Thưa quý vị

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh.

Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn “Vườn hoa cổng ô” của cố nhà văn Nguyễn Phan Hách in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.

Nhà văn NGUYỄN PHAN HÁCH (1944-2019)

(Sinh ngày 13 tháng 1 năm 1944)

QUÊ QUÁN: Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh

Ông từng dạy học, làm biên tập, nghiên cứu Văn hóa Dân gian ở Ty Văn hóa Hà Bắc.

Năm 1973, ông về làm biên tập viên Thơ tuần báo Văn nghệ

Năm 1977 làm biên tập viên Văn xuôi ở Nhà xuất bản Tác phẩm Mới (Nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn)

Sau đó làm Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Năm 2007, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục nhận vị trí Tổng biên tập Nhà xuất bản Dân trí (của Hội Khuyến học) cho đến khi mất

Một vài nhận xét của nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

Nhà văn Nguyễn Phan Hách thường xuất hiện trên văn đàn với tư cách là nhà thơ. Nhưng truyện ngắn của ông luôn khiến tôi đọc và suy ngẫm về bút pháp. Thực ra bút pháp truyện ngắn Nguyễn Phan Hách rất giản dị. Ông cứ kể nôm, nhẩn nha. Nhưng bỗng ông dẫn người đọc đi vào một lối riêng lúc nào không hay. Có thể do tư duy thơ đã giúp cho Nguyễn Phan Hách khi dựng một truyện ngắn có lối đi riêng như vậy. Có khi không có kết, mặc cho bạn đọc tự kết, như truyện ngắn “Vườn hoa cổng ô”. Có khi buông ra những nhận xét triết lí rất độc đáo như truyện ngắn “Bơi thuyền thúng”. Có khi khiến người đọc như tôi ám ảnh và nhớ mãi, suốt từ thời mới lớn đến nay, khi đọc được truyện ngắn “Vườn mai”.

Mời quý vị lắng nghe truyện ngắn VƯỜN HOA CỔNG Ô, qua giọng đọc của Ánh Nguyệt.

VƯỜN HOA CỔNG Ô

Truyện ngắn: Nguyễn Phan Hách

Tiếng chày buổi sáng trong bản nổi lên, đơn vị Tân mới ổn định trận địa. Những anh lính quê đồng chiêm lần đầu lên núi ngồi ngẩn nghe tiếng chim. Trên tầng lá cao, con gì đang rót xuống từng dòng long lanh đong đưa, còn trong lùm cây Ngái thì chim Mổ-rêu-đá giọng rất trầm, chim Khảm-khắc hót như thốt lên. Những con chim cái mùa đẻ kêu liên thanh khát khao đến khản giọng. Tân rẽ lá nhìn lên bắt gặp một đôi vợ chồng Sóc ngủ muộn, giật mình đi trốn, làm sương rơi lộp bộp xuống mũ sắt anh.

Buổi sáng miền rừng sương giăng bồng bềnh trên các mái nhà lưng núi. Tân để ý trên con đường sỏi đỏ có tiếng xe trâu lọc cọc, thấp thoáng nếp váy sặc sỡ của người Thanh-Y đi nương sớm. Mai Phồn! Đơn vị anh đã đến đây, anh thấy vui vui vì ở đây anh hy vọng sẽ được gặp một người bạn…

*

… Ngày ấy, vào mùa nắng, anh mới rời phân xưởng điện Phân Đạm vào làm bộ đội cao xạ. Đơn vị anh đóng trên quả đồi có vị trí trọng yếu bên sông Cầu. Máy bay Mỹ dù đi đội hình nào đến phá cầu, cũng qua đây phơi bụng. Chúng tập trung diệt hoả lực này dữ dội. Số bom vào đây nhiều không kém quanh cầu. Cái đồi không còn một nét vồng mềm mại nào nữa, đá gan trâu trơ ra tím ngắt. Mái lán Tân nằm lỗ chỗ vết bom bi. Chiếc hòm đạn gỗ anh vẫn dùng làm “gối ngủ” không biết của đồng chí nào hy sinh để lại. Tai Tân nhiều hôm ù đặc, bom cạnh sườn chỉ thấy thình thịch xoèn xoẹt. Mùi khói khét nhiều khi quen quá, lâu không thấy, đâm nhớ…

Một hôm đơn vị Tân chấm dứt chiến dịch “Sấm rền” của chúng bằng trận thứ bảy mươi lăm. Buổi tối, tổ chức lễ nhận thư khen của quân khu, anh em bàn từ chiều, nhất trí phải có một lọ hoa. Tân được lệnh xuống thị xã mua, đó là ưu tiên lớn cho anh lính trẻ đẹp giai. Chọn bộ quần áo mới sột soạt như mo, Tân diện, tong tả bước. Tiếng thế mấy tháng về đây, đã lần nào được xuống thị xã, mặc dù hàng ngày vẫn đứng trên đồi nhìn xuống, rất quen những mái nhà hẹp, xếp chất lên nhau tựa rải chiếu, kiểu phố cổ. Sau mỗi trận, Tân vẫn để ý xem bom thả đến đâu. Đầu phố, cuối phố như hai thế giới khác nhau. Một đằng hố bom sùi mụn, cát vôi tung toé, một đằng cứ nề nếp nghiêm trang từng ô cửa sổ màu xanh, dây vạn niên thanh, hoa ti-gôn quấn quýt bao lơn. Chiều chiều bóng người thấp thoáng vườn sau; na, nhãn chín nặng trĩu.

Tân đi dọc phố ngắm nghía. Những đoàn xe chất nặng, phủ bạt,lầm lì lăn qua. Thị xã im ắng, cánh cửa nguệch ngoạc nhiều dòng chữ ghi địa chỉ sơ tán. Theo lời dặn của đại đội trưởng, Tân vòng lên Cổng ô Bắc. Đấy có bà mẹ, nhà trồng hoa mấy đời, giờ cao điểm đi sơ tán, chiều mát vẫn về… Trèo qua đống gạch đổ lấp cả đường, đi một đoạn, Tân thấy vườn hoa hiện lên tựa trong tranh. Rặng rào dây bìm bìm xanh ngắt đóng khung vuông vắn. Căn nhà nhỏ, một gian hai chái, cửa liếp kín, mái lợp dây leo, nằm thu lu một góc. Tân gõ cửa:

– Mẹ ngỏ cửa cho con với, con mua ít hoa.

Cánh liếp bật ra.

– Ối! – Tân suýt ngã bổ chửng. Trước mặt anh là một cô gái tóc rủ đầy vai.

– Tôi… tôi… – Cậu con giai lúng túng mãi mới nhớ ra nhiệm vụ của mình – Tôi… chặc, vườn hoa đẹp quá….

– Anh vào chơi – Cô chủ đẩy cánh liếp, nhanh nhảu dẹp cái ấm sứt vòi vào góc giường, lấy chỗ ngồi.

Tân tháo mũ sắt, quạt vờ cho tự nhiên. Cô chủ thì bẻ oặt đôi tay trần rôm đỏ lấm tấm, vuốt tóc sau gáy, cái cổ tròn ngửa lên lắc lắc. Tân chăm chú nhìn: mười ngón tay cô gái dài nhọn xiên trong lớp tóc dày giống như những cái trâm! Đột nhiên cô chủ nhìn dội trả lại, ánh mắt Tân bật ra, một nụ cười trên môi cô thoáng hiện làm Tân thấy mình bạo dạn hơn…

. Hai người ra vườn, cô chủ cầm con dao bài chuôi sừng, bàn chân bé nhỏ để trần rất gượng nhẹ. Tân đi sau ngợp mắt vì hoa, cuối cùng anh chỉ thấy cái lưng cúi vồng lên giữa nền màu sặc sỡ.

– Cô ơi, cho tôi bông này… – Tân chỉ chỗ nọ chỗ kia khắp vườn.

Cô chủ chiều bộ đội, cứ nghe lời như đứa em gái ngoan. Cắt nhành nào, cô đưa Tân cầm nhành ấy.

– Hoa này gọi là hoa gì cô nhỉ? – Tân hỏi.

– Hoa Bướm, nó trắng, có vòi vàng, gió rung lên rất giống con bướm.

– Thế hoa này?

– Hoa Lan đất.

– Thơm ngòn ngọt giống mùi mật đun ngày tết nhỉ!

– Ngày nhỏ mẹ em hay kể sự tích các loài hoa, đến bây giờ em vẫn nhớ, nhất là sự tích hoa lan đất.

– Hoa mà cũng có sự tích cơ?

– Óc tưởng tượng của các cụ giầu thật – Cô chủ nhận xét – Hoa lan đất thì là một cô gái có đôi môi thơm, một hoàng tử đến yêu, vua giận bắt cả hai trị tội (vì quan điểm phong kiến mà – Cô bình luận). Cô gái chết hoá thành giống hoa lan đất tím, thơm; đấy là môi của cô gái.

– Chuyện buồn nhỉ – Tân nói – Các cụ nhiều khi nói hoa mà là nói người đấy. Cô có thuộc bài vè về hoa mà có câu: Lẳng lơ thơm nức hoa Nhài, chính chuyên có chị hoa Mai gầy còm gió trăng là ả hoa Cau, hoa Sói sắc sảo hoa Bầu ngẩn ngơ, hoa Rau Muống nghèo xác nghèo xơ

– Có, có thuộc – Cô chủ nói. Hai người đi giữa những bông Lay-ơn trắng, bông Cẩm chướng rực rỡ và bao thứ khác không biết tên.

Bó hoa đầy ngực, cô chủ thôi cắt và mời:

– Anh vào xơi nước đã, mẹ em sắp về đấy.

– Vâng. Thế cụ đi đâu?

– Đi xin rơm về đan áo giáp tặng bộ đội.

Tân vào nhà định trả tiền, cô cười khanh khách;

– Ai lại lấy tiền bộ đội bao giờ.

Anh ngồi xuống bậu cửa, mắt liếc trộm cô chủ. Thật người có “nhuỵ” quá. Đôi mắt dễ gần, gương mặt quen y như đã gặp ở đâu…

– Bom đã rơi quả nào vào vườn hoa chưa? – Tân tìm câu mở chuyện.

– Anh nhìn khắc biết.

– Ừ nhỉ – Tân cười – Nhưng bom thả nát thị xã thế này cô không sợ à?

– Các anh ở đầu cầu còn được nữa là em – Cô cúi xuống tẩn mẩn cắt móng tay – Mí lại em sơ tán theo trường, hôm nay nghỉ về chơi đấy chứ. Mẹ em ở đây, cụ gan lắm.

– À thế, cô học lớp mấy?

– Lớp 10, sắp thi rồi, năm nay vẫn thi đủ sáu môn, cả vấn đáp nữa, sợ lắm.

– Cô định thi ngành gì?

– Chưa biết. Nhưng chắc gì đã đỗ tốt nghiệp, em đại dốt.

Cô chủ cắt móng tay xong rồi, băm bổ củ lu bú muối dưa. Không hiểu sao Tân cứ ngồi nấn ná, rồi rút dao găm ra băm dưa hộ…

*

Trong căn lán khẩu đội, lâu nay lọ hoa là điểm tập trung nhất. Giữa mùi bom khét kinh niên, vị hoa phảng phất nhè nhẹ mong manh. Tân liên tưởng nhiều đến Kim – cô chủ vườn hoa – bao giờ cũng bằng phút chợt vào lán. Những bông hoa gợi chuyện cô gái môi thơm thì ít nhưng nhắc nhở bóng hình cô chủ thì nhiều. Mỗi tuần Tân xuống thị xã một lần, xin hoa mới, đã thành lệ. Có cái gì mong ngóng không rõ rệt trong Tân, cứ đến vườn hoa là anh hồi hộp. Tân chưa gặp lại Kim lần nào; nhưng anh gần như đã trở thành người nhà bà mẹ. Không hiểu sao điều ấy tự nhiên quá đến nỗi chính Tân ngạc nhiên. Bà cụ vồ vập anh, tựa hồ anh là con cháu đi xa mới về. Hôm đầu tiên bà nhìn Tân đăm đăm:

– À là anh đấy, cháu Kim bảo thế nào anh cũng đến, tôi cứ đợi mãi.

Sau những câu chuyện về bắn máy bay, về bom đạn, một lúc lâu bà hỏi Tân về hai cụ thân sinh ra anh. Tân nói cho bà biết thầy mẹ mình đã mất từ lâu. Anh mồ côi, từng ở với chú và dì. Bà cụ có vẻ bùi ngùi, các bà mẹ bao giờ cũng hay thế.

Tân ngồi trên đòn gỗ cửa nhà, bẻ ngón tay lễ phép nói chuyện. Anh thoáng nhận ra khoảng chống chếnh bơ vơ của tình cảm gia đình lâu nay được tập thể bù đắp nên quên đi. Xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì, câu ấy đối với anh là một điều mỉa mai. Nhưng thôi, nhắc lại làm gì. Tình thương của người ta còn chưa đủ để ban phát cho hàng đống con của người ta, huống hồ là mình. Cái cay đắng của người sống nương nhờ, bây giờ nhìn lại, mới thấy, chứ hồi bé biết gì. Đi chăn trâu cả ngày cũng thú đấy chứ. Mò cua, bắt châu chấu, cắt cỏ, chẳng phải là buồn. Một cái tát lên “đằng đằng” tai, hay chiếc xe điếu vụt vào đít, với trẻ con là rất thường (!). Đến khi kịp nhận ra điều này điều nọ, thì anh đã là người của tập thể rồi. Lao động, văn nghệ, thể dục, học tập, vui chết thôi, ai hơi đâu nghĩ lại chuyện cũ làm gì.

Tình cảm bà mẹ Kim đánh thức trong lòng Tân những cái gì thiếu thốn. Anh thấy mình bé dại đi. Bà mẹ ngồi “bẻ què” chân trên phản, tước khúc vỏ già thành mớ bòng bong nhai thay cau. Nước trầu đỏ thẫm trên môi, bà rủ rỉ:

– Cháu nó quý các anh lắm, chỉ thích bộ đội đến chơi thôi. Bố cháu trước cũng là bộ đội hy sinh hồi kháng chiến chống Pháp. Hôm nào giỗ ông ấy, mời anh đến nhá.

Nhưng hôm ấy Tân không đến được vì mấy trận đánh liền xảy ra. Xẩm tối hôm sau, anh mới tong tả trên bờ hè thị xã, và khi đến cổng vườn, thì trăng vừa chợt ló lên sau vết núi gấp xa xa. Có tiếng hát nho nhỏ. Tân nhận ra giọng Kim; anh dặng hắng từ ngoài ngõ:

– Cô Kim về ăn cỗ kỹ thế?

– A, anh – Kim reo nho nhỏ.

Bà cụ chẹp miệng từ cửa liếp:

– Hôm qua nó đánh khiếp, chắc thế nên anh không đến được?

– Dạ.

Tân đi lại tự nhiên như người nhà, Bà cụ vặn to đèn giật mình:

– Chết, làm sao thế?

– Dạ, không ạ.

– Anh bị thương à – Kim nhìn sát hai vệt băng dính chéo trên má Tân.

– Mảnh đạn sướt qua thôi – Anh lí nhí giải thích – Chúng con như thế là chuyện thường

Bà cụ băn khoăn một lúc rồi vui vẻ:

– Anh em ngồi chơi, tôi đi nấu chè hạt dẻ ăn nhá.

– Thích quá – Kim reo.

Tân cũng vâng dạ ra dáng. Cái cảm giác một gia đình êm ấm làm Tân bâng khuâng. Hình như cả bà cụ và Kim cũng thấy giống thế. Trong khi bà lúi húi dưới bếp, Tân theo Kim ra vườn. Khóm dạ lan hương gặp sương bắt đầu bốc lên mùi thơm ngan ngát.

– Kim đi học biền biệt, chẳng mấy khi về nhà nhỉ? – Tân hỏi.

– Em đang học thi mà.

– Sao ban ngày dạ lan hương không thơm nhỉ?

– Không biết.

Vầng trăng non vàng rợi đã nhô qua nòng khẩu đại cao trên trận địa. Mặt Kim trong ánh trăng sáng trưng lên. Suốt từ đấy đến lúc ngồi ăn chè, Tân chăm chú nhìn Kim. Những búp tóc nhô lên óng ánh bạc, sợi mi dài, cong, cũng óng ánh bạc. Trên chiếc chiếu dạm rải ra giữa sân, Tân ngồi xếp bằng tròn, khép nép, ăn xong vét bát thật sạch, mới đưa hai tay xin bát khác. Kim vừa ăn vừa chòi mòi chọn những hạt lạc hoa. Bà mẹ ăn thì ít nhưng lại luôn miệng nhắc:

– Hai anh em phải ăn bằng hết.

Suốt bữa, không ai nói câu gì dài dòng, chuyện không đầu đề, trong lòng mỗi người đều thoáng qua một niềm vui vừa giống nhau vừa khác nhau. Khuya lắm, mãi đến khi ngọn cỏ bờ rào đủ kết một giọt sương soi lên trăng, Tân mới về. Những con ễnh ương xanh ra hang đớp sương, gọi nhau ềm ệp ngoài đường. Ánh trăng láng trên hàng cây, nóc nhà, đường phố, tạo nên từng mảng sáng tối. Một đôi vợ chồng chuột cắn đuôi nhau ra bờ hố bom soi mặt. Kim tiễn Tân một đoạn, tiếng guốc nhẹ đều đều rất vang giữa phố vắng. Tân đếm từng tiếng guốc của Kim, cái âm thanh ấy đọng mãi trong anh…

Tân ở bên sông Cầu từ mùa nước trong sang mùa nước đục, lúc nào cũng thấy sông đi mải miết. Bom Mỹ liếm đến khu Thành Cổ thị xã, những viên gạch ống sớ rêu mốc từ đời nào vỡ bung ra. Tân vẫn đếm, vẫn nhớ dáng hình những ngôi nhà đã đổ, cũng như để ý xem khúc sông hẹp đã mọc thêm bao nhiêu cầu bến dã chiến mới. Bà mẹ Kim bây giờ lên trận địa chơi luôn. Bà cho Tân khi thì dăm bắp ngô non, khi chùm doi vườn nhà. Nhiều lần rỗi, Tân xuống xới đất tưới hoa cho mẹ, nhưng chẳng bao giờ gặp Kim. Một mình bà cụ khá vất vả. Vào dịp tổng kết thi đua gì đó, các cơ quan xí nghiệp đến mua hoa tới tấp. Bà lom khom ngoài vườn suốt ngày, quên cả giờ cao điểm, mong từng cái nụ non tơ…

Giữa lúc ấy, Tân chia tay đột ngột. Một đêm đơn vị anh có lệnh cấp tốc đi nơi khác. Ngồi trên xe chạy qua thị xã, Tân băn khoăn. Anh nhìn những dòng chữ đắp nổi cổ lỗ vụng về trên các cửa hiệu, những cái nia viết đầy khẩu hiệu treo cành dã hương, những ngõ phố bé lọt người đi… Thì ra nơi chiến đấu, đó là quê hương, chia tay nhớ quá. Tân không kịp đến chào bà mẹ và Kim. Ngày mai bà lên đồi mang hoa cho bộ đội sẽ gặp toàn anh em mới…

Về địa điểm mới, vẫn nếp sống chiến đấu thường lệ, nhưng Tân thấy thiếu hẳn cái gì. Buồn nhất là không rõ địa chỉ Kim, cái vườn hoa chênh vênh cổng ô ấy có số nhà tên phố gì đâu. Kim họ Nguyễn hay họ Hà. Một lần Tân đã đề ngoài bì thư: “Mến gửi cô Kim (học sinh lớp 10 – sơ tán) nhà ở vườn hoa cổng ô thị xã”. Thật là lẩm cẩm, anh lại xé đi. Tân giận mình quá, vô tâm đến thế thì thôi, cứ tưởng được ở trận địa sông Cầu mãi!

Đơn vị Tân giờ trở thành lưu động. Anh đi nhiều nơi, mỗi trận đánh đều khác nhau, có thể kể tỷ mỉ lại. Trận ở một phố huyện có cái sân nửa đá bóng nửa họp chợ; trận ở một làng vùng đồng chiêm, chim bồ nông đi lủi thủi bên những mô rạ ướt sũng; trận ở một vùng nhấp nhô thành đất, lăng miếu, vốn là kinh đô Giao Chỉ thời xưa. Ở đâu cũng nhiều kỷ niệm, nhưng Tân không nguôi nỗi nhớ trận địa đầu tiên của đời lính. Cái tỉnh lẻ bên sông ấy có ga xép, phố nhà hai tầng cổ kính. Tân nhớ mùi hoa lan đất, nhớ cây doi đầu nhà treo những quả trắng ngần, núm đầy kiến đen, khi ăn thường bị đốt sưng môi…

Bỗng một dịp may hiếm có chợt đến: một hôm Tân được đi công tác qua sông Cầu. Anh lính trẻ ngồi nhờ ô tô một đoạn rồi xăm xăm vào thị xã. Máy bay vẫn ầm ì ở đâu. Khách qua đường đều ngừng lại nguỵ trang xe đạp, chờ tối sập vượt cầu. Một mình Tân đi trên đường phố thênh thang giữa nắng quái chiều hôm. Lòng anh thắt lại. Mấy tháng đi qua, bom Mỹ đã liếm sạch trơn các dẫy nhà. Cái biển thuốc cao “Ông Lang Trọc chính hiệu” đây rồi, Tân rẽ lên. Khó khăn lắm anh mới vượt qua được đống hố bom dày trấu trát. Nhưng ô hay! Mãi chả thấy vườn hoa đâu. Đường tàu mới sửa thì đúng kia rồi, cái hồ đầy hoa lục bình giống hệt lông công chỗ này mà! Nhất định đã đi quá! Anh đứng ngẩn ra. Có tiếng chim gì đang hót rành rọt từng chữ trong sách chữ Nho “Chi trung tử! Chi trung tử!”. Tân quay lại vượt qua đống hố bom đơn điệu như sa mạc. Con chim thảng thốt vù bay, Tân cũng giật mình nhận thấy nó vừa đậu trên cây doi còn cành độc nhất khẳng khiu. Anh cúi gằm cố tìm trên khe hở giữa các hố bom một dấu vết quen cũ. Dặng rào bìm bìm đâu rồi? Những mặt hố bom nước xanh lơ giăng giăng một loạt. Tân thất vọng cúi xuống rửa tay, bắt gặp một núm đỏ chói mắt chồi ra, thì ra là một nụ hoa hồng nhung đang nở. Tân ngắm nghía nhưng không ngắt.

Anh lính trẻ xốc lại ba lô ra khỏi thị xã. Một nỗi buồn nhớ tiếc xen lẫn tia hy vọng. Tân tìm đến chỗ dân thị xã sơ tán, hỏi thăm bà bán húng quế hành hoa, rồi lại hỏi thăm bà bán vé xổ số kiến thiết. Bà cụ giương đôi kính loá quấn len gọng dây thép nhìn lên:

– Hử? Cụ trồng hoa à? Nhà cái Kim chứ gì? Đi vào ngõ kia hỏi nhà ông Háy, qua cửa chuồng trâu sang nhà ông Hó. Cầm lấy cái gậy không chó cắn.

Tân mừng đến nghẹn ngào khi gặp lại mẹ Kim. Bà cụ đứng sững bậu cửa buồng, mắt chớp sau hàng mi thưa thớt:

– Anh đấy ư? Trông lạ quá. Anh đi đâu giờ mới về?…

Tân ngập ngừng giải thích. Bà cụ gỡ ba lô hộ, ngón tay run run trên vai anh, hơi thở thơm cay mùi trầu nồng vôi:

– Anh ngồi xuống uống nước. Con Kim nó vừa mong lại vừa trách anh đấy.

Tân mở ba lô biếu bà gói táo tầu mà Công ty thuốc bắc tặng trong một trận đánh, anh vẫn để dành, rồi vờ sực nhớ ra:

– À quên. Thế Kim giờ học ngành gì hở mẹ? Trường gì?

– Hả, trường gì đâu!

– Ơ…! Thế…

– À, học giao thông gì đấy nhưng thấy chúng nó rủ nhau đi làm đường phục vụ chiến đấu trước rồi mới vào học sau cơ. Con gái phố này đi đông lắm. Bây giờ em ở Mai Phồn. Nước làng Dùm, hùm Mai Phồn đấy, xa lắm. Bà cụ nhấc chiếc làn trên vách – thư em đây…

Tân cầm mảnh giấy dày dịt chữ con kiến. Thế là Kim đã đi – Tân nghĩ – từ vườn hoa Cổng Ô này để đến những vườn hoa rộng lớn hơn… Đọc hết thư, anh hỏi:

– Thế mẹ bây giờ làm gì?

– Vẫn trồng hoa. Hợp tác đây cho mảnh vườn tốt đáo để. Dạo này người mua đông quá, không sao đủ, phải bán theo giấy giới thiệu đấy.

*

Mặt trời vẫn nhợt nhạt như chiếc đĩa bạc treo lơ lửng. Tân đứng trên đồi cao chăm chú nhìn xuống. Con đường lớn xuyên rừng thấp thoáng bóng ô tô như bơi trong sương. Phía trên, nhiều bóng dáng đang lom khom – đội thanh niên xung phong làm đường đấy! Nghĩ đến phút gặp Kim, người Tân nóng lên.

Chiều tà, sau một ngày trực chiến, Tân men theo con suối trong vắt, rêu đá rũ tóc, ngược lên. Trước mặt, những hòn đá to như con bò phủ phục, làm suối bắn lên tung toé. Có tiếng cười giòn giã ở đâu. Tân đi dấn lên. Các cô thanh niên xung phong đang gội đầu dưới suối, đầu chúi xuống, tóc trôi băng băng theo nước.

– Chị ạ… Các đồng chí ạ.. Đồng chí Kim ở đâu ạ?…

Các cô vuốt vội nước trên má:

– Anh ở đâu?

Một tiếng gọi sau lùm cây:

– Ai đấy? Chúng mày ơi!

Đôi mắt đen láy nhìn qua bụi rồi ngoắt đi, hét lên:

– Cháu yêu chú bộ đội

Cửa suối vang tiếng cười tinh nghịch.

– Anh hỏi Kim làm gì, người nhà à?

– Vâng ạ.

– Là anh hay là em? – Các cô căn vặn.

– Vâng, là anh ruột.

– Sao bé thế?

Thế này thì quá lắm. Tân tìm một cô lớn tuổi để trình bày dài dòng. Cô ta tiếc rẻ:

– Kim trước ở đây, mới chuyển lên đoạn trên.

Tân buột mồm thở dài. Cô gái dẫn anh về lán gặp chị đội trưởng. Tân đóng vai ông anh hỏi han tình hình công tác của em. Ở đây, anh được biết đại khái về Kim: Ngày mới đến, Kim ngủ còn len vào giữa vì sợ ma, sợ cọp. Sau dần quen, chẳng sợ gì nữa. Toàn đội, chị em giật mìn, phá đá, chặt cây, việc gì Kim cũng làm và làm được tất. Gian khổ nhiều nhưng người nào cũng béo ra. Kim đã không còn mảnh khảnh như trước, và là tay đánh mìn phá đá giỏi của đơn vị. Còn bom ư? Nhiều trận lắm, chỉ biết đường mở đến đâu, chúng thả bom đến đấy. Riêng Kim cũng mấy lần bị bom Mỹ vùi nhưng may mắn là chẳng sao, vẫn tiếp tục làm đường, phá đá và bây giờ thì ở đội xung kích

Tân rụt rè hỏi cô đội trưởng:

– Kim có tâm sự gì với chị em không?

– Tâm sự gì? – Cô hỏi lại.

Tân lúng túng lảng đi:

– Bây giờ Kim ở xa đây không?

– Xa đấy – Cô đếm đốt ngón tay – đến ba mươi cây số. Đội xung kích chúng nó đến đâu, đường dài ra đến đấy. Cuối tháng này có thể bốn mươi, năm mươi cây… Nói như đồng bào Tày là không đếm hết những con dao quăng.

*

Đơn vị Tân đến Mai Phồn dịp ấy cuối mùa dẻ rụng. Những trưa nắng, sau trận đánh, không gian im lặng nghe rõ tiếng vỏ gai nứt ra, hạt tròn như cườm nâu bóng, rơi tí tách, có khi gõ vào mũ sắt công cốc. Hạt dẻ rang cắn tanh tách bùi thơm, ăn no được. Tân lại nhớ lần ăn chè hạt dẻ nhà Kim…

Dạo này bọn Mỹ tăng cường đánh phá đoạn trên. Đơn vị Tân lại di chuyển lên. Giữa nửa đêm, cái đêm rừng đặc như miếng thạch đen óng ánh, đoàn xe bật đèn gầm, cắn đuôi nhau chuyển xích. Ngồi trong xe, Tân hồi hộp nghĩ: “Lần này sẽ gặp Kim!”.

Nhưng chắc gì. Vì con đường có dừng lại đâu.

Hà Bắc, 1971