Câu chuyện đằng sau Nhà hát Opera Sydney và kiến trúc sư Đan Mạch Jorn Utzon đang chuẩn bị được đưa lên màn bạc, với bộ phim mang tựa đề Utzon: The Man Behind the Opera House.
Đây là sản phẩm do Đan Mạch, Thụy Điển và Australia hợp tác sản xuất, trong đó có sự tham gia của nhà sản xuất phim ăn khách Cô gái có hình xăm rồng (The Girl with the Dragon Tattoo).
Kiến trúc sư Đan Mạch Jorn Utzon trong quá trình xây dựng Nhà hát Opera Sydney, Australia
Phim kể câu chuyện kiến trúc sư Đan Mạch Utzon khiến giới kiến trúc đầy bảo thủ của Australia đã phải tức giận thế nào sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế để thiết kế công trình nhà hát opera con sò và những cuộc đấu tranh của ông nhằm thông qua những tư tưởng cấp tiến của mình.
“Utzon là kiến trúc sư Đan Mạch vĩ đại và câu chuyện ông đã xây dựng nên Nhà hát Opera Sydney như thế nào vừa hấp dẫn vừa đáng sợ. Câu chuyện này phải được kể lại” – Giám đốc điều hành Ole Sondberg tuyên bố hôm 6/6. Sondberg nổi tiếng nhất với vai trò sản xuất phim Cô gái có hình xăm rồng và Millennium Trilogy được dàn dựng theo các cuốn tiểu thuyết của nhà văn Thụy Điển Stieg Larsson.
Cuộc thi thiết kế do Thống đốc bang New South Wales Joseph Cahill tổ chức và đã nhận được 233 đề án. Năm 1955, thiết kế của Utzon được chấp thuận. Utzon đã đến Sydney năm 1957 để giúp giám sát công trình. Khu The Fort Macquarie Tram Depot tọa lạc tại vị trí được chọn xây nhà hát đã được đập bỏ năm 1958 và lễ khởi công xây dựng nhà hát bắt đầu tháng 3/1959. Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I (1959–1963), bao gồm việc xây dựng dãy ghế vòng bên trên. Giai đoạn II (1963–1967) xây dựng các vỏ sò bên ngoài. Giai đoạn III xây dựng và thiết kế nội thất (1967–1973).
Tuy nhiên, bản thiết kế đầy hoài bão của ông, với những cánh buồm trắng đặc trưng của tòa nhà được ông vẽ từ thời thơ ấu tại xưởng đóng tầu Aalborg, đã bị giới chính trị Australia “đập” cho tơi bời. Kể cả khi được thông qua, công trình của ông vẫn chịu chật vật tài chính và kiến trúc sư phải chịu những sự ghen tuông nhỏ mọn, đố kỵ.
Nhà hát Opera Sydney hiện vẫn làm một điểm hút khách du lịch ở Australia
Các cuộc tranh cãi đã đeo bám ông và công trình này trong nhiều năm. Cuối cùng, Utzon đã từ bỏ dự án vào năm 1966. Utzon chưa bao giờ trở lại để chiêm ngắm công trình đầy tính cách mạng này khi nó được Nữ hoàng Anh Elizabeth II chính thức khánh thành vào năm 1973. Utzon qua đời hồi năm 2008.
Một năm trước khi Utzon qua đời, công trình này đã được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Thế giới và Ủy ban UNESCO nhận định: “Nhà hát Opera Sydney là một trong những kiệt tác không thể chối cãi về sự sáng tạo của con người, không chỉ trong thế kỷ 20 mà còn trong lịch sử nhân loại”.
Jan Marnell, nhà sản xuất Thụy Điển gốc Australia, nói: “Chúng ta có một kỳ quan thế giới. Chúng ta có sự sáng tạo đấu với bộ máy quan liêu và thủ đoạn chính trị khác nhau. Chúng ta có một kiến trúc sư nổi bật, người vừa cuồng vọng vừa tài năng và những kẻ đối lập đầy hằn thù của ông đã âm mưu để đẩy ông ra khỏi Australia. Tất cả những điều này sẽ được kể hết trên màn bạc”.
Tuấn Vĩ – Thể thao và Văn hóa
Tổng hợp