35 năm trước, 200 ký họa màu nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã có mặt trong buổi mừng sinh nhật 70 của ông ở Hà Nội. Và sau 35 năm, 200 ký họa ấy trở thành gia tài của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam một lần nữa trở lại với công chúng.
Những ký ức của lịch sử
Ký họa màu nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn như một cuốn phim tái hiện lại những giai đoạn lịch sử của đất nước. Ông không dùng những gam xanh, đỏ, mà tranh màu nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn là những gam trầm, mang đến cho người xem một cảm giác nhẹ nhõm, bình yên. Dù ông vẽ về chiến tranh thì góc nhìn của ông vẫn là sự bình yên. Và chiến tranh dường như chưa bao giờ chạm tới thế giới của ông.
200 bức ký họa này chỉ là một phần nhỏ trong gia tài của họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại cho đời, nhưng cho chúng ta thấy sức làm việc bền bỉ, sự dấn thân của ông đối với nghệ thuật. Những vùng đất ông đã đi qua, đã sống và gắn bó, những con người ông đã gặp qua từng biến động của lịch sử, đều đi vào tranh của ông, mộc mạc, giản dị như chính đời sống vậy. Ông vẽ về chiến tranh, tham gia vào cuộc chiến từ trên mọi nẻo đường. Những bức tranh về đời sống chiến đấu lao động bảo vệ Tổ quốc như “Nữ dân quân Bảo Ninh”, “Cảnh giới” (1969), đến cuộc sống lao động sản xuất “Vá lưới” (1965), “Phát hoang trồng sắn” (1969), “Làm thủy lợi” (1978)…, của ông đều mang cái chất mộc mạc, hồn hậu của làng quê và con người Việt. Đặc biệt những ký họa phong cảnh của ông trở thành những bức tranh hoàn hảo, không thể thêm hoặc bớt nét, “Bản Càng” (1964) “Thuyền sông Hương” (1954), “Ráng chiều đèo Nai” (1965). Và ở đó có cả trái tim đa cảm của người nghệ sĩ tài hoa.
“Hai thiếu phụ và em bé”, ký họa màu nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn.(ảnh)
Chính vợ ông, nhà điêu khắc Trần Thị Hồng nói: “Ông vẽ về chiến tranh như nhiệm vụ của một công dân đối với đất nước. Nhưng điều ông thực sự thích thú khi vẽ đó là những bức tranh về làng quê, về thiên nhiên, những chân dung thiếu nữ, những em bé. Ông thích những gì bình yên. “Chân dung cô T” (1963), “Cố Thiểm” (1966), “Hai thiếu phụ và em bé” (1955) những ký họa mang vẻ đẹp bình dị mộc mạc, đôn hậu của người dân quê. Đặc biệt trong những ký họa màu nước của họa sĩ Trần Văn Cẩn, có bức ký họa “Khi mùa đông sắp đến” – một bức tranh nổi tiếng của ông, vẽ các thiếu nữ Hà Nội đang ngồi đan len. Bức tranh này Chính phủ định tặng cho ông Shucacno, nhưng tranh lâu khô quá, nên không kịp tặng thì ông đã về nước. Vì thế, may mắn, chúng ta mới còn lại kiệt tác “Khi mùa đông sắp đến”.
Nhưng vì sao Bảo tàng Mỹ thuật lại có cơ hội sở hữu những ký họa của một trong bốn tự trụ đầu tiên của Mỹ thuật Việt Nam. Trong khi nhiều kiệt tác khác đều nằm trong tay các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến, người đã từng mang bao tải tiền xu của Bảo tàng Mỹ thuật đến ngồi đợi họa sĩ trước bậc thềm cầu thang để trả tiền mua tranh kể lại: “Khi ông 70 tuổi, Bảo tàng Mỹ thuật muốn tổ chức triển lãm cho ông.
Ông bẽn lẽn không muốn, nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng thuyết phục được. Sau đó bảo tàng ngỏ ý muốn mua lại toàn bộ những ký họa này. Ông không muốn nhưng Bảo tàng tha thiết quá nên ông đồng ý. Thời kỳ đó, để có tiền mua toàn bộ tranh này rất khó khăn nên phải đến 2, 3 năm sau Bảo tàng mới có tiền để trả cho ông và ông cũng rất vui vẻ. Hồi đó chính tôi là người đã mang cả túi tiền xu đến nhà cho ông, ngồi chờ ông ở cầu thang.. Ông vẽ trực họa, là những tác phẩm hoàn chỉnh chứ không phải là ký họa nữa. Tranh của ông luôn mang một tinh thần mới, không thể chê trách được nét nào trên tác phẩm của ông cả. Mỗi chúng ta đều cảm nhận được sự bình yên, tự tại trong các tác phẩm của người họa sĩ lớn này, dù ngoài kia là chiến tranh, là bão tố. Đó là ký ức của lịch sử, ký ức của tài năng đã đi vào lịch sử. Đó là những khoảng khắc của Hà Nội, của những vùng miền, với những biến động được tái hiện lại”.
Và nguyện vọng cuối đời
Bà Trần Thị Hồng, phu nhân của họa sĩ Trần Văn Cẩn nhiều lần lau nước mắt khi nói về ông và gia tài ông để lại. Đó như một cuốn phim nhắc nhớ cho bà những kỷ niệm. Sinh thời bà vẫn thường giúp mi tranh và bà cũng chính là người đang giữ hơn 1000 bức tranh với các khổ lớn bé khác nhau của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Ông bà không có con nên những tác phẩm hội họa đối với ông bà như những đứa con tinh thần luôn được nâng niu, gìn giữ.
Vì sao những bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Trần Văn Cẩn vẫn còn lại ở Bảo tàng Mỹ thuật, hay chí ít cũng không bị “chảy máu” ra nước ngoài? Bởi sinh thời ông luôn muốn bức tranh của ông được gìn giữ và bảo quản như khi ông còn sống. Ông từng nói, nếu có bán tranh thì bán cho bảo tàng, cho công chúng Việt Nam, bởi, những đứa con nó vẫn quanh quẩn với mình, mình còn có thể nhìn thấy được. Còn bán ra nước ngoài, mình không còn cơ hội để nhìn thấy nó. Và bà Hồng nhiều năm nay vẫn cố gắng gìn giữ gia tài họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại.
Nhiều lần bà Hồng ngỏ ý muốn tặng cho nhà nước, nhưng rồi những ý định không thành. Bà đành bán mấy bức tranh, lấy tiền xây ngôi nhà 140m vuông, 3 tầng trên Hồ Tây làm bảo tàng trưng bày. “Để tôi hàng ngày có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận những đứa con vẫn đang hiện diện quanh mình, để ông dưới suối vàng kia yên lòng rằng, tranh của ông đang được trưng bày cho công chúng nghệ thuật xem”. Bà nói sẽ làm một salon nghệ thuật tranh Trần Văn Cẩn mang tên “Bộ sưu tập của tôi”.
Bà chia sẻ thêm: “Tôi không chờ nhà nước, vì họ đã có tranh của ông rồi. Bây giờ, còn sức lực, tôi sẽ làm những gì có thể. Sau này tôi muốn tìm người nào có thể kế tục để giữ gìn gia tài của ông như khi ông còn sống. Ông coi những tác phẩm ông tặng tôi là chút quà mọn, nhưng tôi thấy rất mệt mỏi và nặng nề với tôi. Tôi đang bị bệnh. Nhưng tôi vẫn sẽ làm việc đến hơi thở cuối cùng để đạt được ước nguyện của ông đối với công chúng. Sinh thời ông rất yêu và trân trọng công chúng nghệ thuật” – Bà Hồng không nén được xúc động.
Bà nhắc đi nhắc lại rằng, cố họa sĩ Trần Văn Cẩn rất yêu công chúng nghệ thuật, ông muốn những bức tranh của ông được trưng bày cho mọi người xem. Bán ra nước ngoài là điều bất đắc dĩ, ông không bao giờ muốn. “Hồi bán phòng tranh này cho nhà nước rất rẻ, mỗi bức tranh này bây giờ phải 25 ngàn USD. Nhưng bấy giờ nhà nước mua tất cả những bức tranh này không đến số tiền đó. Nhưng ông vẫn vui, vì ông biết, công chúng sẽ có cơ hội xem tranh của mình”- Bà nói.
Nhưng rồi, ai sẽ tiếp tục gìn giữ gia tài đồ sộ mà người họa sĩ tài danh để lại, khi sức khỏe của bà Hồng đang chạy đua với thời gian. Ai sẽ đảm bảo, những tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn rồi vẫn sẽ được giữ gìn, bảo quản như khi ông còn sống để dành cho công chúng nghệ thuật như nguyện vọng cuối cùng của ông?
Họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:
Tôi đã được xem khá nhiều tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Bên cạnh ký họa, ông còn có tranh khắc màu, tranh gỗ, tranh sơn dầu, tranh lụa. Ông là một họa sĩ tài năng, gắn bó với sự nghiệp phát triển của Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Trần Văn Cẩn ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp đã có những tranh cổ động khổ lớn bày dọc phố Tràng Tiền để cổ động cho toàn quốc kháng chiến. Rồi ông sang Bắc Ninh, lên Việt Bắc, đi đâu cũng có tác phẩm. Tranh vẽ của ông là một bộ biên niên sử bằng Mỹ thuật đầu thế kỷ 20 đến cuối thế kỷ, thể hiện chiều dài lịch sử của đất nước. Nông thôn Việt Nam, con người Việt Nam trong tranh của ông rất hiền hòa.
Với một bút pháp phóng khoáng, nhưng cũng rất giản dị, không phô trương, màu sắc không xanh đỏ nhiều, chủ yếu là mực nho, cho thấy cảm xúc của tác giả. Không ít tác phẩm ký họa này là phác thảo cho một bức tranh. Ông là một họa sĩ thuộc thế hệ đầu của hội họa Việt Nam, và của hội họa Cách mạng Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm lớn của ông vẫn còn lại với chúng ta như “Thằng cu đất mỏ”, “Mưa trên sông Kiên” khi ông vào Vĩnh Linh, ở Hà nội ông vẽ thiếu nữ rất đẹp, bức “Khi mùa đông đã đến” vẽ các thiếu nữ Hà Nội đan len cũng là một kiệt tác. Và sau này là “Em Thúy”.
Trần Văn Cẩn (1910 – 1994) là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam – Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn. Ký họa màu nước của Trần Văn Cẩn đã trở thành ký ức, giai thoại, hay những câu chuyện phản ánh hiện thực cuộc sống. Không chỉ là sáng tác, Trần Văn Cẩn còn có nhiều công lao với sự phát triển của hội họa nước nhà. Ông đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 1, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam khóa 2.
Theo Việt Nguyễn – Văn nghệ công an