Sau hơn một tháng dàn dựng, vở kịch nói “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” (tác giả kịch bản A.Uxtiugov chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn B.Vasilyev; dịch giả: TSKH Lê Đức Thụ; đạo diễn: NSND Lê Hùng; cố vấn văn học kịch: PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái) đã ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít. Vở diễn tạo những ấn tượng tốt đẹp tới công chúng với những thông điệp về tình đồng chí, tình yêu con người hòa vào tình yêu đất nước.

Cảnh trong vở diễn “Và nơi đây bình minh yên tĩnh”.

Tiểu thuyết “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” được xuất bản lần đầu năm 1969, là một trong những tác phẩm nổi bật về đề tài chiến tranh trong thập niên 1960, 1970 ở Liên Xô (trước đây). Kịch bản vở diễn “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” kể về cuộc sống của một tiểu đội pháo cao xạ toàn nữ, được thành lập để bảo vệ vùng trời Karelia, một vùng hậu phương xa tiền tuyến của Liên Xô năm 1941. Chỉ huy nhóm chiến sĩ nữ này là Vaskov, sĩ quan dự bị duy nhất có kinh nghiệm chưa ra tiền tuyến. Sau những khó khăn làm quen ban đầu, viên sĩ quan cứng nhắc bắt đầu hòa nhập được với những nữ pháo thủ trẻ trung của mình. Cuộc sống của họ diễn ra bình yên với những ký ức về tình yêu, hạnh phúc và gia đình… cho đến một ngày, các chiến sĩ phát hiện dấu vết của hai lính dù Đức quốc xã ở khu rừng gần nơi đóng quân của đơn vị. Vaskov quyết định dẫn năm chiến sĩ nữ là Brichkina, Oxianina, Chietvertak, Komelkova, Gurvich đi sâu vào rừng để ngăn chặn âm mưu phá hoại của người Đức. Nhưng tới vị trí phục kích, họ bất ngờ phát hiện ra rằng mình phải đối mặt không chỉ với ba, mà cả một tiểu đội 16 lính dù Đức thiện chiến và được trang bị vũ khí mạnh gấp bội. Vaskov quyết định cử một thành viên trong nhóm trở về báo tin, còn anh cùng với bốn chiến sĩ còn lại tiếp tục phục kích với hy vọng sẽ chờ được tiếp viện. Vaskov không ngờ rằng cô gái anh cử đi đã không bao giờ đến được đích, cô bị lạc và chết đuối trong đầm lầy giữa rừng. Nhóm 5 chiến sĩ Hồng quân còn lại đã dũng cảm chiến đấu với những tên phát xít Đức nhưng cũng không tránh khỏi thương vong, lần lượt từng cô gái đều hy sinh, chỉ còn lại một mình Vaskov.

Câu chuyện đã được chuyển thể thành công ở các thể loại: Sân khấu (đã có 3 nước dàn dựng), phim điện ảnh và phim truyền hình. Qua thân phận của từng con người trong chiến tranh, đặc biệt là những nhân vật nữ vốn bản năng sinh ra để làm vợ, làm mẹ nhưng buộc phải cầm súng chiến đấu, vở diễn “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” cho thấy sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh, nhưng qua đó nêu bật giá trị của hòa bình và ý chí chiến đấu kiên cường của những người lính Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Đây là một kịch bản rất mạnh mẽ. Ở thời điểm hiện tại, tôi tin rằng vở diễn sẽ phù hợp ngay cả với những khán giả trẻ, khi nhắc tới lòng yêu nước, tới những phẩm giá cao quý của con người. Bởi những câu chuyện về chiến tranh giữ nước vốn rất quen thuộc và dễ được khán giả Việt Nam đón nhận”.

Đạo diễn, NSND Lê Hùng chia sẻ, lâu rồi ông mới quay lại một vở sân khấu Nga như một sự trả nợ, vì ông có thời gian 10 năm ở Nga. Do đó, trước một vở diễn mang dấu ấn Nga, đạo diễn Lê Hùng cố gắng hết sức để dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật dựa trên kịch bản tốt và có nhiều nét tương đồng với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam… “Những người lính có quyền xem những vở diễn tinh hoa của thế giới, như vở “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” của Nga, hay những vở diễn nổi tiếng khác của nhiều nước”, NSND Lê Hùng cho hay.

Trong “Và nơi đây bình minh yên tĩnh”, đạo diễn đã dàn dựng những con người Nga, tính cách Nga, tâm hồn Nga theo cách của người Việt Nam, bằng sự tương tác, hòa điệu của lòng yêu nước, của khát vọng hòa bình, của ý chí chiến đấu kiên cường của những người lính Hồng quân Liên Xô với những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Không gian sân khấu của “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” đậm đặc “chất” Nga, với những cây bạch dương, với tuyết, với tiếng vịt trời gọi nhau hay tiếng đầm lầy sủi bọt… Những cây bạch dương là hình ảnh chủ đạo của không gian sân khấu, có lúc được ước lệ thành khung chiếc xe tải, có lúc thành những khẩu pháo cao xạ, có lúc thành sóng nước giữa đầm lầy, và có lúc là rừng bạch dương-địa bàn chiến đấu của tiểu đội…

Vở diễn có sự tham gia của hầu hết những gương mặt diễn viên trẻ vào vai 10 nữ chiến sĩ Hồng quân Liên Xô: Kim Dung, Xuân Thu, Nhật Hằng, Nguyên Hằng, Băng Tình, Vân Thường, Ngọc Anh, Huyền Trang; có cả những vai diễn đầu đời trong nghiệp diễn của Mỹ Linh, Thu Huế… Đại diện cho lớp diễn viên trẻ của nhà hát, Huyền Trang tâm sự: “Mỗi lần nhà hát triển khai dàn dựng một chương trình mới, tâm trạng của lớp diễn viên trẻ chúng tôi đều thấy xốn xang và mong chờ. Mong chờ một tác phẩm mới ra đời, mong chờ những nhân vật hay, mong muốn được cống hiến và được khẳng định mình trong từng vai diễn… Với tác phẩm “Và nơi đây bình minh yên tĩnh”, các diễn viên trẻ được đắm mình trong không khí tươi mới của sự sáng tạo. Đây cũng là thử nghiệm đầy ý nghĩa, hứa hẹn những vụ mùa mới của Nhà hát Kịch nói Quân đội với đội ngũ diễn viên trẻ”.

Đại tá, NSƯT Ngọc Thư, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội nhấn mạnh, vở diễn dàn dựng có ý nghĩa tiếp tục tuyên truyền về mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay, đồng thời tham gia vào các hoạt động của Năm văn hóa Nga tại các nước ASEAN năm 2016. Cuối năm nay, vở diễn “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” sẽ tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3-2016 tổ chức tại Việt Nam.


Bài và ảnh: Hoàng Hạnh – Nguồn: QDND

Exit mobile version