Khuất Bình Nguyên

Những năm đất nước còn chia cắt. Từ rất sớm miền Bắc đã chăm chú lắng nghe những tiếng vọng xa xôi của văn chương ở các đô thị, thành phố phương Nam. Cuốn thông báo khoa học của Đại học Tổng hợp Hà Nội, in năm 1961 – 1962, giới thiệu những khuynh hướng văn học miền Nam đã nói đến Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền. In ở Sài Gòn 1956. Thời gian đã ố vàng trên từng trang sách. Gọi nhớ nhiều kỷ niệm khó quên. Mùa xuân năm 1970 và trước đó. Sinh viên văn khoa đã được nghe hệ thống các chuyên đề của thầy Hồ Tấn Trai về văn chương miền Nam. Vốn người Thừa Thiên-Huế. Trước cách mạng tháng 8-1945, thầy Trai dạy học tư ở Đà Lạt. Thời 1946 – 1947 từng là trưởng ty tuyên truyền của ta ở tỉnh Biên Hòa. Những năm 70, tóc thầy đã bạc sớm, thường trải ngôi ở giữa ngay ngắn. Mùa thu luôn luôn thấy thầy  diện chiếc áo  vest kaki màu trắng ngà. Không hiểu vì sao học trò lại rung cảm với Phục sinh của Thanh Tâm Tuyền. Có lẽ do giọng Huế của thầy nhẹ nhàng mà lại trầm buồn nữa. Thỉnh thoảng còn thêm tiếp đầu ngữ “Cho nên chi… cho nên chi” thật dễ thương. Với hoàn cảnh lịch sử thời “hai phe, bốn mâu thuẫn”, 2 dòng trong – đục trong văn chương mà Thanh Tâm Tuyền đang được coi như đang trôi “bên dòng đục”, vậy mà sao sau khi gạt đi những từ ngữ vay mượn của chủ nghĩa hiện sinh, lời thơ Phục sinh thật trong sáng qua giọng đọc ngọt ngào xứ Huế; Dường như đã gặp cái ánh nắng trong lành và tiếng chuông yên bình ấy ở đâu đây trên xứ sở của mình mà tôi không nhớ được ra.

 

 

Ngoài phố nắng thủy tinh

Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

Thanh Tâm Tuyền

Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường

Đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi.

Không ai nói cho thầy Trai hay cái kết quả vô thức ấy.

Đã hơn nửa thế kỷ qua. Hiện tượng thi ca Thanh Tâm Tuyền vẫn còn là ẩn số với những ý kiến đối lập nhau từ hồi 1956 đến nay. Ngay như ông Võ Phiến- một nhà văn nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 cũng coi nhẹ thơ Thanh Tâm Tuyền, mà hậu duệ của nhà văn  họ Võ mới đây gọi là một thứ hàng nhái cực mốt hồi cuối thập niên 1950. Không phải không có ý kiến còn cho là Thanh Tâm Tuyền làm thơ bằng tiếng Pháp rồi dịch sang tiếng… An Nam; Là đứa con ngoài giá thú của chủ nghĩa hiện sinh. Ngược lại, có người không ngần ngại coi Thanh Tâm Tuyền là thi sĩ tiên phong tiêu biểu cho cách tân thi ca Việt Nam lần thứ 2 sau Phong trào Thơ Mới 1930 – 1945. Còn thi ca ở miền Bắc chỉ là sự lặp lại thơ của phong trào ấy mà thôi. Số phận của thi nhân vẫn nằm giữa hai dòng nước chảy xiết ấy.

