. TRẦN NGUYÊN MỸ


VNQĐ – Năm tôi tám tuổi ông tạo bản Nậm Tin lấy mẹ tôi làm lẽ. Ông đã có vợ và con trai mười tuổi, vợ mãi không đẻ tiếp nên ông tìm thêm mẹ tôi, gái góa đẹp nhất bản. Với người Thái lấy vợ có con riêng người phụ nữ thường được khen là phụ nữ biết đẻ, lấy về thêm cả nghé là lãi ròng. Còn nhớ ngày mẹ đi lấy chồng, bà ngoại níu tay dặn tôi: “Muốn sướng từ nay mày gọi ông tạo làm bố, vợ ông là bà cả, còn thằng Khanh bằng anh.” Tôi vâng lời nhẩm vài câu cho nhớ để gọi.

Tối ấy tôi ngủ ở nhà bố vì mấy hôm bà cả đi Mường La xem bói chưa về.

Lạ nhà khó ngủ, sáng tinh mơ mùa đông sương muối ướp bản lò dò ra cửa đã thấy đàn chó săn sủa váng chạy trong núi ra, sau lưng hiệp thợ săn bản Khoong ì ạch khiêng về nhà bố tôi con hổ to trắng muốt như con bò mộng. Quần áo mặt mũi của đám thợ đỏ màu của máu không biết là máu người hay máu hổ. Bố tôi từ nhà sàn chạy xuống, hai tay sờ vào đầu hổ, sờ đi sờ lại, cười gằn:

“Này ác hổ cụt tai, thật đáng đời mày.”

Đấy là con hổ cụt tai nỗi khiếp đảm dân mường. Bố tôi đếm ngón tay, đúng chín mạng. Người thứ nhất là ông Mông thợ săn khét tiếng, người thứ hai là ông Xá đi tìm mật ong, người thứ ba là phụ nữ Thái hái măng lay… Khi đã đếm xong, hỉ hả, bố tôi lấy tù và thổi u u, lúc sau dân bản đã đến chật góp gạo, góp rượu ăn mừng. Tiệc mở ra tức thì. Gói thuốc phiện đầu mùa bọc trong lá pịa mện to như đầu chó ném phẹt xuống cót mây. Dùng lá này gói thuốc phiện không bắt mùi, để gần chó không đánh hơi được.

Bố tôi chỉ tay, mồm xuýt xoa hơn cả ăn xôi nóng:

“Thưởng công giết được hổ ác. Thuốc phiện mới đầu mùa mềm dẻo và thơm nức. Hai đồng bạc trắng hoa xòe đưa sau.”

Vừa nghe mời hai tiếng thuốc phiện đám thợ săn và khách đã nhao lên bâu quanh mấy bàn đèn. Đầu người đông như vẩy tê tê. Mùi thuốc phiện lập tức bốc lên thơm lừng mấy gian nhà sàn, lây sang cả ngọn gió trong thung. Trên nóc nhà thạch sùng chui ra từ những khe xà gồ, xà dọc, thè lưỡi hít tròn bụng, có con say quá rơi bụp xuống ngay dưới đám thợ săn cũng đang nghiêng ngả tiêm tiêm hút hút.

Cả bản Khoong đều vui sướng. Giật thưởng giết được hổ ác bằng hai con trâu đực, một cân thuốc phiện, cùng những lời khen không tiếc. Người Thái nói Khoong là của cải quả không sai. Hiệp thợ săn vẫn máu me đầy người, lừ đừ khói thuốc say sưa kể chuyện giết hổ cho người xung quanh nghe. Về ác hổ là con cái chứ không phải con đực. Giống cái thành tinh lên ngôi chúa sơn lâm là quá xứng danh. Nó không giống loài hổ thường đầy rẫy trong núi, nó khôn ranh hơn hẳn đồng loại. Như hổ khác đập đuôi là vồ lên như chớp. Thợ săn biết thế chống dáo là chắc ăn. Nhưng con này vồ theo tuần trăng, đầu tháng trăng non đến rằm thì đập đuôi ba nhát. Cuối tháng trăng lu thì đập đuôi hai cái. Rình nắm được quy luật ấy phải trả giá đắt, thợ săn bản Khoong cũng mất một cánh tay. Chắc nó đã ăn thịt nhiều người nên khôn thành tinh hay hồn ma nào đã phản bội mách cho hổ biết. Nhưng khôn thành tinh thì thợ săn bản Khoong cũng là khắc tinh của hổ. Đêm qua trăng rằm, nó đập đuôi ba nhát lao lên như chớp. Nhưng dưới nanh vuốt của nó không phải là mồi ngon mà cả rừng giáo đồng loạt dựng lên tua tủa. Hổ trắng bất ngờ hộc lên máu tuôn như suối.

Bố tôi đứng giữa đám dân bản cùng nghe, chắp tay cao giọng nói:

“Phục quá, phục quá! Theo luật bản anh em phanh xác hổ cụt tai ra. Thợ săn được lấy một thăn, một đùi sau. Còn lại ba đùi, thịt… cứ chiểu luật mà làm. Tao biếu phìa bộ xương hổ nấu cao, anh em nhớ chưa? Còn nữa, lòng phèo tim phổi, gan óc… cho anh em tất, tha hồ đánh chén, không say rượu, không say thuốc phiện không về.”

Luật săn thú mọi người nhớ thuộc lòng, không ho he, mọi người cầm dao thớt hung hăng vào cuộc. Lúc sau, bố lôi ra một đống thịt lèo nhèo vừa trắng vừa đen nhìn kĩ là da hổ. Ông cười khoái chí bảo tấm da hổ trắng ăn thịt người thành tinh quý lắm, càng hại được nhiều người càng quý. Ông nói thế tôi mới biết da hổ, da gấu, da bò tót… dân bản săn được vẫn phải nộp lên cho tạo…

Mấy ngày sau tấm da hổ lột được tẩm lá rừng phơi khô như báu vật. Ngày treo trên vách gỗ, khách đến nhà ai cũng đòi xem. Nó phát ra những tia sáng lóng lánh như có điện, đưa tay sờ vào nghe rung động và hơi nóng lạ thường. Đêm đầu tiên bố bảo anh Khanh đi gọi tôi đến để ngủ cùng trên tấm da hổ. Chỉ hai người được ngủ, tôi coi đây là đặc ân, được hôm nào biết hôm ấy. Còn anh Khanh từ nay dù rét mướt thế nào dưới lưng cũng là lớp lông hổ dày mượt và ấm nóng.

Nhưng đêm đó tôi nằm trên tấm da hổ chẳng khác gì nằm dưới mộ, co rúm như con thú bị thương sợ không dám thò đầu khỏi chăn. Nửa đêm, anh Khanh đạp tung chăn hét lên tô phi hổ(1). Tôi cũng kìm nén nỗi sợ từ lâu bất giác kêu lên tô phi, tô phi hổ. Bố hốt hoảng chạy vào. Tay trái cầm bó đuốc đang cháy – mấy tháng nay đề phòng, đêm thường cắm đuốc trước nhà. Tay phải ông lăm lăm thanh kiếm, quắc mắt nhìn quanh hỏi ma với hổ đâu.

“Tô phi mà, ma mà…”

Anh Khanh mặt không còn giọt máu líu lưỡi nói. Tôi chưa hoàn hồn, ôm đầu ôm ngực, mắt lấm lét. Bố đặt thanh kiếm gia bảo ra trước cửa trấn tà ma. Nhìn anh em tôi rồi vào buồng thắp hương xin ông bà tổ tông. Xong quay ra bảo hai đứa đầu đuôi câu chuyện thế nào, nói ra đừng sợ.

Tôi ngậm hột thị, bình thường có sự cố tôi đều im lặng. Vì tôi nói ra thường bị bà cả vả vào mồm quát: “Thằng này khéo bịa.” Cực chẳng đã tôi đưa mắt cầu cứu Khanh. Anh lớn hơn tôi, tuy còn sợ nhưng đã định thần lại phần nào lắp bắp kể. Anh mơ thấy con hổ trắng ở trong rừng. Rừng đêm trăng sáng và lạnh, đúng đêm rằm. Hai thợ săn đấu hổ trắng. Hai người hai giáo sắc cắm thẳng đứng. Chờ con hổ phi thân vào là họng hổ ăn trọn hai lưỡi giáo. Nhưng hổ trắng cụt tai thủ thế chưa vồ, hai chân trước thẳng đứng, hai chân sau như lò xo sẵn sàng bật ra. Hai thợ săn căng mắt nhìn vào đuôi hổ. Đuôi hổ như lưỡi kiếm thẳng tưng như lá cờ phất lên. Chuẩn bị vồ người thì đuôi hổ phải đập đất, giống hổ như thế. Bốn mắt người nhìn như tia chớp đối chọi với đôi mắt hổ cũng dữ dằn không kém…

“Rồi thế nào nữa?”

Giữa đêm đông, gió núi hú từng cơn. Anh tôi mồ hôi ướt áo, mắt cụp như mèo cắt tai, nói vanh vách như ma xui. Thời khắc trôi qua như một năm. Thác không chảy. Trăng rừng không trôi trên mây. “Rầm”. Cái đuôi hổ đập như động đất. Hai ngọn giáo mọc lên một lúc. Sau tiếng đập đuôi, con hổ trắng vẫn im không nhúc nhích. “Rầm”, hổ đập đuôi xuống đất lần thứ hai. Ớ, con hổ trắng vẫn im như tảng đá. Hai ngọn giáo thoáng lay động. Bất ngờ lại “Rầm”. Sau tiếng đập đuôi lần thứ ba. Một tia chớp, một hàm răng ranh nhọn hoắt cùng cuống họng hổ đỏ lòm, bốn móng vuốt chụm lại như câu liêm. Hổ gầm rung núi, thở phì phò như hang hút gió. Có tiếng người rùng rợn thét bên tai, chết rồi… Một bóng người giẫy giụa trong vũng máu, con ác thú to lớn chồm lên cắn xé. Bụi cây giạt ra, bóng người còn lại biến mất trong đêm. Người thứ hai là một ông già đi tìm mật ong rừng. Hổ trắng gặp mồi ngon, từ đập đuôi đầu tiên đến cái cuối cùng con mồi đứng như trời trồng. Nạn nhân đã chết từ khi phát hiện ra hổ trắng cụt tai. Nạn nhân thứ ba còn khiếp hơn, chỉ còn đầu lâu nhuốm máu. Người phụ nữ này đang nuôi con bú đi lấy măng lay…


Minh họa: Thành Chương


“Thôi, không kể nữa tao biết rồi. Tất cả chín người bị hổ vồ. Mày kể đến bao giờ? Còn nhiều chuyện đau lòng hơn!”

Bố bảo trải chiếu mang bàn đèn ra hút như nuốt hận.

Đợi mắt bố lim dim tôi bước nhanh ra ngoài, mùi thuốc phiện quấn vào sương đặc quánh mãi không tan đi được. Lời mẹ dặn văng vẳng bên tai: “Hơi thuốc phiện ám vào người nghiện lúc nào không biết. Giống bám ngược còn rơi bụp vào bàn đèn nói chi đến trẻ con. Mày nhớ bố đẻ mày say thuốc trượt chân ngã núi chết không. Cơm trắng chẳng ăn cứ thích cơm đen rồi khổ…”

*

  • *

Đã hai tháng động rừng, động mường. Ngày nào cũng có chuyện động trời. Hổ gấu vồ người. Người giết người. Loạn lạc chẳng biết sống hay chết. Ngay ngày hôm qua có máy bay từ phía Điện Biên phành phạch lượn quanh đồn rồi đỗ xuống. Hai mươi lính viện binh từ máy bay bước vào đồn như duyệt binh. Chiều ngược lại có mười lính đồn cũng nghiêm trang không kém mang lên khoang máy bay năm cái cáng phủ cờ ba sọc. Tự nhiên tôi nhớ đến lời bố nói khi tiêm thuốc phiện: “Năm cộng ba bằng tám.” Tôi tưởng ông đang đếm từng bi thuốc phiện.

Chạy qua vọng gác tôi căng mắt nhìn. Từ xa có mấy tổ ong? Dù tối qua thức trắng, mắt cay xè như dính ớt bột nhưng tôi không nhầm, qua lớp sương mù trên cổng đồn có ba tổ ong. Động rừng có khác, đàn ong đến làm tổ trước cổng đồn binh. Mọi năm mùa đông như này ong thường trốn vào hang đá. Ba tổ ong đen nâu treo trên ba cọc sắt. Tôi chạy tiếp đến nơi bỗng rủn người, chân quỵ xuống, không phải tổ ong mà là ba cái đầu người.

Sợ hãi, tôi chạy về như bị hồn người chết đuổi, gọi bố váng lên:

“Ba… người…”

Bố tôi ngậm tẩu thuốc, ngoái đầu ra nói to:

“Giặc Việt Minh đấy, tao biết rồi.”

Đến khi tôi ngồi xuống bên cạnh thì phà vào tai nói nhỏ, mùi thuốc phiện dìu dịu váng vất:

“Tay hau(2) đấy. Bị bọn Pháp giết bêu đầu tối qua.”

Phà ơi, tưởng bà cả ghen tuông như hổ cái làm khổ mẹ con tôi đã đến cùng cực rồi. Ai ngờ đồn binh Nậm Tin còn ác hơn cả hổ cụt tai. Sao bố gọi ba người bị giết là giặc, rồi lại nói nhỏ là người Thái ta? Bố như ma xó chỉ nằm bẹp dí mồm cái tẩu mà biết năm người bị giết? Ông lẩm bẩm ta thiệt ba người còn lính đồn bị giết năm người. Sau này lớn lên tôi biết không phải bố đếm thuốc phiện mà ông ám ảnh về những người chết trên đồn binh. Khi ấy bố nghĩ đến thắng thua, thời cuộc… Ván cờ tàn chiến tranh dai dẳng sắp kết thúc. Thế thượng phong thuộc về Việt Minh, người Pháp đang bị dồn vào bờ vực. Từ ngày giết được hổ cụt tai ngày nào cũng có đại sự. Không biết thời gian tới còn có đại sự không?

Khi này bố tôi cũng đã bỏ dinh cơ trong bản chuyển vào trong đồn binh Nậm Tin ở. Nay nghe còi rú lên từng chập, đồn báo giờ ăn cơm trưa. Tôi và Khanh định vào ăn cơm thì bố gọi:

“Có rượu quý cho hai thằng uống cho biết – Nhìn vào tôi nói tiếp – Bà cả vẫn đi xem bói chưa về. Mày yên tâm.”

Tôi nghĩ mà tủi thân, từ ngày lấy vợ lẽ bà cứ gầm ghè với mẹ, chưa hả bà còn đay nghiến bố. Với tôi thì càng tệ như cứt trâu đổ đi. Có bố bà vẫn mắng xơi xơi. Có hôm cơm ăn chan cả nước mắt. Còn rượu kia không biết quý hay độc, bà ấy mà về bắt gặp thì chỉ có nước chết… Nhưng tôi chưa kịp từ chối bố đã ôm hũ rượu ra lắc lắc. “Biết con gì chưa?”. Liền mở nắp, mùi rượu bốc lên cay nồng. Trong bình có hai con vật nhỏ co quắp như mèo con, bố tiếp:

“Bào thai con hổ cụt tai đấy. Rượu này uống một chén sống trăm tuổi.”

Hai thằng tin hếch mũi ngửi, mùi tanh tao thú rừng sộc lên, nhưng sau đó lại váng vất mùi sữa người. Tôi bụm miệng nôn thốc nôn tháo. Hình ảnh người đàn bà nuôi con bú đi lấy măng lay bị hổ vồ lại hiện lên mồn một…

Cùng lúc tiếng vó gõ nhanh trên đường vọng vào, tiếng phừ kìm dây cương dứt khoát, con ngựa đen dừng lại trước sân. Thằng nhỏ bằng tuổi tôi và bà cả bước vào. Mắt cú vọ của bà lướt qua mọi người. Thấy tôi mặt tái xanh đang nôn ọe nhưng không để tâm, bà đang để ý đến việc sinh tử của mường, việc đi xem bói, người chạy loạn… Bà sán vào bố tôi nói nhỏ, mắt ánh lên sự ranh mãnh bảo khiếp lắm. Đi chuyến này tưởng không về được… Bố tôi biết tính bà con tằm ăn lá dâu, bảo chuyện thế nào nói luôn đi.

Cởi khăn piêu, lấy quạt phành phạnh bà kể đặt một đài xin tông tổ cho biết trung vận, hậu vận ra sao. Mo gieo quẻ cả hai lần không được. Tôi đặt năm hào khấn vái cầu lạy một hồi lâu, thầy mo đứng lên một tay bưng đĩa, một tay tung xu như múa. Mo thở phào tông tổ đồng ý. Một sấp một ngửa, một âm một dương các ngài cho xem rồi. Tiếp, mo lật áo cũ ra xem xét hồi lâu, toát mồ hôi giật mình bảo các ngài nói xấu lắm mo không nói được…

“Đẹp xấu thế nào nói luôn đi.”

Bố sốt ruột, bà cả cằn nhằn bảo tính người như hổ, đi xem bói chứ phải đi đốc sưu đâu mà nhanh với chả chậm. Bà kể tiếp, vì có kinh nghiệm đi coi bói lên bà móc túi đặt lên đĩa đồng bạc trắng. Mo lại lật đi lật lại cái áo nóng ran mới phán đầu năm Quý Tỵ bà có thấy trước ngõ có gì không? Có thấy lợn lê đít, chó lê hông vào nhà không?, “À… có, có thấy. Hôm mồng một tết thấy chó và lợn cắn nhau trước ngõ”, chưa dứt lời mo chộp lấy ngay: “Thấy chưa là điềm xấu, hạn sao Thái Bạch quét sạch cửa nhà đấy!”, mo nhìn như soi vào mắt rồi nói tiếp, đêm rằm vừa qua mường ta bắt được con hổ trắng cụt tai đúng không? Còn đến cuối năm có chim phượng hoàng đậu khau cút nhà dân. Chim phượng hoàng xưa nay cứ năm trăm năm mới đậu một lần. Mà chỉ đậu khau cút nhà quan nay lại đậu nhà dân. Điềm lạ quá. Mạt vận với nhà quan, huy hoàng với dân bản. Xem ra tiền vận và trung vận loạn li, hậu vận đại loạn dân nổi can qua. Dừng một lát, bất ngờ thầy mo khóc nấc lên thành tiếng than suối đổi dòng, don đổi hang, nguy to đến nơi rồi. Mạng thầy cũng sống chết trong gang tấc. Chờ hết năm Quý Tỵ sẽ linh nghiệm. Hạn này to bằng trời, không giải được. Tùy số mệnh xuôi theo thôi.

Sau đấy, thằng hầu dắt ngựa cho bà ra về lo xếp việc nhà. Dọc đường bà ngẫm lại thấy mo nói đúng quá. Dân các mường người người, nhà nhà nhốn nháo. Người lớn dắt trẻ con, theo sau trâu ngựa, chó dê… Họ về bản cũ dựng nhà làm ăn. Đồn binh Mường So bên đường cờ ba sọc được thay bằng cờ đỏ sao vàng. Hai người Việt Minh chặn đường bà kiểm tra thẻ thuế thân, hành lí rồi cho đi.

Đang nói chuyện đi coi bói Mường La, bà cả chỉ mặt bố tôi khóc nghẹn lên như ăn lá ngón:

“Nhà này tan rồi. Ông là tạo, quyền sinh quyền sát đi đâu phải dắt em và thằng Khanh đi cùng. Sống một nhà, chết một mồ. Còn mẹ con gái xòe thì kệ nó.”

Bố ngửa mặt lên trời cười như mếu:

“Thế ra mắt mù ỉa đúng lỗ. Hay thế.”

Bà cả nổi cơn tam bành:

“Ông biết tiếng Tây, tiếng Kinh, tiếng Thái phen này có thoát chết được không. Tôi chỉ xem thầy mù nói đúng như then, ông đừng gở mồm bậy bạ.”

“Việt Minh giờ binh hùng ngựa hăng, vào thế lũ tràn ai chẳng biết…”

Bố định nói thêm, nhưng cãi lời với bà cả chỉ tổ mất việc nên thôi.

*

  • *

Bà cả về rồi, tôi cũng chạy biến về nhà mẹ cho yên chuyện. Sáng ra, vừa mắt nhắm mắt mở đã thấy anh Khanh gào từ cổng. Tôi ra Khanh kéo tuột về nhà bà cả. Thấy tấm da hổ treo trên vách, nhưng phần đầu hổ không còn, ai đã cắt đi. Tôi giật mình sợ hãi. Như hiểu ý tôi Khanh nói:

“Tối qua nằm thử tấm da hổ một đêm nữa xem sao. Quả đúng thế. Lần lượt từng mạng người bị hổ vồ, diễn ra như cũ. Lại tiếng ai oán của từng hồn ma. Lại tiếng hổ gầm rung núi… Tóm lại hệt hôm trước mày đã ngủ trên tấm da hổ đó.”

Tôi gật đầu, nhưng điều tôi băn khoăn giờ là phần đầu trên tấm da hổ kia cơ. Khanh ngớ ra bảo không biết, đoán chắc chỉ bố thôi. Không bố thì ai sờ vào đầu hổ làm gì. Song tôi vẫn thắc mắc, cắt đầu hổ để làm gì cơ chứ, tấm da hổ đẹp thế nay thành vô dụng. Người ta đã cắt đầu hổ đi. Anh Khanh cũng không ngủ trên đó nữa. Sợ ở lâu rắc rối, ngại gặp bà cả, lại càng không muốn nhìn thấy tấm da hổ có ma. Tôi chào Khanh rồi về. Không hiểu đột nhiên Khanh gọi tôi sang làm gì nữa…

Tối đó xong cơm nước, mẹ con định đi ngủ thì bố đeo túi vải Thái thêu hình khau cút đến nhà. Nhà bố tôi chỉ cách nhà mẹ tôi hai quả đồi. Mẹ tôi trẻ hơn bà cả mười tuổi, cử chỉ nói năng mướt mát, bố thích hơn. Ông chỉ vào cái túi Thái nhìn sâu vào mắt mẹ nói thì thầm rất lâu, cuối cùng còn dặn cất đi, có ngày cần đến đừng quên. Mẹ thở dài nhìn bố nói nhớ rồi, có lên trời vẫn nhớ. Rồi bố gọi tôi vào bảo quên bàn đèn ở nhà, sai đến nhà bà cả lấy. Mẹ lườm bảo tối ngủ với em còn thích hơn thuốc phiện, thôi con không phải đi nữa. Bố cười cùng mẹ vào buồng. Tôi nghĩ ông liều thế, dám trốn sưu bà cả, ngày mai thế nào cũng cháy nhà chết người.

Đến khuya có người lính Thái đeo súng đến bảo bố lên đồn gấp. Từ ngày giết hổ trắng ngày nào cũng có chuyện, tôi nơm nớp lo. Đến nửa đêm bỗng tiếng nổ như vỡ trời dội đến, nhà sàn rung lắc dữ dội làm tôi choàng dậy. Tiếng súng nổ trên đồn Nậm Tin? Tôi đạp chăn chạy ra. Lửa ngùn ngụt bốc cao hơn ngọn núi trên đồn binh. Tôi sợ đái ra quần, mẹ bình tĩnh túm tay kéo đi. Cổ mẹ đeo cái túi Thái thêu hình khau cút:

“Chạy vào hang Thẩm Xưa.”

Tôi chạy theo mẹ như cái máy, sau lưng tiếng súng thưa dần và ánh lửa lụi tàn.

Sáng hôm sau nữa hai mẹ con mới dám về nhà. Đầu tiên tôi chạy lên đồn Nậm Tin để thăm bố. Tôi đứng chết lặng hồi lâu. Trong đồn không một bóng người. Nhà bố tôi cháy rụi, đồ đạc thành than tro. Giữa nền nhà có một hố sâu đất đá tung tóe. Miếng da hổ trắng to bằng hai bàn tay đong đưa trên cành mận gai. Tôi run rẩy với miếng da vấy máu rồi khụyu xuống khóc rống lên:

  • Bố ơi, anh Khanh ơi…

*

  • *

Hơn bốn mươi năm sau, một buổi tối đang xem chương trình thời sự thấy nói: “Việt Nam và Pháp tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thời gian… năm…” Tính từ năm năm ba, quân ta giải phóng đồn Nậm Tin vừa tròn bốn mươi năm. Tôi reo lên, quay ra nói với mẹ biết tin thời sự sốt dẻo. Không ngờ mẹ nói tỉnh khô, nhà mình còn dính dáng với ai ở Pháp đâu. Ông tạo chết hồi nào trên rừng Lào. Thằng Khanh có sống cũng chẳng anh em ruột thịt gì với mày. Như bị hắt gáo nước lạnh đột ngột, tôi buồn rầu tắt tivi lên giường nằm sớm. Suốt đêm ấy tôi cứ nghĩ mãi về cái đêm ngủ chung với anh Khanh trên tấm da hổ mà như nằm dưới mộ, về hố sâu trong ngôi nhà bố ở, về mảnh da hổ vấy máu, về những người còn sống hay đã chết…

Cho đến buổi sáng hơn năm sau, khi tôi đang lên lớp thì thầy hiệu trưởng gọi ra bảo:

  • Thầy về nhà có khách, tôi dạy thay.

Tôi vội về, vừa pha trà xong thấy chiếc xe con màu đỏ chạy thẳng vào trước nhà. Một người béo trắng, tóc bóng mượt hất ngược ra sau, đeo cà vạt màu xanh lá, đi giày đen ngập ngừng bước lên căn nhà sàn cũ kĩ. Tôi bắt tay, người đeo cà vạt thoáng chút bối rối cất lời chào, giọng nhẹ lơ lớ rất khó nghe:

  • Tôi có vật này muốn ông xem…

Vừa nói vừa mở cặp lấy ra túi vải Thái thêu khau cút. Liền đó mở túi kéo ra mảnh da trắng trải rộng trên bàn. Tôi bàng hoàng, người run lên như điện giật, đó là nửa đầu hổ trắng cụt tai cắt từ tấm da hổ có ma. Nhưng sao chỉ có một nửa? Tôi chợt nhớ, vào buồng lấy ra mảnh da hổ bằng hai bàn tay vấy máu:

  • Cái này đúng không?

Người đeo cà vạt loay hoay ghép hai miếng da lại với nhau, mãi không khớp thì thở dài thất vọng gắt lên:

  • Không phải. Nửa cái đầu hổ cơ!

Mẹ tôi ngoài tám mươi mắt mờ tai điếc ngồi hơ lửa. Nghe láng máng đến nửa cái đầu hổ thì dò dẫm đứng dậy mở tủ lấy ra cái túi Thái thêu hình khau cút giống hệt túi của ông khách.

  • Mở ra… mở ra…

Tôi phủi lớp bụi dày mặt túi, mở mấy lớp giấy gói lấy ra miếng da. Người đeo cà vạt vội vàng giật lấy, ghép lại, khớp như in đúng cái đầu hổ trắng cụt hai tai. Nước mắt hai anh em cứ thế trào ra.

  • Đúng đầu hổ trắng rồi… dì ơi… em ơi…
  • Trời ơi… anh Khanh…

Tôi thầm cảm ơn mẹ mấy chục năm trời đã cất giữ mảnh da đầu hổ. Bây giờ tôi mới biết đó là vật quý bố giao mẹ để nhận người thân sau biến loạn đoạn trường. Mẹ ơi, mẹ khẩu xà tâm Phật, nói về bố con ông tạo như người dưng… nhưng nghĩa chồng con sâu nặng mấy ai thấu hết.

T.N.M


  1. Con ma hổ
  2. Người Thái ta

    Theo Văn nghệ Quân đội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *