TRỊNH MAI ANH

Không biết có phải để “đổi món” cho công chúng hay vì dư luận đã “bội thực” với quá nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp dành cho phái nữ từ đầu năm đến nay mà đêm 9-12 vừa qua, một cuộc thi với tên gọi “Quý ông lịch lãm 2017” đã lần đầu được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Sẽ không có gì phải bàn nếu cuộc thi “mang tính toàn quốc” này được chuẩn bị kỹ lưỡng; có sự thẩm định, phê duyệt và giám sát chặt chẽ của các cấp quản lý; thể hiện được vẻ đẹp và những giá trị văn hóa, thẩm mỹ cần tôn vinh. Thế nhưng, ngay sau khi kết thúc, cuộc thi đã làm dậy sóng dư luận, trở thành đề tài châm biếm và phê phán gay gắt của công chúng.

Mập mờ về tiêu chí và quy trình xin phép tổ chức, cung cách tuyển chọn thiếu rõ ràng, né tránh của ban tổ chức cuộc thi như: hạn chế sự tiếp cận của truyền thông, gói gọn trong nội bộ với những “anh em biết nhau”, cho nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi những “quý ông” đăng quang lại trả lời phần thi ứng xử nhạt nhòa, vô duyên gần giống với… một số thí sinh nữ ở các cuộc thi người đẹp trước đó từng bị dư luận phê phán. Hình ảnh nam giới đội trên đầu chiếc vương miện như các hoa hậu, người đẹp, trên tay cầm thanh kiếm tuốt trần cũng gây phản cảm. Ðã một tuần sau khi cuộc thi kết thúc, họ vẫn chưa đưa ra được giấy phép tổ chức, trong khi đại diện phía Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn đều trả lời không có thông tin về cuộc thi. Vậy mà không hiểu sao ban tổ chức cuộc thi còn khẳng định với báo giới sẽ “làm cuộc thi năm sau với quy mô lớn hơn chứ không thể nhỏ gọn như vừa rồi”?

“Quý ông lịch lãm 2017” như giọt nước tràn ly khép lại một năm với quá nhiều cuộc thi nhan sắc: hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, người mẫu ở nước ta. Chỉ tính riêng trong hai tháng 10 và 11, đã có khoảng mười cuộc thi nhan sắc trong nước và quốc tế do Việt Nam tổ chức hoặc có thí sinh người Việt tham gia. Theo quy định hiện hành, mỗi năm chỉ tổ chức nhiều nhất hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, ngoài ra không có giới hạn về những cuộc thi hoa khôi, người đẹp, người mẫu của các địa phương và ngành. Chính vì vậy, bên cạnh các cuộc thi quy mô lớn là Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Ðại dương và Hoa hậu Hòa bình quốc tế, trong cả năm 2017 còn có nhiều cuộc thi nhan sắc phụ nữ và nam giới, tập trung nhất về cuối năm. Quả thật, với mức độ dày đặc như vậy, những cuộc thi này đã dẫn đến sự nhiễu loạn cả về danh hiệu lẫn thương hiệu. Người ta nghĩ ra đủ thứ tên gọi và danh hiệu trao tặng các người đẹp nhưng lại hạ thấp tiêu chí ý nghĩa, chất lượng.

Không chỉ vậy, việc quản lý và kiểm soát quá trình thi của các thí sinh cũng bị buông lỏng, nặng về hình thức, để xảy ra nhiều xì-căng-đan và các tranh cãi phản cảm giữa thí sinh với ban tổ chức, giữa thí sinh với nhau. Ðã có trường hợp trao tặng ngôi vị hoa hậu ở cuộc thi quốc gia cho thí sinh thừa nhận đã qua phẫu thuật thẩm mỹ. Việc tặng những giải thưởng mang tính “mặt trận” đã làm nhiều cuộc thi mất uy tín và khiến công chúng chán nản. Thậm chí, phần thi bán kết một cuộc thi hoa hậu vẫn được tổ chức bình thường ngay sau khi cơn bão mạnh vừa tràn qua để lại hậu quả nặng nề cho địa phương nơi diễn ra cuộc thi và đã bị dư luận lên án gay gắt.

Nhiều bê bối như vậy nhưng không rõ vì sao các cuộc thi vẫn được cấp phép và được tổ chức. Các cơ quan quản lý văn hóa ở trung ương và địa phương biết điều này, song lại khá lúng túng trong việc giám sát để kịp thời chỉ đạo, xử lý các tình huống cho phù hợp, bảo đảm thuần phong, mỹ tục và ý nghĩa văn hóa của sự kiện. Mặc dù nhu cầu thưởng thức, giải trí từ các cuộc thi nhan sắc, người mẫu đã có vẻ bão hòa, nhưng các công ty, đơn vị vẫn đổ xô vào tổ chức. Nguyên nhân là nhiều cuộc thi được tổ chức vì mục đích thương mại, kiếm tiền từ các nhà tài trợ và khán giả. Các đơn vị tìm đủ mọi chiêu trò để lách luật và các quy định để tổ chức thi chui, thậm chí chấp nhận chịu phạt hoặc đưa thí sinh ra nước ngoài thi… Trong đó, có cả nguyên nhân không ít thí sinh và gia đình thí sinh vì hám hư danh và những toan tính tiến thân thực dụng, hy vọng có giải thưởng để gia nhập giới showbiz, thuận lợi trong tìm kiếm việc làm…

Ðể các cuộc thi nhan sắc, người mẫu thật sự trở lại đúng với ý nghĩa tôn vinh sắc đẹp, tài năng và các giá trị nhân văn, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương cần có biện pháp quyết liệt trong việc cấp phép, rà soát để bổ sung các quy định thật chặt chẽ, điều chỉnh các quy định không phù hợp nhằm hạn chế những cuộc thi giả hiệu để kiếm tiền, quảng bá các giá trị sai lệch, gây tác động tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version