VIÊN SỬ QUAN CỦA VUA MINH MỆNH

Nguyễn Nhật Huy

ĐHSP Thái Nguyên

Lịch sử hồ đồ. Lịch sử làm con người ta mù quáng. Lịch sử là thành kiến của kẻ mạnh và nỗi khiếp sợ của kẻ yếu. Lịch sử là cái thớt chặt đầu tiễn vô số sinh linh về im lặng. Là thù hận truyền đời liên tục được các thế lực khuếch trương và lạm dụng. Sử gia là anh thợ chọn mà dệt lên cái câu chuyện cho triều đại mà anh phò tá và thụ lộc. Kẻ cầm quyền nào cũng cần những anh thợ kể như vậy vì chẳng có gì đáng sợ hơn một câu chuyện làm lay động nhân tâm. Lịch sử tôi ghi chép là cái vớ vẩn. Lịch sử của kẻ chiến thắng. Cái sự thật có khi nó khác nhiều. Mà cũng chẳng có sự thật. Chỉ là tùy từng thời mà đúng mà sai. Kẻ nào khăng khăng một sự thật chính là kẻ ngu dốt.

*

Từ ngày Đức Thế Tổ bình định vùng phía nam, đất nước đã thành hình nhưng thánh thượng chưa khi nào yên vì nội loạn. Hoàng thành cao còn lòng người thì trũng xuống. Thánh thượng nâng chén rượu. Khuôn mặt người hơi vàng, một nửa chìm vào bóng tối âm u khiến lòng người sợ hãi. Người thở dài: Lũ giặc mọi Đá Vách không đáng ngại. Chúng chẳng qua cũng chỉ là lũ ô hợp. Thi thoảng tràn qua xứ ta cướp phá rồi lại rút về. Cái mà ta lo nhất là bè lũ giặc Khôi. Hắn là một tay mưu lược, lại có bè cánh của cha hắn là Lê Văn Duyệt chống lưng. Cái họa này không dẹp sớm mà giặc Xiêm vẫn nhăm nhe phía tây Hà Tiên làm ta không thể nào yên.

Đám quan lại chắp tay cúi đầu không dám đáp. Họ biết khi thánh thượng không vui thì không nên vội tấu. Thánh thượng lại trầm ngâm: Bọn Lê Văn Duyệt vốn là công thần thời Đức Thế Tổ nhưng lại lạm quyền, nghĩ xa kinh đô mà làm càn tự tung tự tác. Hắn giấu một thớt voi chiến của Chân Lạp cống sang. Quả nhân nghĩ hắn có công nên bỏ qua. Đến nay con hắn lại làm ra chuyện nổi loạn.

Nguyễn Song Thanh khẽ lau mồ hôi rồi bẩm: Thánh thượng bảo trọng long thể. Hạ thần tin Thảo nghịch tướng quân Phan Văn Thúy, Tham tán Trương Minh Giảng sẽ sớm phá loạn Khôi. Thiên hạ lại thái bình.

Vua thở dài lắc đầu quay đi. Không biết người có hối hận khi đẩy nhà Lê Văn Duyệt vào đường cùng khiến lũ Lê Văn Khôi làm loạn không. Nhưng sự cũng đã rồi. Chỉ trách Duyệt nóng nảy nhiều lần át vua, lại tự tung tự tác cõi biên thùy. Vua anh minh lắm, cũng nhỏ mọn lắm. Muôn đời kẻ có quyền bao giờ cũng hẹp hòi. Càng bá đạo càng hẹp hòi. Vua không thể để cái độc tôn của mình bị lung lay được. Tôi thở dài: “Lũ đực khát máu cả đời chỉ tranh đoạt. Là vương, là giặc cuối cùng cũng chỉ là danh là lợi. Bởi vậy tôi mê đàn bà và chán cái chuyện triều chính. Đàn bà sẽ làm tôi mê đắm mà quên những trò đàn ông chết tiệt. Thế giới của đàn bà nó ngọt ngào và thơm tho chứ không tanh tưởi máu me”.

*

Quân Lê Văn Khôi nghe tin quân triều đình đến thảo phạt tạm lui về Phiên An. Khôi là người cao lớn, khuôn mặt bặm trợn, võ nghệ tuyệt luân. Hồi mới vào Gia Định, Khôi dùng tay không đánh hổ khiến người Xiêm nể phục. Danh tiếng Khôi ở phía nam thu hút cả dân Việt lẫn dân man. Khôi cởi trần ngồi trong doanh trại. Cơ bắp đen bóng đồng. Gã vừa đánh vật với năm người nên mồ hôi nhễ nhại. Phải nói ít người có thể địch lại sức vóc của Khôi. Thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt còn sống đã truyền cho hắn đủ các thế võ bí truyền. Nhất là về tấn pháp thì chắc như cột nhà. Năm sáu người không xô hắn ngã nổi. Gã chửi oang oang: “Cha ta là Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Người đã vì triều đình mà đánh chiếm cả vùng phía Nam. Nhớ đợt đào kênh Vĩnh Tế, dân phu chết nhiều vì cực nhọc đã nổi loạn. Chính tay cha ta đã dẹp yên cái cõi này, mở mang nhiều làng mạc. Mẹ kiếp.”

Khôi nhấc bình rượu tu ừng ực. Gã tuy hào sảng nhưng cũng là bậc cơ mưu. Gã biết thế công của quân triều đình rất mạnh. Một mặt gã chiêu nạp những dân phu bất mãn với triều đình, một mặt liên hệ với tùy tùng của cha hắn xưa kia để cố thủ phía nam. Khi cần gã có thể rút sang Chân Lạp để lánh nạn. Vấn đề chính vẫn là quân lương. Khôi tiếp: “Sau khi cha ta qua đời. Triều đình sẵn sàng kết án và phủi sạch cái công mở mang bờ cõi. Triều đình đánh mộ cha ta, giết 16 người trong nhà và ép gia đình ta vào con đường cùng mà phải làm giặc. Công bằng ở đâu? Đạo trời ở đâu?”.

Khôi hiểu rất rõ cái việc chống vua là chống lại đạo trời. Muốn khơi dậy cái chính nghĩa của mình thì cần cái danh tiếng của cha hắn. Mới tháng trước Khôi tổ chức lễ thắp đuốc trước mộ cha hắn và tuyên bố bất phục triều đình. Khôi lệnh cho Nguyễn Văn Chắm dẫn 40 chiến thuyền chiếm giữ Phúc An chuẩn bị chiến đấu. Quân Khôi khá thiện chiến vì được kinh qua bởi các cuộc chiến với giặc Xiêm nhiều năm. Các chiến thuyền được tổ chức quy củ cộng với tượng binh của Cao Miên. So với lũ lính kinh thành quen thói nát rượu và đĩ bợm thì hơn hẳn. Khôi tỏ ra là một mãnh tướng khi đi đến đâu quân triều đình phải chạy tháo lui như chuột sợ mèo.

*

Hiếm khi thánh thượng giận giữ như vậy. Các quan trong triều xì xầm chờ buổi chầu. Loạn giặc Khôi tuy không phải lớn những nó đánh vào cái vết thù của thánh thượng. Xưa cha Khôi là Lê Văn Duyệt vào chầu luôn tỏ ý khinh vua mới. Vừa rồi, vua lệnh cho tải súng thần công để nhanh chóng dẹp giặc Khôi. Vua ngồi nghiêng về phía trái nhìn đám quan lại bàn bạc. Bản thân vua biết loạn Khôi làm dân tình lầm than điêu đứng. Gạo kém lại vướng vào chiến trận càng làm dân tình lầm than nhưng mũi tên đã bắn ra phải hết đà. Đạo trị nước xưa này phải dập hẳn mầm phản nghịch. Vua lại nhìn lũ quan lại nịnh bợ ơn đức mà thấy nhàm. Vua bãi chầu rồi vào thư phòng. Cả đời người cô độc vì không ai hiểu cái chí hướng của vương giả. Quan dân oán thán nhưng không biết cái dụng tâm sau này. Người lao lực từ sáng đến khuya mong mở mang cái bờ cõi Đại Nam. Tiến về phía tây nam là chủ ý của người nhưng binh lực có hạn nên bờ cõi còn chưa thành hình. Đổ nhiều máu hơn cũng phải làm. Người muốn hình thành cái cơ đồ Đại Nam ngặt nỗi thù trong giặc ngoài. Quân phản loạn khắp nơi nổi dậy vì đâu? Người chỉ muốn bắc nam thống nhất luật tục, bãi trừ những thói man di. Tuy nhiên vua lại tin dùng Trương Minh Giảng. Hắn cũng là kẻ thất phu. Tính tình nóng nảy. Cho hắn làm chuyện nhỏ thì được nhưng chuyện lớn ắt bại.

Tôi trộm nghĩ nhưng không đời nào dám hạ bút. Một đời ghi chép về vua khiến ngòi bút của sử quan phải hiểu ý vua. Cũng có khi muốn xin từ quan về quê ngâm vịnh viết lách cho thỏa sự đời nhưng miếng danh miếng lợi nó dính người lắm. Muôn đời này kẻ cầm bút dễ sống lâu hơn vì nó biết khi cong khi thẳng. Chỉ đám thất phu là dễ mất mạng. Chơi với vua là chơi với cọp.

Tôi hạ bút viết về giặc Khôi. Viết về kẻ thù bao giờ cũng dễ. Cứ xấu xa, thú vật mà tả. Chẳng có gì mạnh hơn một câu chuyện mà khơi dậy lòng căm thù. Nó sẽ thổi gió vào lửa. Một câu chuyện có thể giết người cũng có thể cứu người. Ai không biết sức mạnh của câu chuyện là lũ ngu.

Khôi ngồi chiến thuyền. Xung quanh là cờ xí trống chiêng. Bọn Trương Minh Giảng không dám tiến vào sâu vì địa hình nhiều kênh rạch dễ bị phục kích. Khôi một bên vai đã bị thương. Gã đánh hăng lắm. Đánh cho thỏa hận. Đánh cho đã cái thù cha. Hắn bắt đầu moi tim gan của quân triều đình và cùng bè lũ gã uống máu tươi. Rõ là một lũ khát máu. Quân giặc Khôi hay ra ngoài cướp bóc và hãm hiếp dân lành.

*

Cái nghề sử quan nói thật là chết. Đời người làm sử kỵ cái cương trực. Ngẫm cũng xót xa cho ông Tư Mã Thiên vì nói lời trái vua Hán Vũ Đế mà bị cung hình. Chẳng biết là may hay là họa nhưng ông cũng cho ra được bộ sử ký để đời. Nhưng tôi lại hèn lắm. Tôi còn tham cái thú nhục dục ở đời. Tôi còn thèm khát đàn bà. Ngẫm ra ai dại gì mà dấn thân. Nếu tôi dám viết thật chắc cái đầu tôi cũng chẳng còn nguyên nữa là của quý. Dạo này trời nực dễ bực mình mà cứ phải viết viết nháp nháp về lũ giặc Khôi. Nhưng gã cũng cầm cự được lâu thật. Tin tức truyền về thì hắn khá mưu lược. Hắn kết bè lại tẩm chất dẫn cháy để tấn công quân triều đình. Thế nước và thế gió làm quân triều đình không thể công được. Lại ở cái xứ lắm sông ngòi nữa mới khốn đốn. Đoạn này viết khó. Phải làm sao thấy được cái mưu lược sáng suốt của hoàng thượng. Có lẽ tôi sẽ viết: “Vua truyền giao bọn Trương Minh Giảng lựa thế gió thế nước để tránh hỏa công nhất là lúc thủy triều. Nước lên lửa tắt. Sau đó dùng hỏa pháo phá thuyền địch. Tất cả là nhờ sự anh minh sáng suốt của hoàng thượng”.

*

Quân Khôi bị dồn vào đường cùng. Các địa chủ quanh vùng vì sợ trả thù không dám tiếp tế quân lương. Khôi cho người đi cầu cứu Xiêm La. Nếu có sự giúp sức của quân Xiêm, Khôi sẽ đủ binh lực đánh thẳng vào kinh thành. Khôi uống một bát rượu to. Gã bị phù thũng nặng nhưng cơn rượu không thể kìm lại được. Vết thương cũ do tên Thái Công Triều, nội gián của Minh Mạng đâm nay lại càng thêm đau đớn. Một đời đánh đông dẹp bắc, giờ Khôi lại rơi vào hoàn cảnh này. Khôi nhấc thanh kiếm trên tường lên rồi múa, rồi ngâm “Nguyệt hạ độc chước kỳ” của Lý Bạch:

Cử bôi yêu minh nguyệt,

Đối ảnh thành tam nhân.

Khôi yêu cái tứ thơ này. Nó say và nó cô độc. Cô độc như một đời hảo hán của hắn vậy. Khôi ngẫm: “Ta vốn xưa không phục triều đình. Hà cớ gì vua muôn đời là vua, dân đen muôn đời là dân đen. Thiên đạo ở đâu khi dân đen chết đói đầy đường. Vua quan vẫn ê hề thịt rượu. Thiên đạo ở đâu? Ta không tin vào mệnh trời. Ta vốn không bao giờ về đầu quân cho triều đình nếu không gặp cha nuôi ta là Lê Văn Duyệt. Người có ân với ta khi ta còn là giặc ở Cao Bằng. Người thu nhận ta rồi dạy ta văn võ. Ơn vua hay ơn cha. Vua là cái thá gì”.

Khôi cứ uống rồi lại múa. Gã sợ. Sợ sau khi gã chết cả họ gã sẽ bị diệt vong. Sợ đứa con nhỏ không cha. Chiến tranh, làm loạn. Một đời này đáng giá hay phí hoài? Trăng đêm sáng vằng vặc. Chỉ có một bóng người múa kiếm. Kiếm đẹp như hoa rơi, như mây bay. Đường kiếm như một đời oán hận dồn vào đó. Nó đẹp đến chiêu cuối cùng khi Khôi gục xuống.

*

Kinh thành. Tôi ngồi vẽ bức tranh cho thánh thượng. Ngẫm ra, cái tướng ngài là thiên tử không sai. Cái long khí cuồn cuộn trên mày. Tiếc là khá đoản. Da tái, môi thâm, mắt quầng. Ngẫm ra vua chúa đa phần lao lực mà yểu. Cũng vì tham. Không sắc dục thì danh vọng. Mấy ai biết đạo cân bằng. Nếu ngài có thể sống lâu chắc cơ đồ Đại Nam còn phồn thịnh. Cái sự viết của tôi nó cứ âm thầm như thế. Ngày mai tôi sẽ phải hoàn thành phần viết về thảo loạn giặc Khôi. Tôi hạ bút:

Tra xét nơi chôn thây tên nghịch Khôi, đào lấy xương đâm nát chia ném vào hố xí ở 6 tỉnh và cắt chia từng miếng thịt cho chó, đầu lâu thì đóng hòm đưa về kinh rồi cùng đầu lâu những tên phạm khác bêu treo khắp chợ búa nam bắc, xong vất xuống sông. Còn bè đảng a dua không cứ già trẻ trai gái đều ở vài dặm ngoài thành chém ngay, rồi đào một hố to vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc: Nơi bọn nghịch tặc bị giết, để tỏ quốc pháp.

Nhưng nếu được viết thật, tôi sẽ viết: “Vua là một tên bạo chúa. Vua huyết tẩy cả thành Phiên An khi chém sạch cả già trẻ, trai gái gồm 1831 người. Cớ sao mạng người lại như cỏ rác vậy. Bao đời nay dân bị dồn vào binh đao, vào biển khổ. Tại sao một số lại được ăn trên ngồi chốc? Tại sao đa phần lại cơ cực đến cơm không có mà ăn? Thế gian này từ cành cây, ngọn cỏ ban đầu đâu có phải của ai. Vậy mà người ta không thể sống yên trên mảnh đất ấy. Người ta như những người làm thuê trên chính mảnh đất của người ta. Nào sưu nào thuế, nào nô nào dịch. Là ai đã tạo tác nên cái lề luật này? Tôi không biết. Tôi chỉ thấy đau khổ”.

*

Vua lâm trọng bệnh. Hoàng thành vẫn thâm u với những bức tường hun hút. Những bức tượng đá như những hồn ma bủa vây lấy con người. Quan lại vẫn rặt một lũ nịnh bợ và cơ hội. Những ngày cuối cùng của vua thật ảm đạm. Không ai hình dung ra một vị hoàng đế hùng mạnh làm mưa làm gió: Bình Chân Lạp, đánh Xiêm La. Trong cõi trời Nam không quốc gia nào không phải chịu cống nạp. Vua giờ vàng vọt trong một hoàng cung nhầu nhĩ vì thời gian. Cái hoa lệ nào rồi cũng tàn. Phía tây thành một ngôi sao sáng lên rồi chợt tắt.