Ngày 9 tháng 10 năm 2013, đoàn nhà văn Việt Nam gồm nhà thơ Trần Hùng, dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền và tôi đã đến Yakutsk, thủ đô nước Cộng hòa Yakutia, còn gọi là nước Cộng hòa Sakha. Chúng tôi đến để dự Liên hoan thơ quốc tế lần thứ hai được tổ chức tại thành phố này. Ngoài ra, được sự phân công của Thường vụ Hội Nhà văn, tôi sẽ làm việc với Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Yakutia về hợp tác mà chủ yếu là dịch thuật trong tương lai giữa hai Hội Nhà văn. Chúng tôi đến Moscow và từ đó bay đi Yakutsk cùng với dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền. Nếu không có chị, chúng tôi sẽ trở thành những kẻ câm điếc vì không biết tiếng Nga.

Trước khi lên đường, tôi đã tìm hiểu đất nước này. Và hầu như những người Việt Nam được hỏi đều không biết gì về xứ sở đó. Trên Google có mấy dòng về Cộng hòa Yakutia: “Cộng hòa Yakutia (còn gọi là Sakha) có diện tích rộng gấp ba lần nước Pháp với gần một triệu dân. Thành phố Yakutsk là thành phố lạnh nhất hành tinh. Yakutia là một trong những nơi khai thác kim cương lớn nhất thế giới. Nhiệt độ trung bình mùa đông ở Yakutia là năm mươi độ dưới 0”. Nhưng chính những thông tin đơn giản ấy lại quyến rũ chúng tôi. Tôi thực sự muốn đặt chân lên xứ sở đó, tôi muốn biết trong thế giới của tuyết và băng giá ấy, thơ ca đã cất tiếng nói của nó như thế nào.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (thứ 2 từ phải sang) và nhà thơ Natalia Kharlampieva (thứ 3 từ phải sang)

Năm 2012, Nhà thơ Natalia Kharlampieva, nhà thơ Nhân dân của Yakutia, Chủ tịch Hội Nhà văn Yakutia, đã sang dự Liên hoan thơ Châu á – Thái Bình Dương lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Bà vô cùng ấn tượng. Trở về nước, bà đã báo cáo Chính phủ Yakutia và xin được tổ chức Liên hoan thơ quốc tế hằng năm tại thủ đô Yakutsk. Khi chúng tôi đặt chân xuống sân bay thủ đô Yakutsk, chúng tôi đã hình dung một phần nào về mùa đông của xứ sở này. Mới đang mùa thu, nhưng nhiệt độ đã hơn mười độ dưới 0. Và con sông Lena, con sông lớn nhất và kỳ bí nhất của Yakutia, nước hai bên bờ đã đóng băng. Bà Chủ tịch Hội Nhà văn Yakutia ra sân bay đón chúng tôi. Những cô gái trẻ Yakutia dâng bánh mì, muối và sữa ngựa chua  chào đón những sứ giả thi ca đến từ nhiều miền của thế giới. Chỉ mới thế thôi, chúng tôi đã thấy chặng đường dằng dặc mà mình đã đi và cái lạnh ghê gớm đối với những người sống ở một đất nước nhiệt đới dần dần tan biến.

Liên hoan thơ quốc tế ở Yakutsk có tên: “Ân sủng mùa tuyết lớn”. Tôi được biết đây là cái tên được dùng cho tới khi không còn Liên hoan thơ ở đất nước này nữa thì thôi. Tuyết là ân sủng đối với người Yakutia. Mỗi cuộc đời con người nơi đây gắn liền với tuyết. Tuyết mang nhịp đập và giai điệu cuộc sống của họ, tuyết là bạn đồng hành và là tri âm của họ, tuyết làm nên sức mạnh và văn hóa của họ. ở Yakutia, mùa đông có những nơi lạnh đến hơn bảy mươi độ dưới 0. Tôi không hình dung được sự sống trong nhiệt độ đó. Người dân ở đây nói vào thời gian lạnh nhất, họ không được phép tắt máy xe hơi. Họ nổ máy cho đến khi thời tiết ấm hơn mới thôi. Vì nếu họ tắt máy thì sau mùa đông họ không thể khởi động xe được nữa vì cái lạnh bảy mươi độ dưới 0 có thể bóp vỡ máy xe hơi. Mỗi năm đất đai xứ sở này chỉ có một khoảng thời gian hơn ba tháng gọi là đất ấm để trồng một vụ khoai tây hay rau quả mà thôi. Mới đầu tháng Mười khi mà ở Moscow cây đang bắt đầu ngả sang màu vàng thì ở Yakuts, nước ở những vùng cạn đã đóng băng và băng chỉ tan hết vào đầu tháng sáu năm sau. Khi chúng tôi đến Yakutsk thì người dân ở đây đang hân hoan khi họ đã trồng được dưa hấu, cho dù phải trồng trong nhà kính.

Chính phủ Yakutsk quyết định ba đơn vị cùng đứng ra tổ chức Liên hoan thơ quốc tế trên đất nước họ: Bộ Văn hóa và Phát triển Tinh thần, Đại học tổng hợp Phương Bắc và Hội Nhà văn Yakutia. Lần đầu tiên tôi biết có một Bộ có chức năng “phát triển tinh thần”. Tôi không kịp tìm hiểu họ làm gì trong việc “phát triển tinh thần” cho dân tộc họ. Nhưng chỉ nghe như thế thôi đã thấy được  sứ mệnh lớn lao và thiêng liêng đối với con người của Chính phủ Yakutsk. Trong suốt những ngày ở Yakutia và trên đường trở về quê hương của mình, tôi đã nghĩ về điều ấy rất nhiều. Phải chăng chính điều đó đã làm cho gương mặt mỗi người dân nơi đây tôi gặp luôn tỏa sáng cùng với một nụ cười bình yên như chẳng có chuyện gì phiền muộn xảy ra trên đất nước của tuyết trắng và băng giá này.

Năm nay, Tổng thống Cộng hòa Yakutia đi công tác nước ngoài trong dịp tiến hành Liên hoan thơ quốc tế, ông không đến được để chúc mừng các nhà thơ. Ông đã gửi thư cho Liên hoan thơ và Chủ tịch Hội Nhà văn Yakutsk đã đọc lá thư đó trong lễ khai mạc. Toàn văn bức thư của Tổng thống Yakutia như sau:

Các bạn thân mến!

Thay mặt Lãnh đạo nước Cộng hòa Sakha (Yakutia) và nhân danh cá nhân, tôi xin chào mừng tất cả những người tham gia, các vị khách mời và các nhà tổ chức Liên hoan thơ quốc tế “Ân sủng mùa tuyết lớn!” lần thứ II.

Thơ ca nói riêng và văn học nói chung đã và đang là cốt lõi tinh thần xác định các nguyên tắc nền tảng đạo đức và luân lý xã hội, buộc chúng ta suy nghĩ về các giá trị vĩnh cửu, khiến chúng ta suy nghĩ về những điều tốt đẹp và mong muốn làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Ngày nay, khẩu hiệu “Tình bạn giữa các nhà văn chính là tình hữu nghị giữa các dân tộc” trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. Bởi vì, thông qua tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, chúng ta tìm hiểu về tâm hồn và văn hóa của các dân tộc khác để làm phong phú thêm kiến thức của mình, và điều đó giúp chúng ta sống hòa nhập trong thế giới hiện đại. Bản thân tên của Liên hoan có ý nghĩa liên kết, tượng trưng cho sự tinh khiết và vẻ đẹp miền đất phương Bắc của chúng tôi, là sự cộng hưởng giữa tư tưởng con người và sức mạnh thiên nhiên.

