Bốn họa sĩ trẻ 8x, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chung chí hướng và niềm yêu thích hội họa sơn dầu, vừa cùng ra mắt triển lãm nhóm “Tứ Lập 2” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh của ĐẶNG HỮU

1/ Như lời giới thiệu của triển lãm, cả bốn họa sĩ trẻ trưởng thành trong giai đoạn khó khăn nhất của hội họa hiện nay. Khi mọi con đường hội họa đều đã đặc kín dấu chân, kể cả những lối mòn, còn thị trường nghệ thuật thì vẫn đang bộn bề lộn xộn.

Bùi Văn Tuất và Phạm Xuân Trung đều sinh năm 1982, tốt nghiệp mỹ thuật năm 2007, mới xuất hiện trong hai triển lãm “Tứ Lập 1” (2016) tại Nhà triển lãm Ngô Quyền và triển lãm “Tứ Lập2” đang diễn ra. Họa sĩ Nguyễn Minh (sinh năm 1985, quê Hoài Đức, Hà Nội, đang làm việc tại Báo Thời Nay) và Đặng Hữu (sinh năm 1986, quê Hòa Bình) có tham gia triển lãm trước đó. Điểm chung nhất có lẽ để gắn họ với nhau là các “chàng trai quê với cái nhìn hồn hậu”, không theo đuổi sự cách tân, trường phái hay trào lưu khám phá gì to chuyện. Mà vẽ bằng những gì giản dị, ngay thật nhất của chính mình đang có.

Tranh của BÙI VĂN TUẤT

2/ Tuy cùng đeo đuổi chất liệu sơn dầu, nhưng bốn người lại ngả về bốn hướng khác nhau. Phạm Xuân Trung chọn con mắt hiện thực hội họa, theo chủ đề “Phố”, với những ghi chép kỹ lưỡng tới từng chi tiết. Một góc cầu Long Biên, một xóm trọ nghèo hay một quán tạp hóa dưới một bức tường bong tróc loang lổ, hay một ngách phố cổ đông đúc, Trung đều tưới đẫm lên đó một tông mầu nóng ngả nâu vàng cam, cô đơn lặng lẽ nhưng vẫn có gì đó ấm áp; nghèo khổ lam lũ nhưng không bi kịch hóa. Khó ai có thể biến hình ảnh một xóm trọ nghèo trở thành sự phát hiện một vẻ sang trọng khác, dưới ánh sáng của một buổi chiều vàng, giỏi như Trung.

Chàng trai người Mường Bùi Văn Tuất lại dành tình yêu cho những chân dung nhỏ nhắn, vẽ bạn bè, hay những bé gái người dân tộc thiểu số với hòa sắc tươi tắn, hình thể rõ ràng, cái nhìn tự tin, bình thản. Cùng vẽ những bé gái hay thiếu nữ như Bùi Văn Tuất, nhưng họa sĩ Nguyễn Minh lại chọn cho mình cái nhìn thoát ly hiện thực, nhân vật của anh như không có trọng lực, chìm lẫn giữa hoa trái, hay một không gian núi đồi tưởng tượng, với tình cảm nhẹ nhõm, tràn đầy mơ mộng. Cũng thật là khó hình dung người vẽ ra những bức tranh như vậy không phải là các thiếu nữ phòng khuê, mà lại là… một chàng trai khá cao to khỏe mạnh.

Năm 2010, có tám họa sĩ trẻ thành lập một nhóm lấy tên là các họa sĩ Lưu động (ý họ là mong muốn tinh thần như Trường họa Lưu động của Nga ngày xưa, đi vẽ trực họa ngoài thiên nhiên). Nhóm đã trưng bày được hai triển lãm: “Sắc mầu thiên nhiên” (2010) và “Tiếng vọng từ thiên nhiên” (2014). Khác với các họa sĩ Hiện thực, chỉ bày chung chứ không làm việc nhóm. Các họa sĩ Lưu động có làm việc nhóm và đi vẽ cùng nhau. Đặng Hữu là một thành viên của nhóm này. Khi tham gia triển lãm “Tứ Lập”, Đặng Hữu, họa sĩ trẻ nhất, nhưng cũng duy trì được sự cân bằng giữa các “cực” trong nhóm. Các tranh của anh, dù là phong cảnh hay tĩnh vật, đều được vẽ một cách khá nhẹ nhàng, nhiều bức như đang vẽ chưa xong, giống như trẻ con thích thì vẽ, không thích thì vứt bút đi chơi, nhưng lại có sức gợi, và mang nhiều phẩm chất hội họa.

3/ Về cái tên Tứ Lập, họa sĩ Nguyễn Minh giải thích, vì có bốn người lập nên, nên gọi là Tứ Lập. Còn tôi thích gọi họ là các chàng họa sĩ tự lập. Bởi họ không từ chối quá khứ, nhưng cũng không cần đứng dưới bóng ai cả mà chung tay cùng thế hệ đứng lên vững chãi.

Tranh của NGUYỄN MINH

Vũ Lâm

Hồng Nhung đưa bài
Exit mobile version