MẠNH HẢO

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh thể hiện bài thơ Chân quê của nhà thơ Nguyễn Bính.

Sáng 24-3, tại Hội trường Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, gia đình và những người yêu thơ Nguyễn Bính đã tổ chức chương trình “100 năm Nguyễn Bính” để tưởng nhớ đến ông, người nổi tiếng tài hoa bạc mệnh.

Trong chương trình, đông đảo nhà văn, nhà thơ trên cả nước, cùng những người yêu thơ Nguyễn Bính đã được thưởng lại những bài thơ nổi tiếng, những ca khúc quen thuộc phổ thơ ông như Gái xuân, Chân quê, Lỡ bước sang ngang, Hành phương Nam

Đặc biệt, tại buổi tưởng nhớ, các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học như Nguyễn Quang Thiều, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Thị Minh Thái, Trần Hoài Anh,… đã có tham luận xoay quanh về cuộc đời thơ Nguyễn Bính.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, Thơ Nguyễn Bính là những từ khóa của tâm hồn Việt, thơ ông ở lại với con người trong đời sống thường nhật của họ chứ không chỉ trong những trang sách, trong thư viện hay viện nghiên cứu.

Với tham luận, “Đôi nét cảm nhận về hành trình phương Nam của thi sĩ Nguyễn Bính”, nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho rằng với Nguyễn Bính, đường đi của người và đường đi của thơ là một. Hành trình phương Nam chỉ là một chặng đường ngắn trong đường đời của nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ của nhân dân, nhà thơ của dân tộc Việt Nam.

Mang đến chương trình bài tham luận Nguyễn Bính trong Phê bình văn học ở miền nam trước 1975, nhà Phê bình văn học Trần Hoài Anh cho biết các nhà phê bình Việt Nam luôn dành cho Nguyễn Bính sự ưu ái đặc biệt. Hồn quê, tình quê trong thơ Nguyễn Bính luôn đậm đặc, hòa quyện đã giúp Nguyễn Bính tạo nên nét riêng đặc biệt giữa các nhà thơ cùng thời.

Thơ Nguyễn Bính vì thế cũng là một thứ nghệ thuật có khả năng “chống lại định mệnh” để miên viễn tồn sinh trong tâm thức của tiếp nhận. Chính vì thế, mãi mãi về sau, Nguyễn Bính vẫn là ngôi sao sáng trong thi đàn văn học nước nhà.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version