TRANG ANH

Chương trình nghệ thuật Tháng 9 – Nắng thu do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Hoạt động sáng tác, phổ biến, lưu hành các tác phẩm ca múa nhạc ở nước ta hiện khá sôi động và đa dạng. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, trở thành cầu nối tích cực trong giao lưu, hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động này cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Khoảng trống kiểm duyệt

Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Văn Trực cho biết: Hiện nay, khi xin cấp phép ca khúc, tác giả chỉ cần nộp bản phô-tô cóp-pi bản nhạc hoặc đĩa nhạc, nếu nội dung không vi phạm các chính sách pháp luật hay thuần phong mỹ tục thì sẽ được cấp phép phổ biến. Nhưng trên thực tế, nhiều bài trong số đó có ca từ ngô nghê, giai điệu thiếu yếu tố nghệ thuật mà nếu cứ dễ dãi cho lưu hành sẽ kéo thấp thị hiếu âm nhạc của công chúng. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu thực trạng: Ở một số địa phương, việc cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chỉ chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, không thẩm định nội dung chương trình; công tác kiểm tra, hậu kiểm cũng còn hạn chế, chế tài xử phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, tổ chức biểu diễn không đúng nội dung cấp phép, chương trình có giá trị nghệ thuật thấp. Mặt khác, các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn hiện nay được thành lập khá dễ dàng, cho nên một số doanh nghiệp khi có sai phạm bị tước giấy phép hoặc đình chỉ tổ chức đã “lách” bằng cách thay đổi tên doanh nghiệp để tiếp tục hoạt động.

Việc phát triển của công nghệ số cũng mang đến nhiều thách thức hơn cho công tác quản lý các hoạt động sáng tác, lưu hành các sản phẩm ca múa nhạc. Hiện, các tác phẩm này không đơn thuần được phổ biến ở định dạng CD, VCD, DVD… mà còn được phát hành trực tuyến trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông số. Bởi thế, không cần đến sự cấp phép của các nhà quản lý, nhiều ca khúc, chương trình biểu diễn vẫn được tự do truyền tải. Ðây là lý do mà thời gian qua, hàng loạt bài hát như Phiếu bé ngoan, Tan ka ka, Em không hối tiếc, hay mới đây là Như cái lò… dù có ca từ thô tục, nhảm nhí vẫn tiếp cận được công chúng. Kiểm soát chất lượng các tác phẩm ca múa nhạc trên môi trường số như thế nào vẫn là câu hỏi mà các nhà quản lý chưa tìm được giải pháp quản lý hữu hiệu. Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết: Trên thực tế, các cơ quan quản lý về nghệ thuật biểu diễn được giao thẩm quyền quản lý về mặt nội dung các sản phẩm ca múa nhạc được đưa tới công chúng dưới dạng các bản ghi âm, ghi hình; việc quản lý các sản phẩm lưu hành, phổ biến trên phương tiện kỹ thuật số, mạng in-tơ-nét chưa được phân định rõ ràng. Ngoài các cơ quan quản lý nghệ thuật, trách nhiệm quản lý các phương tiện truyền tải nội dung sản phẩm thuộc về các cơ quan thông tin và truyền thông. Do đó, cần có sự phối hợp cũng như những quy định rõ ràng hơn trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng đạt hiệu quả.

Tăng cường công tác hậu kiểm

Tính đến nay, trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Nghị định số 79/2012/NÐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ và Nghị định số 15/2016/NÐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NÐ-CP là văn bản pháp lý cao nhất có quy định về hoạt động lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Tuy nhiên, những bất cập nảy sinh thời gian qua cho thấy vẫn còn độ chênh tương đối lớn giữa các văn bản pháp lý với thực tế sáng tác, biểu diễn nghệ thuật. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay” tại nhiều địa phương trên cả nước nhằm ghi nhận những vướng mắc, từ đó có những điều chỉnh về luật để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân được thụ hưởng các tác phẩm ca múa nhạc có giá trị nghệ thuật và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có môi trường làm việc thuận lợi. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên khẳng định: Quản lý hoạt động sáng tác, lưu hành, phổ biến tác phẩm nghệ thuật không phải là gây khó dễ, phiền phức mà phải tạo động lực, khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm chất lượng, các nhà sản xuất đầu tư dàn dựng, biểu diễn tác phẩm hấp dẫn… Do đó, xu hướng chung sẽ là quản lý bằng cách bớt tiền kiểm, tăng hậu kiểm, tìm cách giảm thủ tục hành chính rườm rà nhưng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra với các chế tài xử phạt đủ sức răn đe.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: Với những sản phẩm dị thường về hình thức, vay mượn về ý tưởng, nhàn nhạt về cá tính nghệ thuật… mà vẫn đạt hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội, nếu không quản lý kịp thời thì sẽ làm lệch lạc thẩm mỹ của công chúng trẻ. Cần khẳng định, ngăn cấm trong xu thế hội nhập toàn cầu, nhất là trong môi trường số chỉ là giải pháp cơ học và dễ phản tác dụng. Vì thế, thay vì chỉ trích, cấm đoán, tốt hơn hết là đưa ra những món ăn tinh thần ngon, hấp dẫn. Cách loại trừ hữu hiệu những sản phẩm và xu hướng “có vấn đề” trong nghệ thuật vẫn là đầu tư thích đáng, khích lệ kịp thời người sáng tạo để những tác phẩm, chương trình thật sự giá trị có điều kiện đi vào đời sống.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version