Liên hoan thơ quốc tế “Ân sủng mùa tuyết lớn” được tổ chức tại Yakutia lần thứ hai. Liên hoan năm ngoái không chỉ là ngày hội và cơ hội giao lưu sáng tạo của các nhà thơ, là dịp gặp gỡ với độc giả yêu thơ, mà là đóng góp đáng kể cho hình ảnh của đất nước. Tôi tin tưởng rằng Liên hoan thơ lần này sẽ được nhớ đến như một sự kiện nổi bật trong đời sống văn hóa và văn học của đất nước và trở thành một giai đoạn hội tụ tiếp theo giữa các nền văn học, thúc đẩy tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Tôi xin chúc các đại biểu tham dự Liên hoan Thơ quốc tế “Ân sủng mùa tuyết lớn” những cuộc hội ngộ thú vị, nhiều cảm hứng và những ấn tượng rực rỡ!

Tổng thống nước Cộng hòa Sakha

(Yakutia)

Egor Borisov

Và trong lễ khai mạc cũng như những ngày tiếp theo, các nhà thơ quốc tế và các nhà thơ Yakutia đã đọc thơ mà chủ yếu là thơ viết về tuyết. Trong đêm khai mạc Liên hoan thơ, nhà thơ Natalia Kharlampieva tỏ ra tiếc nuối khi tuyết chưa bay trên xứ sở của bà. Liên hoan thơ năm ngoái, sau khi lễ khai mạc Liên hoan thơ quốc tế “Ân sủng mùa tuyết lớn” vừa kết thúc thì tuyết đã từ trời cao đổ xuống. Chúng tôi, những nhà thơ Việt Nam đã nói với các nhà thơ Yakutsk rằng: tuyết sẽ bay trong những ngày Liên hoan thơ. Chúng tôi nói vậy bởi chính chúng tôi mong được nhìn tuyết bay. Và đến ngày thứ hai của Liên hoan thơ, vào lúc nửa đêm, tôi mở cửa sổ phòng ngủ ở khách sạn. Và tôi đã lặng người xúc động. ở bên ngoài cửa sổ, từ trời đêm thăm thẳm của phương Bắc, tuyết đang lộng lẫy bay  về thành phố. Và trong đêm ấy, nhà thơ Trần Hùng đã sáng tác một bài thơ về tuyết. Sáng hôm sau tỉnh dậy bước ra ngoài, thành phố Yakutsk như hiện ra lần đầu tiên với ngay cả người dân của thành phố đó. Đêm qua, khi mọi người đang ngủ, tuyết đã vẽ lại thành phố ấy, tuyết đã vẽ lại bản đồ thế giới. Vẫn những ngôi nhà ấy, những con đường ấy, những hàng cây ấy… nhưng bây giờ đã mang một vẻ đẹp mới, một tinh thần mới. Tất cả hiện lên lộng lẫy, tinh khiết và yên bình. Và hơn một lần, tôi mong một ngày nào đó khi tỉnh dậy, thế giới đã được vẽ lại. Một thế giới mới hiện ra, một thế giới không chiến tranh, không thù hận, không độc ác, không đói nghèo và không bệnh tật…Đó là một thế giới mà thơ ca bao đời nay đã từng nói đến, đang nói đến và sẽ còn nói đến và nhiều khi nói bằng chính ngôn từ đau đớn và tuyệt vọng của mình.

Cộng hòa Yakutia có nhiều dân tộc khác nhau. Nhưng người Yakutsk chiếm 60%. Họ nói họ là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Trong những nhà thơ dự Liên hoan thơ có một nhà thơ, một nhà nghiên cứu và viết nhiều sách về Thành Cát Tư Hãn. Họ rất tự hào về ông. Một lần nói chuyện về Thành Cát Tư Hãn, khi kết thúc phần nói chuyện của mình, nhà thơ ấy dừng lại rồi nói: “Nhưng Thành Cát Tư Hãn đã bị người Việt Nam đánh bại”. Nghe xong, tôi thực sự xúc động. Tôi xúc động không phải chỉ vì niềm tự hào về dân tộc mình. Tôi xúc động bởi sự tôn trọng sự thật và công bằng với lịch sử của nhà thơ kia hay nói khác là của dân tộc họ. Và trong một lần đọc thơ, tôi đã nói về tuyết, tôi đã nói về cảm xúc của những nhà thơ Việt Nam tham dự Liên hoan thơ “Ân sủng mùa tuyết lớn” và của cá nhân tôi. Ngay sau đó, đại diện của cộng đồng người Yakutsk đã công nhận tôi là công dân danh dự của người Yakutsk. Họ tặng tôi quốc kỳ của Yakutia và một chiếc bình gốm dùng để uống sữa ngựa. Chiếc bình đó đã trở thành biểu tượng của Cộng hòa Yakutia. Một người Yakutsk nói với tôi rằng: ông đã nói về tuyết như vậy nghĩa là ông đã hiểu tuyết. Hiểu được tuyết thì ông có thể sống trong tuyết ở nhiệt độ năm mươi độ dưới 0.

Một lần ngồi ăn cơm, một nhà thơ nữ người Yakutsk hỏi tôi vì sao người Việt Nam có thể thắng được Thành Cát Tư Hãn? Tôi đã nói với bà rằng: Vì chúng tôi yêu xứ sở của mình bằng mọi giá. Và vì đối với đội quân của Thành Cát Tư Hãn thì trời càng băng giá đường đi của mũi tên của đội quân ông càng căng, đường gươm của đội quân ông càng sắc. Nhưng ở xứ nhiệt đới nóng ẩm đã làm đường đi của những mũi tên ấy chùng xuống và đường gươm ấy trở nên rã rời. Nhưng lịch sử buồn ấy giờ đã lùi xa, nó đã trở thành một bài học chỉ đường cho những thế hệ người sau này biết làm gì cho dân tộc mình và cho thế giới chứ không phải biết tiến hành một cuộc chiến. Đến bây giờ, cuộc chiến tranh ấy chỉ còn vọng lại trên thế gian này như một bài thơ mang âm hưởng riêng biệt của nó.

Trước khi Liên hoan thơ kết thúc, thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và được ủy quyền của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã làm việc với Chủ tịch Hội Nhà văn Yakutia. Chúng tôi đi đến thỏa thuận hợp tác với hai mục tiêu: Một, hai bên sẽ dịch và xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu bắt đầu từ năm 2014. Hai, tăng cường các cuộc giao lưu của các nhà văn hai nước, đặc biệt là tham dự các Liên hoan thơ quốc tế do mỗi bên tổ chức. Trong buổi làm việc đó, bà Chủ tịch vẫn tiếc là năm nay tuyết xuống muộn và chưa nhiều để các nhà thơ có thể ngồi trên những chiếc xe tuyết do những chú tuần lộc kéo đến đọc thơ cho công chúng. Tôi nghĩ, đó là một trong những hình ảnh đẹp và nhân tính nhất của thế gian.

Chúng tôi rời thủ đô Yakutsk trở về nước khi tuyết trắng đang dần phủ kín những mái nhà, những con đường ở đó. Chủ tịch Hội Nhà văn Yakutia ra tận sân bay tiễn chúng tôi lúc mờ sáng. Đêm hôm trước, trong bữa tiệc chia tay, Hội Nhà văn Yakutia đã tặng cho mỗi nhà thơ tham dự Liên hoan thơ quốc tế một viên kim cương kèm theo hồ sơ về viên kim cương đó. Kim cương là một trong những sản vật nổi tiếng nhất của Yakutia. Một viên kim cương rất nhỏ, nó lấp lánh như một bông tuyết của xứ sở này. Viên kim cương nhỏ đó không chứa đựng một tài sản vật chất mà chứa đựng vẻ đẹp lộng lẫy và kỳ bí của thiên nhiên, vẻ đẹp thuần khiết và lộng lẫy của con người đất nước Yakutia. Đó là bông tuyết không bao giờ tan trong ký ức chúng tôi. Đó là bông tuyết mà tôi cảm thấy rằng: mỗi khi lắng nghe nó, tôi thấy thi ca vang lên. Và khi thi ca vang lên (giống như lúc tuyết bay về từ thăm thẳm trời cao), một thế giới mới lại mở ra, một thế giới được vẽ lại bằng những giấc mơ lộng lẫy nhất của các thi sỹ.

Hà Đông, 27.10.2013

(Văn nghệ số 45/2013)