Sáng 15.10.2020, Khoa Viết văn Báo chí trường Đại học Văn hóa đã tổ chức giới thiệu tập thơ “Em là nơi anh tị nạn” của nhà thơ Trương Đăng Dung công tác tại Viện Văn học với sự tham gia của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học ở Hà Nội cùng thầy, cô và các em sinh viên của Trường Đại học Văn Hóa. VANVN.NET trân trọng giới thiệu một chùm thơ và bài viết của PGS.TS nhà thơ Trương Đăng Dung trong tập thơ này.

THƠ TRƯƠNG ĐĂNG DUNG

TIN NHẮN CHO EM

Đêm nay trời đầy sao. Điều gì xẩy ra nếu mỗi ý nghĩ của anh về em có thể nở thành một bông hoa?

Thế giới này không còn chỗ bình yên, em là nơi anh tị nạn.

Kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người.

Anh muốn em là quá khứ để anh sống bình yên trong hiện tại; anh muốn em là hiện tại để anh hi vọng vào tương lai; anh muốn em là tương lai để ký ức anh tự do bừng sáng.

Đêm nay trời đầy mây. Điều gì xảy ra nếu ký ức không cất giữ cuộc đời ta an toàn nhất?

HAI CHUYẾN TÀU

Hai chuyến tàu cùng số hiệu
không cùng giờ xuất phát.
Không ga đi
không ga đến
con tàu như nỗi cô đơn của bóng đêm di chuyển.
Không hành khách
không cửa sổ
con tàu như ký ức của mùa thu đóng hộp.
Rồi một ngày tàu anh kiệt sức
nằm im trên cánh đồng
những toa tàu bỏ không
đầy bụi.
Rồi một ngày tàu em đến
tiếng còi nghe như tiếng côn trùng
những toa tàu bỏ không đầy mối.
Thấp thoáng bóng người
trong cỏ.

ÁC MỘNG

Tôi chạy trên bức tường dựng đứng
những con nhện đen đuổi theo
những con thằn lằn đen đuổi theo.
Tôi chạy trên cánh rừng ngập nước
những con hổ không da đuổi theo
những con rắn không đầu đuổi theo.
Tôi chạy trên cánh đồng bỏ hoang
những người khiếm thị ôm súng đuổi theo
những người khiếm thính cầm loa đuổi theo.
Tôi chạy trên đại lộ không người
những chiếc xe lăn chất đầy chân giả đuổi theo
những chiếc xe nôi chứa đầy mắt trẻ em đuổi theo.
Tất cả áp sát tôi
tôi nói, họ không hiểu
họ nói, tôi không hiểu.
Đêm bất ngờ ập xuống
tôi không nhìn thấy họ
họ không nhìn thấy tôi.
Tôi gọi em
dưới đáy sông
một ngôi nhà mở cửa.

TRÊN BÀN MỔ

(Kính tặng mẹ)
Xin mẹ đừng buồn
con đã không giữ được vẹn toàn thân xác mẹ cho.
Đã 65 năm
đói con cho ăn
khát con cho uống
rét con cho mặc ấm,
con đối xử chu toàn với thân xác của mình
hơn cả với tâm hồn nhạy cảm. Con làm kẻ thứ ba
giữa tâm hồn bất an
và thể xác bất toàn.
Con tìm nơi cứu rỗi
giữa những hoài nghi, cô đơn và bất lực
ngổn ngang kí ức
tâm hồn con mang nặng cuộc đời con
Con không có quyền năng
trong cuộc chiến chỉ mình con biết
bản năng sống và bản năng chết
loại trừ nhau.
Thân xác con đau
tâm hồn con biết làm gì chia sẻ?
Con chỉ mong được về nhà với mẹ
cho tâm hồn và thể xác về theo.

MỘT LẦN NỮA

(Tặng vợ)
Cánh cửa kính pháp trường xanh khép lại
anh vội ngoái nhìn em
chưa bao giờ anh cô đơn đến thế
chỉ có đôi giày anh được ở lại bên em
cùng em chờ đợi,
anh muốn nắm tay em
một lần, một lần nữa.
Ngày anh sinh có mẹ
ngày anh sống có em
khi anh mải khắc khoải phận người
nghi vấn bóng đêm
em lặng lẽ lo từng bát gạo
anh muốn cảm ơn em
một lần, một lần nữa.
Anh biết thể chất phôi pha
cái vỏ gối bao lần em thay mới
từng đêm nghe tóc bạc xót xa,
giới hạn bủa vây ta
em nỗ lực trong từng giây phút sống
anh tha thẩn như một người mơ mộng
lang thang trong kiếp làm người.
Anh biết mùa thu ngày một ngắn hơn
những dự định còn dang dở
anh chưa làm được gì nhiều cho em
chưa đưa em đến những vùng đất lạ
gặp những con người ta chưa biết tên
yêu những con người ta chưa biết mặt…
Hãy tha lỗi cho anh
một lần, một lần nữa.

CÔ ĐƠN, KHÁT VỌNG VÀ KHOẢNH KHẮC TRONG THƠ HIỆN ĐẠI

TRƯƠNG ĐĂNG DUNG

  1. Nếu nhà thơ thường xuyên bóp méo cấu trúc của hiện thực để giữ lại cấu trúc của cái tôi, như Ch. Caudwell từng nói, thì cấu trúc của cái tôi thi sĩ luôn cho thấy một cách sâu sắc quá trình tự ý thức của con người qua sáng tác văn học. Sự tự ý thức này đồng nghĩa với tiếng nói trữ tình trong tâm hồn thi sĩ. Các chủ đề của thơ hiện đại tăng dần, khác biệt dần cùng với sự nhạy cảm của các nhà thơ. Nhà thơ hiện đại thấy và cảm được nhiều điều mà thơ của những thế kỷ trước đây không nói đến. Các nhà thơ ngày càng nhạy cảm hơn trước những vấn đề của tồn tại người trong tương quan với nhiều sự việc mới của thế giới bên ngoài. Thế giới khách quan ngày càng được nhìn nhận khác hơn trong nghệ thuật nói chung và trong thơ nói riêng. Và sự cảm nhận các hình ảnh tự nhiên cũng thay đổi theo thời gian. Việc người hiện đại nhìn thấy một cách khác đi cái thế giới bên ngoài so với người xưa cho thấy, đối với đời sống tâm hồn, không tồn tại một sự vật “đúng như nó vĩnh viễn”, bởi vì tâm hồn chỉ trải nghiệm mối quan hệ luôn thay đổi của nó với các sự vật theo thời gian. Mối quan hệ với các sự vật không chỉ thay đổi mà ngày càng nhiều hơn. Nhưng tự nhiên lại không nhiều hơn trong ý nghĩa mà khoa học nhìn thấy tự nhiên nhiều hơn bằng các thiết bị công nghệ; vì sự trợ giúp của các thiết bị chỉ làm gia tăng phạm vi nhìn thấy chứ không phải là bản thân tự nhiên được làm cho nhiều lên. Ngôi sao đã có ở đó từ xa xưa trước khi mắt của các nhà khoa học nhìn thấy nó. Đó là chưa nói đến với nỗ lực “đi vòng quanh sự vật”, khoa học cần phải loại bỏ yếu tố tâm hồn khi tiếp cận sự vật, sự việc để nhận thức chúng trong sự khách thể hóa thuần túy, không cần đến yếu tố chủ quan, trong tinh thần “phi nhân hình hóa” (G. Lukács). Như vậy, nếu Nguyễn Trãi không viết về những vấn đề của Nguyễn Du thì không phải do Nguyễn Trãi không nhận ra chúng, mà là  vì chúng chưa tồn tại thời ông sống. Nếu nỗi đau của Nguyễn Du không được người ta viết ra hàng ngàn năm trước thì không phải do không có nhà thơ biết thực hiện việc đó mà bởi vì những nỗi đau đó của Nguyễn Du chưa có trước đây. 2. Thời Trung đại, ở châu Âu, tâm hồn con người lang thang trên mặt đất mà vẫn không thiếu quê hương, bởi vì nó tin rằng quê hương chính là Thiên đường. Thấm đẫm tinh thần tôn giáo, các nhà thơ hướng tới Thiên đường nên thơ ca Trung đại ở châu Âu thường không thể hiện những trạng thái sống như thơ châu Âu thời hiện đại, khi cái tôi trữ tình cô đơn đã được bao bọc bằng những hình ảnh của chính mình nơi trần thế. Có ba chủ đề mang lại âm hưởng cơ bản cho thơ hiện đại, trở thành cảm thức nguồn, đó là cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc. Những chủ đề này không có trong thơ Trung đại ở Châu Âu, bởi vì đời sống tôn giáo không để cho tâm hồn cô đơn. Người ta cảm thấy mặc dù đang ở giữa những kẻ thù thì vẫn không ở giữa những người xa lạ. Sau thời Trung đại, khi xa rời tôn giáo, tâm hồn con người bắt đầu cảm thấy mình xa lạ, luôn khao khát trở về nhà. Tuy nhiên, kể cả khi vắng bóng tôn giáo thì sự cô đơn của người hiện đại cũng không đến ngay. Có thể nói, thơ trữ tình thời Phục hưng cũng chưa biết đến nỗi cô đơn trong ý nghĩa mà sau này thơ hiện đại quan niệm, bởi vì cho dù tôn giáo ngừng ảnh hưởng thì các tư tưởng xã hội vẫn được thể hiện giữa những tầng lớp người có học thức. Cái cô đơn trong thời kỳ này vẫn chưa trở thành vấn đề lớn giữa con người với nhau. Chính vì thế thời Phục hưng, thơ trữ tình vẫn chưa phải là thơ của tâm hồn cô đơn. Với sự xuất hiện của Rousseau, bắt đầu một thời kỳ nổi dậy của tâm hồn chống lại thứ văn hóa đã bị đồ vật hóa, nơi tâm hồn không cảm thấy mình đang ở nhà, vì tâm hồn bấy giờ mới thấy tự nhiên đang rời xa, sắp đánh mất nó. Thơ hiện đại nhận từ cái khoảnh khắc một ý nghĩa lớn khi trong đời sống hiện đại một khoảnh khắc có thể lóe lên điều gì đó, ẩn dấu ý nghĩa và hạnh phúc của cả cuộc đời, để rồi nó sẽ mất đi  vĩnh viễn. Trong cái thoáng qua chớp nhoáng đó thi sĩ vẫn cảm nhận được nhiều hơn cái đời sống lê thê kéo dài. Ta có thể thấy tinh thần đó trong thơ Xuân Diệu: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm. Thi sĩ hiện đại nắm bắt khoảnh khắc như nắm bắt mùi hương thoảng qua. Trong các nền văn học xa xưa, ý nghĩa của cái khoảnh khắc này còn xa lạ, vì các nền văn học tôn giáo chỉ biết đến những giá trị ổn định. Trong thơ hiện đại, khoảnh khắc là một trong những hình thức xuất hiện của nỗi cô đơn, giống như khát vọng vậy. Bởi vì người hiện đại không chỉ cô đơn trong không gian mà còn cô  đơn cả trong thời gian. Cô đơn thời gian là khi con người một mình trong cái khoảnh khắc hiện tại, xa cách quá khứ, đối diện với tương lai bấp bênh, mờ mịt. Nỗi cô đơn này khủng khiếp hơn nỗi cô đơn không gian, vì con người không chỉ xa lạ với môi trường sống của mình mà cả với chính mình; cảm nhận được sự xa lạ trước chính mình của quá khứ và của tương lai. Trạng thái sống này chính là nguyên nhân làm cho cái tôi trữ tình bất an trong từng giây phút (khoảnh khắc) sống. Chủ thể trữ tình phản ứng như thế nào trước các giá trị bị đánh mất? Khoảng cách làm cho thi sĩ hiện đại nhạy cảm hơn và thấy rõ hơn các sự vật, sự việc; trong đau khổ, mất mát mới thấy rõ hơn sức mạnh của niềm tin vào sự huyền nhiệm. Chúng tôi nghĩ đến Hàn Mặc Tử. Đúng như nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã viết rằng: “Người Kitô giáo quan niệm đau thương như một huyền nhiệm, nhưng hữu hạn, trước Thượng Đế là một huyền nhiệm, vô hạn. Tôi thành thật nghĩ rằng Hàn Mặc Tử đã an vui được trong Đau thương – một hoàn cảnh thể xác vật chất và tinh thần làm chúng ta phải rùng minh – là nhờ huyền nhiệm đó, “nhờ sức mạnh của xác tín”1 . Chính niềm tin vào cuộc sinh tồn của linh hồn ở một thế giới khác là sức mạnh cội rễ trong thơ Hàn Mặc Tử. Ở Pháp, thơ tôn giáo của Verlaine tha thiết hơn các Thánh ca thời Trung đại, bởi vì thời Trung đại người ta khao khát Thiên đường, nơi người ta tin tưởng, còn Verlaine thì khao khát Đức tin. Khi con người nhận ra nó đang trở nên xa lạ trong nền văn minh đã bị đồ vật hóa, lúc đó con người mới ý thức về tự nhiên một cách cụ thể. Trước Rousseau, các nhà thơ cũng thường nói về rừng, đồng bằng, mây, gió, cỏ, hoa, nhưng thiên nhiên chưa hiện lên trong thơ họ như một cái gì thống nhất. Trong thơ lãng mạn phương Tây, tự nhiên luôn là đối tượng hướng đến của những tâm trạng chung chung. So với thơ thời Trung đại, trong thơ lãng mạn ở phương Tây tự nhiên đã mang tâm trạng, nhưng tâm trạng đó cũng chỉ mới liên quan đến toàn bộ tự nhiên như một cái gì đã bị đánh mất, đến ngôi nhà xưa hạnh phúc đã bị bỏ rơi. Thời kỳ đầu của thơ lãng mạn, Byron, Shelley, Holderlin, Novális đều viết về cỏ, hoa, mây gió, nhưng những hình ảnh này chưa thể hiện cái tâm trạng đặc biệt và cụ thể của mỗi thi sĩ. Với việc đánh mất cảm thức tôn giáo tâm hồn vẫn chưa đơn chiếc ngay, nó chưa vội đầu hàng trước sự khác biệt của nền văn minh mới. Nó đã cảm thấy sự cô đơn, nhưng chưa chấp nhận. Tâm hồn biết rằng nó không còn ở nhà mình, trong cái thế giới mà nó gắn bó, nhưng nó vẫn tìm kiếm ngôi nhà hạnh phúc của mình ở nơi nào đó. Ngôi nhà của tâm hồn có ở đâu đó. Đây là âm hưởng chính của thơ lãng mạn. Nếu tâm hồn của thi sĩ thời Trung đại tự tin có ngôi nhà của mình ở đâu đó thì tâm hồn của thi sĩ lãng mạn lại tìm kiếm “cái ngôi nhà khác” một cách do dự. Có thể nói, bước ngoặt lớn, cơ bản nhất của văn học hiện đại nói chung và thơ hiện đại nói riêng được bắt đầu bằng Franz Kafka. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi nhà văn này là thi sĩ, người mở đường cho chủ nghĩa hiện đại. Trong thế giới nghệ thuật của Kafka, đối với cái Tôi thế giới trở nên xa lạ, đối với Thế giới cái Tôi trở nên xa lạ. Số phận của con người bị kết án là phải chết một cách cô đơn, thê thảm “như con chó”! Nỗi lo âu và sự tha hóa là những hiện tượng đi cùng với nhau, cùng tăng lên hoặc giảm đi trong quá trình lịch sử nhân loại. Về phương diện này, có thể nói lịch sử nỗi lo âu của con người là nét đặt trưng của lịch sử nhân loại. Xã hội phát triển đồng thời với việc phát sinh những nỗi lo âu mới, bên cạnh nỗi lo sợ có nguồn gốc tự nhiên đã xuất hiện nỗi lo sợ có nguồn gốc xã hội mà cơ sở của nó là sự tha hóa giữa con người với con người. Như vậy, bên cạnh nỗi lo sợ Thượng đế đã xuất hiện nỗi lo sợ con người. Tuy nhiên, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và tôn giáo, chúng tôi muốn nói thêm rằng, việc tôn giáo cắt đứt mối liên hệ với thực tiễn, xem những tưởng tượng huyền ảo của nó là hiện thực hơn cả hiện thực, vẫn không loại trừ sự hòa hợp giữa phản ánh nghệ thuật và phản ánh tôn giáo trong một thời kỳ dài của lịch sử có sự trùng hợp về hình thức. Mối quan hệ này thể hiện qua việc tôn giáo đã sử dụng nghệ thuật để truyền bá các tư tưởng của nó và nghệ thuật cũng có thể lấy những đề tài rút ra từ các mô típ tôn giáo, như chúng ta đã biết. 3. Không ai nghi ngờ những ảnh hưởng của thơ phương Tây, cụ thể là thơ của các nhà thơ lãng mạn Pháp đối với các nhà Thơ Mới ở Việt Nam trước năm 1945. Nhưng sẽ không thấy hết những nét độc đáo trong tư duy nghệ thuật của các nhà Thơ Mới Việt Nam nếu chúng ta mô hình hóa thế giới nghệ thuật của họ bằng các khái niệm quen thuộc. Các chủ đề Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc của thơ hiện đại phương Tây mà chúng tôi đã nói ở trên cũng là những chủ đề chúng ta có thể tiếp cận trong Thơ Mới. Nhưng nếu nhận xét từng chủ đề đó trong thơ của các nhà Thơ Mới trong tương quan với bối cảnh xã hội và văn hóa Việt Nam đặc thù, thì chúng ta mới thấy những yếu tố khác biệt của sự nhạy cảm thi sĩ. Ví dụ, có thể xem chủ đề cô đơn của cái tôi trữ tình trong thơ Huy Cận cũng xuất phát từ trạng thái của kẻ mất Thiên đường, nhưng đó là trạng thái của cái tôi Việt Nam trong giai đoạn Thơ Mới “vừa thoát khỏi bào thai cái ta làng xã cổ truyền ngàn năm trong cuộc trở dạ hơn thế kỷ, cái tôi thị dân hiện đại sau những phấn chấn ban đầu (khởi nghĩa Yên Bái năm 1930) đã rơi ngay vào sự cô đơn”1 . Không gian Lửa thiêng của Huy Cận là sự hóa thân của quá khứ đẹp đẽ giống như Thiên đường trong thơ phương Tây, nhưng đúng như Đỗ Lai Thúy nhận xét: “Không gian trần thế của Lửa thiêng bao giờ cũng có tính nước đôi. Một mặt đó là tính chất vĩnh cửu, vô hạn; mặt khác, bao giờ cũng có những giới hạn, bởi chúng được nhìn bằng cái nhìn định hướng… Khát vọng cao nhất của chủ thể trữ tình trong thơ Huy Cận là chiếm lĩnh không gian như một đối tượng thẩm mĩ. Khi đó con người trở thành không gian và không gian trở thành con người, không còn sự phân biệt chủ thể – khách thể nữa”1 . Nếu tư duy tiền hiện đại đã khám phá những mối liên hệ bề mặt có thể cảm nhận được của thế giới thì tư duy hiện đại phát hiện ra rằng những mối liên kết bề mặt không phải do những quy tắc bề mặt cụ thể dẫn dắt mà là do những hình thức ổn định, ẩn kín; những cấu trúc trừu tượng được xác lập một cách bài bản chi phối. Tư duy hiện đại muốn nhìn ra phía sau cái bề mặt của sự vật. Những phát hiện của Freud cho thấy có cái cấu trúc gì đó sâu  lắng, không thể tiếp cận được nhưng lại luôn luôn hoạt động đằng sau ý thức của con người. Cái vô thức không thể cảm nhận và đo đếm. Tư duy hiện đại đã sử dụng một số cặp khái niệm mâu thuẫn rất đặc trưng như cái có thể nói ra và cái không thể nói ra; bí mật và công khai; bản chất và hiện tượng; chính thức và không chính thức; cái ngẫu nhiên chốc lát và sự tất yếu vĩnh hằng… Như vậy, chúng ta không thể tiếp cận được bản chất của đời sống ở một bình diện duy nhất, bởi vì đời sống không chỉ có một bề mặt, nơi các sự việc xẩy ra tiếp nối nhau. Không thể lý giải các sự kiện của đời sống bằng quy luật nhân quả hay bằng hệ quy chiếu nào đó mà chúng ta đã thấy ở hệ hình tư duy tiền hiện đại, vì đời sống không chỉ có các sự việc xảy ra liên tục, được ẩn dấu nơi bề mặt. Vượt lên điều đó, tư duy hiện đại đã lấy cá nhân làm cơ sở cho mọi sự hiểu và chiêm nghiệm đời sống. Mâu thuẫn giữa cái bên trong và cái bên ngoài, giữa tự do và thực tại, giữa ấn tượng và lí trí, giữa giới hạn và khát vọng là những đặc điểm của văn học nghệ thuật hiện đại nói chung, thơ hiện đại nói riêng. Những câu thơ của Thanh Tâm Tuyền đã thể hiện một cách sâu sắc và độc đáo cái trạng thái sống đó:

Tôi buồn khóc như buồn nôn

ngoài phố

nắng thủy tinh

tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

thanh tâm tuyền

… Tôi thèm giết tôi

loài sát nhân muôn đời

tôi gào tên tôi thảm thiết

thanh tâm tuyền

bóp cổ tôi chết gục

để tôi được phục sinh

… Tôi thèm sống như thèm chết

giữa hơi thở giao thoa

ngực cháy lửa

tôi gọi khẽ

em

hãy mở cửa trái tim

tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ

trong sạch như một lần sự thật.

(Phục sinh)

4. Khó có thể nói về hậu hiện đại một cách chính xác, vì nếu nó tồn tại thì thời hiện tại của chúng ta là thời hậu hiện đại, như vậy thì làm sao nói được thấu đáo về cái mà chúng ta chưa có thời gian tách bạch? Do không đủ điều kiện để phán xét một cách chính xác nên tên gọi của phương thức tư duy mới này chỉ cho thấy đối diện với hiện đại là cái đang trôi đi, là hậu hiện đại. Hậu hiện đại có mối quan hệ với xã hội hậu công nghiệp. Xã hội hậu công nghiệp là hình thức xã hội đặc trưng của thời hiện đại, nơi hiệu quả của hệ thống sản xuất công nghiệp đóng vai trò trung tâm. Năm 1985, nhà nghiên cứu Ihab Hassan đã nói đến hai cách cảm nhận khác nhau của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo đó, sự khác biệt lớn nhất giữa chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại là trong khi chủ nghĩa hiện đại (trừ chủ nghĩa đa đa và chủ nghĩa siêu thực) đã tạo ra cho mình các hình thức độc đoán, mẫu mực, thì chủ nghĩa hậu hiện đại hướng về nghệ thuật Pop, chấp nhận sự trớ trêu của các sự vật rơi vãi hỗn loạn. Trong khi các nghệ sĩ hiện đại cố gắng bảo vệ mình trước nhận thức về sự hỗn loạn vũ trụ, liên quan đến tính dễ phá vỡ của tâm điểm những điều mà họ cảm nhận, thì các nghệ sĩ hậu hiện đại chấp nhận cái hỗn loạn và sống với nó trong mối quan hệ sâu sắc, chặt chẽ. Việc các nhà hậu hiện đại chấp nhận sự phá vỡ mọi sự độc đáo trung tâm đã dẫn đến việc họ chấp nhận sự hỗn loạn, thậm chí họ đã hòa đồng với mọi sự hỗn loạn một cách bí ẩn. Không phải các sự vật, sự việc, mà là lời nói quy định ý nghĩa cho con người. Việc biết một thứ tiếng, một cách nói sẽ quyết định chúng ta có thể thấy điều gì. Chúng ta sinh ra vào ngôn ngữ, vào lời nói chứ không phải vào thế giới, giữa các sự vật. Michel Foucault đã hơn một lần khẳng định như vậy. Nhìn từ lịch sử triết học thì hậu hiện đại có nghĩa là sự chấm dứt và phê phán nguyên lý trung tâm của cái tôi Descartes. Đối diện với “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”, Foucault đã thể nghiệm cái nhìn mới về lịch sử – xã hội và chỉ ra sự thiếu vắng tâm điểm của chủ thể. Hậu hiện đại cố gắng giải thích sự liên hệ của các ký hiệu và hình ảnh với thế giới và hiện thực bên ngoài, nó không tin cậy vào sự mô tả hiện thực của các ký hiệu và hình ảnh, vì cho rằng ngôn ngữ giảm thiểu và làm méo mó hiện thực… Từ đây mà có sự thay đổi vị thế của chủ thể và tri thức trong hậu hiện đại. Cơ sở tri thức của hậu hiện đại không phải là tư tưởng phổ quát, mà là tập hợp các chiến lược tư duy không thuần nhất, được tạo ra thông qua cộng đồng người không thuần nhất. Văn học thế giới đã đi qua tinh thần đó với nhiều tác phẩm mang yếu tố hậu hiện đại. Tuy vẫn còn có những nền văn học chưa hội đủ điều kiện hậu hiện đại, chưa đặt ra những vấn đề hoàn toàn giống như ở các nước phương Tây, nhưng không phải vì thế mà nói rằng các nền văn học đó thấp kém. Hậu hiện đại như một trạng thái và như một đặc điểm chứ không phải là mục đích hướng đến của mọi nền văn học. Và một khi là trạng thái thì nó sẽ tự đến và qua đi để nhường chỗ cho những trạng thái khác. Những đặc điểm của xã hội Việt Nam sau chiến tranh, đang ở giai đoạn hiện đại hóa, công nghiệp hóa đã chi phối sự nhạy cảm của chủ thể trữ tình trong thơ Việt Nam đương đại. Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc vẫn là những chủ đề được nói đến với tâm thức sáng tạo mới liên quan đến cách nhìn khác về thực tại. Có thể trong cái mới và cái khác đó cũng đang xuất hiện những dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại? Thế kỷ XX đã khép lại được 16 năm. Đó là một thế kỷ mà trí năng đã tỏ ra bất lực trước đời sống và mọi sự lý giải về đời sống dường như chống lại đời sống. Một thế kỷ đối diện với nghèo đói, bạo lực, ô nhiễm môi trường và cô đơn tập thể trong sự bất khả kháng của con người đang trở thành trạng thái phổ biến của thế giới. Một thế kỷ mà trật tự thế giới luôn được điều chỉnh trước những biến động chính trị và sự phân cực của các hệ thống quyền lực, nhưng con người thì vẫn bị lãng quên ngay trong chính những việc mà người ta thực hiện nhân danh lợi ích của con người. Một thế kỷ mà loài người vẫn chưa tìm ra chìa khóa đích thực mở đường cho tiến bộ xã hội; và bản thân đời sống hiện đại, về một phương diện nào đó, vẫn chỉ là sự kéo dài của những giá trị thời trung cổ, trong những hình thức mới của nó mà thôi! Thế kỷ XXI đã bắt đầu được 16 năm. Con người chuyển từ trạng thái bất khả kháng sang trang thái không số phận, một hình thức mới của sự tha hóa, hệ quả của sự cưỡng đoạt số phận cá thể. Xin đừng hỏi thơ có thể làm được gì trong một thế giới mà con người đang tiếp tục bị lãng quên. Thơ có thể và cần phải nói được nhiều hơn về con người theo cách của thơ. Không phải chỉ có tiểu thuyết mới cần phải khám phá những khía cạnh mới, phức tạp hơn, bí ẩn hơn của đời sống. Và cũng không phải chỉ có tiểu thuyết đang đứng trước nguy cơ bất lực trong việc khám phá cái bản thể của tồn tại đã bị tư duy giáo điều với hệ thống các quy ước đầy tính thực dụng của thời hiện đại bỏ quên, mà ngay cả thơ hiện đại cũng đang ở trong tình trạng đó.

Theo Vanvn.net