Không nghi ngờ gì nữa, cuộc cách mạng thơ ca lớn nhất thế kỷ 20 đã xảy ra hồi 1930 – 1945 mang tên gọi Phong trào Thơ Mới đã đưa thi ca Việt Nam có diện mạo khác, thậm chí so với cả 9 thế kỷ trước đó. Nửa sau thế kỷ 20, bắt đầu tư 1945, đã xuất hiện những hướng đi hứng khởi cho cuộc cách tân. Điều đáng lưu ý là nó không phải xuất phát và bị thúc đẩy bởi các lý thuyết và chủ nghĩa trong sáng tạo thi ca từ nước ngoài mà chính từ hiện thực cuộc sống của dân tộc đã cổ vũ và thổi vào hồn thi sỹ những giai điệu  bắt nhịp cho thi ca. Năm 1948 – năm vô cùng gian lao của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm cầm cự và phòng ngự trên chiến trường đánh giặc. Vậy mà đó lại là mốc thời gian một loạt các thi sĩ bước lên diễn đàn thi ca với cảm hứng bi hùng và nhịp điệu thơ tự do dài ngắn linh động, dẽ dàng chưa từng thấy trong thơ 1930 – 1945. Tây Tiến của Quang Dũng. Nhớ của Hồng Nguyên. Bên kia Sông Đuống của Hoàng Cầm. Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông…. Và trước đó 1946 – 1947 là Nhớ Máu – Tình Sông Núi của Trần Mai Ninh. Đèo cả của Hữu Loan… Đến 1949, Nguyễn Đình Thi táo bạo với những sáng tác về thơ tự do, thơ không vần… Cuộc tranh luận quyết liệt giữa các thi nhân về đổi mới thi ca đã diễn ra dưới những cánh rừng già Việt Bắc. Không phải ở các salon văn học sang trọng trong thành phố sáng đèn. Nó diễn ra trong chiến hào đánh giặc đầy máu lửa và trong hoàn cảnh đội quân vệ quốc đoàn – Vệ túm áo rách dầm sương của cách mạng đang bị địch bao vây. Nói như thế để thấy hồn thơ ấy đẹp biết chừng nào.

Trường hợp của Thanh Tâm Tuyền có khác. Ông mong muốn cách tân thi ca từ lý thuyết hơn là từ thực tiến đời sống. Chủ nghĩa hiện sinh thúc giục ông từ bỏ lối viết cũ để tiến đến một phương thức mới của sáng tạo thi ca. Mặc dù Thanh Tâm Tuyền viết Nỗi buồn trong thơ hôm nay như là một tuyên ngôn thơ cho bản thân mình lại có nội dung cỗi lõi nhất là thi ca cần rời bỏ những tháp ngà nghệ thuật để đi vào đời sống hàng ngày. Nói theo cách nói của ông, thơ là phương tiện để gặp được cái hiện tại tầm thường. Ông kêu gọi những bậc tiền nhân hãy nhường cho mình hiện tại. Mặc dầu vào thời điểm đó chủ nghĩa hiện sinh đang rất thịnh hành ở phương Tây, đặc biệt là ở Pháp. Nhưng Thanh Tâm Tuyền chưa hẳn đã nẩy đom đóm mắt muốn nguyền rủa quá khứ và công đầu của ông cũng không đến nỗi biến nàng thơ thành… Prostitute như một nhà phê bình danh tiếng đã viết. Nặng nề quá. Một người có tâm địa như thế thì làm sao mà viết được thơ, theo ý nghĩa đơn giản nhất của từ đó.

Thanh Tâm Tuyền có 3 tập thơ. Tôi không còn cô độc. 1956. Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy. 1964. Thơ ở đâu xa. Xuất bản ở Mỹ năm 1990. Trong số này Tôi không còn cô độc viết năm thi sĩ mới vừa tròn 20 tuổi là đáng kể hơn cả vì nó tập trung những phẩm chất sáng tạo cũng như định vị Thanh Tâm Tuyền như một trong những người đầu tiên đột phá khẩu việc làm mới thơ miền Nam những năm cuối cùng của 1950 ở hai phương diện. Một là. Nỗi buồn trong thơ hôm nay Thanh Tâm Tuyền nói rõ chủ ý: Thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể. Thơ hôm nay là thơ tự do. Độ dài ngắn của câu thơ khác nhau. Không câu nệ về vần. Nhịp điệu thơ thực hiện theo phương thức mới. Thanh Tâm Tuyền quan niệm nhịp điệu của thơ tự do là nhịp điệu của ý thức được kết thành từ nhịp điệu của hình ảnh và nhịp điệu của ý tưởng. Quá trình kết hợp ấy là tự do vươn tới sự thống nhất trong khi phải trải qua sự chia xé mãnh liệt.

Thứ hai là. Cảm xúc và hình tượng thơ phi lý và siêu thực được coi là phương tiện đặc trưng nhất của thi ca. Thanh Tâm Tuyền muốn làm một người hèn mọn kiêu hãnh để gặp được hiện tại tầm thường, trong con mắt nửa tỉnh nửa ngái ngủ để thấy sự vật hiện hình lên những hình thù quái đản. Đó là một kiểu Hàn Mặc Tử không phải trong Mùa xuân chín hay Đây Thôn Vỹ Dạ mà là đi dưới ánh trăng tàn úa không phải trên Thượng thanh khí mà ở dưới trần gian. Những bài thơ hay nhất của Thanh Tâm Tuyền gửi lại cho chúng ta ngày nay cũng thể hiện phẩm chất thi sĩ thành công nhất trên hai phương diện ấy. Ở đây tôi là vị Hoàng đế. Chim. Định nghĩa một bài thơ hay. Hoa. Mắt biếc. Mặt trời. Phiên khúc 20. Phục sinh. Về Quách Thoại. Với hai phương diện ấy, thơ Thanh Tâm Tuyền đã đưa tới một tiếng nói khác biệt cho thi ca. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế ở Thanh Tâm Tuyền không ít bài thơ, câu thơ khó hiểu hơn cả thơ dịch. Đặc biệt hầu hết những bài thơ văn xuôi dài đều trúc trắc và đôi khi luẩn quẩn. Nhưng nếu chỉ có thế thôi đã không có một Thanh Tâm Tuyền như là một số ít tiêu biểu của thi đàn miền Nam trước 1975.

Không phải ngẫu nhiên trong tập thơ đầu tiên Thanh Tâm Tuyền giành nhiều tâm nguyện cho việc phát biểu quan niệm sáng tác. Không ở đâu như ở đây, Thanh Tâm Tuyền đã bộc lộ những mâu thuẫn giằng xé tưởng như không bao giờ dứt. Định nghĩa một bài thơ hay, Thanh Tâm Tuyền viết.

Hãy đánh rơi vào buổi chiều của trời

Một cuộc đời tròn như hạt cốm

Mùa thứ 3 trong năm nhỏ sữa

May mắn như bài thơ gồm những âm trắc đồng tình.

Giá như ông dừng lại ở đây thì đẹp biết bao nhiêu. Vậy mà qua vài dòng ông lại viết.

Một câu thơ hay tự nhiên như lời nói

Một bài thơ hay là cái chết cuối cùng

Câu thứ nhất thật đúng. Câu thứ 2 có cần thiết phải kết cục như thế hay không? – Tôi nghĩ là không. Không nhất thiết như thế. Thi sĩ đã tự mâu thuẫn với bản thân mình không chỉ trong 2 dòng thơ mà suốt cả chiều dài Tôi không còn cô độc. Cũng như không phải một lần Thanh Tâm Tuyền muốn trở về với truyền thống, về với những câu lục bát rưng rưng cuối đường. Tự nhủ mình phải viết những lời thơ thật tự nhiên và nhất quyết một con đường.

Không đa đa siêu thực

Thẳng thắn

Khởi từ ca dao sang tự do.

Bài Mưa ngủ, có lẽ là một trong số ít bài thơ văn xuôi hay của Thanh Tâm  Tuyền. Mưa như nói hộ lòng yêu thương quê hương xứ sở. Khi mưa bên kia sông mưa nửa dòng nước để thi sĩ đưa em về bên ấy chân đê hoa cỏ hoang dại, những chuyến đi xa của đời ta theo mưa về ngủ trên mái rạ, đêm hiền lành như dâng lên từ cửa bể bến sông, giọt mưa đẹp như mắt ngủ, Thanh Tâm Tuyền đã hai lần nói về ước nguyện Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao. Nhưng thi sĩ đã tự mâu thuẫn với mình và đã không làm như vậy. Cái chất siêu thực và huyễn hoặc ẩn chứa trong nhiều dòng thơ tự do đã níu kéo ông trở lại. Thế giới nội tâm của Thanh Tâm Tuyền như mưa trên hai bờ của một dòng sông để Tâm hồn là cánh đồng chưa khai phá. Thơ ông trên bờ sương khói của siêu thực, ngả mình vào những cảm xúc phi lý suốt 20 năm một đời thơ (1955- 1975). Kỳ lạ thay, đến khi ông nằm trong trại cải tạo, dường như chỉ khi ấy ông mới thực sự chạm đến những đắng cay nhất để hiểu rằng cuộc đời không còn khoảng trống nào để viển vông được nữa. Khi ấy ông mới thực sự bước vào lĩnh vực đời thường mà buổi đầu tiên cầm bút làm thơ ông đã ước mơ. Một thi sỹ ca dao từng nắc nỏm trong thơ thuở trước. Tiếc thay. Bản năng sáng tạo của người thi sĩ khi ấy đã nhạt nhòa đi quá nhiều. Thanh Tâm Tuyền trong Thơ ở đâu xa trang trải với cuộc đời bình dị. Chiều cuối năm lũ trẻ mặt lem luốc co ro đứng xem đoàn tù nhân qua thôn hay cảnh cô sơn nữ áo hồng đi bừa với con trâu trắng mà ngỡ như Nhạn lai hồng lạc cuối thôn… Thơ ở đâu xa mặc dù có rất nhiều mùa xuân, rất nhiều ánh nắng mà sao tôi thấy câu thơ nôm na quá chừng. Những bước đi cuối cùng không còn xuân sắc như một thi nhân. Thế giới nội tâm trong quan niệm sáng tác của Thanh Tâm Tuyền là một khối mâu thuẫn lớn. Khi ông tuyên bố thơ ông không hề có tình yêu – cái báu vật mà ông hằng mơ ước. Vậy mà chữ yêu dường như hiện lên ở tất cả các dòng thơ. Thanh Tâm Tuyền  bảo xin đừng gọi ông là thi sỹ. Vậy mà cả cuộc đời con người ấy lại chỉ sống chết với thơ mà thôi. Ít nhất cũng là ở cái phần tâm linh nhất.

Thi nhân tự nhận mình là Người bộ hành cô đơn chờ đêm để lên đường về quá khứ hay như chim bay vào trận mưa sao. Người bộ hành ấy đi mãi vào bóng đêm mà chưa ra khỏi được thế giới cô độc của bản thân mình. Có người nói: Cái tôi trong Thơ Mới 1930-1945 là cái tôi đối diện và đúng hơn là đối đầu với thực tại. Còn ở Thanh Tâm Tuyền không có sự đối đầu ấy nữa mà lơ lửng giữa cái tôi và thực tại. Tôi không thấy sự khác nhau ấy. Bởi vì chính ông ấy đã từng nói người làm thơ hôm nay chỉ là tên ăn mày giữa đám đông mà thôi. Thơ Thanh Tâm Tuyền và Thơ Mới 1930-1945 đều cùng phát triển theo một tuyến lấy cái tôi cô đơn như là một nét chủ đạo nhất của cảm xúc và hình tượng thơ. Nỗi cô đơn, cô độc là chủ thể trữ tình luôn choán chỗ cả một đời thơ Thanh Tâm Tuyền. Như một hồn lang thang không gặp được bóng mình. Có lúc bức bối. Ta đập tan hình hài và thức giấc. Bài thơ về Quách Thoại ở cuối tập Liên-Đêm-Mặt trời tìm thấy – 1964 lại cho thấy chẳng có mặt trời nào tìm thấy cả. Vẫn chỉ là lang thang cô độc của thân phận thi nhân.

Tôi bé nhỏ và tôi than thở

Những vì sao rụng bỗng đầy lề nhân gian

Người thi sĩ bay vào miền đất lạ

Không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng

Ở đây tôi còn mở mắt

Dìu linh hồn lang thang

Không có mặt trời tìm thấy, chỉ là những vì sao rơi rụng đầy lề nhân gian. Năm 1956 bài Mặt trời, Thanh Tâm Tuyền cho là Câu chuyện mặt trời hoang đường như đôi mắt tình nhân. Năm 1964, bài thơ văn xuôi Mặt trời tìm thấy còn loang lổ sự hoang đường thủa trước buổi sớm còn ánh trăng, đêm thành phố đã tắt thi nhân không biết nơi hẹn hò là nơi nào. Những chùm lá hiện lên mùa đông trong thành phố không quá khứ.

Những vần thơ mang đậm mầu sắc siêu thực hay nhất của Thanh Tâm Tuyền là nói về cô đơn. Thi sĩ không chuyển cô đơn lên bầu trời mà vục mặt vào cô đơn. Giữa màn sương khói ấy, tình yêu xứ sở có lần hiện lên thật giản dị. Như một chỗ trên xe buýt mà thôi.

Mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau

 không quen nhau

Thân mật ngó lên mái tóc rối nền trời khuya

Ngó vào mắt hoang xa dòng sông không bờ

Sau một ngày làm việc em mơ về

 khói ấm khuôn mặt riêng…

Rời khỏi thế giới cô độc, thơ Thanh Tâm Tuyền chạm vào sự thật trong sáng dịu hiền.

Tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

Trong sạch như một lần sự thật

Chạm vào ước mơ có thật. Thóc gặt về người phải dư ăn, bột mịn màng thừa bánh đề dành. Một quê hương có sữa hoa huệ ấm và cánh hồng ngọt vị tình yêu.

Thời gian không rời nhau mang đến bao nhiêu mưa

Dạy em yêu phía sau cửa sổ

Xứ sở như là sự đoàn viên tuổi trẻ

Xóa sạch oán thù

Nhường nhau là hết nói

Con về dựng lại cửa nhà

Trẻ con đi học trên đường rộng

Xứ sở như là hy vọng ở ngày mai

Đất nước yên lành tình sông núi

Cả lòng người thơm hương dạ hội

Trọn ngày mai, ngày mai….

Bài thơ Vang vang trời vào xuân viết ở trại Tân Lập Vĩnh Phú những năm 1978 – 1982 thật hào sảng. Tôi như nhìn thấy một Thanh Tâm Tuyền khác.

Vang vang trời vào xuân

Ta bật kêu mừng rỡ.

Tôi không còn cô độc, Thanh Tâm Tuyền đã một lần để thi sỹ giữ vai trò lĩnh xướng hội xuân.

Trong thời buổi hai trận tuyến không thể điều hòa, các thế lực ngoại bang mang chiến tranh xâm lược và chia cắt ập đến từng mái nhà nhỏ bé Việt Nam, việc phải dạt vào phía bên này hoặc phía bên kia bởi gia tốc mạnh mẽ của lịch sử đã chia đẩy số phận của hàng triệu, triệu con người. Đâu phải việc của riêng ai. Nếu không trên tinh thần bao dung và thức tỉnh như thế thì làm sao hàn gắn cho lành những vết đau thương mà lịch sử hiện đại đã để lại. Khi xem xét bất kỳ một tác giả thơ nào, tôi trước hết không để ý đến việc họ theo trường phái mỹ học hay chủ nghĩa nào trong sáng tác văn chương mà trước hết xem xét thơ có hay không đã. Có phù hợp với những giá trị nhân bản của con người hay không? Cùng với Vũ Hoàng Chương và Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền là 3 gương mặt tiêu biểu của thi ca miền Nam (1955-1975). Với Thanh Tâm Tuyền được ghi nhận như là một thi sĩ thực hiện việc mở cánh cửa để làm mới thơ miền Nam, sau những năm dài ngự trị của phong trào Thơ Mới 30-45. Góp phần đổi mới thơ Việt Nam hiện đại.

Mùa xuân năm 2011. Đất nước đã đoàn viên được gần nửa thế kỷ. Tôi có việc lên Đà Lạt. Đúng vào lúc nắng đẹp nhất trong năm. Cái nắng thủy tinh mà tôi đã gặp từ thời trai trẻ trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Tĩnh lặng đâu đây tiếng chuông nhà thờ nhỏ nhẹ. Tôi dành một phần thời gian tìm thầy tôi – Giáo sư Hồ Tấn Trai. Để nói một điều dù đã muộn và dù là điều ấy cũng không có gì tuyệt đối hệ trọng nữa đối với ông. Nhưng không nói ra vẫn canh cánh bên lòng. Đó đâu phải là câu chuyện văn chương. Mà hơn thế nữa – là ân tình của cuộc đời này. Mọi số phận con người cứ bình thản trôi đi rồi có một lúc cũng như buổi chiều kia sao bỗng vỡ vào chuông giáo đường để chỉ còn lại ngân nga yêu thương và nhân ái giữa con người với con người. Nó như vượt qua được cái ranh giới của thực tại để đến được bình nguyên huyền diệu của chân thiện mỹ. Thi ca là tiếng chuông giáo đường của mọi thời đại để thức tỉnh tình yêu và lòng cao thượng của con người. Được biết sau 1975, thầy Trai chuyển về đại học Văn Khoa ở Huế được mấy niên. Rồi lại chuyển lên Khoa Văn Đại học Đà Lạt. Tiếp tục nghề dạy học mà thầy đã làm ở đấy từ 1943. Nhưng đã muộn mất rồi. Thầy đã mất cách đó 6 năm. Từ 2005. Trước một năm Thanh Tâm Tuyền ra đi không trở lại ở Hoa Kỳ. Năm 2006. Những năm cuối đời ở Đà Lạt, thầy Hồ Tấn Trai có viết một trước tác với tiêu đề: Tôi học phật. In trong tập kỷ yếu của khóa 1959 – 1963 – khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy tôi bảo: Thầy học phật Để trị chứng nóng giận mà trị luôn chủ nghĩa cá nhân. Thiền để từ bỏ tham, sân, si. Thầy ước nguyện chỉ có một điều thật giản dị mà hư vô thăm thẳm: Làm sao tôi có thể sống như không có tôi. Thầy mồ côi cha từ rất sớm. Được tiếp xúc với đạo phật từ khi còn bé ở huyện Hương Thủy – Phủ Thừa Thiên một thời xưa cũ.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mùa xuân 1971- 1972. Thanh Tâm Tuyền lên Đà Lạt. Ông viết bài nghị luận Dấu chân cũng bàn về Thiền và Phật, đăng trên tờ bán nguyệt san Văn xuất bản ở Sài Gòn 1971. Thi sĩ tỏ ý nghi ngờ về thiền bởi ông cho sự tầm thường dằng dặc bao trùm lên hết thảy. Thi sĩ khuyên người khác tiếp tục thiền. Còn ông sẽ thiền chút chút trước ly cà phê buổi sáng trong một quán đông người. Năm 1990 Thanh Tâm Tuyền đi Mỹ. Thế hệ thầy Trai và Thanh Tâm Tuyền cho đến lúc cuối đoạn đường đời, vẫn chưa thể gặp nhau. Trên nhiều phương diện của từ ấy. Cuộc đời của họ đã vỡ vào chuông giáo đường để chi còn lại tiếng ngân nga của ân tình và thức tỉnh.

Con người điềm đạm, trầm ngâm, ít nói, khi nói thì nói chậm rãi, chưa bao giờ hô hoán hay dùng những chữ kích động” giờ đã định cư tại Hoa Kỳ dưới tấm bia đá trắng xám phẳng phiu chỉ đường có ghi rõ tên khai sinh DZƯ VĂN TÂM. To hơn rất nhiều tên bút danh: Thanh Tâm Tuyền.

Mùa xuân ở Đà Lạt bây giờ vẫn còn đó. Cả thầy tôi và Thanh Tâm Tuyền đều không biết, từ năm 2007, người ta đã mang cây hoa ban từ xứ xở khác về trồng ở nhiều con đường, dãy phố. Cứ mỗi khi mùa xuân về, hoa ban lại nở trắng muốt dưới bầu trời hiền dịu nắng thủy tinh như chẳng hề hay biết những số phận con người đã có mặt ở đây.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2018

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài