Hội Kiều học – một tổ chức nghiên cứu khoa học về thi hào Nguyễn Du và truyện Kiều – đã ra mắt chi hội tại Huế vào ngày 12-8.
Theo nhà thơ Mai Văn Hoan, có khả năng nơi Nguyễn Du từng ở giai đoạn 1815-1820 là ngôi nhà trong vườn An Hiên này – Ảnh: M.TỰ
Nhà thơ, nhà giáo Mai Văn Hoan, nguyên giáo viên văn trường THPT chuyên Quốc Học Huế được bầu làm chi hội trưởng chi hội Kiều học tại Huế.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, chuyên gia Kiều học Mai Văn Hoan cho biết Huế là nơi gắn bó đặc biệt với Nguyễn Du.
Trong 20 năm làm quan triều Nguyễn, Nguyễn Du ông đã có 12 năm sống tại Huế, làm quan đến chức Hữu Tham Tri Bộ Lễ, viết nhiều tác phẩm lớn tại đây và qua đời cũng tại Huế vào năm 1820.
Nhiều dấu tích của thi hào vẫn còn lưu dấu tại Huế như: ngôi nhà ở gần cửa Đông Ba, nơi lưu trú ở Kim Long, nơi mai táng ở Bàu Đá…
Lễ ra mắt Chi hội Kiều học Huế – Ảnh: M.TỰ
Huế cũng là nơi có nhiều người nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du, nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến truyện Kiều như: sưu tập, thư pháp, vẽ tranh, viết nhạc, dựng kịch, bói Kiều…
Vì vậy, theo nhà thơ Mai Văn Hoan, Huế cần phải có một chi hội Kiều học.
Bước đầu chi hội có 26 hội viên là nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà thơ, sinh viên…
Cuốn độc bản Truyện Kiều lớn nhất do nhà thư pháp Nguyệt Đình ở Huế thực hiện, trên khổ giấy kích thước 1,2mx1,6m, nặng 75kg, trưng bày tại Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Hà Tĩnh. – Ảnh: MAI VĂN HOAN
Cũng tại lễ ra mắt, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết UBND TP.Huế đang tiến hành xây dựng đề án để phục dựng dấu tích Nguyễn Du tại Huế.
Hội Kiều học Việt Nam được thành lập năm 2011, do GS Phong Lê làm chủ tịch, hiện có 600 Hội viên trong cả nước.
Hội đã xây dựng hồ sơ khoa học về danh nhân Nguyễn Du, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, văn hóa, nghệ thuật, truyền hình, xuất bản về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
M. Tự
Nguồn: Tuổi trẻ
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài