Quen nhau chưa bao lâu, Vincent Van Gogh (1853-1885 người Hà Lan) đã sớm nhận ra ở Paul Gauguin (1848-1904 người Pháp) một người bạn tri kỷ.

Ông viết thư tha thiết mời Gauguin đến Arles, miền nam Cộng hoà Pháp, với ý đồ lớn là cùng nhau xây dựng một xưởng vẽ theo kiểu xã hội chủ nghĩa (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu), tức là một cộng đồng nghệ sỹ lý tưởng. Sát cánh bên nhau gần hai tháng, những bất đồng lộ dần. Đơn giản, hai người bạn đều tài năng ngoại cỡ, hàng ngày có thể vẽ theo cảm hứng bất tận, nhưng lấy gì độ nhật? Chính Van Gogh quên rằng mình vẫn sống nhờ vào em ruột, Théo Van Gogh. Không có tiền của em gửi cho, ông làm sao muốn vẽ gì thì vẽ… Gauguin chỉ ra điều này, Van Gogh vẫn không tỉnh mộng. Thấy ấp ủ bấy lâu của mình tan thành mây khói, trong một cơn nóng giận, Van Gogh nắm lấy con dao cạo râu, rượt theo, định “sát hại” Gauguin. Tuy nhiên, Van Gogh nhanh chóng nhận ra sai lầm rồ dại của mình. Và đêm hôm ấy, để tự trừng phạt, ông đã tự xẻo một bên tai. Van Gogh và Gauguin vĩnh viễn chia tay, dù vẫn quý trọng và thương nhớ nhau hết mực. Ấy là vào cuối năm 1888.

Cả hai ông đều cực kỳ vất vả trên con đường nghệ thuật, mà bí quyết cho thành công là tự do của nghệ sỹ trên nền một lý tưởng thẩm mỹ dường như quá cao siêu: Van Gogh thì muốn mang lại niềm vui cho mọi người bằng một đạo đức và tấm lòng thánh thiện, nghĩa là làm sao giữ được cho mỗi cá nhân “ánh sáng của Chúa trời”, sự tuyệt mỹ của tâm hồn. Gauguin thì muốn “về nguồn”, muốn con người trở về với đời sống tự nhiên, lành mạnh, trong sạch và lương thiện thuở sơ khai. Cả hai rút cuộc đều cô đơn, cơ cực, chết trong tủi nhục, nhưng đều toại nguyện, vì vững tin vào những gì mình để lại cho đời.

Van Gogh nhận được sự đồng điệu ngày càng lớn của toàn thế giới, đặc biệt là của người Nhật và người Mỹ, nên từ những năm cuối thế kỷ XX đã khẳng định được vị trí tốp đầu của mình trong hội hoạ (Bức Chân dung bác sỹ Gachet của ông, được mua với giá 82,5 triệu USD, thuộc nhóm vài tác phẩm hội hoạ cao giá nhất lịch sử). Còn Gauguin, công cuộc chinh phục thế giới xem chừng vẫn lận đận, lận đận dài dài. Ngay sau khi ông qua đời, các nhà sưu tập trên khắp hành tinh, ví như hai doanh nhân Nga, Chtchoukine và Morosov, đã vồ vập các họa phẩm của ông, những con mắt thẩm định nghệ thuật tinh đời nhất, như hoạ sỹ Pháp Degas (1834-1914), đã thán phục các kiệt tác đó, nổi bật là sự sống động kỳ lạ của màu sắc, ở Van Gogh là màu chói, ở Gauguin là màu lỳ. Một số tranh của Gauguin được lưu giữ trên tầng thượng của bảo tàng Pháp Orsay, một số chưa bao giờ được về Tổ quốc. Những năm chuyển giao thế kỷ, Van Gogh được trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm hoành tráng, thu hút hàng triệu lượt người xem. Còn Gauguin mãi đầu năm 2004 mới xuất hiện ở Lâu đài lớn Paris trong cuộc triển lãm tổng hợp mang tên “Hãy đắm mình vào Gauguin – Tahiti”, với chừng 200 tác phẩm của ông, gồm tranh tượng, ghi chép và sách vở. Có điều, các tác phẩm này phần lớn được mượn từ các bảo tàng và bộ sưu tầm tư nhân rải rác trên toàn cầu. Lại nữa, cuộc triển lãm có được là nhờ tấm lòng và tài trợ của tập đoàn kinh tế Pháp LVMH, mà chủ tịch Bernard Anault rất mê nghệ thuật. Dù sao, giới chuyên môn toàn cầu vẫn thường xuyên nhớ tới ông, tìm cảm hứng mới mẻ nơi ông và tôn thờ ông như một bậc thầy.

Nếu sự nghiệp của Van Gogh là phát hiện ra Chúa giữa đời thường, thì của Gauguin là tìm về Thiên đường đã mất. Cha Gauguin là một nhà báo, chết khi ông mới hai tuổi. Bà nội ông là một nhà cách mạng. Từ hai đến sáu tuổi, ông cùng gia đình lưu lạc ở nhà một ông chú của cha tại Pérou. Chính những bức tượng nhỏ hình quái vật đậm chất dân gian ở chốn này đã thức tỉnh trong ông đạo đức bất diệt của nhân dân lao động và khát vọng muôn đời của họ. Học xong một trường dòng, ông  vào hải quân, bỏ dở một khoá học sỹ quan, nhưng ngang dọc biển khơi tới nhiều nơi trên thế giới. Trong quá trình đó, ông đọc rất nhiều tạp chí du lịch và vô cùng thích thú cuốn tiểu thuyết Chuyện hôn nhân của Loti của nhà văn lớn Pháp Pierre Loti (1850-1923), kể về mối tình cao đẹp thuỷ chung của nhà văn này với một cô gái Tahiti. Năm 1872, ông xuất ngũ và may mắn được nhận vào làm việc ở một công ty chứng khoán. Ông có tham gia buôn bán chứng khoán và coi tiền như bèo. Năm 1873, ông lập gia đình với con gái một quan toà người Đan Mạch, cô Mette Gad. Từ đó, ông bắt đầu vẽ như một hoạ sỹ nghiệp dư, coi hội hoạ như ngôn ngữ thổ lộ tâm sự và chính kiến của mình. Ít lâu sau, ông bỏ công việc béo bở để chuyên tâm vào hội hoạ. Vợ ông suốt đời không thông cảm và tha thứ cho ông về chuyện này. Cũng như Van Gogh, ông học hỏi không mệt mỏi từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt chú ý đến hội hoạ cổ điển, nghệ thuật cổ Ai Cập, tranh khắc Nhật Bản. Ông kết bạn với nhiều hoạ sỹ, cùng triển lãm với nhiều nhà ấn tượng chủ nghĩa. Cũng như Van Gogh, ông mau chóng không thoả mãn với trào lưu ấn tượng và kiên nhẫn đi tìm con đường riêng, tức là tìm cho được phương thức thể hiện thật đúng những chiêm nghiệm của mình. Con đường riêng của Gauguin là lột tả thật hết cái hồn của thế giới tự nhiên và của con người “hoang dã” gắn bó với thế giới ấy.

Từ khi ông chuyển hẳn sang hội hoạ, vợ ông đem bốn con nhỏ về quê mẹ Bắc Âu. Ông đành nhịn đói nhịn khát, ăn đậu ở nhờ, nhưng sáng tác luôn hăm hở. Năm 1884, ông sang Đan Mạch, dàn hoà với vợ. Nhưng thật đáng buồn, “Không xong !”. Ông vay tiền của một người bạn làm ở ngân hàng, chu du đến Pont-Aven năm 1886, rồi lưu lại ở Panama và Martinique năm 1887. Sau chuyện buồn với Van Gogh năm 1888, ông phiêu bạt nhiều nơi trên đất Pháp và ở Paris. Sự giả dối tràn ngập xã hội làm ông chán chường. Năm 1890, Van Gogh tự tử, người em Théo, – chỗ dựa về mọi mặt và nguồn cảm phục vô bờ đối với Van Gogh -, phát điên. Gauguin nhất quyết từ giã thế giới văn minh mà ông không thể không thêm ngán ngẩm bất tận theo dòng thời gian không ngừng tuôn chảy. Trước khi tìm về “Thiên đường” (đã mất ở Lục địa già), được Loti miêu tả miêu tả chân thực trong tiểu thuyết Chuyện hôn nhân của Loti như nói bên trên, ông sang Đan Mạch từ biệt vợ con đầu năm 1891. Ngày 1 tháng Tư năm ấy, ông lên đường, “để tâm hồn được thanh thản, để gột rửa những dấu ấn của xã hội văn minh choáng ngợp”. Ngày 9 tháng Sáu, ông cập bến ở cảng Papeete, Tahiti. Ngay lập tức, những thô bỉ của “văn minh” đập vào mắt ông: gái điếm làm tiền trắng trợn, chủ quán rượu người Hoa gian xảo, quan lính châu Âu luôn say bí tỉ và xấc xược… Ông bèn xuống miền Nam, dừng lại ở một làng nhỏ tại quận Matatea, cách Papeete 45 cây số. Chủ nghĩa thực dân chưa vươn vòi bạch tuộc tới những nơi khỉ ho cò gáy này. Do đó, ở “xứ sở hoang vu và hoang dã”, tình người còn đậm đà, vật chất chưa bị tôn thờ, đạo lý muôn đời vẫn còn tự nhiên và thánh thiện. Ánh sáng, cây cối, sông nước vẫn còn tươi thắm, óng ả và hút hồn, vẫn tinh khôi từ hàng ngàn năm bất chấp khắp bốn phương vật đổi sao dời. Gauguin bắt tay ngay vào vẽ và viết hối hả và say mê như chưa bao giờ có ai say mê đến thế. Ông càng hạnh phúc vì một cô gái bản xứ rất trẻ tình nguyện làm vợ ông, với một tình yêu chất phác, chân thành và ý vị. Hạnh phúc nối tiếp hạnh phúc, mỗi độ một nên thơ và nức lòng. Căn lều của vợ chồng ông là vũ trụ kỳ ảo, và tự do tuyệt đỉnh của ông.

Trong hạnh phúc tìm lại được Thiên đường bị nhấn chìm ở mọi chốn phồn hoa đô hội, ông viết rất nhiều, chú tâm ghi lại nền văn hoá nguyên sơ của dân tộc Maories sở tại trong Noa Noa (tiếng địa phương: Người phụ nữ được ướp hương thơm), một cuốn sách nhỏ xinh từng chấn động dư luận cả châu Âu già cỗi. Tinh thần chủ đạo là một tư tưởng của Đạo Phật: “Phải lấy dịu hiền để thắng oán hận, lấy cái thiện thắng cái ác, lấy sự thật để cải hoá dối lừa”. Bên cạnh thiên nhiên nguyên thuỷ “tính bản thiện” vô cùng đặc sắc của văn hoá Maories, Gauguin tố cáo đúng đắn và không khoan nhượng, đồng thời buộc tội thoả đáng và đanh thép chủ nghĩa thực dân “thiển cận” bóp chết những “giá trị sống” cốt lõi nơi quê cha đất tổ. Cuốn sách phát lộ một nhà văn thực thụ… Hạnh phúc mỹ mãn mà ông không nghĩ mình có thể được hưởng kéo dài chỉ hai năm. Việc ông hết tiền, cộng thêm một số ràng buộc khác, đẩy dần Gauguin vào ngõ cụt. Ở lại Tahiti thì lấy gì sống. Ăn uống hàng ngày không phải chuyện chơi. Suy đi tính lại, ông buộc phải quay về nơi ông tưởng mãi mãi có thể rứt bỏ. Năm 1893, ông quyết định trở lại Pháp. Ông dự định bỏ hội hoạ để kiếm một chân dạy vẽ trong trường phổ thông; hy vọng thiên tài của mình được công nhận (qua khoảng 80 hoạ phẩm mang về); thu được bộn tiền từ thành công đó…Than ôi, đó chỉ là ảo tưởng!… Cập bến Marseille ngày 30 tháng Tám năm 1893, ông chỉ còn 4 franc, đủ để gọi điện cho một bạn thân ở Paris. Nhờ tiền vé tầu hoả của bạn, ông mới về đó được. Cuộc bán đấu giá tranh ông không được như mong muốn. Tiền thu về chẳng đáng là bao. Bạn bè, người tháo lui, kẻ qua đời rồi. Bà vợ Đan Mạch cự tuyệt hẳn. Vậy là ông chẳng còn gì níu chân lại xứ sở ông muốn giàn hòa thật bụng. Ngày 28 tháng Sáu năm 1895, Gauguin nức nở bước lên tầu, rời xa Paris vĩnh viễn.

