Luật văn học chưa có dẫn đến tình trạng bản quyền tác phẩm bị xâm phạm, giải pháp nào để giữ gìn và phát huy những bộ môn nghệ thuật truyền thống trong đó có ca trù, hoa hậu hoạt động nghệ thuật không chuyên nhưng lại luôn được công chúng quan tâm hơn những nghệ sĩ chuyên nghiệp khác là những vấn đề nổi cộm trong hội nghị văn nghệ sĩ trẻ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết

Sáng 14/10/2015, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Hội nghị Văn nghệ sĩ trẻ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến về thực trạng văn học, nghệ thuật, hội họa đã được các nghệ sĩ trẻ chia sẻ một cách thẳng thắn. Họ cũng bày tỏ những tâm tư nguyện vọng của mình trước lĩnh vực nghề nghiệp đang tham gia.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Phó ban Nhà văn trẻ Hội nhà văn Việt Nam đã đề cập đến vấn đề luật bản quyền văn học. Chính vì luật nhà văn, luật văn học chưa có nên bản quyền ở Việt Nam mấy chục năm nay vẫn là một câu chuyện đáng buồn.

 Nhà văn Xuân Thủy phát biểu tại hội nghị

Nhà văn Xuân Thủy phát biểu tại hội nghị

Đề cập đến vấn đề thị trường và chính thống, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cả cá nhân nghệ sĩ và các cơ quan chức năng đều phải có những điều chỉnh để giải quyết. Anh viện dẫn câu chuyện của ca sĩ Trọng Tấn rời bỏ vị trí giảng viên ở Học viện âm nhạc quốc gia sau những lùm xùm không được giải quyết vì dám tự ý bỏ về  trong chuyến công tác tại Lào. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, khó có thể nói rằng Trọng Tấn đã thanh thản rời bỏ vị trí đáng mơ ước ấy. “Dĩ nhiên anh đã có nhiều suy nghĩ đắn đo mới đi đến quyết định. Dù rằng đó là sự lựa chọn cá nhân nhưng  thử hỏi tận trong sâu thẳm Trọng Tấn có ra đi thanh thản hay không, hay anh vẫn mong muốn được làm công việc của một giảng viên trên ghế nhà trường mà vẫn tỏa sáng trên sân khấu? Theo tôi, cả bản thân Trọng Tấn và cơ quan chức năng có liên quan đều nên có sự điều chỉnh để tránh xảy ra những thiệt thòi trong việc sử dụng nhân tài”, nhà văn Xuân Thủy khẳng định.

Ở phương diện quản lý văn hóa, nhà văn Xuân Thủy nêu lên một vấn đề gây bức xúc: “Hiện nay đơn vị quản lý hàng nghìn nhà văn, nhà thơ nhà hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam là Phòng văn học của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Theo nhà văn Xuân Thủy, nhà văn, nhà thơ là những người ghi lại ký ức, lịch sử của dân tộc. “Vậy tại sao quản lý họ lại chỉ là một đơn vị cấp phòng? Trong khi điện ảnh có Cục điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn có Cục Nghệ thuật Biểu diễn, … thì văn học cũng nên có một đơn vị chức năng tương tự để quản lý. Hội nghị nhà văn trẻ cũng chưa được chú tâm, thậm chí mười mấy năm mới được tổ chức một lần. Mới khóa trước mình vẫn còn là nhà văn trẻ thì khóa sau đã thành ông, thành bà hết”.

 Nhà thơ Quang Hưng

Nhà thơ Quang Hưng

Ở lĩnh vực hội họa, mỹ thuật, họa sĩ Trần Hoàng Sơn, phó chủ nhiệm Khoa Hội họa, trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội cho rằng, tranh sơn mài đang bị mai một có nguy cơ biến mất nếu chúng ta không xây dựng một cơ chế bảo tồn và phát triển. “Hiện nay, chất liệu tranh sơn mài trên thị trường quá khan hiếm, do không có người làm ra. Chất liệu khó tìm, chi phí sản xuất đắt đỏ là những lý do khiến các nghệ nhân dân gian “bỏ” sơn mài để tìm đến với những chất liệu sơn hiện đại có giá rẻ và tiện lợi hơn nhưng lại có độ bền không bằng. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, chắc chắn tranh sơn mài sẽ đối diện với nguy cơ “tuyệt chủng”. Điều này rất nguy hiểm vì đây được xem là thế mạnh của tranh Viêt Nam, là thương hiệu mà thế giới biết đến và yêu thích. Nếu để mất tranh sơn mài, hội họa nghệ thuật Việt Nam sẽ mất đi bản sắc  quý nhất.

Họa  sĩ  Đỗ Hiệp, chủ  nhiệm  CLB Họa sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Việt Nam chưa có thị trường nghệ thuật nên nghệ sĩ đa số là mạnh ai người ấy sống. Điều này càng được thể hiện rõ trong lĩnh vực hội họa”. Anh lấy ví dụ về việc một nhóm họa sĩ VN mới đây đã tự tổ chức một cuộc triển lãm hội họa đương đại ở trung tâm chợ hàng Da, thu hút sự chú ý của nhiều du khách nước nhà. Đây là điều mà đến cả cơ quan nhà nước cũng chưa làm được. Nhưng những cuộc triển lãm như thế chỉ mang yếu tố tự phát, không bền được. Về lâu dài vẫn phải nhờ đến các cơ quan chức năng của nhà nước đứng ra hỗ trợ và phát triển”.

Nghệ sĩ không sống dược bằng nghề

 Tại hội nghị, ca nương Phạm Thị Huệ nêu lên một thực trạng đau lòng, đó là việc nhiều nghệ sĩ không sống được bằng nghề.

Tại hội nghị, ca nương Phạm Thị Huệ nêu lên một thực trạng đau lòng, đó là việc nhiều nghệ sĩ không sống được bằng nghề.

Ca nương Phạm Thị Huệ nêu lên một thực trạng đau lòng, đó là việc nhiều nghệ sĩ không sống được bằng nghề. Họ phải làm thêm một nghề tay trái nào đó để có thêm thu nhập, và để có tiền nuôi niềm đam mê nghệ thuật đã trot “vận vào thân”. Chị cũng cho rằng,  muốn bảo tồn được ca trù là phải thành lập được các tổ chức do nhà nước bảo trợ 100% phí đầu tư, có những chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, ca nương. “Các tổ chức này phải tạo ra được những sân chơi hay sân diễn, nhà hát cho họ hoạt động và biểu diễn nghệ thuật. Về vấn đề đào tạo, các đơn vị truyền nghề phải mở được các lớp dạy nghề. Bên cạnh đó cũng phải đưa ca trù vào các hệ thống trường nhạc để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đưa vào hệ thống các trường phổ thông, để các em ngay từ khi còn nhỏ đã được làm quen và biết trân trọng ca trù nói riêng và các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung. Cũng như từ đó các em sẽ biết hơn về giá trị nghệ thuật của các tác phẩm xưa do cha ông sáng tạo nên”.

Điều mà ca nương Phạm Thị Huệ đau đáu và mong muốn nhất đó là các ca nương sống được bằng nghề. Hiện nay, do các ca nưỡng phải sống bằng nghề tay trái. Những buổi biểu diễn nghệ thuật của họ phần nhiều chỉ là để thỏa mãn niềm đam mê. Họ không thể dành hết thời gian, công sức để tập luyện. Vì thế chất lượng buổi biểu diễn sẽ không cao.

Phạm Thị Huệ hiện là giảng viên bộ môn đàn tì bà của Học viện âm nhạc quốc gia, một công việc ổn định đủ để có thể nuôi sống niềm đam mê ca trù. Nhưng theo chia sẻ của chị, không nhiều ca nương có được may mắn như thế. Ngoài ra chị còn phải dạy thêm, diễn thêm. Thậm chí chị còn phải chạy show đám cưới, tiệc vui và hát ca trù giữa những ồn ào, ăn uống, pha tạp. “Chạy những show như thế chỉ là giải pháp mưu sinh. Ca trù chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được vang lên trong một không gian tĩnh lặng, cổ kính và có người muốn thưởng thức thực sự. Nhưng với tình trạng bị thả nổi như hiện nay thì chẳng biết ca trù sẽ không đi đâu về đâu. Sau khi được Unessco công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, những họa động nói chung có chút thay đổi nhưng đó chỉ là dạng bề nổi của truyền thông. Còn sự quan tâm thực sự thì chưa có”, ca nương Phạm Thị Huệ chia sẻ.

 Hoa hậu Ngọc Hân cũng là gương mặt trẻ rất được chú ý tại Hội nghị này

Hoa hậu Ngọc Hân cũng là gương mặt trẻ rất được chú ý tại Hội nghị này

Có mặt tại hội nghị với tư cách là một thành viên, hoa hậu Ngọc Hân nêu lên thực trạng đáng buồn và có phần thiệt thòi cho những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Cô chia sẻ chân thành: “Bản thân tôi là một người hoạt động nghệ thuật nghiệp dư nhưng lại được công chúng quan tâm, đón nhận hơn rất nhiều những nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ bởi vì tôi có danh hiệu hoa hậu”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh bày tỏ sự quan tâm và mong muốn đời sống nghệ sĩ được đảm bảo để họ có thể chuyên tâm làm nghệ thuật. Đó cũng là nỗi niềm chung của hàng nghìn nhà văn, nhà thơ, ca nương, nghệ sĩ, họa sĩ, … những con người nắm giữ phần tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất, cao quý nhất của dân tộc. Lấy ý kiến từ hội nghị văn nghệ sĩ trẻ, đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng, họ mong muốn được lắng nghe, tiếp thu tâm tư, tình cảm của nghệ sĩ để từ đó làm căn cứ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Theo Đào Bích – Dân trí