Cho đến nay, cụm từ “Văn học Đổi mới” đã được sử dụng khá rộng rãi. Từ trong nhà trường đến ngoài xã hội, từ báo chí đến các các cơ quan truyền hình, đài phát thanh, trong các bài nói chuyện hay phát biểu của các nhà sáng tác, phê bình văn học, nó được xuất hiện một cách tự nhiên giống như một thuật ngữ đã được định hình. Nhưng nếu ai đó nêu ra một câu hỏi: “Văn học Đổi mới là cái gì?”, thì tất ta sẽ không tránh khỏi lúng túng. Trong sáng tác văn chương và nghiên cứu học thuật, một cụm từ khi được hiểu là một thuật ngữ hay một chuyên danh, nó phải đi vào một hệ thống nhất định.

Như đã biết, khi phân loại các tác phẩm văn học, người ta thường dựa vào lịch sử và dựa vào phương pháp sáng tác. Dựa vào lịch sử, cái đập ngay vào mắt ta là những lát cắt trên dòng lịch đại. Bởi thế, ta thường nói: Văn học cổ đại, văn học trung đại, văn học hiện đại. Ngoài lát cắt này, người ta thường chú ý đến đề tài sáng tác mà người viết hướng tới để hình thành ra các đối lập, ví dụ: tiểu thuyết hiện đại, tiểu thuyết lịch sử; truyện dân gian, truyện ngắn hiện đại… Tại đây, cách tiếp cận khái niệm lại có những bước quanh co. Chẳng hạn, cũng viết về đề tài lịch sử, nhưng ở địa hạt thơ lại không hề có cặp phạm trù: thơ hiện đại/thơ lịch sử. Trong nghiên cứu, tình hình lại còn có những khác biệt hơn nữa. Chẳng hạn, sự đối lập giữa “Văn học hiện đại”, và “Văn học sử” không được hiểu là sự đối lập của hai nền văn học phân cắt theo thời gian. ở đây, “Văn học hiện đại” được hiểu là các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ 1920 (có người tình từ 1925) đến hết thế kỷ XX, còn “Văn học sử” lại được hiểu là: văn học theo tiến trình lịch sử. Vì vậy, bộ môn văn học sử ở các trường thường chỉ có nhiệm vụ dạy lịch sử phát triển của văn học.

Cách phân loại tác phẩm văn học phổ biến hơn, được nhiều người biết đến là cách phân chia theo phương pháp sáng tác, và gắn liền với nó là trào lưu sáng tác. Theo cách này ta có các phạm trù: Văn học dân gian/Văn học tác gia; Văn học lãng mạn/Văn học hiện thực phê phán/Văn học hiện thực XHCN. Cũng theo cách phân chia này, ta lại có đối lập: Văn học hiện đại/Văn học hậu hiện đại… Thông thường, trong tiến trình phát triển, mỗi khi có một phương pháp mới ra đời thì sớm hay muộn trong nền văn học sẽ có một trào lưu văn học mới. Chẳng hạn, vào khoảng thập niên 20-30 của thế kỷ XX, tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách được coi là tác phẩm hiện thực đầu tiên của Văn học hiện đại Việt Nam bởi nó có một phương pháp sáng tác hoàn toàn khác với các tác phẩm của các văn gia thuộc phái Tự lực văn đoàn sau này. Cái công thức phổ biến để định giá cho sự khác biệt đó được thể hiện: Văn học hiện thực là văn học hướng về miêu tả thực tế xã hội, còn văn học lãng mạn thì thoát ly, quay lưng với thực tế, trốn vào cái tôi cá nhân với những mối tình du dương, mộng mị. Bởi thế, khoảng từ 1986 trở về trước, nó được gắn với một mỹ từ thấm đậm chất phê phán “Đó là thứ văn học ru ngủ quần chúng”, “thủ tiêu đấu tranh”. Phương pháp sáng tác ở đây chủ yếu được hiểu là thái độ của nhà văn trước hiện thực, sâu xa hơn là trước vận mệnh của đất nước. Cũng với cách nhìn ấy, các nhà lí luận Mácxít lại đưa ra một đối lập mới: Văn học hiện thực phê phán và Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong đó, VHHTPP được nhìn nhận như là sự phản ánh hiện thực mang tính tiêu cực: nhà văn đã thấy được sự đen tối của hiện thực, dám dũng cảm tố cáo hiện thực bất công nhưng không tìm ra lối thoát cho xã hội. Vì thế có nhà nghiên cứu coi nó là “tiếng thở dài chống thực dân phong kiến”.  Kết thúc “Tắt đèn”, Ngô Tất Tố cho mẹ con chị Dậu đi loanh quanh trong đêm vắng tối đen như mực. Kết thúc “Chí Phèo”, Nam Cao cho Chí Phéo tự sát trên sân nhà Bá Kiến…

Khác với Văn học HTPP, văn học HTXHCN được coi là thứ văn học tích cực nhất của thời đại ví nó biết “miêu tả hiện thực theo qui luật khách quan, tất yếu” và kết thúc tác phẩm thì bao giờ nhà văn cũng vạch ra được con đường đi đến trong tương lai. Có thể nói, cách nhìn nhận văn học theo hướng này được du nhập vào Việt Nam chủ yếu từ Văn học hiện đại Xôviết và một số các nước xã hội chủ nghĩa khác. Công thức chung của nó là: Văn học phải ca ngợi cái mới, cái tích cực đấu tranh chống cái tiêu cực. Tuyên ngôn thì như vậy, nhưng trên thực tế, nếu tác phẩm nào đấu tranh mạnh mẽ với tiêu cực thì chưa biết chừng lại bị chụp cái mũ “hiểu biết cuộc sống hời hợt, quan điểm thiếu vững vàng, nhìn nhận hiện thực phiến diện, một chiều…” Thành ra, nhiều nhà văn chỉ miêu tả hiện thực vừa phải: Có đúng, có sai, có tích cực, có tiêu cực, nhưng tích cực bao giờ cũng là số đông. Nói cho chính xác, các hiện thực thực tế thì thường bị né tránh. Văn học HTXHCN đề cao tính chiến đấu, nhưng nhà văn ngại “đấu tranh” vì biết “tránh đâu”. Phương pháp sáng tác thực chất được phân tích theo quan điểm triết học và chính trị học hơn là phân tích thi pháp, ngôn ngữ. Không khí chung của nền văn học là nặng về công thức, giáo điều, có khi  còn nặng về giáo huấn hơn là nghệ thuật. Bởi thế, bước sang thời kỳ Đổi mới, nhiều nhà văn, nhà lý luận từng nhận được danh hiệu là tác giả tiêu biểu của VHHTXHCN lại quay lưng lại, phủ định chính mình. Nguyễn Minh Châu gọi nền văn học ông đã từng tham gia là “nền văn học cần ai điếu”, Hoàng Ngọc Hiến gọi đó là thứ “văn học phải đạo” (“chủ nghĩa hiện thực phải đạo”), Trần Đình Sử và nhiều nhà nghiên cứu khác cũng có những phê phán quyết liệt. Từ các hiện tượng lẻ tẻ, nó hiện hữu trở thành quan niệm rộng rãi. Biểu hiện rõ nhất là việc Đổi mới sách giáo khoa (SGK) văn học chương trình phổ thông trung học. Một loạt các nhà văn, nhà thơ thuộc dòng VHHTXHCN bị đưa ra khỏi chương trình, thay vào đó là tên tuổi của các nhà văn, nhà thơ một thời bị phê phán gay gắt. Đó các tác giả của Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn. Đã có những giai đoạn số tiết giảng về thơ Xuân Diệu bằng một nửa số tiết giảng về Phong trào Thơ mới, và hơn cả số tiết dạy về Tố Hữu cùng Hồ Chí Minh cộng lại. Sự thái quá trong chương trình Đổi mới văn học của SGK phổ thông đã dẫn đến tình trạng ngộ nhận văn chương. Có không ít người nghĩ rằng, cái thứ mà trước đây người ta gọi là văn học cách mạng đến giai đoạn này đã gần như hoàn toàn mất giá trị. Trong con mắt của nhiều thế hệ học sinh, đỉnh cao thơ ca hiện đại Việt Nam là Xuân Diệu và đỉnh cao văn xuôi là Nguyễn Tuân. Nhưng trên thực tế, tình hình lại hoàn toàn không phải như vậy. Thơ Xuân Diệu, nếu chọn lọc kỹ thử hỏi được bao nhiêu bài gọi là thực sự hay? Đó là chưa nói, dạy thơ Xuân Diệu nhiều như thế sẽ giúp gì cho lớp trẻ trong nhận thức? Còn Tố Hữu, nếu ta cứ loại đi những bài có tính “ngợi ca” thì vẫn có không ít những bài có tính nghệ thuật cao, đằm thắm tình người có thể mang đến cho người đọc cả giá trị nghệ thuật lẫn nhận thức. Thế nhưng, trong chương trình SGK văn học, ông đã phải lùi ra xa để nhường chỗ cho thi sĩ tình yêu Xuân Diệu (mà ngay cả những bài thơ tình trứ danh nhất của Xuân Diệu thì so với tư duy thời đại cũng đã lạc hậu lắm rồi). Đây có thể coi là một trong những thể hiện rõ nhất về Đổi mới văn học về mặt lý luận mà ở đâu trong các Hội nghị người ta cũng oang oang tuyên bố: Lý luận văn học đang ngày càng Đổi mới, tiến kịp với bước đi của thời đại. Liệu có đúng không? Không đúng. Sau bao năm Đổi mới về kinh tế, xã hội… nền lý luận của chúng ta vẫn là một cái nền lý luận phập phù, a dua, phê bình theo bầy đàn, nếu không muốn nói là cơ hội chủ nghĩa. Nó vừa thoát khỏi giáo điều cực đoan thì lại rơi vào cảm hứng, tùy tiện.

Nhờ tư tưởng Đổi mới, nhiều tác giả của “Phong trào Nhân văn giai phẩm” đã được phục hồi. Tuy nhiên, về phương diện lý luận, chúng ta lại gặp một tình trạng đáng buồn, có nhiều sáng tác của nhóm tác giả này thực tế cũng không đến mức như ta ca ngợi nó, thổi phồng nó. Sự biện giải của nhiều nhà lý luận về một hiện tượng văn học đã làm cho người đọc thấy hẫng hụt. Thực tế, sau khi được “phục hồi”, hầu hết các tác phẩm của nhóm này đã được xuất bản trở lại. Cũng hay, nghe thì ghê gớm vậy, nhưng khi tất cả được bày lên trên “giấy trắng mực đen” thì mới thấy giá trị văn học đích thực cũng không được như các nhà phê bình ca ngợi.

Như vậy, thực chất khái niệm Văn học Đổi mới chủ yếu là phương diện sáng tác. Những tác phẩm tiêu biểu nhất cho Văn học Đổi mới được nhắc đến đầu tiên là những bài ký, truyện ngắn đăng trên tuần báo Văn nghệ và một số báo khác  vào những năm 1986-1989, như: “Cái đêm ấy đêm gì” (Phùng Gia Lộc), “Lời khai của bị can” (Trần Huy Quang), “Người đàn bà quỳ”… Sau đó là một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đặc điểm nổi bật nhất của những tác phẩm này là người viết dám đối mặt với sự thật, phản ánh sự thật đúng như nó hiện hữu. Cho nên, khi đọc “Cái đêm ấy đêm gì” người đọc thấy sửng sốt như không tin được. Một đêm thu thuế ở Thọ Xuân Thanh Hóa sao lại chẳng khác gì cái đêm “thuế thúc trống dồn” được miêu tả trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố? Còn đọc “Lời khai của bị can” người đọc cứ ngớ ra khi chứng kiến cảnh một con người lao động chân chính, giàu óc sáng tạo lại bị tù đày bởi những lý do rất vớ vẩn. Rõ ràng, chỉ nói riêng về cách tiếp cận của người viết, ta có thể thấy một luồng sinh khí mới đang thổi vào văn học. Đó là sự không né tránh trước hiện thực nghiệt ngã. Chính thái độ này của một số nhà văn đã làm cho văn học bừng lên một bầu không khí mới. Cái mới đến khá nhanh, khiến cho không ít bạn đọc còn bị sốc khi đọc “Kiếm sắc”, “Không có vua” hay “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. Khác với cách hành văn đương thời, ít nhiều bị ảnh hưởng bởi lối văn của Nga và Pháp với cách dùng các định ngữ mở rộng để miêu tả, văn Nguyễn Huy Thiệp ngắn gọn, ít miêu tả, dồn nén thông tin theo kiểu hành văn của “Hoàng Lê nhất thống chí” khiến bạn đọc bị cuốn vào các sự kiện. Hiện thực trong văn ông là hiện thực chát chúa, đôi khi đớn đau, quằn quại. Cái người ta dễ nhận thấy nhất về Văn học Đổi mới trên phương diện sáng tác là văn học lúc này đã dám xông vào những “vùng tối”, “vùng cấm”, dám phản ánh những mặt trái của xã hội. Với cương vị của mình, tiếng nói của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có một tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và nhận thức của nhà văn. “Hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu”. Mỗi nhà văn hãy “tự cởi trói” cho mình. Sau giai đoạn 1986-1990, cũng còn có những tìm tòi ở một số nhà văn khác. Trong thơ ca cũng như trong văn xuôi còn xuất hiện cái gọi là “yếu tố hậu hiện đại” nhưng không phải tất cả đều được độc giả đón nhận. Nói một cách khác, về mặt ý thức, mỗi nhà văn đều có những cố gắng tự làm mới mình. Nhưng xét trên tổng thể văn học thì Văn học Đổi mới chưa tạo ra được phương pháp sáng tác riêng. Và vì thế, nó chưa đủ sức tạo ra một trào lưu hay một dòng văn học. Nhận diện chung, Văn học Đổi mới mới chỉ là một phạm trù mang tính lịch sử: Nó là sản phẩm văn học được sáng tạo trong giai đoạn Đổi mới.

(Nguồn: Văn nghệ số 8/2014)