TUYẾT LOAN

Tranh được rao bán trên trang web xuongtranh.vn, nơi họa sĩ Đặng Tiến phát hiện ra bức tranh giả của mình.

Tranh giả đã khiến cho uy tín của thị trường tranh Việt Nam ngày càng xuống thấp, đến mức bây giờ người sưu tầm tranh nước ngoài rất e ngại mua tranh từ Việt Nam bởi không biết thật giả thế nào. Trước tình trạng đó, các họa sĩ đã tự cùng nhau đứng lên liên kết tìm cách bảo vệ mình.

Bài 1: Tranh giả ngang nhiên “lấn” tranh thật.

Tại sao tranh giả hoành hành?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phân tích: “Tại sao hiện tượng tranh giả nhiều như thế, phổ biến như thế, một trong những nguyên nhân lớn nhất là do người mua. Những người chơi tranh ở mức độ trung bình trở xuống thì thường không có nhu cầu mua tranh thật. Họ chỉ cần tranh đẹp, kiểu như tranh chép lại tranh của Levitan bán nhan nhản ở Hàng Đào hoặc Nguyễn Thái Học với giá 500 nghìn đồng là thỏa mãn”.

Còn giới có tiền thì sao? Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói: “Thường những người này không có nhiều kiến thức cũng như thông tin về các tác giả và tác phẩm, họ nghe nói ông này nổi tiếng là mua. Đó là dân trí mua tranh hiện nay. Thí dụ như Bùi Xuân Phái là tác giả rất được ưa chuộng, chết rồi vẫn có hàng trăm, hàng nghìn tranh ra đời.Đến nỗi có người nói rằng ông Phái chết rồi mà vẫn vẽ tranh nhiều như khi còn sống”. Nhà nghiên cứu cho rằng, chính người mua đã kích động thị trường tranh giả, trong khi bản thân họ không chịu học, không chịu tìm hiểu, thậm chí có những người không mua tranh để cho mình mà mua tranh về để bán đi.

Ông Phan Cẩm Thượng cũng đưa ra một trong những lý do khiến tranh giả hoành hành khắp thị trường hiện nay là do quản lý lỏng lẻo: “Chúng ta tưởng tranh chép không gây hại gì, nhưng thực tế nó gây hại vô cùng lớn về văn hóa, về uy tín và về chính giá trị của các tác phẩm hội họa Việt Nam”.

Chung ý kiến này, họa sĩ Đào Hải Phong kể lại: “Tôi đã tiếp xúc với những người treo tranh giả của tôi, và có cảm giác rằng công chúng cũng không tha thiết với đồ thật, họ chỉ cần một thứ na ná đồ thật và thỏa mãn với điều đó. Điều đó rất nguy hiểm vì sản phẩm nghệ thuật là để thỏa mẵn về mặt tinh thần.Hội họa không phải là một thứ hàng hóa dành cho số đông. Hội họa có sự công bằng là không cấm một người nào thưởng thức tranh, nhưng để sở hữu thì người đó phải thành đạt và có điều kiện về vật chất”. Họa sĩ Đào Hải Phong cũng cho biết, hiện tại có những nhà đầu cơ không quan tâm đến tranh thật hay giả, mà đối với họ, miễn là tranh giả chưa được phát hiện ra và tranh thật là thật.Nhưng cũng có những nhà sưu tầm nghiêm chỉnh ôm ấp các tác phẩm hội họa như một tài sản quý, họ là những người tinh tế và sành sỏi, và nhiệm vụ của chúng ta là phải thức tỉnh những nhà sưu tầm đó, gọi là nuôi văn hóa”.

Họa sĩ Thành Chương bức xúc vì cách giải quyết chậm trễ của cơ quan chức năng sau vụ tranh giả ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Đó cũng là lý do khiến nhiều họa sĩ bị chép tranh hoặc làm tranh giả bức xúc. Họa sĩ Thành Chương cho biết, ngay sau vụ “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, ông đã làm đơn kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng như Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hay bên Bảo tàng TP Hồ Chí Minh cũng đã gửi công văn sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh nhưng các bên đều lúng túng và rất chậm trễ trong quá trình xử lý. “Tôi và gia đình họa sĩ Tạ Tỵ cũng đã làm đơn tố cáo và thuê luật sư, nhưng sau đó chính luật sư lại cho chúng tôi biết là hành trình này quá khó khăn vì có quá nhiều thứ phức tạp, phải chứng minh nhiều thứ trong khi đương nhiên tác phẩm đó là của mình.Không phải kẻ giả mạo phải chứng minh cho sản phẩm của họ, mà chính chúng tôi phải đi chứng minh tác phẩm của mình là thật”.

Ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của thị trường tranh Việt Nam

Tình trạng này đã ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của thị trường tranh Việt Nam, và đáng buồn thay, nó kéo dài đến 20 năm nay mà chưa có giải pháp triệt để. Họa sĩ Đào Hải Phong cho biết: “Từ cách đây 20-30 năm các họa sĩ như tôi hay anh Thành Chương đã có một thời gian làm nghề sống động và tự hào, đã bán được rất nhiều tranh ra nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng tranh giả, tranh nhái tràn lan đã ngày càng trở nên phổ biến, và chính chúng tôi đã tận mắt thấy tranh giả tranh của mình ở nước ngoài. Người nước ngoài rất tinh, khi họ phát hiện ra tranh giả, tranh nhái thì họ chán rất nhanh.Tôi đã từng nói rằng chúng ta vừa mới vào thị trường nước ngoài đã giáng cho họ một cái tát đau đớn. Điều này kéo theo thị trường mỹ thuật bị hạ thấp giá trị, khoảng từ 5-7 năm không bán được tranh”.

