GIAI THANH

Vụ bạo lực xảy ra tại sân golf Sông Bé tỉnh Bình Dương mới đây khiến một người tử vong đã gợi lên nhiều suy nghĩ về nét đẹp một môn thể thao được coi là của giới thượng lưu mới hình thành ở Việt Nam từ 15 năm trở lại. Nó cũng khiến người ta phải suy ngẫm về văn hóa ứng xử đang lệch lạc và xuống cấp trong nhiều tầng lớp xã hội.

Bạo lực xuất hiện ở mọi nơi, từ trường học đến bệnh viện, từ công sở đến những nơi linh thiêng như đình, chùa… Một bác sĩ có thể bị đánh bất tỉnh nhân sự khi đang cấp cứu bệnh nhân; giáo viên bị hành hung khi đang đứng lớp; chỉ cần va quệt giao thông cũng sẵn sàng lao vào nhau để ăn thua sống mái, ngay cả lực lượng công an – điển hình là các chiến sĩ cảnh sát giao thông cũng có thể bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ…

Và gần đây, một vụ việc vô cùng nghiêm trọng xảy ra tại sân golf Sông Bé tỉnh Bình Dương vào chiều ngày 24-2 khi hai người chơi đã chọn bạo lực làm phương tiện giải quyết mâu thuẫn và hậu quả khiến một người tử vong làm rúng động làng golf non trẻ của Việt Nam và xã hội bàng hoàng.

Phải nói thêm rằng, golf là một bộ môn thể thao vô cùng tốn kém nên các tín đồ của golf đều là những người thành công trong xã hội, chủ yếu là tầng lớp doanh nhân thành đạt. Họ là những người có địa vị hoặc mức sống cao trong xã hội.

Mặc dù người tham gia môn thể thao này phần lớn là những người thành đạt, có thể coi là tầng lớp “thượng lưu” của xã hội. Chính vì thế, gần đây, mọi người ngạc nhiên trước những thông tin về những trường hợp golfer chửi mắng, dùng gậy đánh vào đầu caddy (nhân viên phục vụ và hướng dẫn) phải đi cấp cứu…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các golfer đang dùng môn thể thao “thượng lưu” này để cá độ ăn tiền như một hình thức cờ bạc. Caddy T.H đã nghỉ làm tại sân golf TĐ tâm sự: “Hầu như các nhóm chơi đều có cá độ ăn tiền với nhau. Đi phục vụ nhóm cá độ rất căng thẳng, nhất là khi họ cá độ to. Có trận có người thua cả vài chục triệu đồng là bình thường. Nhiều khi họ tranh cãi lẫn nhau và chửi chúng em rất thiếu văn hóa, nhưng là người phục vụ, vì miếng cơm manh áo chúng em phải nhịn nhục thôi, không biết làm thế nào”.

Tất cả những biến đổi về hành vi ứng xử trên đều là hệ quả, là tấm gương phản chiếu trung thực hiện tượng xã hội, là những báo động đỏ trong môi trường sống của chúng ta. Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia nếu không chọn được những giá trị nền tảng, mà để cho những giá trị hoang dã là quyền lực, tiền bạc, hưởng thụ và danh vọng ảo thống trị thì dần dần chúng sẽ phá đi những nền tảng văn hóa tốt đẹp của xã hội.

Một sự vật, hiện tượng hay bất kỳ hành động lời nói đều phản ánh giá trị văn hóa của chủ thể. Không phải cứ đi cầu may mắn anh sẽ được may mắn và không phải cứ đi đánh golf thì sẽ là thượng lưu. Một đất nước hay một con người đều có giá trị văn hóa và tính đặc thù, giá trị của nó được đánh giá và công nhận bởi hành vi và sự cống hiến.

Đất nước đang chuyển mình và ngày một phát triển, tầng lớp người giầu trong xã hội nhiều lên trông thấy, đó là điểm sáng đáng mừng. Tuy nhiên, hình như đang có biểu hiện của sự xuống cấp văn hóa trong một bộ phận người dân. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống người dân được cải thiện, nhưng bên cạnh đó văn hóa chưa phát triển tương xứng, có sự lệch pha và nguy cơ xuống cấp về văn hóa, suy đồi các giá trị tinh thần, đạo đức, lối sống đã và đang đặt ra cho các nhà quản lý nước ta những bài toán khó.

Trong quá trình tập trung phát triển kinh tế sẽ có nhiều thiếu hụt về văn hóa mà nếu chúng ta không để tâm sẽ trở thành lỗ hổng của thời đại. Hy vọng rằng, chúng ta, mỗi người luôn tự mình ý thức và xây dựng một nền tảng văn hóa hướng tới chân, thiện, mỹ.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài