Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Vũ Xuân Tửu

– Bí mật cuốn gia phả

– Cánh chân sào

– Yếm thắm

– Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng

– Người tan vào không khí

Nhà văn VŨ XUÂN TỬU

Ngày tháng năm sinh: 26/02/1955.

Quê quán: xóm Ninh Tân, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Nơi ở hiện nay: số nhà 68, ngõ 141, đường Tân Trào, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam).

Hội viên:

Hội Nhà văn Việt Nam, kết nạp từ năm 2006.

Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang (1998 – 2014);

Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, kết nạp từ năm 2001;

Hoạt động VHNT:

– Năm 2005, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, Phân hội trưởng Văn học; năm 2011, xin nghỉ các chức vụ về VHNT.

– Từ 28/5-9/8/2007, Lớp trưởng, Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, khóa I, (Hội Nhà văn Việt Nam), Hà Nội. 

Khen thưởng:

– Bằng khen của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

– Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Giải thưởng (3 giải):

– Giải nhất, Cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội, (2005-2006).

– Giải A, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, 2018.

– Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2018.

Tác phẩm văn học đã xuất bản:

Sách đã xuất bản 36 cuốn.

Sách in chung với các tác giả khác 38 cuốn.

Nghiên cứu về VXT:

12 đề tài Nghiên cứu khoa học, Luận văn Thạc sĩ, Khóa luận tốt nghiệp đại học, về văn chương Vũ Xuân Tửu.

Suy nghĩ về nghề văn: Ngòi bút luôn hướng về người dân

Yếm thắm

                                                  “Biết ai yếm thắm, mà xe chỉ hồng…”

          Bạn đọc còn nhớ cái vật màu đỏ, từ khoang thuyền vương xuống dòng sông, trong truyện Cánh chân sào của tôi không? Đó chính là cái yếm thắm của bà chủ thuyền đấy.

          Nhìn cái yếm thắm vương xuống dòng sông, tôi giắng cây gáo bên sông làm cữ, rồi nhao ra, lặn ngụp lần mò vớt lấy.

          Yếm thắm ngày ấy là đây. Nó như vẫn mới. Bà chủ nguyện với tôi là chỉ mặc yếm thắm, khi có hai người với nhau thôi. Chắc từ khi tôi lên bờ, bà chủ cũng chẳng mặc nữa. Chỉ hôm nay thuyền đi qua, bà chủ mới mặc, rồi cởi ra, thả xuống dòng sông cho tôi đây mà.

          Yếm thắm như còn phảng phất hương lửa nồng nàn. Thế là từ nay, tôi lại có yếm thắm để thương, để nhớ rồi.

          Bây giờ một mình, tôi mới ngắm nhìn kỹ càng cái yếm. Vải lụa điều Nam Định, khâu đột bằng chỉ hồng, chỉ người ấy mới có thể tỷ mẩn, khéo léo như thế. Vòng cổ tròn tròn, lơi lơi mà không trễ nải. Dải yếm mềm mại để thắt múi sau lưng.

          Tôi mua về một khúc luồng Thanh Hoá mau đốt và kỳ cạch đẽo một cái gối. Tôi lột cật bốn phía cho vuông vức. Mặt trên, vạc lõm vào để gối đầu. Mặt dưới, tôi bóc ra, cho yếm thắm vào, rồi hèm lại như cũ. Trước đây, hàng ngày, tôi ngủ trên cái chõng tre, hôm bức thì gối đầu bằng áo cánh, hôm giá thì gối đầu tay. Bây giờ, trên cái chõng tre của thày bu tôi để lại, tôi đã sắm được cái gối vỏ luồng, cốt yếm thắm. Cái này, tôi chắc mẩm cả làng, cả nước không có, đến địa chủ phú ông cũng chẳng dám mơ mòng.

          Thế là đêm đêm, tôi lấy yếm thắm ra phủ gối, ban ngày lại cất vào vỏ luồng. Khi gối luồng thấm mồ hôi lên nước nhẵn bóng, thì yếm thắm có chỗ đã sờn. Tôi hãi quá. Thế là từ đấy, thỉnh thoảng mới mang ra để ngắm nghía, rồi lại cất vào vỏ luồng.

          *

          Một hôm, có tay chân sào hớt hải chạy lên bờ. Tôi giật mình, hỏi:

          – Bà chủ???

          – Phải. Bà chủ đã… qua rồi!

          Tôi lặng người. Mắt đăm đăm ngó trông phương nam. Cơn gió nồm thổi một hơi dài.

          Tôi bất giác vào nhà, ngồi ôm cái gối luồng trên chõng tre. Bạn chân sào đứng bên tự lúc nào. Bây giờ tôi sực tỉnh, hỏi:

          – Thế ông chủ đưa về quê à?

          – Quê ông chủ cũng không có đất chôn. Lão ta sợ, ôm con lên bờ, bỏ lại thuyền.

          – Thuyền ấy mà nó dám bỏ cơ à?

          – Sau cái đận ông lên bờ rồi, chúng tôi hỏi ra mới biết là có phải tiền của nó sắm đâu? Thuyền của bà chủ tậu đấy. Lão ta lại sợ oan hồn bà chủ, nên không dám ở.

          Tôi hốt hoảng, hỏi dồn:

          – Bà chủ đâu? Thuyền đâu?

          – Cánh chân sào chúng tôi đã đưa về bến, kia kìa.

          Tôi lao bổ xuống khoang thuyền, ôm lấy cái xác lạnh giá, hộc lên mà khóc:

          – Người xưa sao lại héo hon thế này?

          Nước mắt tôi lã chã rơi xuống, tức thì cái xác như tươi lại, mái tóc như có mùi bồ kết toả ra.

          Cánh chân sào phải khuyên can mãi, tôi mới nguôi ngoai.

          Làng tôi có bãi Chóp Chài, vừa để làm nghĩa địa, vừa để phơi chài lưới của các nhà làm nghề đánh cá sông. Nghĩa địa chỉ cho người làng chết được chôn. Ai mà bỏ làng ra đi, chết chỉ có nước là táng xuống đáy sông mà thôi. Vậy thì người tứ xứ ai dám dòm dỏ.

          Tôi nghĩ nát nước, bảo với cánh chân sào:

          – Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận… Anh em cũng biết cái tình của tôi. Việc này hệ trọng, không được cho làng biết. Đêm nay, nhờ anh em lên vườn, đào một cái huyệt… để bà chủ.

          – Nấm mồ trong vườn thì ai mà chẳng biết.

          – Ấy, bởi vậy mới phải làm kín. Rồi tôi khấn xin vong linh bà chủ, cho gạt phẳng đi. Tôi sẽ giồng lên mấy luống hành…

          Ngày ngày, tôi giữ lệ cúng cơm. Tôi có gì cúng nấy, miễn sao bộc bạch được lòng thành của mình. Hôm thì đĩa khoai, hôm thì bát cá… Dù nghèo hèn, nhưng tôi lúc nào cũng trọng việc thờ. Cái yếm thắm tôi cũng lấy giấy trang kim gói lại để thờ, tịnh trong ba năm không dám ôm ấp, mà coi như hồn người.

          Mấy luống hành tươi tốt lạ thường. Ngày ngày, có con bươm bướm trắng to như lá bàng, đậu trên luống hành mạn bắc. Đêm đêm, có con đom đóm to như ngọn phong đăng, đậu trên luống hành bên nam. Người làng ai cũng bảo hành ma. Tôi ngắt một cuộng thổi tò tò te te. Khi lòng tôi vui, tiếng kèn hành tựa như lời hát ca. Khi lòng tôi buồn, tiếng kèn hành tựa như lời khóc than. Hành tốt, nhưng tôi không bán bao giờ. Thỉnh thoảng, tôi thả xuống sông hàng bè. Bè hành luẩn quẩn ở bến nước một lúc mới trôi xuôi. Khi bè hành trôi xa xa, thì có con chim lửa đỏ như yếm thắm bay ngang, kêu lên mấy tiếng thao thiết cả một khúc sông. Bao giờ tôi cũng đứng ngóng cho bè hành và con chim lửa khuất bóng, mới cất bước vào nhà.

*

          Ba năm sau.

          Tôi cùng cánh chân sào âm thầm sang cát cho bà chủ. Hài cốt rồi cũng lưu lại ngay trong mảnh vườn hành.

          Từ đây, đêm đêm tôi lại tình tự với yếm thắm. Thỉnh thoảng, cánh chân sào ghé qua, lân la trò chuyện, rồi hỏi tôi về chuyện vợ con. Tôi khoanh tay lên ngực, bảo:

          – Anh em cũng biết bụng tôi rồi, trong vườn đã có chủ, không đón ai vào được nữa. Tôi sống chết với hồn người ấy thôi.

          Cánh chân sào như lặng đi, một lúc lảng chuyện, hổ hởi khoe:

          – Cái thuyền bà chủ để lại, chuyến nào cũng được phù hộ, thuận buồm xuôi gió lắm, vợ con chúng tôi cũng có bát cơm manh áo. Giá ông cũng xuống đi với chúng tôi…

           Tôi khoát tay, bảo:

          – Lộc bà chủ để lại, thương anh em thì anh em cứ hưởng. Còn tôi, tôi phải trông nom cái vườn…

          Tôi nhớ, có một chuyến, cánh chân sào đưa về một thày phù thuỷ. Vừa đến bến sông nhà tôi, thày phù thuỷ đã phán:

          – Ở đây, có gần nghĩa địa không?

          – Nghĩa địa Chóp Chài ở mãi ngã ba sông kia cơ mà?

          Ngẫm ngợi một chốc, thày phù thuỷ bảo:

          – Âm khí nặng lắm… Không khéo quanh quất đâu đây, có đàn bà chết oan khuất vì tình.

          Tôi kinh hãi, vội nói thác đi:

          – Chắc tự ngàn xưa.

          Thày phù thuỷ ngắt mấy cuộng hành to, nhúng nước sông, vẩy tứ phía trong vườn, vận vần khấn rằng:

                                      Bảo cho oan khuất vì tình

                             Thương nhau kiếp khác có mình, có ta

                                      Bây giờ niệm chú giải hoà

                             Để cho nam chủ khỏi loà đường duyên.

          Từ đấy, ban ngày, không thấy con bươm bướm trắng to như lá bàng. Ban đêm, cũng không thấy con đom đóm to như ngọn phong đăng về đậu. Luống hành cũng héo dần. Tôi thả bè hành không thấy còn luẩn quẩn ở bến nước và cũng không thấy con chim lửa đỏ như yếm thắm, trên đường chân trời bay xuống nữa.

*

          Nhưng cái yếm thắm thì vẫn đêm đêm ngày ngày ở bên mình. Tôi lấy cái dùi, nung nóng trong bếp tro, khắc lên hai bên gối luồng mấy câu văn vần:

                             – Hỡi người yếm thắm ngày xưa

                   Phải đường duyên phận, gió mưa càng nồng.

                             – Tình tôi như núi, như sông

                   Núi mòn, sông cạn tình không đổi dời.

          Chạng vạng tối hôm đó, tôi ôm cái gối có yếm thắm trong lòng, ra bến sông hóng mát cho khuây tuổi già. Tôi giật mình, chợt thấy con bươm bướm trắng to như cái lá bàng, vừa từ luống hành mạn bắc bay ra sông, thì con đom đóm to như ngọn phong đăng, lại về đậu trên luống hành bên nam.

          Hình như từ chân trời, có con chim lửa đỏ như yếm thắm bay ngang. 

Chim lửa

          Truyện này, tôi viết tiếp theo truyện Cánh chân sào và truyện Yếm thắm. Tuy vậy, tôi cũng phải nhắc lại hai chi tiết có liên quan:

          Thứ nhất là, nhà tôi ở bên sông. Tôi đã từng nhập đoàn với cánh chân sào, biết vận vần. Bà chủ mặc yếm thắm có một đứa con. Tôi với bà chủ có sự phải lòng.

          Thứ nhì là, ngôi mộ bà chủ táng trong vườn hành nhà tôi. Hành to như trong chuyện cổ tích, có bươm bướm, đom đóm ma và chim lửa về chầu.

          Lại vào truyện:

          Như thường lệ, chiều nay, tôi ra vườn tỉa hành và thả bè hành. Mọi bận, khi bè hành trôi xa, con chim lửa đỏ như yếm thắm mới bay ngang trời, kêu lên những tiếng thao thiết cả một khúc sông; nhưng hôm nay, tôi vừa ôm bó hành xuống bến sông, thì con chim lửa đã sà xuống. Tôi buột miệng kêu lên:

          – Ôi chim lửa…  yếm thắm… bà chủ…

          Tôi thoáng thấy bà chủ hiển hiện giây lát trong bóng hình chim lửa. Con chim nhìn tôi chăm chắm, mắt ứa lệ. Đoạn, chim bay liệng bảy vòng xung quanh tôi, rồi như tan biến vào trời xanh.

          Tàu thuỷ chạy qua, kéo một hồi còi trầm trầm, sóng đánh ướt cả lá toạ, tôi mới sực tỉnh. Bè hành trôi xa xa mà không thấy chim lửa trở lại. Tôi hồ nghi: hay là mình vừa trải qua một giấc mơ…

          Tự nhiên tôi thấy trong mình là lạ khác thường, ghê ghê gió, ghê ghê nước. Tôi cảm thấy như chim lửa báo trước một điều gì. Tôi cố lần về vườn hành, nhặt ba cục đá đặt trên ngôi mộ bà chủ, rồi thiếp đi.

*

          Tôi mê man như lạc vào tiên động, những tà áo thướt tha yêu kiều, hương thơm ngào ngạt. Một tiên nữ mặc xiêm áo màu vàng, cổ đeo chuỗi ngọc, trông dung nhan quen quen quá, chợt nghe tiếng gọi:

          – Này, cái nhà anh kia…

          Tôi nghe tiếng quen quen, câu nói cũng quen quen như đã nghe, đã gặp thuở nào.

          – Tôi đây, không nhận ra à? Thế mà cứ bẩu rằng cái sự chờ…

          Lời trách móc làm tôi tỉnh ngộ.

          Mùi bồ kết thơm thơm, khuôn mặt tròn như trăng rằm toả sáng rời rợi, trên má có vết sẹo nhỏ như vảy cá là dấu tích xưa kia bị chủ thuyền phang trượt cái cọc chèo… Thôi đúng bà chủ rồi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, rồi lại như đôi giao long quấn quýt. Tôi mơn man khuôn ngực thây lẩy và giật mình, hỏi:

          – Yếm thắm đâu?

          – Còn làm ruột gối cho người ta đấy thôi.

          – Phải rồi, tôi lấy ngay.

          Bà chủ mừng mừng tủi tủi:

          – Thong thả hãy đi lấy, vội gì, không thích gì… nữa à? Hay bỏ chục năm quên rồi? Thôi, nhớ nhung quá thì đùa vậy. Ông giành cho tôi nhiều quá. Người hay chữ lại biết vận vần thì khối cô chết mê chết mệt ấy chứ, thế mà chỉ phải lòng mình tôi thôi à?

          – Bà cũng dâng cả tình đời cho còn gì. Ngày xưa, bà chả kể là bà nhớ thương tôi đến đau cả ngực đấy thôi.

          – Lương duyên kiếp trước khổ ải quá ông nhề? Tại tôi cả.

          – Phải, thế mới tỏ lòng nhau. Tôi trách bà tính lưỡng lự, nhưng cũng trọng bà cái sự nhân nghĩa. Vả, cũng tại tôi.

          Bà chủ ngập ngừng:

          – Thôi, ông ngủ đi, tôi phải đi đằng này, bên nhau mình cũng chẳng ngủ được. Còn lâu còn dài…

          Bà chủ đi. Tôi ngủ thiếp trong hương lửa nồng nàn.

*

          – Ồ, tỉnh rồi.

          Tôi tỉnh lại. Cánh chân sào và hàng xóm xúm xít xung quanh:

          – Gớm, chúng tôi đến, thấy ông nằm gục trong vườn hành, sợ quá. Nói dại, nhỡ có mệnh hệ nào, một thân một mình thì khổ.

          Trong đám người lờ mờ lố nhố xung quanh, tôi thấy một người con trai ra dáng học trò, gương mặt cũng có nét quen quen. Cánh chân sào hỏi:

          – Ông có nhận ra ai đây không?

          Tôi vẫn nhìn chằm chằm, cố nhớ mà không nhớ nổi. Cậu ta quì gối bên tôi, mắt rớm lệ. Tôi vội nhỏm dậy, nhưng lại gục xuống. Mọi người xúm vào đỡ tôi. Cánh chân sào có phần rụt rè, ý tứ bảo:

          – Cậu cả, con trai bà chủ thuyền đấy ông ạ.

          Tôi nắm chặt lấy bàn tay ấm ấm:

          – Cậu cả…

          Tôi nhớ, ngày cậu cả biết chạy lon ton trên mui thuyền, có đêm, bà chủ dắt cậu từ khoang lái đến mũi thuyền, cậu đã thỏ thẻ:

          – Bu đến chỗ bác chân sào à? Bác ấy không có ở đấy đâu?

          – Có khi bác chân sào chờ bu cả đêm ấy chứ. Bác ấy cái gì cũng biết, cũng làm được, bác ấy là người trời phái xuống cho bu. Bác ấy quí bu lắm. Bác ấy chờ bu, nhưng bu thương cậu cả lắm, cậu cả ạ.

          Thấm thoắt thế mà…

          Cánh chân sào kể: mấy hôm vừa rồi, có con chim lửa tự đâu bay về thuyền. Anh em chúng tôi lao đến vồ được. Con chim ngoan ngoãn không cào bới, không mổ ai sất cả. Chúng tôi thấy sờ sợ, nghĩ cái điềm chim sa cá nhảy, liền thả ra. Con chim không bay mà lểu thểu đi về khoang thuyền bà chủ ngày xưa. Khoang ấy, chúng tôi lập bát hương thờ bà chủ. Rồi con chim lại bay đậu lên cột buồm, ngoái cổ kêu lên ba tiếng, vỗ cánh bay đi, vừa bay vừa ngoái lại như gọi, như mời. Chúng tôi sợ hãi đẩy thuyền theo bóng chim. Bảy ngày bảy đêm thì cập con bơn nhỏ giữa sông và gặp cậu cả đi học về, đang đuổi theo quyển sách bị gió cuốn xuống bến sông, bà dì cũng đang giặt giũ dưới bến. Ai trông cũng ngờ ngợ, hỏi chuyện một lúc thì biết đích thực là con bà chủ, là cậu cả ngày xưa. Cái tích này cứ y như thần xui thánh khiến vậy. Mà này, Ông chủ đã đi lấy người khác, rồi bỏ đi biệt xứ. Cậu cả về ở với bà dì. Bà dì giống bà chủ như hai giọt nước, không khéo ông cũng lẫn đấy nhá.

          Cánh chân sào cố pha trò cười. Cậu cả thủ thỉ:

          – Mấy hôm trước, có con chim lửa đến nhà, kêu lên những tiếng thao thiết lắm. Dì cháu bảo, có khi là oan hồn bu cậu cả không chừng! Thế mà không ngờ, lại có sự này…

          Tôi thiêm thiếp. Cậu cả hoảng hốt lay gọi:

          – Mộ đâu, bu ơi?

          Tôi chợt tỉnh, run run giơ ba ngón tay lên thều thào:

          – Vườn hành… chỗ ba hòn đá…

          Rồi tôi cố gượng sức tàn, đưa mắt chỉ vào cái gối. Cánh chân sào cầm lên, vỗ bồm bộp, hỏi:

          – Cái này?

          Tức thì yếm thắm rơi xuống, cánh chân sào cùng ồ lên thảng thốt:

          – Bà chủ…

          Cậu cả run rẩy nhặt lên, ôm vào mặt khóc nức nở. Cánh chân sào bảo:

          – Thôi, cậu cả phủ lên ngực cho vẹn nghĩa trọn tình, mà bà chủ cũng mát mẻ.

          Khi yếm thắm đắp lên ngực, tôi bỗng bật cười khanh khách, rồi lịm dần.

          Hàng xóm, cánh chân sào và cậu cả ai nấy đều sợ hãi và thương khóc.

          Ngoài kia, con chim lửa đỏ như yếm thắm lại chao liệng bảy vòng, rồi như tan biến vào trời xanh.

                                                            Thị xã Tuyên Quang, 26/1/2001

                                                           Nhà sáng tác Đại Lải, 3/2005

                   VXT