Bức tranh được bán đấu giá tại Christie Hồng Công giữa năm ngoái thực ra chỉ là chép lại tranh “The Young Beggar” của Bartolome Esteban Murillo nhưng lại được ký tên họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ảnh: Christie.

Họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ: “Tranh giả là thực trạng rất tồi tệ của mỹ thuật Việt Nam, các nhà sưu tầm rất hoang mang khi đầu tư tranh của họa sĩ Việt Nam, vì họ không biết đó có đúng là tranh tác giả vẽ không hay lại chép của ai đó.Bản thân các nhà sưu tầm Việt Nam lại chưa có quá trình sưu tầm lâu dài, cho nên cũng không tìm hiểu đc quá trình hoạt động của họa sĩ, thậm chí không hiểu xu hướng sáng tác của các họa sĩ có những diễn biến như thế nào, và khi thấy tình trạng tranh giả tràn lan thì càng hoang mang”.

Còn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thẳng thắn đưa ra ý kiến: “Hiện nay nhiều nhà sưu tầm nước ngoài mặc nhiên coi thị trường tranh Việt Nam là giả. Thậm chí có người nói rằng khi chưa thấy tranh thật đâu thì tranh giả cũng là một hình ảnh để tôi xem xét”.

Họa sĩ tự bảo vệ mình

Chính vì lý do đó, mà nhiều họa sĩ tên tuổi trong làng hội họa Việt như Thành Chương, Phạm Hà Hải, Phạm An Hải, Đào Hải Phong, Đặng Tiến… đã tập hợp nhau lại tìm cách tự bảo vệ mình. Họa sĩ Phạm An Hải nói: “Anh em họa sĩ đã đến lúc cần ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp để làm cho thị trường minh bạch hơn. Tôi thấy rằng phải có các tổ chức sản xuất có những họa sĩ có tay nghề để chuyên làm tranh giả, bởi vì làm giả tranh của các họa sĩ tên tuổi không hề dễ dàng. Việc nâng cao nhận thức ngay trong bản thân giới họa sĩ cũng rất cần thiết, bởi vì trong câu chuyện tranh giả, ở đây toàn những người biết nhau nhưng vẫn cố tình xâm phạm”.

Họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ một thí dụ về sự chặt chẽ của mỹ thuật Trung Quốc trong quá trình bảo vệ bản quyền hội họa: “Năm kia tôi sang Trung Quốc và có tham quan triển lãm tranh, trong đó có các phiên bản tranh của một họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, hiện nay vẫn còn sống. Chính họa sĩ tự duyệt danh sách những người được chép tranh của mình, dựa trên khả năng của họ, và có chế tài cho phép được chép bao nhiêu phiên bản, và ở mỗi phiên bản đó đều phải ghi rõ là phiên bản thứ bao nhiêu. Đương nhiên họa sĩ được hưởng tiền bản quyền trên từng phiên bản”. Họa sĩ cho biết, thị trường tranh chép vẫn tồn tại trên thế giới, thí dụ như các phiên bản tranh nổi tiếng Mona Lisa hay Người đàn bà xa lạ, công chúng vẫn được thưởng thức.

Họa sĩ Đặng Tiến kể lại câu chuyện tranh của mình đang treo ở nhà nhưng vẫn được ngang nhiên rao bán.

Nhiều họa sĩ cũng đưa ra vấn đề phải có một trung tâm thẩm định tranh. TS Phạm Long, người gắn bó với mỹ thuật trong nước cho rằng, việc có một trung tâm thẩm định tranh là rất cần thiết, trước đây Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng có nhưng không biết vì lý do gì mà trung tâm này lại dừng hoạt động.

Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, ở các nước, không có một cơ quan nào đứng ra thực hiện việc thẩm định mà việc này thuộc thẩm quyền của các bảo tàng và các họa sĩ. Đây là công việc khá tốn kém và nguy hiểm. Vì thế, các bảo tàng và hãng đấu giá phải có một bộ phận thẩm định riêng, dựa vào những người có kinh nghiệm lăn lộn trên thương trường chứ không dựa vào các chức danh, học hàm học vị… Ông Phan Cẩm Thượng cũng cho rằng các họa sĩ phải học tập giới âm nhạc, thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền. Đúng ra thì Hội Mỹ thuật phải đứng ra làm việc này, nhưng “trong tương lai gần, các anh em họa sĩ phải tự làm” – nhà nghiên cứu nói.

Luật sư Đinh Anh Tuấn, người có mặt cùng các họa sĩ trong vụ việc đã nêu ra các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến bảo vệ quyền tác giả, và ông cũng tư vấn các họa sĩ nên cử một người đại diện am hiểu về luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Và điều quan trọng nhất, theo ông, vẫn là thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả hội họa. Khởi kiện cũng là việc nên làm, trước hết là bảo vệ mình, và không phải là nhằm mục đích đòi bồi thường, mà cốt yếu để đánh động dư luận.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài