KHẢI HƯNG

Phố Khâm Thiên hôm nay.

Chúng tôi tìm đến trụ sở UBND phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) để xin địa chỉ một số người nhà nạn nhân của trận bom rải thảm bom B-52 kinh hoàng đêm 26-12-1972. Cán bộ của UBND phường cung cấp một bản danh sách dài với hàng trăm cái tên – những người đã mất người thân trong đêm định mệnh đó. 45 năm qua, những mất mát, đau thương ấy vẫn nhắc nhớ về nỗi đau chiến tranh để sống xứng đáng với những người đã nằm xuống.

Tội ác kinh hoàng

Khoảng 22 giờ ngày 26-12-1972, 30 máy bay B-52 ném bom xuống đường phố Khâm Thiên, con phố đông đúc ở trung tâm Hà Nội. Chỉ trong chốc lát, bom đạn Mỹ đã san phẳng hầu hết các công trình công cộng và nhà ở của người dân. Chợ Khâm Thiên, đình Tương Thuận, rạp hát, cửa hàng thực phẩm và nhiều cơ sở sản xuất cùng hàng nghìn ngôi nhà biến thành đống đổ nát. Trận bom ấy đã làm chết 278 người, trong đó có 94 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, 290 người bị thương, 178 cháu nhỏ thành trẻ mồ côi. Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên biến thành một hố bom sâu hoắm, bảy người trong gia đình không còn ai sống sót. Bây giờ, người dân Khâm Thiên vẫn giữ lấy ngày 21-11 âm lịch hằng năm (ngày 26-12-1972 theo lịch âm là 21-11) để tổ chức giỗ chung.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng với ông Nguyễn Văn Cầu, khoảnh khắc kinh hoàng đó như mới xảy ra ngày hôm qua: “Nhà tôi ở ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên. Sáng 22-12, tôi cho nhà tôi và các cháu về nhà người thân ở quê sơ tán. Đến chiều 25 lại đón bà ấy với thằng con ốm về Hà Nội, vì thấy bảo Nô-en địch không đánh nữa. Đêm 26 tôi được lệnh lên trực chiến ở phố Hàng Bồ, nơi có hai phân xưởng in báo. Lên tới nơi, thấy súng bắn chung quanh bốn phía, bầu trời sáng rực lên. Hết ca trực, tôi về đến đầu phố Khâm Thiên thì thấy dây điện đứt, nhà cửa đổ nát. Giặc Mỹ đã thả bom trúng hầm tập thể trong ngõ nhà tôi. Bom khoét thẳng xuống căn hầm trú ẩn một vũng sâu cả chục mét, làm 41 người chết không toàn thây. Thi thể của vợ tôi chỉ còn nửa người trên, con trai tôi còn mỗi cái chân, tôi nhận ra được vì có cái sẹo nó bị bỏng ngày xưa, đau xót quá”!

Là người sinh ra, lớn lên tại mảnh đất này và từng có thời gian giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Khâm Thiên, ông Nguyễn Văn Hòa như một “pho sử sống” về những ngày tháng 12-1972. Nghe giọng ông kể vẫn chất chứa nỗi hờn căm, mắt rưng rưng lệ. “Hồi đó, tôi học lớp 9 và đi sơ tán ở Yên Mỹ, Hưng Yên. Nhưng đêm phố Khâm Thiên bị rải thảm bom B-52, tự nhiên tôi không ngủ được, đến tờ mờ sáng tôi lấy xe đạp đi từ nơi sơ tán về nhà. Đến nơi, tôi chứng kiến khung cảnh tang thương, cả khu phố thân yêu ngày nào giờ chỉ là đống đổ nát, hoang tàn, đâu đâu cũng thấy thi thể người. Tôi và những người chung quanh dùng tay, cuốc xẻng hay bất cứ thứ gì có trong tay lăn vào những hố, ụ nghi có người để mong tìm được ai đó sống sót. Bên khối 44 gồm các ngõ Đền Tường Thuận, Trung Tiền, Thiên Hùng dù cũng bị trúng bom, nhưng nhiều người như bà Tuyết, bà Tiệm, bà Phấn… đều lăn xả sang dãy phố lẻ bị bom phá hủy nặng nề hơn để tìm kiếm các nạn nhân. Trong rất nhiều ngày, người dân Khâm Thiên đứng nhìn về nơi mà chỉ cách đó không lâu, người thân và ngôi nhà của mình vẫn ở nhưng nay không thể xác định được vị trí”, ông Hòa thở dài buồn bã.

Càng đau thương, càng mạnh mẽ

Nhận định về ý nghĩa to lớn của chiến thắng này, Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Trong 12 ngày đêm ấy, chúng ta đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu của đế quốc Mỹ dùng không quân chiến lược B-52 tiến hành một cuộc tập kích đường không dữ dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác hòng bắt nhân dân ta phải chấp nhận đầu hàng trên bàn hội nghị ở Pa-ri. Thắng lợi của 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cùng với thắng lợi trên chiến trường cả nước đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, làm nức lòng bạn bè quốc tế, khiến cho dư luận thế giới ngỡ ngàng, thán phục bởi ý chí quật cường và lòng dũng cảm vô song, của trí tuệ và tài năng quân sự, của trí thông minh, sáng tạo, dám đánh và quyết thắng không quân Mỹ của quân và dân Việt Nam.

Chia sẻ về những ký ức của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, nhạc sĩ Phú Quang cho biết: “Ký ức về đêm B-52 rải thảm Thủ đô Hà Nội vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ. Nhà tôi ở phố Khâm Thiên, là nơi đặt tượng đài tưởng niệm nạn nhân Khâm Thiên. Hôm đó, bom nổ ầm ầm cả đoạn phố, tôi và chị gái, anh rể kịp thời xuống căn hầm trú bom. Lúc ngớt bom, cả đoạn phố bị san phẳng và nhìn sang tận phố Đê La Thành, xác người khắp nơi. Hình ảnh người phụ nữ lặng người đưa tiễn 26 người con, cháu, họ hàng bị chết trong trận rải thảm bom B-52 ngày đó vẫn in đậm trong ký ức của tôi và người dân phố Khâm Thiên”. Nhạc sĩ Phú Quang kể thêm, sau này, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp vận động các ca sĩ, nhạc sĩ viết giao hưởng về chiến tranh. “Tôi có viết một bản Hồi ức. Trình diễn xong, hầu hết khán giả có mặt trong Nhà hát TP Hồ Chí Minh đều rơi lệ”.

Kẻ thù tưởng rằng những mất mát, đau thương ấy sẽ làm giảm sút ý chí của người dân Hà Nội. Nhưng chính tội ác mà chúng gây ra lại càng thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh kiên cường mạnh mẽ của quân và dân ta hơn bao giờ hết. Bà Phạm Thị Viễn – pháo thủ thuộc đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động khi đang trực chiến nhận tin bố bị trúng bom B-52. Trước đó, năm 1967, mẹ của bà cũng qua đời bởi bom đạn Mỹ. Vừa tìm trong đống đổ nát thi thể của bố mình, vừa trực tiếp tìm những đồng chí, đồng đội, nhưng nữ pháo thủ đã nén đau thương, quyết tâm vững vàng bên mâm pháo để trả nợ nước, thù nhà. Và trận địa pháo tầm thấp mà bà tham gia chiến đấu đã nổ súng bắn rơi chiếc F111A của đế quốc Mỹ. Hình ảnh người nữ pháo thủ quấn khăn tang trực chiến trên mâm pháo đã trở thành huyền thoại, để nhắc nhớ về một quá khứ đau thương, nhưng cũng đầy quả cảm, kiên cường.

Nguồn: http://nhandan.com.vn/hanoi

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version