Càn Thát Bà (Gandharva) là tên gọi dành riêng để chỉ những sinh vật cõi trời trong Hindu giáo và Phật giáo và đó cũng là thuật ngữ để chỉ các ca sĩ tài danh trong âm nhạc truyền thống Ấn Độ.
Trong Hindu giáo, Gandharva là những nam thần, chồng của các Apsara. Gandharva có hình tướng kết hợp người và muông thú, thường là chim hoặc ngựa, có kỹ năng âm nhạc tuyệt vời chuyên xướng tấu những khúc nhạc du dương nơi cung điện của các vị thần linh thượng giới. Trong tín ngưỡng Hindu, Gandharva được coi là sứ giả giữa các thần linh và con người(1).
Những “Gandharva ở cõi trời” của thời Veda cổ xưa là một loại thần hiểu biết, phát hiện ra những bí mật của cõi trời và những chân lý thiêng liêng nói chung. Gandharva thường cư ngụ trên cõi trời, trong không trung. Những Gandharva hết sức thiên vị đối với phụ nữ và có một năng lực thần bí. Atharva-Veda nói đến 6.333 Gandharva. Những Gandharva thời kỳ sau này có những đặc tính tương tự: có nhiệm vụ trông nom rượu thiêng soma, có kỹ năng y khoa, điều chỉnh các chòm sao và được phụ nữ yêu thích. Cõi trời Indra (Đế Thích) thường được coi là cõi trời dành cho Gandharva, các Gandharva là những ca công và nhạc công phụng sự trong những cuộc tiệc tùng của chư thần(2).
Các tập Puruna, cổ tích thần kỳ Ấn Độ, đưa ra những miêu tả trái ngược về nguồn gốc của Gandharva.Vishnu-Purana cho rằng, ở một nơi nọ, Gandharva được sinh ra từ thần Brahma, “hấp thụ những giai điệu. Nhờ uống lấy lời nói của các nữ thần (gam dhayantah) mà chúng được sinh ra, và do đó có được danh xưng như vậy”. Sau đó, Vishnu-Purana lại nói rằng Gandharva là con đẻ của Kasyapa và người vợ Arishta. Hari-vansa cho rằng Gandharva xuất thân từ mũi thần Brahma, và cũng cho biết chúng có nguồn gốc từ Muni, một người vợ khác của Kasyapa. Chitra-ratha là thủ lĩnh của những Gandharva, và Apsara là những người vợ hay tình nhân của Gandharva. Kinh thành của những Gandharva thường được thể hiện rất nguy nga, tráng lệ.
Vishnu Purana có một truyền thuyết về những Gandharva đánh nhau với Naga nơi địa ngục để giành châu báu. Thủ lĩnh Naga cầu xin thần Vishnu giúp đỡ và thần đã hứa sẽ biến thành người của Purukutsa để trợ giúp. Những con rắn Naga đã gửi người chị em Narmada (sông Nerbudda) đến cho Purukutsa để chỉ dẫn cho thần những vùng đất bên dưới, nơi thần đến để tiêu diệt các Gandharva. Gandharva đôi khi được gọi là Gatu và Pulaka(3).
Gandharva được nói đến 505 lần trong sử thi Mahabharata. Theo đó, có đến 27 bộ tộc của những Gandharva và Apsara.
Trong Mahabharata, Gandharva xuất hiện như là tộc người cư trú nơi đồi gò hoang vu nên được gọi như vậy. Nguồn dữ liệu khác lại cho rằng Gandharva là sinh vật của vùng hoang vu, vắng vẻ; thỉnh thoảng quấy rối các ẩn sĩ khi họ đang thiền định một mình(4).
Trong luật lệ Hindu, Gandharva là cách thức kết hôn dựa trên sự đồng thuận kết giao giữa nam và nữ mà không có bất kỳ một lễ nghi chính thức nào. Nói cách khác thể thức kết hôn Gandharva là hình thức “tự do luyến ái”(5).
Những Gandharva được đề cập phổ biến trong sử thi Mahabharata như là sự liên kết với các deva (như những kỹ nhạc thiên) và với các yaksha, những chiến binh dữ dội/khủng khiếp. Gandharva cũng được đề cập rộng rãi đến các vùng lãnh thổ, khu vực khác.
Vương quốc Gandharva biểu thị địa hạt cư ngụ của tộc người được gọi là Gandharva. Họ rất am tường về âm nhạc và nhảy múa. Những Gandharva cũng là các chiến binh hùng mạnh, thỉnh thoảng các Gandharva rong ruổi trên trái đất qua các vương quốc Ấn Độ, bất chấp các vị vua Ấn Độ hay binh lính Kshatriya. Mặc cho những chiến binh Kshatriya vô cùng dũng mãnh, các Gandharva vẫn hỗ trợ cho các chư thiên (deva). Nhiều vị vua Gandharva được đề cập trong Mahabharata. Một vài Gandharva chịu sự cai trị của vị vua deva Indra (Đế Thích) và một số khác lại là bộ hạ của vua yaksha là Kubera(6).
Càn Thát Bà trong tín niệm Phật giáo
1. Gandharva gốc từ tiếng Sanskrit, chuyển sang Pali là Gandhabba; Trung Quốc: Kiện-đạt-phược, Kiền-thát-bà, Kiền-đà-la, Ngạn-đạt-bà, Càn-đáp-bà; Nhật Bản: Kendatsuba/ Kandabha; Tạng: Dri-za. Hán dịch: Thực hương, Tầm hương hành, Hương ẩm, Hương thần, Tầm hương chủ.
Càn Thát Bà được gọi là Tầm hương thần, Nhạc thần, Chấp nhạc thiên và liệt vào một trong bát bộ chúng.
Gọi là Tầm hương thần, bởi Càn Thát Bà không ăn thịt, uống rượu, chỉ hưởng mùi hương, thích mùi thơm (hương), ngửi mùi cũng đủ no, vì vậy nên trong mình xông ra mùi thơm, và chính vì thế nên gọi là Hương thần. Càn Thát Bà được cho là nửa người nửa thần.
Càn Thát Bà – vị thần chuyên hòa tấu nhã nhạc, sửa chữa nhạc cụ, bài hát và cùng với Khẩn Na La lo về pháp nhạc hầu hạ trời Đế Thích(7).
Vị thần này thường trú ở Bảo Sơn trên mặt đất, có lúc lại bay lên cõi Đao Lợi để tấu nhạc, diễn tấu vô vàn những điệu nhã nhạc thần kỳ(8). Âm nhạc của vị thần này có thể làm rung động khắp 3.000 đại thiên thế giới, lại biết pháp thuật, có thể làm cho xuất hiện trên mặt biển hình bóng của lâu đài thành quách – gọi là “Càn Thát Bà thành”(9).
Càn Thát Bà thành(10), Phạn: Gandharvanagara, còn gọi: Kiền-thát-bà thành, Kiện-đạt-phược thành, Nghiễn-đạt-phược thành. Gọi tắt: Bà thành, Càn-đạt thành, Càn thành. Hán dịch: Tầm hương thành.
Cảnh thành đô của loài Càn Thát Bà. Hạng nhạc thần là thần Càn Thát Bà thường dùng ảo thuật mà tạo ra những cảnh thành đô, nhưng những thành ấy trong phút chốc thì tiêu diệt, cho nên người ta gọi là Càn Thát Bà thành. Lầu các, sông, núi, rừng, đồng trống không có thật thể, chỉ là ảo ảnh xuất hiện trong không gian.
Theo truyền thuyết cho rằng thành Càn Thát Bà là thành quách do thần Càn Thát Bà hóa hiện trong hư không. Trong các kinh điển Phật giáo, thuật ngữ Càn Thát Bà thành thường được sử dụng để chỉ cho các pháp không thật. Thành Càn Thát Bà thường dùng để hình dung sự ảo hóa.
Ở đây, chúng ta thấy Càn Thát Bà thành phần nào tương tự dạng thành quách trong truyện cổ Tiên Dung-Chử Đồng Tử. Câu chuyện cổ thấm đượm màu sắc Phật giáo của Việt Nam đã cho chúng ta những tình tiết mỹ lệ về tính chất hư ảo của một dạng Càn Thát Bà thành(11).
Càn Thát Bà là một trong những hàng ngũ deva thuộc cấp bậc thấp nhất trong vũ trụ quan Phật giáo. Gandharva nằm trong số những deva Caturmaharajikakayika (chư thiên của tầng trời thứ nhất trong 6 tầng trời cõi Dục. Trong thế giới quan của Phật giáo, ở tầng thứ 4 của núi Tu-di có một ngọn núi tên là Do Kiền Đà La, núi có 4 đỉnh, Tứ Thiên Vương và bộ chúng của mỗi vị đều ở 1 trong 4 ngọn)(12). Đa số các kinh đều cho Càn Thát Bà là thần thủ hộ phương Đông, quyến thuộc của Trì quốc thiên và là một trong 33 ứng hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm(13).
Theo kinh Xa-ni-sa (Janavasabha-sutta, thuộc Trường bộ kinh/Digha-Nikaya), những chúng sinh được đầu thai làm Gandharva là kết quả của việc thực hành hầu hết những việc thiện.
Về hình tướng, trong thần thoại có nhiều cách miêu tả về hình dáng của loại thần này. Có thuyết cho rằng thần này trên thân có nhiều lông, nửa người nửa thú; song lại có thuyết cho rằng thần này có hình dáng rất đẹp. Bổ-đà-lạc Hải hội quỹ ghi: Hình tượng Càn Thát Bà thân lộ màu da thịt, to lớn như trâu chúa, tay trái cầm sáo trúc, tay phải cầm bảo kiếm, đầy đủ tướng đại oai lực, trên đầu đội mũ tỏa ra ánh lửa. Có kinh văn lại cho biết thêm: đầu đội mũ bát giác, thân thể màu đỏ… Ngoài ra, trong tranh ảnh, họ xuất hiện trong tư thế ngồi thư thái, với 12 con giáp vây quanh, tay phải cầm đinh ba, tay trái cầm phất trần. Trên đầu có hào quang lửa. Càn Thát Bà ít được thể hiện trong điêu khắc, song riêng tại Nhật Bản cũng có một số mẫu ở Kofukuji, thuộc triều đại Nara từ thế kỷ thứ 8, và ở Sanjusangendo, Kyoto. Những mẫu này thể hiện họ như là những chàng trai trẻ mặc chiến bào, đứng, với một đầu sư tử trên tóc(14).
Càn Thát Bà là một bộ trong tám bộ chúng sanh thường hiện đến nghe Phật mỗi khi Phật giảng kinh Đại thừa.
Hồi Phật giảng kinh Diệu pháp liên hoa, có bốn vị vua Càn Thát Bà đến nghe: Nhạc Càn Thát Bà vương, Nhạc âm Càn Thát Bà vương, Mỹ Càn Thát Bà vương, Mỹ âm Càn Thát Bà vương (Manôdja, Manôdjasvara, Madhura, Madhurasvara). Bốn vị này có dắt theo cả trăm ngàn quyến thuộc(15).
Theo phẩm Tựa trong kinh Pháp hoa, có 4 loại Càn Thát Bà vương. Theo hội Luật nghi trong Đại Bảo tích 13, có một triệu Càn Thát Bà vương. Theo phẩm Thế chủ Diệu Trang Nghiêm trong kinh Hoa nghiêm 1 (Tân dịch) có hơn 20 tên gọi Càn Thát Bà vương. Số lượng và tên gọi phong phú như vậy là do Càn Thát Bà vốn là một loại thần của Bà-la-môn giáo: trong Yajur-Veda có đến 27 loại và trong Atharva-Veda lại nêu hơn 6.333.
Theo luận Đại trí độ 10, Càn Thát Bà vương tấu nhạc xưng tán Phật, đến nỗi Tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động, thậm chí ngài Ma Ha Ca Diếp cũng ngồi không yên.
Trong Soạn tập bá duyên kinh (Avadana-Cataka), lúc Phật ngự gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, có một nhà nhạc sĩ đại danh trong toàn cõi Ấn Độ đến thành Xá-vệ. Nhạc sĩ muốn trưng tài mình cho Phật biết. Sau khi nhạc sĩ khảy đàn và được công chúng khen tặng, Phật bèn niệm tưởng đến vị Càn Thát Bà từ Pâncasikha (năm cái xoáy) có bảy ngàn Càn Thát Bà hầu theo và khiến vị ấy đem cây đàn cán bằng lưu ly trên cung trời Đế Thích xuống cho Ngài. Phật khảy đàn ấy, làm cho nhà nhạc sĩ đại danh tín phục. Nhân đó, Phật thuyết pháp độ người. Nhà nhạc sĩ đại danh ấy bèn thọ giới xuất gia và đắc quả A-la-hán(16).
Pancasikha(17) là Gandharva được đề cập trong kinh Sakkapanha (Digha Nikaya/Trường bộ). Khi Đức Phật ở Indasalaguha, Sakka (Indra) đã cử Pancasikha đi trước để thỉnh cầu với Đức Phật cho mình được diện kiến để thỉnh giáo Ngài. Pancasikha tiến lại gần Đức Phật gảy đàn vina, hát lên bài ca tán dương công đức của Đức Phật, Phật pháp, các vị La-hán và tình yêu. Lời ca thực chất là những thể thơ được hình thành từ bài thơ tình gửi đến người con gái mà Pancasikha đã phải lòng – nàng Bhadda Suriyavaccasa, con gái của Gandharva Timbaru. Đức Phật tán dương âm nhạc và bài hát của Gandharva này và hỏi anh về bài thơ đó. Pancasikha đã thú nhận rằng khi Đức Phật còn đang thiền định dưới cây Ajapala nirgodba, trước khi Ngài giác ngộ, anh đã gặp Suriyavaccasa cùng với cha mình biểu diễn nhảy múa trước Sakka, anh đã yêu nàng; nhưng Suriyavaccasa lại yêu mến Sikhandi, con trai của Matali. Pancasikha ngay sau đó đã sáng tác một bài hát dành tặng nàng. Khi Suriyavaccasa đến Sudhammasabha vào dịp Sakka đã tám lần tự nguyện tán dương công đức của Đức Phật, cô đã nghe và rất thích lời ca, ý nhạc của bài hát và bằng lòng lấy Pancasikha. Như một sự đền đáp Pancasikha vì đã gửi lời thỉnh cầu của ông đến Đức Phật, Sakka ban phúc cho đám cưới của họ.
Trong kinh Janavasabha cũng như kinh Mahagovinda (Digha Nikaya/Trường bộ) nói rằng khi Brahma Sanankumara xuất hiện trước các chư vị thần của Tavatimsa và tự biến hóa mình thành hình thể Pancasikha. Buddhaghosa (Phật âm, Cao tăng Trung Ấn Độ, người ở Phật-đà-già-da nước Ma-kiệt-đà, sống vào thế kỷ V) đã giảng giải rằng tất cả các deva đều yêu quý Pancasikha và mong ước được đồng nhất với anh (chú giải Digha Nikaya/Trường bộ). Kinh Mahagovinda, Pancasikha được biểu trưng như là sự truyền đạt đến Đức Phật bản tường trình đầy đủ về những gì đang diễn ra trong các nhóm deva, khi Sakka nói những lời tán dương Đức Phật.
Không có sự giải thích thỏa đáng nào về chú giải các tên Pancasikha. Buddhaghosa (chú giải Digha Nikaya/Trường bộ) nói rằng Pancasikha được sinh ra như một con người và khi chưa là một đứa trẻ đã có 5 xoáy trên đầu (pancaculakadaraka kale), và trở thành thủ lĩnh của những người chăn bò. Điều đó thậm chí còn duy trì đến ngày nay: ở Ceylon, những đứa bé trai buộc vài chỏm tóc trên đầu. Nhưng ở một nơi (chú giải Digha Nikaya/Trường bộ) Buddhaghosa nói rằng đó là một cách để lăng mạ nam nhân cạo đầu, để lại 5 chỏm tóc (garahaya ti pancasikha mundakaranam). Và, lại một lần nữa (chú giải Samyutta Nikaya, Tương ưng bộ), đề cập rằng Sanankumara giữ lại tuổi trẻ bất diệt của mình bởi trong một tiền kiếp, Sanankumara đã đạt đến thiền định (jhana) khi chưa là một chàng trai (pancasikhakumarakale).
2. Một quan niệm phổ biến khác là coi Càn Thát Bà là thân trung hữu ở cõi Dục: Chúng sanh ở cõi Dục sau khi chết, trong thời gian thần thức chưa tìm được nhục thể mới, thì chỉ dùng mùi hương làm thức ăn cho nên có tên gọi như thế.
Trung hữu cũng viết là trung uẩn (trung ấm). Trung ấm là thân mạng ở khoảng giữa. Người ta sống rồi thác. Sau khi thác rồi mà chưa sinh lại, trong thời gian ấy, ở âm cảnh, người ta vẫn có đủ ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), tức có đủ thân mạng, đó gọi là Trung ấm. Đây là nói những người thọ sanh vào cõi Dục, cõi Sắc; còn người thọ sanh vào cõi Vô sắc thì không có thân Trung hữu. Trong phái Tiểu thừa, Câu-xá tông nhận định có Trung ấm, Thành thật tông thì không công nhận. Trong Đại thừa, có tông nhận định là có, có tông nhận định là không có Trung ấm. Trong kinh Niết-bàn, quyển 29, về vấn đề Trung ấm, có nói: Nhục nhãn chẳng thấy được Trung ấm; phải có Thiên nhãn mới thấy được. Thân Trung ấm có ba cách ăn: 1/Tư thực: Suy nghĩ đến món ăn, tức thì ăn no; 2/Xúc thực: Đụng tới món ăn, tức thì ăn no; 3/Ý thực: Trong ý cho là thức ăn, tức thì ăn no. Nói chung, trạng thái trung hữu có đến “ngũ danh” – tức năm tên gọi khác nhau. Ở đây, việc đồng nhất Trung hữu với Càn Thát Bà là căn cứ trên tên gọi “Thực hương”(18).
3. Càn Thát Bà là từ để gọi các nghệ nhân Tây vực theo cách sinh hoạt của họ. Vì họ không phụng sự vương hầu, không kinh doanh hành nghề sống, chỉ nghe mùi thơm thức ăn trong nhà người, liền đến trước cửa trỗi các kỹ nhạc mà cầu xin, cho nên có tên này. Bên Ấn Độ, ngày xưa người ta gọi những kép hát, đào hát là Càn Thát Bà. Điều này cho thấy công năng diễn xướng âm nhạc của Càn Thát Bà được đặc biệt thiên trọng hơn các công năng linh diệu khác thường được bảo lưu trong tín niệm Phật giáo(19).
Càn Thát Bà thiên là tôn danh vị thần hộ pháp của Phật giáo. Vị thần này cũng chuyên ăn hương thơm, phi hành ở trên không trung. Tương truyền khi thắp hương, trong giây lát hương khí tỏa ra, khiến cho thần được sinh hóa. Do chuyên đi tìm mùi hương, ăn mùi thơm nên có tên như vậy. Chính tính chất tế nhị không nắm bắt được nhưng có thật của hương thơm khiến hương thơm gắn liền một cách tượng trưng của thế lực vô hình. Ở đây, Càn Thát Bà được gọi là Hương thần là biểu tượng thiêng của “tính chất tế nhị”: không nhận thấy, nhưng bàng bạc khắp cả. Đã là thần nên vị kỹ nhạc thiên này có quyền năng.
Trong Mật giáo cũng có một vị Càn Thát Bà Thần Vương, tên đầy đủ là “Chiên Đàn Càn Thát Bà Thần Vương”, là thần bảo vệ thai nhi và trẻ em. Vị thần này có thể bắt trói được 15 ác quỷ. Về hình tượng, thần khoác giáp trụ, đội mũ sư tử, thân màu đỏ sẫm, tay trái cầm viên ngọc như ý, tay phải cầm cây kích ba khúc, và 15 chiếc đầu quỷ, hai bên có trời An Ma Lợi Chi Thiên và Ha Lợi Đế Mẫu vây quanh 15 con ác quỷ. Vị thần này còn là một trong 28 bộ chúng của Đức Quan Âm(20).
Ngoài ra, tương truyền khi thai nhi được sinh ra, nếu có người tụng đọc Càn Thát Bà Thần Vương Đà-la-ni,thành tâm cầu nguyện thì quỷ thần không thể đến quấy nhiễu. Nếu đặt lấy vị thần vương này làm pháp tu bản tôn gọi là Đồng tử Kinh Pháp, Càn Thát Bà pháp(21).
Trong mỹ thuật điêu khắc Champa, nhạc công Gandharva thấy ở Trà Kiệu mang trang sức dạng hạt lớn, mũ miện trang trí hình hoa lớn và cho thấy rõ búi tóc ngắn, tay cầm đàn vina có một hộp tăng âm đặt tì vào ngực(22). Đối với mỹ thuật người Việt thì di vật thời Lý thấy có đồ án hình các nhạc công (Gandharva) được chạm ở bốn cạnh bên của một số tảng đá kê chân cột ở chùa Phật Tích. Dàn nhạc gồm 10 nhạc công chia làm hai nhóm đứng thành hai phía, ở giữa là lá đề to biểu tượng cho nhà Phật. Lá đề có viền quanh các hoa văn dấu hỏi, còn giữa là ba bông hoa cúc, còn đỡ phía dưới là một đài sen. Các tiên nữ nhạc công ở đây đều được chạm theo lối nhìn hơi chếch nghiêng, điểm tô thêm những đao lửa cuộn xoắn như những dải lụa mềm mại và phía dưới là các hoa văn sóng nước.
Nửa bên trái của dàn nhạc, từ trái qua phải, chúng ta thấy: người đang cầm dùi đưa lên trong động tác đánh trống. Đây là loại trống da có hai vòng đai chắc chắn. Tiếp đó là người đang dang rộng tay kéo nhị, cần kéo dài, phía trên được uốn cong lại. Tiếp đến nữa là người đang khảy đàn tranh. Người thứ năm là người biểu diễn sênh.
Nửa bên phải chúng ta thấy tiếp tục có người đang đưa tay dập phách. Tiếp đến là người đang nắn nót đánh đàn tỳ bà. Người thứ ba cũng đang chụm mồm thổi sáo nhưng đây là loại sáo dọc (tiêu). Người thứ tư đang gảy đàn nguyệt. Các nhạc công này đã dùng tay trái để gảy đàn. Cuối cùng là người đang vỗ trống. Đây là loại trống thắt eo giữa được các nhạc sĩ gọi đó là “phong yêu cổ”. Trống này treo ngang ngực và hai tay vỗ hai mặt.
Thời Trần, một di tích duy nhất còn lại là các mảng chạm tiên nữ nhạc công ở chùa Thái Lạc. Hiện ở chùa còn lưu giữ được một bức chạm ba tiên nữ đánh đàn trong mây và 3 bức chạm khác mô tả các tiên nữ vừa cưỡi phượng vừa biểu diễn các loại nhạc cụ khác nhau.
Đồ án về hình ba tiên nữ đánh đàn trong mây trên một cốn gỗ bên phải chùa. Ba tiên nữ được mô tả theo cách nhìn chính diện. Cả ba ngồi xếp bằng thu trên mình một nhạc cụ khác nhau. Từ trái qua phải có: người đánh đàn nguyệt, người đánh đàn tranh và người đánh đàn tỳ bà.
Đồ án với hình các tiên nữ nhạc công vừa cưỡi phượng vừa biểu diễn âm nhạc là ba bức chạm đều nằm trên các ván lá gió bên trái tòa thượng điện chùa. Mỗi bức đều có hai nhạc công cưỡi hai chim phượng. Chim phượng chạm theo lối nhìn nghiêng còn các tiên nữ cưỡi trên lưng để chân sang hai bên, nhưng thân và đầu lại quay ngang ra theo lối nhìn chính diện. Riêng tiên nữ chơi nhị thì hai chân lại để về một phía như kiểu ngồi vắt chân chữ ngũ. Nhạc cụ của họ gồm: một đôi thổi tiêu và kéo nhị, một đôi đánh đàn tỳ bà và đàn nguyệt, đôi còn lại đánh đàn tranh và thổi sáo… Các tiên nữ ở đây đều có hai dải lụa chạy dài cùng nhiều đám mây hình khánh bao quanh với hoa dây cánh sen cách điệu và hoa văn sóng nước góp phần tạo cảnh giới trang nghiêm cho toàn cảnh(23) .
Những đồ án hoa văn nhạc công (Gandharva) nói trên đều được các nhà nghiên cứu gọi là tiên nữ trong khi trong Hindu giáo và Phật giáo đều cho rằng Gandharva là nam thần. Ở đây, có điều đáng lưu ý là trong trò diễn “Con đĩ đánh bồng” ở Việt Nam ta luôn là một nam giả gái dùng hai bàn tay vỗ loại trống thắt lưng eo giống với hình tượng trong đồ án nhạc công thời Lý ở chùa Phật Tích. Phải chăng đây là dấu vết còn sót lại của Gandharva nam thần… giả trang là nữ? Mặt khác, ở Càn Thát Bà thành trong truyện Nhất dạ trạch(đầm/chằm một đêm) của Chử Đồng Tử thì chư vị Hương thần Gandharva không thấy nói đến mà truyện lại ghi rằng: … “Tiên đồng, ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt trước mắt”(24). Lại nữa, phải chăng Hương thần Gandharva đã được Việt-Hán hóa đến mức triệt để như vậy?
Chú thích
(1), (4), (12) Sir Monier Monier-Williams, A Sanskrit-English dictionary: etymologically and philologically arranged.
(2), (3) John Dowson, M.R.A.S., Classical dictionary of Hindu mythology and religion, geography, history, and literature, Rupa.Co, 2004.
(5) Xem, Catherine Benton, God of desire: Tales of Kamadeva in Sanskrit story literature, Suny, 2006.
– Johann Jakob Meyer, Sexual life in ancient India: a study in the comparative history of Indian culture,Motilal Banarsidass, 1989.
(6) Krishna Dwaipayana Vyasa, Mahabharata, bản dịch tiếng Anh của Kisari Mohan Ganguli.
(7),(15),(16) Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, NXB. Tổng hợp TP.HCM, 2011.
(8),(21) Vũ Thỏa, 1.000 vấn đề về Mật tông, Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu (dịch), NXB. Thời Đại, 2011.
(9),(20) Lão Tử – Thịnh Lê (chủ biên), Từ điển Nho-Phật-Đạo, NXB. Văn Học, 2001.
(10),(13),(18),(19) Phật Quang đại từ điển, Tu viện Huệ Quang, 1995.
(11) Xem thêm, Huỳnh Ngọc Trảng, Đọc lại Chử Đồng Tử truyện, Nguyệt san Giác Ngộ số 153-12.2008, tr.53-63.
(14) Louis Frédéric, Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, NXB. Mỹ Thuật, tr.426.
(17) Pali Kanon: Pali proper names.
(22) Emmanuel Guillon, Cham art, River Books ltd, 2001, tr.126.
(23) Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội – Viện Mỹ Thuật, NXB.Mỹ Thuật, 2003.
(24) Vũ Quỳnh – Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái. Bản dịch của Đinh Gia Khánh – Nguyễn Ngọc San. NXB. Văn Học, 1990.
Huỳnh Thanh Bình – Nguyệt San Giác Ngộ