Một nhà sưu tập ở Hà Nội choáng váng khi phát hiện 5 bức tranh vừa mua hồi tháng 5 vừa qua trị giá tổng cộng 285 triệu đồng có 3 bức là tranh giả và 2 bức bị mạo danh.

Sự việc trên chỉ được phát hiện khi nhà sưu tập C.H.L tình cờ đưa 5 bức tranh mà anh đã mua đi làm khung. Chủ xưởng làm khung, cũng là người chơi tranh của họa sĩ Phạm An Hải, cho rằng có 1 bức của họa sĩ Phạm An Hải bị làm giả, 2 bức là của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng nhưng chữ ký của họa sĩ Hùng góc dưới bức tranh đã bị xóa và thay bằng chữ ký giả của họa sĩ Phạm An Hải.
Ngoài 3 bức trên thì 2 bức tranh còn lại (một của họa sĩ Trần Lưu Hậu và một của cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm) cũng vừa được giới mỹ thuật xác nhận là bị giả.
Họa sĩ Nguyễn Rô Hùng xác nhận 2 tác phẩm bị thay bằng tên của họa sĩ Phạm An Hải nói trên vốn được anh vẽ hồi tháng 10.2016 với đầy đủ chữ ký tên của anh, và đã bán cho nhà sưu tập Bảo Khánh (Hà Nội). Tuy nhiên, họa sĩ rất bức xúc khi phát hiện thấy tranh mình giờ đây bị xóa chữ ký và thay bằng chữ ký của họa sĩ khác. “Tôi sẽ làm cho ra lẽ về sự việc này. Với tôi, danh dự là điều quan trọng nhất”, họa sĩ Hùng nói. Còn họa sĩ Phạm An Hải cũng hết sức tức giận khi tên anh lại được gán vào tác phẩm của người khác.

Bức tranh Dư âm phố cổ của Phạm An Hải bị làm giả

Tranh giả có mặt trên thị trường VN từ lâu, nhưng tranh mạo danh thì gần đây mới có những vụ việc bị đưa ra ánh sáng. Hồi tháng 7.2016, việc phát hiện bức tranh Chân dung cô Kim Anh của họa sĩ Thành Chương bị xóa tên họa sĩ, và được thay bằng chữ ký mang tên danh họa Tạ Tỵ, còn bức tranh được đặt lại tên là Trừu tượng và được đưa vào triển lãm những tác phẩm của danh họa VN mang tên Những bức tranh trở về từ châu Âu khiến giới mỹ thuật xôn xao. Trước đó, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, chủ nhân các bức tranh trong triển lãm, cho biết ông mua lại từ một người Pháp là chuyên gia cao cấp nghiên cứu về mỹ thuật VN và châu Á.
Không thể “cho qua” được nữa
Nhà sưu tập C.H.L cho biết anh mua 5 bức tranh trên từ ông Bảo Khánh, có bằng chứng chuyển khoản tiền mua tranh. “Ông Khánh đã chủ động gọi điện cho tôi dàn hòa và hứa sẽ trả lại tiền, nhưng cho ông ấy thời gian để gom tiền”. Nhà sưu tập này tỏ ra thất vọng: “Nếu tôi cố tình chơi tranh chép thì mọi chuyện đã khác. Đằng này tôi bỏ tiền ra mua tranh gốc nhưng không ngờ mọi chuyện lại thế này”, ông nói.
Không ít họa sĩ nhận định: nếu tranh được chép nguyên cả chữ ký của họa sĩ sẽ thành tranh giả, điều này khiến nhiều người yêu nghệ thuật chưa có kinh nghiệm mua lầm.
PV Thanh Niên đã liên lạc với ông Bảo Khánh. Ông Khánh cho biết ông chỉ là người bán giúp và phủ nhận việc mua 2 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng. “Chắc là tranh giả do cậu em tôi là Việt kiều Pháp mua ở đâu đó, nhờ gửi ở nhà tôi bán. Hiện nó chưa gửi tiền về nên tôi chưa hoàn tiền cho người mua C.H.L được. Tiền thì chắc chắn sẽ trả lại. Còn 2 bức tranh của Nguyễn Rô Hùng nói là bị mạo danh Phạm An Hải, thì tôi không mua. Hùng bán cho Tuấn – cậu em tôi, Việt kiều Pháp. Tôi chỉ giúp đứa em bán lại thôi”, ông Khánh nói.
Nhiều họa sĩ cho biết ngoài việc làm giả tranh của các danh họa Đông Dương, các nhóm làm tranh giả giờ đây làm giả cả tranh của các họa sĩ VN đương thời. “Cao thủ” hơn, nhằm tránh bị phát giác, họ đã tìm cách mua rẻ tranh của họa sĩ ít tiếng tăm, rồi thay bằng chữ ký của họa sĩ danh tiếng hơn có cùng phong cách, để bán giá cao hơn. “Pháp luật cần vào cuộc, xử lý mạnh sự việc này vì làm tranh giả, tranh mạo danh đều là hành vi lừa đảo”, họa sĩ Phạm An Hải bức xúc.

Làm tranh giả, tranh mạo danh có thể bị phạt tù
“Làm giả tranh, mạo danh tranh là hành vi sao chép tác phẩm hội họa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Người thực hiện hành vi này nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu hoạt động có tổ chức, gây thiệt hại lớn hơn có thể bị phạt tiền từ 300 triệu – 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Luật sư Hoàng Ngọc (Trưởng văn phòng luật sư Nhiệt Tâm & Cộng sự, Hà Nội)

Lucy Nguyễn

Nguồn: Thanhnien.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version