Ngữ Thiên

Một số phiên bản Mộc bản triều Nguyễn.
 Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, công chúng có thể được tiếp xúc thưởng lãm cùng một lúc ba Di sản tư liệu quý trong không gian dung chứa một Di sản tư liệu khác:
Hệ thống bia vinh danh các tiến sĩ thờ Lê – Mạc cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới. Đặc biệt hơn, Triển lãm giới thiệu về các Di sản tư liệu qua những chủ đề nổi bật: Quốc hiệu đất nước qua Mộc bản; Khoa cử thời Nguyễn qua Châu bản và Tinh thần dân tộc qua Thơ trên kiến trúc cung đình Huế.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chủ trì cùng với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức Triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn”.

Triển lãm chọn lọc giới thiệu về ba Di sản tư liệu triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới – còn gọi là Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, ra đời từ năm 1992 – qua hơn 70 tài liệu hình ảnh về mộc bản, châu bản, thơ trên triến trúc cung đình Huế cùng 16 phiên bản Mộc bản.

1. Mộc bản triều Nguyễn là những bản khắc gỗ dùng để in sách chữ Hán, chữ Nôm với nhiều loại hình khác nhau như sách lịch sử, địa chí, văn chương …, đặc biệt là những trang về lịch sử triều Nguyễn cũng như lịch sử Việt Nam. Mộc bản vừa phản ánh những giá trị về thông tin vừa mang những giá trị nghệ thuật, thể hiện nghệ thuật điêu khắc gỗ rất tinh xảo của người thợ thủ công xưa,

Nội dung Mộc bản được giới thiệu tại triển lãm tập trung về chủ đề Quốc hiệu đất nước. Mỗi trang tài liệu là một câu chuyện lịch sử về tên gọi của đất nước ta qua các thời kỳ. Từ khởi thủy đến năm 1945, Việt Nam trải qua chín lần thay đổi tên gọi: Từ buổi hoang sơ Xích Quỷ, Văn Lang, rồi Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, đến Việt Nam rồi Đại Nam. Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu của thế giới, ngày 31-7-2009.

2. Châu bản là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội. Châu bản được người có thẩm quyền cao nhất đất nước tự tay “bút phê” nên phản ánh đầy đủ, toàn diện các quan điểm, nội dung chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn trên các lĩnh vực xã hội đương thời. Qua triển lãm này, Châu bản được giới thiệu tập trung với chủ đề về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn. Nội dung chính sách giáo dục và khoa cử thời Nguyễn chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy hành chính nhà nước. Các văn bản Châu bản liên quan đến chủ đề này phản ánh khá sinh động nhiều vấn đề trong chính sách giáo dục, đào tạo, tuyển cử của triều Nguyễn, trong đào tạo và sử dụng nhân tài. Đây là di sản tư liệu thứ hai được công nhận là Di sản tư liệu thế giới ngày 14-5-2014.

Giáo dục, khoa cử triều Nguyễn trên Châu bản.

3. Mộc bản là những tài liệu ván khắc âm bản dùng để in sách thì thơ văn chạm khắc trên các cấu kiện gỗ của kiến trúc cung đình Nguyễn là ván khắc dương bản. Tại triển lãm, những bài thơ bằng chữ Hán chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế tập trung ở nhiều đề tài khác nhau, nhưng nổi bật hơn cả đó là tinh thần dân tộc qua việc khẳng định về những truyền thống văn hiến tốt đẹp cũng như niềm tự hào về giang sơn gấm vóc.

Chưa cần phân tích nội dung, bối cảnh ra đời và tác giả, mỗi tác phẩm thơ văn chạm khắc trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế đã mang nhiều giá trị, đặc biệt nhất ở tính độc bản. Các tác phẩm thơ văn được khắc chìm, chạm nổi trên các ván gỗ, có chỗ lại được viết trên nền pháp lam hay đắp nề ngõa trên các ô hộc. Việc chọn các kiểu chữ để thể hiện như chân, thảo, triện, lệ hay chia tách các ô thành các cụm câu hoặc đại tự …. vừa nói lên tính đa dạng về hình thức tồn tại của tư liệu vừa nói lên trình độ nghệ thuật tài hoa của các nghệ nhân. Đó cũng là nét độc đáo “chẳng nơi nào có được” của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản tư liệu thứ ba của Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, ngày 19-5-2016.

Bài thơ trên điện Thái Hòa (dịch nghĩa) Nước ngàn năm văn hiến – Thống nhất toàn giang sơn – Từ buổi đầu lập quốc – Đã thịnh trị trời Nam.

Triển lãm khai mạc sáng 26-8 tại Nhà Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám và sẽ kéo dài tới ngày 26-9.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version