Tác giả: Sherzod Artikov (Khánh Phương dịch)

Nhà văn Sherzod Artikov

Tiểu sử nhà văn Sherzod Artikov

Sherzod Artikov sinh năm 1985 tại thành phố Marghilan của Uzbekistan. Anh tốt nghiệp Học viện Bách khoa Fergana năm 2005. Anh là một trong những người dành chiến thắng cuộc thi văn học quốc gia “Vùng Ngọc trai của Tôi” vào năm 2019. Năm 2020, cuốn sách đầu tiên của anh “Bản Giao hưởng mùa Thu” được xuất bản tại Uzbekistan bởi nhà xuất bản “Yangi Asr Avlodi”. Tác phẩm của anh được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, in trong các hợp tuyển văn học chọn lọc của nhiều quốc gia. Anh cũng tham gia nhiều sự kiện văn học, trong đó có “Hội nghị Nhà văn Quốc tế” được tổ chức tại Argentina, “Trại Thơ quốc tế” ở Singapore…

Truyện dịch

Chim bồ câu của cha

Sherzod Artikov

(Khánh Phương dịch)

“Đây là nơi mà anh muốn đến” người lái xe nói.

 Chiếc taxi dừng lại gần mép đường. Tôi từ trong xe nhìn ra xung quanh. Một khung cảnh gồm miếu thờ với hai vòm nhà màu xanh với vô số chim bồ câu hiện ra trước mặt tôi. Đến gần hơn, tôi thấy sân đầy chim bồ câu đang ăn hạt rải rác.

“Ngày trước, họ gọi đó là «nghĩa trang Bồ câu” – người lái xe nói – “Giờ chỗ này trở thành đền thờ người đàn ông nổi tiếng trong thành phố. Chỗ góc kia từng là nơi cầu nguyện của ông ấy trong quá khứ mờ mịt và xa xăm”.

Có rất nhiều người ở phía trước tòa nhà lần lượt ra vào.

Anh ta tiếp tục: “Hàng trăm người đi hành hương mỗi ngày. Ở đây, người ta cầu nguyện cho người chết, bệnh nhân, vợ chồng hiếm muộn. Họ làm cho imam * ban phước lành và đọc kinh Koran ** cầu khẩn. Đi dạo trong sân, họ rải các hạt giống và hành hương đến mộ của vị thánh đó”.

Tôi dán mắt vào một đàn chim bồ câu đang bay trên bầu trời và không lắng nghe anh ấy nói. Có gì đó giống như mô tả trong cuốn album của bố tôi: xám xanh, trắng và đen, nhẹ nhàng, mềm mại và đầy ẩn ý.

“Quý khách thân mến, tôi sẽ lên xe nhé” người lái xe nói và chuẩn bị lên xe. “Nếu không bị dị ứng với không khí mùa thu, tôi sẽ hộ tống quý khách nhưng chẳng may ở ngoài nhiều khiến tôi hắt hơi.”

Anh hỉ mũi và đi về phía xe của mình. Tôi tới gần hơn những chú chim bồ câu đang bận rộn mổ hạt. Chúng đang tranh giành một vài hạt còn sót lại trên mặt đất. Trong trường hợp này, giống như con người, nhóm yếu hơn sẽ bị gạt sang một bên, may mắn chỉ nghiêng về phía con nhanh nhẹn hơn.

Có một bà già gầy guộc ngồi bán ngũ cốc ở một bên của miếu thờ. Lúc đầu tôi không nhìn thấy bà. Mọi người mua ngũ cốc trong túi bóng kính từ chỗ của bà. Khi tôi nhìn thấy, tôi tiến lên và mua một ít. Khi tôi rải hạt dưới đất, xung quanh là đàn bồ câu. Những con đang bay trên trời cũng hạ xuống và nhập vào bầy. Ngay lập tức, tôi đã ở giữa vô số chim bồ câu. Không biết sợ là gì, một số con còn mổ vào tay tôi, trong khi những con khác thì đậu lên giày của tôi.

Ngay lập tức, cái túi trong tay tôi đã trống rỗng. Tôi mệt mỏi ngồi xuống. Có một nghĩa trang sau lưng tôi. Miếu thờ và nghĩa trang được ngăn cách bởi một bức tường dài và có thể nhìn thấy rõ qua bức tường rào ở giữa. Tôi đoán có một nhà thờ Hồi giáo bên cạnh, có hình ảnh vầng trăng khuyết làm bằng đồng trên mái vòm cao nghiêng về hướng đông.

Khi tôi ngồi trên băng ghế xem chim bồ câu, tôi đã lấy máy ảnh và chụp chúng nhiều lần. Sau đó, mở chiếc cặp của mình, tôi lấy cuốn album của cha bên trong. Tôi so sánh những con chim bồ câu xung quanh mình với những con được vẽ trong album. Tôi xem qua các ghi chú và ngày tháng được viết dưới các bức hình ở đó. Bên dưới mỗi bức hình là một ghi chú và ngày tháng. Ví dụ, bên cạnh bức hình con chim bồ câu xám có ghi ngày «06.06.1995 – Em yêu, hôm nay con vào lớp một»; Bên dưới là hình ảnh một con chim bồ câu trắng với ngày «02.11.2001 –  Hôm qua, tôi đã nhìn lên bầu trời qua cửa sổ. Tôi cảm thấy như thể đang nhìn thấy bạn, Bạch Tuyết». Trong số đó, bức hình thu hút sự chú ý nhất chính là bức có chim bồ câu bụ bẫm, màu trắng đen. Cha ghi ngày «07.06.2006 – Tôi đã mua sô cô la từ cửa hàng, nó có hình một con chim bồ câu trên bao bì, giống như em, Fluffy. »

Khi không còn ai trước phòng cầu nguyện mà người lái xe đã đề cập trước đó, tôi đứng lên và đi đến đó. Bên trong, có một imam với chiếc khăn xếp trên đầu và bộ râu trắng đang ngồi trong phòng, kinh Koran và những chuỗi hạt đặt trên chiếc bàn phủ nhung xanh trước mặt ông.

“Mời vào” ông nói và chào đón tôi nồng nhiệt.

“Tôi muốn ông đọc kinh Koran cho linh hồn của cha tôi,” tôi nói khi nhìn thấy ánh mắt dò hỏi của ông ấy.

Ông bắt đầu đọc kinh Koran. Nghe ông đọc lại gợi cho tôi nhớ về hình ảnh cha mình: Tôi đã gọi điện vào những ngày cuối cùng của ông tại khoa ung thư của Bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago. Hồi đó cha tôi nằm trên giường vào những ngày cuối đời vì căn bệnh ung thư não, rụng hết tóc. Ông hốc hác và đôi mắt trũng sâu. Ông luôn nằm nắm tay tôi, khi tôi đút thìa nước hoặc súp cho ông. Cha nhìn tôi nhếch mép và chớp mắt. Cha muốn nói điều gì đó, nhưng không thể nói được vì căn bệnh hành hạ. Cha chỉ thở khò khè.

Một ngày nọ, tình trạng của cha trở nên tồi tệ hơn, tôi không rời xa cha. Tôi lấy điều khiển TV trên tường và đổi kênh để đánh lạc hướng bản thân. Lúc đó, cha thở khó nhọc với giọng cố phát ra tiếng như muốn hét lên. Lúc đầu, tôi hiểu rằng tiếng càu nhàu của cha là muốn chuyển sang một kênh khác. Hình ảnh chim bồ câu đang chiếu trên truyền hình. Khi tôi chuyển kênh, cha có vẻ lo lắng và tay bắt đầu run.

“Đưa kênh chiếu chim bồ câu trở lại” mẹ tiến lại gần và cố gắng trấn an cha.

Sau khi quay lại kênh đó, cha lập tức trấn tĩnh và xem bồ câu. Nhưng tay vẫn run, quai hàm cũng run.

“Ramadan, anh có nhớ bồ câu của anh không?” Mẹ hỏi, nắm chặt quai hàm như đọc suy nghĩ của cha.

Nước mắt cha tôi trào ra, ông cố nói điều gì đó, nhưng không thể. Cha lại thở hổn hển.

“Mẹ nghĩ cha con rất nhớ những con chim bồ câu của mình,” mẹ tôi nói, quay mặt về phía tôi. “Ở Marghilan, nơi chúng ta sinh ra, có một nơi gọi là «nghĩa trang Bồ câu». Tuổi thơ của cha con đã trải qua ở đó. Ngay cả tuổi thanh xuân cũng ở đó luôn. Có vô số chim bồ câu. Cha con rất yêu và dành nhiều thời gian cho chim bồ câu. Ông ấy đưa mẹ đến đó nhiều lần. Khi chúng ta đến đó, chúng ta luôn cho chim bồ câu hạt ngũ cốc và ngồi mơ màng ở đó hàng giờ”.

Cha tôi nằm im nghe mẹ nói. Khoảnh khắc đó cha nhìn chằm chằm vào mẹ, khoảnh khắc tiếp theo là những chú chim bồ câu trên TV. Nghe những lời mẹ nói, ít nhiều cha hiểu mẹ đang nói gì, và có lẽ đó là lý do cha khóc lóc thảm thiết và cố xoay người vào mép giường.

….

Sau khi cầu nguyện xong, imam chắp tay cầu khấn. Tôi cũng đi theo ông.

“Có gì sai không khi ta nói” imam nói, liếc nhìn tôi. “Con trai, con trông giống như một người nước ngoài”.

 “Tôi đến từ Hoa Kỳ” tôi nói, giới thiệu bản thân với ông “Nhưng tôi là người Uzbekistan. Cha mẹ tôi sinh ra ở đây. Họ đã sống ở Marghilan một thời gian và đến thời gian của “những năm tái thiết” *** thì đã nhập cư”.

“Họ đã đi trước khi giành độc lập, phải không?” ông hỏi.

Bầu trời đen kịt, những đám mây lơ lửng. Nhiều lá vàng bay trước cửa khu cầu nguyện rơi trên mặt đất trong cơn gió nhẹ. Tôi hồi tưởng về thời thơ ấu ở Chicago, bước trên những chiếc lá. Cha có tình cảm sâu sắc với tôi bởi ông lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Mỗi cuối tuần, chúng tôi thường đến xem các trận đấu của đội bóng rổ có tên “Chicago Bulls” hoặc đến bảo tàng thiên nhiên. Chúng tôi cũng đến rạp chiếu phim rất nhiều lần. Vào ban đêm, tôi luôn chìm vào giấc ngủ say để nghe những câu chuyện cha kể. Mỗi khi rảnh rỗi, cha thường gọi tôi vào phòng và dạy tôi tiếng Uzbek và cách chơi cờ vua. Vào thời điểm đó, cha đã gây ấn tượng với tôi rằng ông là một người vui vẻ và hài lòng. Trên hết, cha rất hài hước.

Ngay cả sau khi lớn lên, tôi không nhận thấy bất kỳ cảm xúc nào ở cha biểu hiện về sự đau khổ hay buồn phiền gì cả. Chỉ đôi khi chúng tôi đi bộ trở về nhà sau khi xem trận đấu của “Chicago Bulls” hoặc uống trà trước hiên nhà vào mùa hè, lòng cha chùng xuống khi nhìn thấy đàn chim trên bầu trời. Khoảnh khắc đó xảy ra vào lúc cha kể câu chuyện cười hoặc câu chuyện thú vị nào đó. Rồi sự thay đổi đột ngột trong tâm hồn cha tiếp tục trong vài ngày. Đôi khi tôi thấy cha mở toang cửa sổ và đôi mắt nhìn xa xăm. Những con chim bay trên bầu trời, cha tôi theo dõi chuyển động của chúng và nghe ngóng tiếng kêu của chúng.

Cha làm việc cho một công ty kinh doanh kim cương. Thậm chí còn làm việc thêm ở nhà vì lịch trình bận rộn của mình. Đôi khi tôi nhìn vào từ ngưỡng cửa phòng và thương cảm khi thấy cha vừa làm việc, vừa lau mồ hôi trên mặt. Cha đã làm việc quá sức. Trong thời gian nghỉ ngơi, cha đã viết nhật ký. Tôi nhận ra rằng cha đã vẽ những bức tranh về chim bồ câu.

Sau khi cha qua đời, tôi lật xem album này mỗi đêm. Thấy đèn trong phòng tôi vẫn chưa tắt, mẹ thường vào phòng và cùng tôi xem cuốn album, đôi mắt rơm rớm nước. Những dòng chữ và ngày tháng ghi dưới mỗi bức hình làm đau lòng hơn cả. Càng đọc, tôi càng thấy mình như bị cuốn theo dòng ký ức.

“Mẹ nghĩ rằng cha con muốn trở về quê hương của mình,” mẹ tôi nói trong khoảnh khắc đau khổ “Ông ấy muốn nhìn thấy chim bồ câu.”

Cơn mưa phùn nhẹ bắt đầu rơi. Tháng 10 ở đây cũng giống như ở Chicago, trời nhiều mây và mưa. Trời bắt đầu đổ mưa, những người đến miếu thờ bắt đầu tản mát. Thấy họ đi, bồ câu có vẻ buồn. Chúng nhìn nhau không hiểu gì, và trầm ngâm nhìn bóng lưng của người đã rắc hạt cho chúng. Tôi bước đến chiếc xe đậu ở phía đông của miếu thờ để tránh bị cảm lạnh. Người lái xe đã ngủ gật trong xe khi chờ tôi. Anh ấy tỉnh dậy khi tôi mở cửa đột ngột.

“Anh trở lại rồi à? “Anh ta dụi mắt và nói.

 Trên đường đi, trời đổ nặng hạt hơn. Cần gạt nước của ô tô không thể lau sạch những hạt mưa rơi vào đó. Nhìn thấy hình ảnh này, tôi lo lắng nghĩ đến những chú chim bồ câu. Tôi nghĩ chúng sẽ bị ướt bởi những hạt mưa. Sau một thời gian, tôi tự trấn an mình rằng sẽ có một nơi để chúng tìm trú. Rồi có một suy nghĩ khác chợt lướt qua tâm trí tôi, rằng liệu có hay không một nơi trú đủ lớn cho vô số chim bồ câu đó.

 “Anh đã quên thứ gì đó ở đó à?” – Người lái xe hỏi khi tôi yêu cầu anh ta quay lại.

Khi quay lại miếu, tôi nhanh chóng xuống xe. Tôi vội vã đi đến cái sân, tôi nghĩ đây là nơi trú ẩn của chim bồ câu. Nhưng không có bất cứ con chim bồ câu nào, trên đất cũng như trên trời, như thể chúng đã biến mất ở đâu đó không dấu vết. Tôi đứng dưới mưa một lúc không biết phải làm sao.

“Cháu đã quên gì đó à?”

Vị imam đang đóng cửa phòng cầu nguyện cũng đưa ra câu hỏi tương tự.

“Chim bồ câu đã đi đâu thầy nhỉ? “Tôi quay sang hỏi ông.

Ông imam nhìn xung quanh như thể không hiểu.

“Chúng chẳng đi đến đâu cả” – ông nói với giọng bình tĩnh – “Hãy nhìn vào mái nhà kìa. Chúng có tổ ở đây ”.

Tôi nhìn lên mái nhà. Lúc đầu, tôi không nhận ra đó là nơi trú ẩn. Sau một hồi, tôi nhìn thấy có một lối dài và hẹp. Lối đi khép kín và có một số khe hở để ánh sáng lọt vào bên trong. Những chú chim bồ câu đang nhắm mắt ngắm mưa rơi và thò đầu ra ngoài cửa sổ.

“Có phải tất cả chim đều ở trong đó không ạ?” Tôi hỏi ông để biết rõ hơn nhưng ngay lập tức sự lo lắng của tôi đã biến mất.

“Tất nhiên rồi” ông nói và lấy khăn tay lau khuôn mặt ướt đẫm nước mưa. “Chúng đã sống ở đó như một gia đình trong nhiều năm.”

Khi tôi trở lại khách sạn, quần áo của tôi ướt sũng. Thấy tôi bước vào cửa chính, một trong những người phục vụ ở đó đưa cho tôi một chiếc khăn. Trong khi vắt khăn, tôi yêu cầu người quản lý cho mình thực hiện cuộc gọi đến Mỹ. Anh ta ngay lập tức quay số như tôi yêu cầu và kết nối tôi với mẹ : “Mẹ ơi” tôi nói khi giọng nói quen thuộc của mẹ tôi phát ra từ ống nghe “Con đã đến đó và nhìn thấy những con chim bồ câu của bố. Chúng là những hình ảnh được vẽ trong album”.

Mẹ muốn nói điều gì đó, nhưng giọng không phát ra được. Tôi chỉ có thể nghe thấy tiếng mẹ khóc…

Imam – một chức lãnh đạo Hồi giáo Kinh Koran – cuốn sách thánh của người Hồi giáo Những năm tái thiết – những năm 1988-1990 ở Liên Xô.