1. Cảo thơm lần giở…

Tiểu thuyết, trong quan niệm xưa ở Trung Hoa là những câu chuyện đường phố, lời nói ngõ làng, vào lỗ tai ra lỗ miệng mà tạo ra. Như vậy, tính hiện thực không đáng tin, chắp vá đương nhiên được coi như điều kiện số một của tiểu thuyết. Tiểu thuyết chứa đựng đạo nhỏ, khác với đại thuyết, có lẽ căn cứ vào đấy mà Khổng Tử (vốn là một đại thuyết gia) đã lưu ý: Tuy là cái đạo nhỏ, nhưng chắc chắn cũng có chỗ khả quan, có điều là đi đến xa thì sợ ứ đọng (Lỗ Tấn Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Hoa).


Tôi rất sợ quan niệm dùng đại thuyết (thế giới quan, lập trường tư tưởng…) để đi xét nét tiểu thuyết. Tiểu thuyết là tiểu thuyết, nghĩa là những chuyện vớ vẩn mà hễ đi đến xa thì sợ ứ đọng. Tiểu thuyết có những giới hạn về tư tưởng của nó, nó không phải đại thuyết và nó không thể đáng tin cậy về mặt tư tưởng gì hết, nó cũng không phải là tấm gương soi của thời đại gì hết: nó kể chuyện và nhầm lẫn lung tung. Có thế thôi! Sự hấp dẫn của tiểu thuyết chính là ở hình tượng, ở sự nhố nhăng câu chữ và sự huyễn ảo của các vấn đề mà nhà sáng tác kể chuyện.


Chức năng tư tưởng của tiểu thuyết không phải ở chỗ nói ra chân lý và nó không phải là một bài giảng chính trị khô héo. Tôi không phủ nhận ý nghĩa giáo dục của tiểu thuyết. Khổng Tử nói: tuy là đạo nhỏ, nhưng chắc chắn cũng có chỗ khả quan là rất có lý. Khổng Tử với con mắt bề trên đã nói về tiểu thuyết có phần nào trịch thượng. Khổng Tử không phải nhà tiểu thuyết. Khổng Tử không sáng tác. Khổng Tử gần gũi với các nhà tư tưởng, các chính trị gia hơn các nhà nghệ sĩ. Thực khổ cho ông, ông là một nhà giáo dục, hơn nữa lại là một nhà đại giáo dục! Vai diễn của ông quá lớn đối với lịch sử. 

Khi tôi nói tính hiện thực, không đáng tin, chắp vá đương nhiên được coi như điều kiện số một của tiểu thuyết nghĩa là có phần thừa nhận sự phóng túng của tiểu thuyết. Khi các nhà văn còn quá băn khoăn về ý nghĩa giáo dục kiểu đại thuyết ở trong công việc của mình thì quả thực rất khó động thủ vào hiện thực! Điều này giống như một người giết lợn cầm dao nhưng lại sợ bẩn tay, thậm chí còn thương cảm cho con lợn, còn sợ thế thì tổn đức…

Tiểu thuyết xét về khía cạnh nào đó chỉ là chuyện bịa đặt nhưng thực lại là nguyên tắc thẩm mỹ, là giá trị tạo ra chỗ khả quan, nó chính là giá trị của tài năng nhà sáng tác. Hồng Lâu Mộng là bộ tiểu thuyết, là đệ nhất kỳ thư trong kho tàng tiểu thuyết Trung Hoa, sở dĩ có thành công ấy vì Tào Tuyết Cần chẳng sáng tác gì nhiều, ông cứ sự thực mà miêu tả, hoàn toàn không kiêng kỵ tô vẽ gì. Gia đình Tào Tuyết Cần giống hệt những người ở trong họ Giả, Tào Tuyết Cần giống hệt như Giả Bảo Ngọc. Từ các bộ tiểu thuyết trứ danh như Kim Bình Mai, Tam quốc chí, Thủy Hử ở Tàu, đến Chiến tranh và hòa bình, Những linh hồn chết, Anh em Kamarazôp ở Nga, Fauxtơ ở Đức, Hội chợ phù hoa ở Anh v.v… tất cả đều hiện thực hoặc bắt nguồn từ hiện thực.

Tôi còn nhớ trong một bữa rượu ở nhà tôi, nhà văn Tô Hoài có nhận xét về cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà bấy giờ đang bị dư luận phê phán. Tô Hoài nói: Anh ta viết toàn về nhân nghĩa lễ trí tín đấy chứ! Câu nói ấy tuyệt hay vì nó phải chăng đã đành, lịch sự, lịch lãm đã đành nhưng phải là ở Tô Hoài, một nhà tiểu thuyết, một người trong cuộc thì mới nói được như thế: Tô Hoài nói vậy cũng là đang tự nói về mình! Ai viết văn, ai viết tiểu thuyết mà chẳng viết về đạo lý? Tôi có nhớ có lần xem tranh của họa sĩ trẻ Nguyễn Sơn (sinh năm 1974 ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2001), tôi rất thích một bức sơn dầu anh vẽ tên là Thi sĩ: năm nhân vật thi sĩ trong tranh ai cũng có một vầng hào quang trên đầu giống như ở các tranh Thánh. Từ trong vô thức, họa sĩ trẻ nhận ra thứ ánh sáng thần thánh ở những người ấm ớ này. Họ (về khía cạnh nào đó) nói như A.Rimbô là những nhà tiên tri thấu thị, nhiều người ở ta gọi họ là những nhà dự báo.

Tiểu thuyết ngay từ thuở xa xưa người ta đã coi nó là một thể loại thị phi. Nguyễn Du coi Truyện Kiều là sách mua vui cũng được một vài trống canh. Thật nực cười cho nhiều người viết ở ta ôm ấp ý định viết ra những khuôn vàng thước ngọc, biến những chuyện bịa đặt của mình thành sách đạo đức hay luân lý.


2. Ý nghĩa tương đối của thể loại

Về khía cạnh nào đấy, sự phân chia ra từng thể loại chỉ có ý nghĩa tương đối. Các thể loại văn xuôi (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch v.v…) đều có sự liên quan với nhau trong cách tổ chức, cấu trúc, xây dựng hình tượng, ngôn ngữ v.v… ở một nhà sáng tác tinh thông thì thật ra thể loại không phải là vấn đề gì quan trọng lắm. Có những truyện ngắn nhà sáng tác có khi phải dụng công hơn cả khi viết tiểu thuyết. Có những truyện ngắn có dung lượng tiểu thuyết hoặc là những tiểu thuyết nén lại. Tôi đã viết những truyện ngắn Không có vua, Giọt máu, Những người thợ xẻ, Những ngọn gió Hua Tát với ý thức tiểu thuyết. Vở kịch Suối nhỏ êm dịu là một thể loại pha trộn giữa kịch và tiểu thuyết. Tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu là một câu chuyện phiêu lưu liên hoàn với 30 chương thực sự chỉ là 30 đoạn văn ngắn.

Quan niệm có phần nào trầm trọng hóa về thể loại tiểu thuyết không khéo sẽ là một cản trở với các nhà văn trẻ. Thực ra tiểu thuyết cũng không phải là một thể loại quá đáng sợ, ghê gớm. Đương nhiên, để viết được nó dứt khoát phải có lòng say mê văn học, ý thức tích luỹ kiến thức đời sống, tài năng, vốn (thậm chí cả tiền bạc vật chất) và vài thứ khác.

Lựa chọn thể loại để bảo đảm việc thực hiện nội dung sao cho có hiệu quả cao nhất cũng phụ thuộc vào tài năng người sáng tác.Vấn đề ở chỗ anh ta có nội dung gì, có cái gì để kể ra cho mọi người nghe không. Điều ấy phụ thuộc vào đời sống của anh ta, vào giá trị chất lượng cuộc sống của anh ta, tóm lại anh ta không thể cứ sống hời hợt, tầm thường vì như thế anh ta sẽ chẳng có cái gì để kể chuyện cho mọi người nghe. Ngày xưa, Bồ Tùng Linh đã từng đi ra chợ thưởng tiền cho ai kể cho mình nghe một chuyện kỳ lạ. L.Tônxtôi viết Phục sinh dựa vào một cốt truyện của người khác… Ngay cả những nhà văn vĩ đại cũng phải lượm lặt đủ thứ trong đời sống để làm giàu có thêm cho vốn liếng tri thức của mình.

Thành công của J.K.Rowling với 5 tập sách Harry Potter khiến cho tất cả các nhà văn trên thế giới phải rùng mình (có lẽ chỉ trừ những người chưa từng học rùng mình bao giờ là không kinh ngạc). Trong thời buổi thương trường hình như các cơ sở lý luận văn chương có lẽ cũng phải đến lúc phải sửa mình.


3. Viết văn làm quái gì

Khi các nhà xuất bản, các nhà sách không đứng về phía quyền lợi của nhà văn, chế độ bản quyền và nhiều vấn đề khác còn làm phiền phức và rối lòng người sáng tác thì quả thực… viết vănlàm quái gì!

Không có một thứ lao động cực nhọc và thổ tả nào lại ghê gớm kinh khủng như lao động của nhà văn. Đương thời, thường các nhà văn luôn bị hiểu nhầm: từ trong gia đình, chế độ kiểm duyệt, nhà xuất bản, nhà phát hành, đồng nghiệp, rồi độc giả nữa. Chỉ khi nằm xuống dưới ba thước đất những con quạ phê bình láu lỉnh và các nhà xuất bản lọc lõi mới tìm đến rỉa ráy vinh quang của họ để vụ lợi. Tôi chẳng cần kể tên những nhà văn trên thế giới hoặc ở ta ra để chứng minh cái sự thật đó. Mấy năm trước, khi lên Nhã Nam chơi, ông bạn Bí thư huyện ủy Hà Văn Núi dẫn tôi đến ấp Cầu Đen thăm nhà của cố nhà văn Nguyên Hồng, kể rằng khi chết Nguyên Hồng chỉ có mỗi tờ 2 hào (tờ hai trăm nhỏ bây giờ) ở trong túi áo. Tội nghiệp cho ông! Ông thực là một tấm gương đạo đức nhưng là một tấm gương xấu cho các nhà văn trẻ.

Thực ra, đối với các nhà văn đắc đạo thì tiền không phải là tất cả (nó chỉ là tất cả trong một vài ca cụ thể). Có trường hợp khi có tiền thì chẳng viết lách được gì.

Khi Bác Hồ đặt ra câu hỏi: Viết để làm gì? Viết cho ai? Viết thế nào? thì thực sự Bác đã yểm bùa cho bọn yêu quái trong làng văn chương và khiến bọn này hoàn toàn thúc thủ. Hầu hết các nhà văn hồn nhiên viết lách ban đầu chỉ đơn giản vì cái lẽ tham sân si ở đời mà thôi. Thật xấu hổ, những bài thơ đầu tiên của các nhà thơ như ta biết, hầu hết động cơ chỉ là để tán gái. Ngay cả A.Puskin vĩ đại cũng vậy, còn những người như H.Hainơ thì đầy rẫy. P.Nêruđa viết tới 100 bài thơ tình gửi cho vợ bé và ông già dê cụ này đã làm cho cả thế giới trầm trồ vì dục vọng nên thơ của ông ta.

Dục tính là nhân tính là một câu nói của Đức Phật. Con người sống, đấu tranh, sáng tạo v.v… đều từ cái dục tính bẩn thỉu này mà ra cả.

Trên thực tế, cái gọi là sự sống chính là sự ham muốn danh lợi và điều ấy chẳng có gì xấu cả nếu biết kìm giữ tiết độ. Bác Hồ khi đặt ra câu hỏi Viết để làm gì? là muốn lái cái dục vọng thấp hèn ở nhiều người viết sang một động cơ cao cả thiêng liêng tức là làm cách mạng, thay đổi chế độ xã hội thực dân phong kiến. Nay ở trong thơ nên có thép là như thế.

Khi tôi nói rằng tiểu thuyết là một thể loại ăn tạp thì tôi cũng muốn nói đến cả khía cạnh bác học, bao trùm của thể loại này. Nhiều bộ tiểu thuyết vĩ đại đến nỗi người ta còn coi nó như một bộ từ điển, một bộ bách khoa toàn thư về đời sống. Hồng Lâu Mộng kéo theo cả một bộ môn Hồng học. ở ta, nhiều người cũng đã soạn ra nhiều cuốn từ điển về Truyện Kiều. Những đề tài, những vấn đề mà nhà tiểu thuyết nêu ra trong tác phẩm đôi khi phong phú tới nỗi gần như bao trùm cả thiên nhiên (chữ của H.Banzăc): Không có gì lại không thể lọt vào mắt họ những con người vớ vẩn kỳ diệu ấy.


4. Sao lại chỉ cứt tươi?

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức (như cách xưng danh của anh với dư luận) khi viết bài nhận xét về văn phẩm của tôi, một mặt biểu dương tôi viết bằng một sự mẫn cảm, một cẩn trọng, một run rẩy hiếm có thì cũng biểu dương (theo ý phê phán) rằng tôi là người có công đưa cứt tươi vào văn học. Nguyễn Hoàng Đức đọc không kỹ: nguyên văn chữ tôi dùng vốn là cứt khô, cứt ướt. Câu ấy được phát ngôn bởi nhân vật Hoàng Trọng Phu trong vở kịch Còn lại tình yêu. Sau này, ở truyện Trương Chi tôi cũng để Trương Chi văng ra chữ cứt. Cần chú ý là ở trong truyện, Trương Chi không nói một câu nào mà chàng chỉ hát lung tung từ đầu đến cuối. Câu phát ngôn duy nhất của chàng nghệ sĩ với thiên hạ lại là một câu nói rất cộc cằn và thật… khó ngửi. Trong Chuyện ông Móng tôi cũng đã miêu tả cả một… chợ phân người. Quả thật, thâm tâm tôi cũng không thú gì món ấy, chẳng qua cũng cực chẳng đã mà thôi.

Chúng ta biết rằng mỗi sinh vật sống, mỗi chế độ xã hội tồn tại ngoài việc đồng hóa thì cũng còn dị hóa, tiêu hóa nữa. Văn học của chúng ta chỉ quen một chiều đồng hóa và đã có lúc khá bê bết vì không ai làm vệ sinh cho nó, đi đến xa thì sợ ứ đọng. Tôi cũng là liều mình như chẳng có làm việc khai thông một số ta-bu, thực sự mong muốn những nhà văn trẻ về sau đỡ nặng nề hơn.

Ở trong một xã hội dân chủ, nhiều tự do thì những cảnh đời, cảnh ngộ sẽ được phản ánh một cách phong phú trên nhiều trang sách. Tôi còn nhớ khi cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đặt vấn đề cởi trói cho văn nghệ sĩ thì nhiều nhà sáng tác ở ta đã ngớ người ra không hiểu ai trói, trói bằng gì và họ cũng không biết rằng mình cũng đang bị trói nữa. Lại nhớ đến chuyện thê tróc, tử phọc của Tú Xương ngày xưa mà bật cười. Tôi vẫn nghĩ là thời của tiểu thuyết sẽ là thời của những ta-bu ít dần đi, không còn nữa. Đấy là thời mà những kiêng kỵ, húy kỵ sẽ không còn nữa. Một xã hội dân chủ, tự do cũng sẽ là một xã hội tôn trọng tự nhiên, gần gũi với tự nhiên, vừa đồng hóa, vừa dị hóa, tiêu hóa nữa. Có điều, riêng về khoản cứt tươi thì phải thu xếp vào những chỗ văn minh chứ không phải dây ra lung tung như ở thời xa vắng.


30/6/2003 – Nguyễn Huy Thiệp