Về lại Tahiti, người vợ bản địa đã lấy chồng khác. Ông sống tự nhiên, đúng như người “nguyên sơ”, nên bị nghi là “chỉ điểm”. Thậm chí, ông còn bị một tốp thuỷ thủ đánh què chân, vì họ không chịu nổi dáng vẻ điềm nhiên quá tự tin của danh hoạ. Ông liên tiếp gặp nhiều phiền toái từ các nhà cầm quyền. Do đó, đầu năm 1901, ông phải từ bỏ Matatea, tìm đến quần đảo Marquise xa ngái. Tại đây, bệnh giang mai, da dẻ lở loét cùng chiếc chân đau hành hạ ông gần như hàng ngày. Thức ăn chính là cùi dừa, răng ông đã yếu, ông gần như không ăn được nữa. Có khi, ông nằm liệt hàng tháng. Dân sở tại luôn biếu ông những món mềm, dễ nuốt, để ông qua ngày. Mặt khác, họ lấy nhiều cây cỏ mà họ quen dùng làm thuốc, giúp ông chống chọi phần nào với bệnh tật. Bất chấp đói khát và ốm đau, ông vẫn yêu đời và kéo cày trả nợ. Nợ vô hình là tấm lòng bà con Tahiti, nợ cụ thể là với nhà sưu tầm nghệ thuật Vollard (1868-1939), người Pháp. Mến mộ ông và tranh của ông, nhà sư tầm đều đặn gửi cho ông một món tiền nhỏ, đủ chi dùng cho những nhu cầu tối thiểu.  Đổi lại, ông vẽ tranh cho Vollard. Vị này còn tìm cho ông người “sửa túi nâng khăn” mới.  Song tính hào phóng đã thành “cố tật”, hễ có tiền, ông liền đem thết đãi bạn bè thổ dân hết sạch. Đứa con nhỏ mới chào đời đã lìa bỏ ông lặng lẽ và bí hiểm. Chưa hết, ông còn giúp dân bản địa nổi dậy, chống chính quyền đô hộ. Chính sự o ép của chính quyền này từng bước một dồn ông vào bức bí và đã hủy hoại đời ông vào ngày 8-5-1903. Ông bình tĩnh đón nhận cái chết: “Tôi biết tôi đã đúng trong nghệ thuật. Nếu các tác phẩm của tôi không tồn tại được, thì sẽ vẫn tồn tại đến muôn đời kỷ niệm về một hoạ sỹ đã giải phóng hội hoạ” và muốn giải phóng loài người khỏi “văn minh” mà đồng tiền là chúa tể. Hôm nay, sự ngây thơ trinh trắng ấy vẫn tồn tại oai hùng, dù đang bị chủ nghĩa hưởng thụ bằng mọi giá lấn lướt.

Cao Hồng Vinh – Nguồn: Văn nghệ

Exit mobile version