Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc” – sử ca của Đoàn Văn Cừ được viết và ấn hành năm 1958, năm kỷ niệm lần thứ 670 trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng lịch sử (1288-1958), Ty Văn hoá Nam Hà tái bản năm 1971. Bản diễn ca gồm 10 chương với 320 dòng lục bát:

Ai về Tức Mặc hôm nay,

Đền xưa, tháp cũ khói bay hương nồng.

Cờ reo, trống gióng chuông rung,

Hội vui chiêm ngưỡng anh hùng hàng năm..

Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương tại thành phố Nam Định

Hai chương đầu: Trang sử bình Nguyên và Trần Hưng Đạo anh hùng dân tộc khái quát bối cảnh lịch sử đất nước thế kỷ XIII, sự xuất hiện anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thời các đấng minh quân triều Trần tại vị, quân dân Đại Việt 3 lần anh dũng đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc Nguyên-Mông vào các năm 1257-1258, 1284-1285, 1287- 1288. Các chương tiếp theo: Tổ quốc lâm nguy, Hội nghị Diên Hồng, Đất nước đứng lên, Lời truyền sông núi, Lửa hờn tôi thêm lòng thép, Tiếng hát Bạch Đằng Giang, tác giả triển khai toàn cảnh cuộc đối đầu lịch sử, một bên là dã tâm thôn tính Đại Việt, mở rộng cương vực của vua Nguyên Hốt Tất Liệt; một bên là lòng yêu nước và ý chí quyết chiến quyết thắng của khối đại đoàn kết dân tộc thời Trần “vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước góp sức”. Chương Mùa xuân dân tộc miêu tả cảnh thanh bình trên khắp non sông Đại Việt sau ngày toàn thắng. Chương kết Thư về Tức Mặc, tác giả đưa người đọc về lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo khởi đầu từ quê hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định.

Viết sử ca Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc, Đoàn Văn Cừ tuân thủ bút pháp truyền thống của thể loại diễn ca lịch sử. Trước ông, thể loại này đã có những tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong văn học sử nước nhà với Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh) thời Lê-Trịnh, Đại Nam quốc sử diễn ca ( Lê Ngô Cát- Phạm Đình Toái) triều Nguyễn.Tuy nhiên, về bố cục, Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc- sử ca lại được tác giả kết cấu thành các chương đoạn nối tiếp, bổ sung cho nhau theo kiểu gối sóng. Mỗi chương mang một tiêu đề với chủ ý làm nổi bật các sự kiện và hành trạng nhân vật. Bởi thế, tác phẩm diễn ca lịch sử của Đoàn Văn Cừ mang dáng vẻ một trường ca hiện đại. Đây là hình ảnh quân Nguyên xâm lược như cơn bão lớn tràn qua biên cương:

Thanh bình ngày tháng đang trôi,

Bỗng ầm ầm nổi chân trời cát bay.

Giặc Nguyên tàn bạo xưa nay,

Khắp trời Âu – Á đêm ngày khiếp danh.

Khinh sóng cả, ngạo trời xanh,

Phóng tên, phi ngựa cướp thành gần xa.

Nơi nào vó ngựa chúng qua,

Lửa thiêu, máu đổ trẻ già hoảng kinh…

Đây là hình ảnh khối đại đoàn kết dân tộc Hội nghị Diên Hồng bên thềm điện Diên Hồng, kinh thành Thăng Long, tháng 1-1285:

Ngập trời gươm giáo uy linh,

Nao nao đầu bạc, khăn xanh, áo sồng…

Lần đầu tiên trong sử xanh,

Liệu lo việc nước toàn dân cùng bàn.

Lệnh ban: “Hỏi: đánh hay hàng?

Hàng ư? Trăm họ muôn vàn thảm thương!

Hàng ư? Xã tắc, miếu đường,

Muôn năm dài mãi con đường nô vong!

Hàng ư? Vợ phụ tình chồng,

Con ngoan đắc tội, tôi trung thiệt đời!”…

Tâm trạng của bậc quân vương lúc sơn hà nguy biến cũng là tâm trạng của những người thiết tha yêu Tổ quốc, cùng đi đến một cam kết lịch sử:

“Đánh ư? Sông núi bảo toàn,

Cha con, chồng vợ họp đoàn yên vui.

Đánh ư? Còn cả giống nòi,

Người Việt Nam mãi là người Việt Nam.

Dù cho thành đổ, quách tan,

Núi sông nghiêng ngửa, thịt gan giãi lầy.

Dù cho bể máu vơi đầy,

Cuối cùng nhất định là ngày vinh quang”.

Mạnh như đẩy núi xô ngàn,

Tiếng hô: “Xin đánh!” vang vang trong ngoài”…

Với nhân vật chính của bản sử ca – Quốc công Tiết chế, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn – nhà thơ không sa đà vào việc mô tả tỉ mỉ hành trạng mà đặt nhân vật chính vào quá trình diễn tiến lịch sử của cả dân tộc. Ông khắc họa phẩm cách, tài năng, bản lĩnh của vị Tổng binh Tiết chế toàn quân qua diễn biến tâm trạng, qua cách ứng xử của một tài năng quân sự – chính trị siêu việt, một nhân cách lớn đứng ở tầm cao tư tưởng thời đại. Một người mà vua quan, tướng sĩ, nhân dân cả nước thảy đều quý phục:

Thời Trần dựng nước vinh quang,

Bảy trăm năm trước có trang anh hùng…

Trần Hưng Đạo bậc tài danh,

Lược thao, kinh sử can thành hoà hai.

Lòng son vì nước không phai,

Trăng khuya, đèn lụi miệt mài binh thư…

Hai chữ “can thành “rút từ thành ngữ “can thành chi tướng” trong cổ văn, chỉ ông tướng gánh được việc nước nhà, như tấm mộc vững chắc đỡ binh khí, như toà thành chống giặc. Người viết sách “Binh thư yếu lược” rèn luyện tướng sĩ, viết “Hịch tướng sĩ” khích lệ lòng yêu nước, hun đúc chí căm thù:

“Có nghe sỉ nhục giang sơn,

Cú diều uốn lưỡi khinh nhờn núi sông?

Có nghe lửa cháy sôi lòng,

Bốn phương Tổ quốc trập trùng giáo gươm?

Mối thù dân tộc quê hương,

Thân làm tướng nợ áo cơm phải đền…”

Những gian nan trên đường “rút lui chiến thuật”, đợi ngày phản công:

Thăng Long xa khuất ngàn dâu,

Triều đình giờ biết ở đâu lúc này!

Mênh mông sóng vỗ, cát bày,

Bờ lau trăng giãi, rừng cây khói đùn.

Vua tôi một lá thuyền con,

Sớm hôm chứa chất căm hờn, đắng cay…

Những câu thơ trong diễn ca tái hiện hoàn cảnh lịch sử đất nước, khắc hoạ nhân vật thật tâm huyết, mang ý vị anh hùng ca:

Bao nhiêu nguy khốn gian nan,

Là bao phương thuốc luyện gan anh hùng.

Những ngày sông núi lưu vong,

Nắm cơm, bầu nước long đong dãi dầu.

Những ngày tránh giặc rừng sâu,

Quốc thù nhuộm trắng mái đầu bao phen…

“Dù cho nghiêng ngửa non sông,

Đầu chưa lìa cổ, người không chịu hàng”.

Viết Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc- sử ca, tác giả không quên công lao những tướng sĩ lỗi lạc vương triều Trần, những người đồng cam cộng khổ với chủ soái, những tấm gương trung kiên xả thân đền nợ nước, “phá cường địch, báo hoàng ân”. Ông cũng nêu tên những kẻ phản thần hèn nhát, cùng đám bại tướng phương bắc từ Trấn Nam vương Thoát Hoan “Rúm mình chui miệng ống đồng thoát thân” đến “Bọn Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi/ Trận này thuỷ bộ đường đi hết rồi/ Giữa sông hạ giáo kêu trời:” Quân Nguyên này lúc hết thời rồi ư?”…


Nhà thơ Đoàn Văn Cừ và tác giả bài viết (ảnh chụp năm 2000 tại “Trang viên Sông Ngọc”)

Hình ảnh người anh hùng dân tộc trường tồn cùng đất nước:

Trần Hưng Đạo, bậc anh hùng,

Cùng dân tộc, giữ non sông vững vàng.

Chiếu phong tước hiệu Đại vương,

Đứng đầu khanh tướng, treo gương muôn đời…

Đoàn Văn Cừ viết bản sử ca này khi ông công tác tại chi hội Văn nghệ Liên khu III. Bản sử ca nằm trong nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước. Nhà thơ đã chuyển vào đây cảm hứng sôi nổi thời “kháng chiến, kiến quốc thắng lợi”, niềm tự hào dân tộc cùng dấu ấn tài năng một thi nhân vốn có bút lực “dồi dào mà rực rỡ” làm cho bản diễn ca lịch sử (sử ca) mang đậm chất thơ, dễ đọc và dễ nhớ.

Đáng chú ý, trong lần tái bản năm 1971, nhà thơ đã chỉnh sửa thêm cho phù hợp với tình hình đất nước:

Ngẫm xem truyền thống cha ông,

Bình Nguyên trang sử ta cùng khắc tâm.

Vì Độc lập, chống ngoại xâm,

Toàn dân theo Đảng, bước chân không ngừng…

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ và tác giả bài viết (ảnh chụp năm 2000 tại “Trang viên Sông Ngọc”)

Nhà thơ bổ sung vào bản sử ca Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc những dòng “viết theo tinh thần bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”- (chú thích của tác giả) khi nước nhà chưa thống nhất:

Bác Hồ đã dặn từng lời:

“Dân ta làm chủ đất trời của ta.

Nước ta, Nam-Bắc một nhà,

Nghĩa tình ruột thịt, máu hoà dòng chung…

Muôn khối óc, triệu bàn chân,

Quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm đến cùng”…

Chúng tôi được biết, trong bản thảo cuốn Đoàn Văn Cừ toàn tập (chưa xuất bản), những người làm sách đã sưu tầm khá đầy đủ các tác phẩm của nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004), trong đó có Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo – sử ca, tác phẩm mà sinh thời ông rất tâm đắc.

 

Nguồn: Tổ quốc

Exit mobile version