Trước ngày bỏ phiếu hôm thứ Năm (23/6), hàng loạt những ngôi sao của Anh như Benedict Cumberbatch, Keira Knightley hay Jude Law đã viết “tâm thư” gửi người hâm mộ Anh, mong họ bỏ phiếu chống lại Brexit (Anh rời khỏi EU). Tuy nhiên, mọi việc đã quá muộn màng.

Đồng hành cùng họ là nhóm những nhà sản xuất phim hàng đầu Anh, dẫn đầu là Tim Bevan, kêu gọi đất nước hãy ở lại EU bởi điều này mang lại những lợi ích to lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình ở nước Anh.

Thổi bay 130 triệu EURO…

EU đã tài trợ một khoản tiền mặt khổng lồ cho ngành công nghiệp phim ảnh ở Anh. Theo số liệu từ 20 nhà sản xuất lớn, từ năm 2007 tới 2015, quỹ Media Program của EU đã bơm vào 130 triệu EURO (khoảng 145 triệu USD), đóng góp vào ngân sách sản xuất phim, hỗ trợ các nhà phân phối và các lễ hội, giúp các bộ phim thâm nhập vào những thị trường khó nhằn. Mất đi số tiền và sự hỗ trợ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của hàng trăm công ty.

Brexit sẽ khiến các nhà làm phim người Anh khó tìm kiếm đối tác ở châu Âu hơn bởi vô vàn những rào cản. Nếu nhà sản xuất nào dùng đồng Euro hay USD trong báo cáo tài chính, sẽ thấy quỹ giảm đi nghiêm trọng do đồng bảng Anh mất giá đột ngột.

Nếu được bỏ phiếu lại, nhiều người Anh sẽ chọn ở lại EU

Sản xuất phim và chương trình truyền hình là việc vô cùng tốn kém, mạo hiểm. Brexit đã thổi bay các nền tảng của ngành điện ảnh Anh.

“Chúng tôi không còn biết quan hệ với các nhà đồng sản xuất, tài chính, phân phối rồi sẽ đi tới đâu; liệu thuế mới có đánh lên các hoạt động của chúng tôi ở châu Âu và ngân sách sản xuất sẽ gia tăng thế nào khi không còn nhận được tài trợ từ EU. Các hoạt động sáng tạo đã đóng góp lớn cho nền kinh tế Anh. Điều này (Brexit) sẽ tàn phá chúng tôi”, Michael Ryan – Chủ tịch Liên minh Phim và Truyền hình Độc lập (IFTA) quan ngại.

Còn trong “tâm thư” của mình, các ngôi sao điện ảnh viết: “Từ những triển lãm nhỏ nhất tới những bộ phim bom tấn hoành tráng nhất, nhiều người trong chúng ta đang làm việc trong những dự án mà sẽ chẳng bao giờ thực hiện được nếu thiếu các nguồn tài trợ và hợp tác từ nước ngoài”.

Khi còn ở trong EU, các tài năng của Anh có thể thoải mái phóng xe qua biên giới các nước trong khối và đặc biệt, có thể làm việc tại các nước này mà không cần giấy phép lao động, cũng chẳng cần quan tâm tới thuế má. Tuy nhiên, mọi việc nay đã thay đổi.


Những bộ phim như “Suburra” chỉ có thể vào Anh nhờ quỹ của EU

Phim Anh sẽ biến mất khỏi các rạp châu Âu?

Trước đây, các rạp ở Anh có thể truy cập vào hệ thống rạp châu Âu để nhận hỗ trợ khi chiếu phim châu Âu. Tương tự, các rạp châu Âu cũng nhận được hỗ trợ khi chiếu phim Anh.

Với Brexit, các bộ phim châu Âu có thể sẽ biến mất khỏi rạp chiếu phim Anh bởi tiền mua bản quyền các bộ phim này sẽ đắt hơn rất nhiều. Thiếu đi sự hỗ trợ văn hóa của EU và tăng thêm các rào cản thuế quan, người yêu môn nghệ thuật thứ 7 ở Anh sẽ khó xem được nhiều phim châu Âu, đặc biệt là những phim không quá tiếng tăm, như trước đây. Và tất nhiên, doanh thu của các nhà phân phối phim sẽ sụt thê thảm.

Ngược lại, phim Anh cũng có nguy cơ biến mất khỏi các rạp phim châu Âu.

“Ở lại với EU nghĩa là các bộ phim, các chương trình truyền hình của chúng tôi có thể dễ dàng vượt ra ngoài biên giới Anh mà không phải chịu bất kì hạn ngạch hay thuế quan nào ở châu Âu”, nhóm các nhà sản xuất phim tuyên bố, và nhấn mạnh rằng, với họ, “thật đáng sợ” khi Brexit xảy ra.

Trong thập kỷ qua, khoảng 40% phim của Anh được xuất khẩu qua các nước EU. Việc làm, kế sinh nhai, sự sinh tồn của rất nhiều công ty phụ thuộc vào việc này.

Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến ngành công nghiệp điện ảnh Anh rơi vào khủng hoảng như những năm ’70. Thời điểm đó, nhiều nhà sản xuất phim Anh đã lao đao khi số lượng khán giả sụt giảm, phải cạnh tranh với TV và thiếu vắng nguồn tài trợ từ Hollywood.

Không lạ khi chỉ 24 giờ sau khi Brexit được thông qua, rất nhiều người Anh ước rằng họ có thể được bỏ phiếu lại. Khi đó, họ chắc chắn sẽ chọn ở lại EU.

Theo Thư Vĩ – Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version