Dù chưa ai chỉ ra được ngọn tháp nằm ở đâu, nhưng linh mục Nguyễn Trường Thăng (quản xứ Trà Kiệu năm 1975 – 1989) khẳng định ngôi đền là có thật và “hoàn toàn không mơ hồ”…
ừ một bức không ảnh cách đây gần 100 năm, nhiều người nhận định, nếu còn tồn tại đến bây giờ, kinh thành Sư tử (Simhapura) sẽ có một ngọn tháp khổng lồ và xếp vào loại lớn nhất trong hệ thống tháp Chăm hiện có tại Đông Nam Á.
Đền thờ cao 40 m
Nhiều tài liệu dẫn theo bộ sử Thủy kinh chú của Lý Đạo Nguyên người Bắc Ngụy (Trung Quốc) viết vào thế kỷ 7 cho biết, kinh thành Sư tử được mô tả đặt tại phía tây khúc sông ở kinh đô Lâm Ấp, lập ở Điển Xung, cách bờ biển 40 dặm. Về sau, những chuyên gia người Pháp khi nghiên cứu kinh thành Sư tử cũng dựa theo sử liệu này. Trong đó, cuộc khai quật ở Trà Kiệu với quy mô lớn lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của các học giả người Pháp được tiến hành trong 2 năm (1927 – 1928) dưới sự chỉ đạo của J.Y.Claeys (Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp ở Hà Nội) kéo dài gần 10 tháng đã phát hiện nhiều bức tượng đá, mảnh gốm, vết tích những chân móng tường gạch…
Trong báo cáo khai quật di chỉ Trà Kiệu vào năm 1990, các nhà nghiên cứu Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung nhận định: “J.Y.Claeys đã bước đầu phác họa được quy hoạch của thành cổ Trà Kiệu và chứng minh được thành Trà Kiệu chính là kinh thành Simhapura của vương quốc Champa từng được nhắc đến trên các bi ký Chàm và cũng chính là kinh đô Lâm Ấp được mô tả trong Thủy kinh chú”. Từ đây, những tài liệu J.Y.Claeys trở thành nền móng cho rất nhiều nghiên cứu về kinh thành Sư tử. Bằng phương pháp khảo sát hiện đại, nhà nghiên cứu người Pháp xác định: Thành Simhapura có chu vi khoảng 4 km, thành phía tây dài 1.700 m, thành phía tây bắc – đông nam dài 500 m. Đặc biệt, từ bức không ảnh do nhà nghiên cứu J.Y.Claeys ghi lại tại hiện trường cuộc khảo sát đã đưa đến nhận định, tại kinh thành Sư tử có một ngọn tháp khổng lồ với chiều cao có thể đạt đến 40 m.
Ông Nguyễn Văn Nghị (67 tuổi, người trông coi giáo xứ Trà Kiệu, xã Duy Sơn) cho biết thuở nhỏ ông đã được nhiều người trong làng truyền miệng câu chuyện về ngọn tháp khổng lồ nằm ở phía đông đồi Bửu Châu, nơi đặt nhà thờ Đức mẹ Trà Kiệu ngày nay. Ông nói: “Vị trí chính xác của nó thì không ai biết. Qua nhiều giai đoạn, nền móng ngọn tháp đã bị vùi lấp hoặc đã bị người dân đập phá nên có khi nền tháp hiện nằm trong nhà dân”.
Nơi đặt đài thờ trà kiệu ?
Những nghiên cứu về sau của nhiều học giả chủ yếu căn cứ trên những nhận định của J.Y.Claeys rút ra từ cuộc khai quật trong 10 tháng năm 1927 – 1928. Dù chưa ai chỉ ra được ngọn tháp nằm ở đâu, nhưng linh mục Nguyễn Trường Thăng (quản xứ Trà Kiệu năm 1975 – 1989) khẳng định ngôi đền là có thật và “hoàn toàn không mơ hồ”, thông qua bức không ảnh mà ông tận mắt chứng kiến và kỳ công sao chụp tại nước Pháp.
“Năm 1996, khi đang theo học môn giáo sử tại Institut Catholique ở Paris, được sự giới thiệu của linh mục Gerard Moussay, GS Pierre-Yves Manguin đã mời tôi đến nói chuyện một giờ với nhóm sinh viên đặc biệt ngành khảo cổ đến từ nhiều nước tại Etude Francaise d’Extrême Orient về kinh đô Simhapura Trà Kiệu”, linh mục Thăng kể. GS Pierre-Yves Manguin đã cho ông Thăng xem những tài liệu của J.Y.Claeys về cuộc khai quật 1927 – 1928 tại Trà Kiệu. “Đây là những tài liệu chưa thấy ai công bố, nên phải gọi là quý, ít nhất đối với tôi. Trong đó, có 2 bức ảnh tôi cho là lạ. Đặc biệt, qua bức không ảnh, có thể thấy kinh thành Sư tử từng tồn tại một ngọn tháp vào hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á”, linh mục Thăng khẳng định.
Bức không ảnh đen trắng ghi lại toàn bộ khu vực Hoàng Châu với diện tích khoảng 1/2 km2. Với những tài liệu có được tại Pháp, linh mục Thăng nhận định, mỗi cạnh móng của ngôi đền dài 10 m, tháp cao gần 40 m là có cơ sở. “Nếu còn đến ngày nay, rõ ràng đây là ngôi tháp đồ sộ nhất trong hàng kiến trúc Chăm ở vùng Đông Nam Á. Thật là quá sức tưởng tượng vì tháp A1, cao nhất Mỹ Sơn cũng chỉ đo được khoảng 28 m”, linh mục Thăng đặt vấn đề ngọn tháp rộng lớn này có thể chứa được một đài thờ lớn hình vuông, mỗi cạnh 3 m, cao 1,5 m, trên đó tạc 12 vũ nữ Apsara đứng múa trước đài sen.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng các khảo tả về kinh thành Sư tử thường mờ nhạt, những nghiên cứu liên quan cũng chủ yếu qua các hố khai quật nên chỉ phác ra mặt bằng kiến trúc và đưa ra giả thuyết. Do vậy, rất khó đi đến kết luận về một ngọn tháp cao đến 40 m như nhiều tài liệu đã dẫn mà cần thiết phải có thêm những nghiên cứu chuyên sâu.
Simhapura, kinh thành Sư tử tọa lạc tại Trà Kiệu (Quảng Nam) khoảng thế kỷ 4 dưới triều Bhadravarman, nay chỉ còn lại những tường thành vùi lấp trong đất đá. Nhưng bí mật xung quanh kinh đô cũ của vương quốc Champa này vẫn đang lưu truyền, và đã có một vị linh mục chuyên tâm nghiên cứu suốt nhiều năm..
Hoàng Sơn
Nguồn: thanhnien.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài