Năm nay vừa tròn 50 năm toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Nhân dịp trọng thể này, các cấp, các ngành trong cả nước và mỗi một chúng ta đọc lại bản Di chúc lịch sử, thêm một lần nghiền ngẫm, nghĩ suy, ghi nhớ… những lời căn dặn trước lúc Người đi xa. Và điều quan trọng lớn lao hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn, là đánh giá, kiểm điểm lại những gì đã làm được và những gì chưa làm được theo huấn thị của Người.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh Tư liệu

Những điều Người viết trong Di chúc là những vấn đề hệ trọng gửi lại cho nhân dân và đất nước; dặn dò toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những nhiệm vụ cần phải làm. Trong bản Di chúc, dù viết “Về việc riêng” thì cũng là những lời dặn và lời “yêu cầu” làm những điều tốt đẹp dành cho con cháu muôn đời sau, chứ không phải riêng cho Người.

Di chúc của Bác Hồ chứa đựng những nghĩ suy của một người suốt đời cống hiến, hy sinh, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết. Đó là những chiêm nghiệm, những đúc kết không phải chỉ trong quãng thời gian hơn bốn năm Bác viết Di chúc. Cũng không phải là những lời căn dặn vội vàng trước phút lâm chung. Người viết Di chúc trong lúc “tinh thần đầu óc vẫn sáng suốt”, tâm thế ung dung, tự tại tựa hồ như một đêm trăng rằm năm nào Bác ngồi trên con thuyền bàn việc quân cơ ở núi rừng Việt Bắc.

Đọc Di chúc của Bác Hồ, chúng ta cảm nhận được tâm thế và suy nghĩ của một bậc vĩ nhân. Một vĩ nhân yêu nước, thương dân tột bậc. Yêu thương khi Người còn sống và yêu thương cho tới mãi mai sau. Từng câu, từng lời trong Di chúc là kết tinh của sự suy xét thấu đáo; là những lo nghĩ về việc chung, việc của Đảng cầm quyền và công việc dựng xây đất nước; là những lời dặn dò hết sức thiêng liêng cùng với những tình thương bao la dành cho đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế gần xa…

Cũng như nhiều áng văn quan trọng khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Di chúc được Bác Hồ viết hết sức cô đọng, nhưng hàm chứa những điều vô cùng lớn lao, hệ trọng, tựa như những giọt sương chắt lọc tinh hoa của đất trời vũ trụ. Về việc chung, trước hết Người nói về Đảng, trách nhiệm của một Đảng cầm quyền: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình…”. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đó là những lời dặn dò thật ân cần mà cũng vô cùng nghiêm khắc. Người đã cảnh báo khi người còn sống, dẫu là một Đảng cách mạng, có quá trình lịch sử vẻ vang, nhưng nếu không trau dồi, rèn luyện hàng ngày, không đặt lợi ích của nhân dân lên trên, khi lòng dạ không trong sáng nữa, thì nhất định sẽ suy thoái. Trước khi qua đời, một lần nữa Người nhắc lại điều ấy.

Tiếp đến, Người nói về nhiệm vụ “phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên thanh niên”; cùng đó là “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng Người vẫn quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đến chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bởi Người có niềm tin “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người… nhưng nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”….

Thời gian càng qua đi, chúng ta càng cảm nhận được sự sáng suốt trong những nghĩ suy, lo toan, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự yêu thương nhân dân vô hạn của Người. Đọc lại bản Di chúc lịch sử của Bác Hồ, chúng ta càng thêm muôn lần kính yêu, nhớ ơn Bác. Càng thêm hiểu vì sao Bác băn khoăn, lo lắng; vì sao khi nói về việc riêng Bác phải dặn dò tỉ mỉ, kỹ càng đến vậy. Người dặn dò: “Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”.

Tình cảm của Bác với miền Nam sâu nặng khôn cùng! Điều ấy không chỉ thể hiện trong Di chúc. Tháng 5/1963, nhân kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Người, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định tặng Bác Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quí nhất của Nhà nước ta. Ngày ấy Bác đã trình bày trước Quốc hội: “Gần 20 năm trường đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ – Diệm, đồng bào Miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc anh hùng Việt Nam. Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng của Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quí nhất. Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội thế này: Chờ đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc – Nam xum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào Miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quí. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

Vì miền Nam, thương nhớ miền Nam, Bác Hồ đã từ chối phần thưởng cao quí của Quốc hội. Thay vào đó, Bác quyết định lựa chọn một chuyến đi thăm đồng bào và chiến sĩ Miền Nam trước ngày đất nước hòa bình thống nhất. Thật xúc động biết bao khi chúng ta đọc lại bức thư “Tuyệt mật” gửi Bộ chính trị mà Người viết khi tuổi đã cao, sức đã yếu. Dường như linh cảm sẽ không chờ được tới ngày đất nước hòa bình thống nhất, nên Người thiết tha đề nghị Bộ chính trị tổ chức cho Người vào Nam. Bức thư Bác viết tay, rất ngắn gọn: “Chú Duẩn thân mến. Nhớ lại hồi Noel năm ngoái. Chú có ý khuyên Bác đi thăm đồng bào miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em ở trỏng (trong ấy) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em…”.

Bức thư viết ngày 10/3/1968. Trong thư Bác thảo ra sẵn một kế hoạch rất tỉ mỉ. Bác ước tính chỉ cần mười ngày chuẩn bị cho chuyến đi. Bác viết trong thư: “Việc này Bác tự thu xếp, dễ thôi”. Cách thức đi, đón, tiễn… ra sao đều được Bác lên kế hoạch, trù tính từng chặng đường đi nước bước. Nhưng ước mong thiết tha ấy của Người cũng không được thực hiện. Tư liệu vô giá trên đây, hiện nay đang được lưu giữ trang trọng tại Nhà trưng bày căn cứ Trung ương cục Miền Nam.

*

Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta về cõi Người Hiền đã 50 năm, tròn nửa thế kỷ. Di sản mà Người để lại cho muôn đời sau là cả một sự nghiệp lớn lao. Đó là cuộc đời bôn ba khắp năm châu bốn biển, Người rời Tổ quốc thân yêu với hai bàn tay lao động. Gia tài riêng của Người lúc ra đi là trái tim cháy bỏng và tấm lòng yêu nước thương dân. Người ấp ủ “một ham muốn tột bậc là đất nước ta được hoàn toàn độc lập; nhân dân ta được hoàn toàn tự do; đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Một ước mơ giản dị mà tột cùng thiêng liêng, cao cả. Để thực hiện ước mơ ấy, Người bất chấp mọi hiểm nguy trên con đường cứu nước, cứu dân. Cả cuộc đời Người là chuỗi năm tháng không ngừng hy sinh và cống hiến. Lúc tự do hay khi trong lao tù; lúc ở chiến khu hay khi trở về giữa lòng Thủ đô Hà Nội, Người luôn “trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành”; “một ngày đồng bào miền Nam còn chưa được hưởng tự do, độc lập thì Người ăn không ngon, ngủ không yên”…

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ đi xa, thực hiện Di chúc của Người, với sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hoàn thành rất vẻ vang những lời căn dặn của Người. Trong đó nhiệm vụ khó khăn gian khổ nhất là “đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng, lớn lao khác. Hôm nay chúng ta có thể vui mừng báo cáo: Thưa Bác, dù còn những hạn chế, khiếm khuyết nhất định, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, nhờ đoàn kết trên dưới một lòng, lớp lớp cháu con của Bác đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Kiểm điểm lại một cách nghiêm túc, trong khi những việc chung, dù khó khăn gian khổ đến mấy, con cháu đều ra sức thực hiện. Còn một điều phần “việc riêng” mà Người “yêu cầu”, do hoàn cảnh lịch sử thời điểm Người đi xa, nước nhà chưa độc lập, thống nhất, nên chúng con chưa làm được theo đúng lời Người…

Năm mươi năm đã trôi qua, thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thêm thấu hiểu và cảm phục trí tuệ sáng suốt phi thường của Người. Cảm phục tầm nhìn và sự lo xa của Người. Liệu có ai đã hiểu hết được việc Bác “viết sẵn và để lại mấy lời này” lại trở nên quan trọng với toàn Đảng và toàn dân ta đến vậy! “Ôi thiêng liêng biết mấy những lời của Bác…”, lời một bài ca viết từ gần một thế kỷ trước đã thấm vào gan ruột biết bao thế hệ, thức tỉnh nghĩ suy, chất vấn lương tâm và trách nhiệm mỗi người. Yêu kính Bác, chúng ta luôn cảm thấy day dứt. Thấy thật đáng bị quở trách vì không đủ trí tuệ, tầm nhìn và trách nhiệm để hiểu và quyết tâm thực hiện những lời căn dặn thiêng liêng.

Đọc Di chúc của Bác, càng hiểu thêm những niềm riêng của Người!

Nguồn Văn nghệ số 34/2019