Tác phẩm “Chúa đất” của nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa được giới thiệu đã thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả bởi giàu tính điện ảnh, giàu nhân văn, và như thường lệ, hình ảnh vùng núi phía bắc hiện ra trong tiểu thuyết vô cùng đẹp.

Buổi ra mắt cuốn sách của Đỗ Bích Thúy

Đây có thể nói là cuốn sách “kỷ lục” của Đỗ Bích Thúy: kỷ lục với thời gian viết và xuất bản, viết trong 17 ngày và in trong một tháng. Đỗ Bích Thúy kể lại, trong một buổi ngồi với đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Sơn, khi nghe Sơn nói muốn làm phim về một câu chuyện xa xưa để trí tưởng tượng bay bổng, Đỗ Bích Thúy đã nảy ra trong đầu ý tưởng về cuốn tiểu thuyết. Khi viết xong kịch bản, cũng là lúc cuốn tiểu thuyết được viết rất nhanh. Sau đó, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành cũng rất nhanh, chỉ trong vòng một tháng đã có sách ra mắt độc giả. Sau khi hoàn thành cuốn sách, Đỗ Bích Thúy cho biết, chị thấy như mình bị hút cạn kiệt sinh lực.

“Chúa đất” của Đỗ Bích Thúy dựa trên một câu chuyện truyền thuyết về chúa đất người Mông nổi tiếng ác độc Sùng Chúa Đà, với cây cột đá hành hình ở Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang, nơi có thung lũng đẹp nhất. Chúa đất với đầy đủ quyền uy và tiền bạc, nhưng không thể có tình yêu, mặc dù tất cả những cô gái đẹp nhất vùng Đường Thượng đều rơi vào tay chúa đất ngay từ khi mới là đóa hoa hàm tiếu hé nở.

Đỗ Bích Thúy đã đi tìm hiểu khắp nơi về vị chúa đất và cây cột đá ấy, từ đó cho ra đời một cuốn tiểu thuyết đậm đặc hình ảnh với những nhân vật có cá tính rõ rệt, sống động như vẫn còn đang ở đâu đó trong đời thực chưa xa… Câu chuyện về Sùng Chúa Đà trong “Chúa đất”, với kẻ ăn người ở, với bà vợ cả, cô vợ Tư Vàng Chở, với Xính – cô gái trẻ như bông hoa trên tít đỉnh núi cao chẳng may lọt vào mắt chúa đất, và với Thào Chá Vàng, người nghĩ ra được giải pháp gần như không tưởng để cứu vợ tương lai của mình hiển hiện như một cuốn phim quay từ từ, nhịp điệu chậm rãi như cuộc sống trên núi.

Cuốn tiểu thuyế của Đỗ Bích Thúy có “khối lượng” hình ảnh giàu có đến mức đủ để dựng thành phim, đó là lời nhận xét của không chỉ một người. Nhà thơ Hữu Việt cho rằng, cuốn sách có nhiều chi tiết miêu tả nếu dựng thành phim thì có nhiều lợi thế bởi “chất” Mông, cảnh sắc thiên nhiên, con người dân tộc đậm chất. Còn đạo diễn trẻ Đỗ Thanh Sơn thì khẳng định: “Chúa đất đủ chất liệu để trở thành một tác phẩm điện ảnh…”.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh nói: “Trong “Chúa đất”, có những nhân vật rất ám ảnh, tác giả đã tạo ra một thế giới nhân vật với những tính cách, cá tính riêng. Bà vợ cả có một tình yêu trung thành với chúa đất, những cả cuộc đời không được làm một người đàn bà đúng nghĩa”. Tuy nhiên, đối với nhà văn Sương Nguyệt Minh, ám ảnh nhất là hai “nhân vật” động vật: con chó của bà cả và con chim cắt của Sùng Chúa Đà. Đỗ Bích Thúy đã tạo ra cho hai con vật này tính cách và suy nghĩ như con người, và cảnh kết của mỗi con người liên quan đến chúng đều rất ám ảnh và ấn tượng”.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận xét: “Từ một truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà, Đỗ Bích Thúy đã dựng lên một tiểu thuyết vô cùng sống động với những phong tục, tập quán, tính cách, diện mạo khá rõ nét về từng nhân vật”.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh nói: “Đỗ Bích Thúy đã làm được một việc lớn mà không nhiều nhà văn làm được, đó là hai năm về trước viết văn như thế nào, thì cho đến nay vẫn giữ nguyên như vậy không thay đổi. Có những nhà văn thay đổi cách viết liên tục. 15 năm trước, văn của Đỗ Bích Thúy là văn của một sự lấp lánh, lung linh, Bây giờ đã bớt đi phần nào độ lung linh, thêm vào đó hiện thực và sự sâu sắc hơn”.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng nhận xét rằng, một tiểu thuyết có thể coi là thành công khi có ba nhân vật thành công, đằng này “Chúa đất” giải quyết được hết tất cả các tuyến nhân vật”. Anh cũng cho rằng, nếu độc giả “không có thời gian”, chỉ cần đọc 50 trang đầu là giải quyết hết được mọi mâu thuẫn trong cuốn sách. Tuy nhiên, trong thực tế thì khó một độc giả nào có thể bỏ cuốn sách xuống khi chưa lật đến trang cuối cùng.

Một cuốn sách hấp dẫn, viết nhanh, ra mắt nhanh, nhưng cũng không phải vì thế mà tránh được sai sót. Đáng tiếc là những lỗi in chồng bị lặp lại ở khoảng gần chục trang sách đã khiến cuốn sách phần nào mất đi tính hấp dẫn.

Theo Tuyết Loan – NDĐT

Exit mobile version