. Những bức tranh của bà, gồm hình minh họa cho cuốn hồi ký của Casanova, được ca ngợi là đã tạo sự đột phá trong hoạt động mô tả sự khoái lạc tình dục của nữ giới.

Gerda gặt hái thành công đỉnh điểm tại Hội chợ thế giới ở Paris hồi năm 1925 – triển lãm nghệ thuật quan trọng nhất của kỷ nguyên. Bà đoạt 2 huy chương vàng, 1 huy chương đồng tại đây.

Tuy nhiên, trong thời điểm Gerda đang tỏa sáng rực rỡ, thì người từng là chồng bà lại lâm cảnh khó khăn. Ngay cả khi ấy, Gerda chưa từng có ý định từ bỏ Lili.

Cuối những năm 1920, Lili tìm mọi cách để phẫu thuật thẩm mỹ. “Từ đầu những năm 1910, ở Đức đã có những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ mang tính thử nghiệm” – Raun cho biết – “Lili đã thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật ở Đức.”

Trong suốt hành trình chuyển giới của Lili, Gerda luôn ở bên, hỗ trợ rất nhiều về tài chính. Sau cuộc phẫu thuật chuyển giới đầu tiên, Lili lấy họ mới là Elbe và bắt đầu từ bỏ cuộc sống cũ.

“Einar muốn được tái sinh là phụ nữ và còn muốn được làm mẹ. Lili không hề nói cho Gerda biết về cuộc phẫu thuật thứ 5, nhằm ghép tử cung cho mình. Song cuộc phẫu thuật đó đã đẩy Lili đến cái chết, vào năm 1931” –  Karberg cho biết.

Cái kết không có hậu

Sau khi Lili qua đời, Gerda tái hôn. Tuy nhiên vào những năm 1930, thị hiếu nghệ thuật thay đổi, hoạt động nghệ thuật của bà trở nên khó khăn hơn.

“Thế giới lúc đó ít quan tâm tới nghệ thuật trang trí. Vì vậy, phong cách nghệ thuật của Gerda trở nên lỗi thời. Người chồng thứ 2 của bà mất việc. Bà trở về Copenhagen và chết hồi năm 1940, trong đói nghèo, không người thân thiết và không có nhiều bạn bè” – Karberg chia sẻ.

Ngày hôm nay, phần mộ của Gerda nằm ở Nghĩa trang công viên Solbjerg, hầu như không được ai biết đến. Trong bối cảnh bộ phim Danish Girl đang được quan tâm và Caitlyn Jenner trở thành biểu tượng của người chuyển giới, Karberg tin rằng đã tới lúc để nhắc lại vai trò của Gerda, như một nhà tiên phong trong việc xóa nhòa các khoảng cách giới tính.

Theo Việt Lâm – Thể thao & Văn hóa (dịch từ The Guardian)

Exit mobile version