Thay vì kéo lên Hàng Mã mua sẵn những món đồ xanh đỏ của Trung Quốc, những người làm văn hóa nghĩ tới tạo dựng những điểm đến vui chơi và khơi gợi không khí háo hức đón trung thu màu sắc truyền thống cho trẻ em thành phố.

Để trẻ tự tạo không khí trung thu. Ảnh: T.Toan.

Để trẻ tự tạo không khí trung thu. Ảnh: T.Toan.

Tập dượt

Sáng 19/9, Bảo tàng Dân tộc học tổ chức hẳn lễ tổng duyệt cho chương trình trung thu 26, 27/9 tới. Trẻ chia thành từng nhóm nhỏ ngồi bệt trên chiếu trong khuôn viên bảo tàng. Chiếu này nặn tò he, chiếu kia hì hụi cắt dán làm đèn ông sao, đèn con thỏ, chỗ khác dành cho trẻ tô vẽ mặt nạ. Trên bãi cỏ, một nhóm tình nguyện viên khản cổ phân chia nhóm chơi kéo co, nhảy bao bố.

Ông Nguyễn Văn Quyền (Thanh Oai, Hà Nội) chín năm liên tiếp có mặt tại bảo tàng mỗi dịp trung thu. Xung quang chiếu ngồi là la liệt đèn kéo quân, cái hoàn thành gói trong nilon, cái mới dựng khung đang dán giấy dó. Chốc chốc ông quay qua chỉ mấy tình nguyện viên trẻ cách dán giấy, dựng chong chóng. Tay làm, miệng giải thích cho người tò mò xem tích chuyện đèn kéo quân, cách hoạt động.

“Một ngày công mới xong một chiếc, nếu dạy các cháu thì hơn một ngày. Nhiều cháu thích chơi nhưng không có thời gian. Khó nhất là dựng được bộ khung cân đối, xác định trục tâm và dán chong chóng làm sao thoát được khí để quay được”, ông Quyền nói. Trẻ con quê ông cũng có thời gian nhãng đi với đồ chơi truyền thống, nay có xu thế quay về với những món đồ dân dã như đèn kéo quân, ông sao, cá chép, mặt nạ giấy bồi. Lễ rước đèn đêm rằm cũng chủ yếu là những món đồ thủ công này, do các nghệ nhân chuẩn bị cho con cháu.

Ông Quyền tự nhận mình và em vợ hâm hâm nên giờ còn làm đèn thủ công. Có năm không bán được chiếc  nào cũng làm, gần đây khởi sắc chút đỉnh, mỗi mùa bán được đôi trăm chiếc. “Một số người gọi là làng nghề, tôi nói không phải, vì đã là làng nghề phải kiếm sống, nuôi nổi con”, ông nói. Giá đèn 150 ngàn đồng, nhưng người mua không nhiều.

Bảo tàng Hà Nội ngày 20/9 cũng đón cả nghìn người đến trải nghiệm trò chơi truyền thống, chuẩn bị cho đêm hội đón trăng 26/9 tới. Rước trăng chơi phố sẽ diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội từ 9h sáng đến 18h chuẩn bị, khai hội chính thức từ 19h-23h với các màn trống hội, múa sư tử, trò chơi dân gian, thi đốt hạt bưởi.

Hàng chục chiếc chiếu trải phía trong, ngoài sảnh tạo nên không gian tìm hiểu, sáng tạo không chỉ cho trẻ nhỏ-phụ huynh cũng say sưa tô vẽ, cắt dán. Trẻ quây quanh 20 chõng tre để tô màu mặt nạ giấy bồi-đặt của nghệ nhân ở Hàng Than. Người dân chỉ phải trả tiền 28 ngàn đồng cho một mặt nạ giấy bồi, bằng đúng giá gốc mua mặt nạ và tiền màu vẽ, vé vào cửa miễn phí. Đèn ông sao phát không cho phụ huynh hướng dẫn trẻ tự dán, dựng đèn. Góc khác, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn dựng đèn kéo quân, chiếu khác dạy trẻ làm tiến sỹ giấy, làm bánh trung thu. Khu vực ngoài sảnh dành cho trẻ thi vẽ tranh.

Lan tỏa truyền thống

Ông Quyền chấp nhận vài trăm ngàn công cho một buổi hướng dẫn ở Bảo tàng Dân tộc học, tự chạy xe mất hơn 20km thậm chí bị ngã xe. “Tính ra chẳng đáng gì, nhưng tôi muốn có nơi thay mình giữ lại thú chơi này cho đời sau”, ông nói. Vào mùa trung thu, ngoài điểm quen thuộc này giờ ông có thêm các điểm khác như Vân Hồ, Bảo tàng Hà Nội và một số trường học mời để truyền lửa yêu đèn trung thu truyền thống. Gia đình ông mấy năm nay cũng trở thành điểm hẹn cho trẻ em học làm đèn, nghe kể chuyện xưa.

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm Đình làng Việt kỳ vọng những hoạt động này thu hút xã hội hóa hơn: “Tiền chỉ là một vấn đề, quan trọng là để xã hội quan tâm hơn đến những hoạt động cho trẻ”.

Đại diện nhóm Đình làng Việt mong mang đến không khí háo hức cho các gia đình, giống như cách người ta chuẩn bị cả tháng để có xiên hạt bưởi đốt trong đêm rằm. Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nói, bảo tàng không lấy kinh phí nhà nước để tổ chức, dựa trên xã hội hóa và góp công sức của những người tham gia. “Nếu làm tốt để kinh doanh thì rất dễ, nhưng như thế không đúng với tính chất thiết chế văn hóa của bảo tàng còn dang dở. Chúng tôi tổ chức sự kiện, mong mọi người đến bảo tàng nhiều hơn, đồng thời chia sẻ người dân trong điều kiện khó khăn”, ông Đà nói.

Bảo tàng Hà Nội kết hợp nhóm Đình làng Việt tổ chức hội trung thu hướng về không khí háo hức chuẩn bị hơn là việc ăn sẵn. Năm thứ hai tổ chức nhưng là năm đầu tiên bảo tàng mở cửa cho lượng người đông hơn, có đăng ký qua mạng, hoạt động phong phú hơn. “Chúng tôi đi sau, không thể sao chép hoàn toàn hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học”, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc bảo tàng Hà Nội nói.

Theo Toan Toan – Tiền phong online