Với “Tiếng gà gáy trong rừng hoa Arui”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà tiếp tục khẳng định khả năng nắm bắt tâm lý trẻ thơ, sau khi đã để lại dấu ấn tốt đẹp cho bạn đọc nhỏ tuổi qua nhiều tập truyện trước đây.

Tên sách: Tiếng gà gáy trong rừng hoa Arui
Tác giả: Võ Thị Xuân Hà
Sách do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Văn hóa Thông tin xuất bản tháng 7 năm 2010

Tên tập truyện ngắn đã phần nào gợi mở cho độc giả biết về không gian của những câu chuyện trong cuốn sách. Tiếng gà gáy trong rừng hoa Arui sẽ khiến các độc giả nhỏ tuổi thích thú với một không gian mới lạ, thanh bình và hùng vĩ với cỏ cây hoa lá, chim muông thú rừng của núi rừng vùng A So, A Lưới, hay không gian mênh mông sông nước của những miệt vườn xứ Huế. Ở đó có những đứa trẻ nhà nghèo nhưng trong sáng và tốt bụng, và đặc biệt, chúng luôn khao khát được khám phá thế giới, được làm những điều tốt đẹp cho quê hương nghèo khó của mình.

Trang bìa cuốn sách.

15 truyện ngắn trong cuốn sách là 15 câu chuyện nhỏ, nhẹ nhàng và cảm động… Đó là câu chuyện về cô bé Y-Gren Na hàng ngày vẫn giúp cậu bé Bi Ang có đôi chân tật nguyền đi đến trường học chữ (Suối Đăk-ui róc rách chảy), là câu chuyện về ba đứa trẻ Mai, Chang, An bí mật trồng lúa trên đỉnh núi Ron với mong muốn mang lại niềm vui cho dân làng sau trận lũ quét (Trồng lúa trên đỉnh núi Ron), là câu chuyện về cô bé Thẻo dũng cảm cứu cô giáo bị nạn trong Mùa nước lên…

Ở mỗi truyện ngắn, độc giả lại nhận được một bài học nhẹ nhàng về những điều tốt đẹp vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống, chúng khiến ta có niềm tin và ấm lòng hơn… Các cô bé, cậu bé trong tập truyện ngắn này của nhà văn Võ Thị Xuân Hà hầu hết là những đứa trẻ miền núi nghèo khó, lam lũ, hàng ngày phải giúp gia đình lên nương làm rẫy, vào rừng kiếm củi, kiếm rau… nhưng chúng mang khao khát được đến trường, được học chữ để có thể khám phá thế giới muôn màu xung quanh chúng, để có thể giúp đỡ dân làng thoát khỏi cái nghèo, cái đói… Đó thực sự là những mơ ước chính đáng, chân thành và cao đẹp.

Cách kể chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng, dễ hiểu cùng với cốt truyện giản đơn, và sự thấu hiểu cuộc sống nơi núi rừng, sông nước, đặc biệt là thấu hiểu tâm lý trẻ con của tác giả khiến những câu chuyện trở nên gần gũi, dễ thương như chính các nhân vật trong đó.

Nếu như người ta vẫn thường nói, mảnh đất văn học thiếu nhi của nước ta đang bị bỏ quên thì Tiếng gà gáy trong rừng hoa Arui của nhà văn Võ Thị Xuân Hà chính là một hạt giống mà nhà văn kỳ công gieo trồng.  

Cũng trong đợt này, hai tập truyện vừa của chị là Chiếc hộp gia bảo (Tặng thưởng cuộc thi truyện ngắn cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 1997) và Chuyện ở rừng Sồi cũng được tái bản. Cả hai tập truyện đều đã được chuyển thể thành kịch bản phim, đoạt giải C và giải khuyến khích của Hãng phim truyện Việt Nam (1997) và Cục điện ảnh (1998). Trong đó Chiếc hộp gia bảo đã được dựng phim nhựa, được trình chiếu hầu khắp các rạp và chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả nhỏ tuổi. Nó được đánh giá là “một bộ phim thiếu nhi có nét phiêu lưu khá thú vị và hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam”.