Ăn cắp bản quyền nhạc số từ lâu đã trở thành căn bệnh mãn tính, nhờn thuốc. Dù đã có những đơn vị bị phạt tiền, bị đóng cửa, nhưng nhìn chung, mức xử phạt còn nhẹ, nên tình trạng vi phạm vẫn tràn lan, và doanh nghiệp vẫn hằng ngày đút túi những khoản lợi không nhỏ có được từ việc vi phạm này.
Càng hiện đại càng dễ bị vi phạm
Tại Diễn đàn Bản quyền tác giả Việt Nam – Hàn Quốc mới đây, các đại biểu tới từ cơ quan bảo vệ quyền tác giả của Hàn Quốc và Việt Nam đều chung nhận định, môi trường kỹ thuật số phát triển, đặc biệt là công nghệ, là điều kiện giúp cho việc sáng tạo, sử dụng trên môi trường Internet ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng khiến cho việc vi phạm bản quyền trong môi trường Internet ngày càng dễ dàng hơn.
Trên thực tế, với sự phát triển của các trang mạng xã hội hay trang web thu hút lượng người sử dụng khổng lồ như Facebook hay Google…, việc phát tán các sản phẩm trên mạng vô cùng nhanh chóng, đồng nghĩa với việc ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền rất khó khăn. Việc hợp tác rất phức tạp và mất thời gian, đơn vị có bản quyền phải tự tìm những địa chỉ, đường dẫn có hành vi vi phạm. Ngoài ra, đối với những website thì việc ngăn chặn phức tạp vô cùng.
|
Một số bài hát bản quyền mà trang chiasenhac.com sử dụng trái phép để thu hút người truy cập, kiếm lợi từ quảng cáo. |
Theo các chuyên gia, việc vi phạm bản quyền là hành vi ăn cắp trí tuệ và tài sản của các chủ sở hữu phải bị ngăn chặn và xử lý. Song tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền phổ biến một phần do việc xử lý vi phạm chưa được đặt đúng tầm, chưa có những chiến dịch cụ thể, tuyên truyền đủ độ sâu và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Với nhiều người dùng Việt Nam, việc vô tư nghe, tải nhạc, phim “chùa” trên mạng không có nghĩa là vi phạm
bản quyền.
Ông Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – cho rằng: Các chế tài xử phạt vi phạm bản quyền còn quá nhẹ cũng là một trong nhiều lý do khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền như một căn bệnh “nhờn thuốc”, khó chữa trị dứt điểm. Chính vì thế, kể cả khi các đơn vị bị vi phạm tìm được các hành vi vi phạm thì việc xử lý cũng không triệt để vì nhiều lý do.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng: Trước hết cần phải có những công cụ để có thể ngăn chặn kịp thời, trên cơ sở đó chuyển cho các cơ quan chức năng có biện pháp chế tài và nếu cần thiết có thể lấy đó làm chứng cứ để kiện ra tòa nhằm răn đe và có thể đòi bồi thường thiệt hại.
Phạt xong, vi phạm tiếp
Mới đây nhất, Cty Sky Music có đơn gửi tới Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) kiến nghị về những vi phạm bản quyền nhạc số của các đơn vị gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp này. Theo bà Đoàn Thị Thanh Xuân – Giám đốc điều hành Sky Music – trong thời gian qua, Sky Music hai lần phản ánh về hành vi vi phạm bản quyền của website www.yeucahat.com và www.chiasenhac.com do Cty CP Giải trí Yêu ca hát làm chủ quản đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT). Sky Music còn gửi kèm những hình ảnh chụp lại những bài hát mà đơn vị này giữ bản quyền nhưng đang bị Cty CP Giải trí Yêu ca hát ngang nhiên phát tán trên mạng…
Chiasenhac.com cho phép người dùng tự tải nhạc lên và tích điểm để tải danh sách bài hát theo yêu cầu, không khác gì tiếp tay cho nhạc không bản quyền, mượn việc chia sẻ nhạc để kinh doanh lậu, kiếm tiền từ việc treo quảng cáo online nhờ số lượng người truy cập lớn.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã tiến hành xử phạt 25 triệu đồng đối với website www.yeucahat.com và www.chiasenhac.com vì hoạt động cung cấp nội dung trên mạng không phép. Tuy nhiên, sau đó Sky Music cho biết, trang yeucahat.com đã đóng cửa, còn trang www.chiasenhac.com thì vẫn ngang nhiên cung cấp nhạc số ăn cắp bản quyền. Nghiêm trọng hơn là hành vi vi phạm với động cơ thương mại, thu lợi từ quảng cáo của Cty Yêu ca hát đã và đang làm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại về doanh thu của các doanh nghiệp cùng ngành.
Đó chỉ là một vụ việc vi phạm bản quyền gần đây nhất bị xử lý. Trước đó đã có rất nhiều trường hợp tương tự, bị phạt tiền, thậm chí bị đóng cửa, nhưng vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, nộp tiền phạt xong lại… vi phạm tiếp, hoặc doanh nghiệp này đóng cửa thì có doanh nghiệp khác mở ra để tiếp tục vi phạm. Các phong trào, chiến dịch kêu gọi người nghe nhạc có ý thức, tẩy chay các sản phẩm vi phạm bản quyền cũng chỉ hoạt động được dài nhất là 1-2 năm rồi im lặng, khiến tình trạng vi phạm bản quyền chưa bao giờ hết nhức nhối. Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) – cho rằng, “hiện nay vấn đề vi phạm bản quyền còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực… Trên thực tiễn còn có những khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi. Đồng thời các cơ quan quản lý vẫn còn thiếu về nhân lực, nguồn lực, dẫn đến những bất cập trong việc quản lý”. Những lý do đó khiến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực bản quyền nhạc số gần như chưa có cách giải quyết triệt để và đang ngày càng nghiêm trọng.
Theo Duyên Trường – Lao động