Cơn gió. Tranh: TRẦN TUẤN

Các nghệ nhân dân gian trên cả nước đang có một hy vọng tươi tắn sau khi được tin Thủ tướng vừa giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân dân gian trên cả nước.

Trên thực tế, hàng nghìn nghệ nhân trên khắp cả nước trong nhiều ngành nghề đã được Hội Văn nghệ dân gian thống kê, đề xuất công nhận và phong tặng. Có một số ngành nghề phát triển, có thị trường, thì nghệ nhân trong ngành đó luôn luôn là những “trùm phường” giỏi, và có điều kiện sung túc. Nhưng còn nhiều ngành nghề thuộc loại bảo lưu di sản, không có điều kiện phát triển, các nghệ nhân trong những ngành như vậy tuy nắm trong mình những “tuyệt kỹ” của nghề, nhưng lại rất vất vả vật lộn mưu sinh. Việc hỗ trợ đời sống cho họ cần là mối quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Có tỉnh như Bắc Ninh, chính quyền quan tâm thì các nghệ nhân… được nhờ. Nhiều tỉnh khác ít quan tâm, thì các nghệ nhân tuy có danh hiệu, nhưng mỗi tháng chỉ được hỗ trợ vài trăm nghìn đồng hoặc chẳng có gì. Việc nhà nước rà soát để hoàn thiện chế độ tổng thể cho giới nghệ nhân dân gian, sẽ là công việc phát huy hiệu quả các tri thức văn hóa cổ truyền, thực hành việc phục hồi di sản trong đời sống hiện đại.

Chấp nhận và cho phép, đó là hai khái niệm tầng cấp ứng xử khác nhau đối với tranh, ảnh nude. Đây là việc các nghệ sĩ nhiếp ảnh đang lao xao về việc mỹ thuật được “ưu tiên” hơn nhiếp ảnh khi vừa qua triển lãm chủ đề nude hoàn toàn được cấp phép với 37 tác phẩm của 14 họa sĩ người Hải Phòng. Trong khi đó, rất ít triển lãm ảnh nude chuyên biệt được cấp phép triển lãm. Mặc dù sách ảnh nude của nhiều tác giả đã được chấp nhận in ấn và tái bản nhiều lần. Trả lời về vấn đề này, nhà quản lý mỹ thuật và nhiếp ảnh cho biết trong cả hai nghị định (Nghị định 113 về mỹ thuật và Nghị định 72 về nhiếp ảnh) nhà nước đều không có điều luật nào cấm tranh, ảnh nude. Với riêng nhiếp ảnh, thì có điều luật quy định là bức ảnh nude nào rõ ràng danh tính (khuôn mặt người mẫu) thì phải có văn bản đồng ý của người mẫu đó. Tuy nhiên, mặc dù chính sách về văn hóa của nhà nước là không cấm, nhưng đề tài nhạy cảm này vẫn là điều “e ngại” trong các quyết định thực thi tại các địa phương. Vì thế vẫn có chuyện trong khi cơ quan quản lý cấp Bộ là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm dám cấp phép cho triển lãm tranh, ảnh nude, thì ở các địa phương người ta vẫn ngầm không cho phép, nếu nghệ sĩ xin giấy phép tại địa phương đó.

Giải thích hiện tượng trên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Phó Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam cho rằng vì tâm lý dân tộc rất nhạy cảm với chủ đề này, cho nên việc “không cấm”, “chấp nhận”, tới mức “cho phép” vẫn là những khái niệm có khoảng cách trong thực tế hành xử…

Và làm sao để xóa đi khoảng cách giữa các từ ngữ trên thì xem ra cũng vẫn còn một khoảng cách nữa! Đó là sự thực hành luật pháp một cách đúng đắn và am hiểu hơn về nghệ thuật của các nhà quản lý.

Theo Lâm An

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version