Bertolt Brecht là một nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu vĩ đại của nước Đức nửa đầu thế kỷ XX. Cùng với Franz Kafka, Thomas Mann, ông được coi là một trong ba ngôi sao sáng chói nhất của văn đàn Đức trong suốt thế kỷ qua…

Thi hào Bertolt Brecht thời trẻ.

Mặc dù thời gian sống trên dương thế không thật dài, song Brecht đã kịp để lại một di sản đồ sộ, với hơn 2.000 bài thơ và nhiều vở kịch, trong đó có những vở nổi tiếng sâu rộng, được dựng tại rất nhiều nhà hát trên thế giới và thu hút hàng chục triệu lượt người xem như các vở “Vòng phấn Kavkaz”, “Cuộc đời Galilei”…

Không chỉ nổi tiếng với tư cách tác giả, Brecht còn nổi tiếng với tư cách là một nhân vật văn học. Cách đây mấy năm, bạn đọc nhiều nước trên thế giới, trong đó có bạn đọc Việt Nam đã được làm quen với cuốn tiểu thuyết “Người tình của Brecht” có nội dung xoay quanh một câu chuyện tình của ông…

Tách mình ra khỏi cuộc chiến phi nghĩa

Bertolt Brecht sinh ngày 10 tháng 2 năm 1898 tại Augsburg, Bayern, trong một gia đình mộ đạo. Bố ông từng làm chủ một nhà máy giấy. Mẹ là con gái một viên chức địa phương. Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình khá giả song ngay từ nhỏ, Brecht đã không mấy thiện cảm với con đường kinh doanh mà người bố đã định liệu cho con trai.

Brecht bắt đầu làm thơ từ những năm còn học phổ thông.

Khi Brecht 16 tuổi thì nổ ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất. Theo lời khuyên của bố, Brecht đăng ký học thêm một lớp y khoa tại Đại học Munchen, trước mắt là để tránh bị động viên quân dịch. Sau rồi, cùng với Arthur Kutscher, Brecht tranh thủ học thêm một lớp nghệ thuật sân khấu.

Những bài báo ký tên Bert Brecht lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 7/1916. Ba năm sau, Brecht đã có thể cho đăng trên tờ Augsburger Volkswille những bài phê bình sân khấu chững chạc. Mùa thu năm 1918, khi cuộc đại chiến thế giới đang vào hồi kết thì Brecht bị bắt đi lính. May mà với chút vốn liếng nghề y, ông được cắt cử làm y tá cho một trạm quân y đóng ở Augsburg. Tại đây, Brecht được chứng kiến nhiều cảnh tượng thương tâm, với việc hàng nghìn người bị thương nhưng chỉ được chữa chạy, băng bó qua loa để rồi tiếp tục bị đẩy ra mặt trận. Chính điều này đã hằn lên trong tâm hồn nhà thơ trẻ một nỗi ám ảnh khủng khiếp và sau này, nó đã để lại nhiều dấu ấn trong sáng tác của ông.

Quan niệm về sự giãn cách giữa sân khấu và đời thực

Sinh thời, Brecht là người không chịu đi theo những lối mòn có sẵn, ông luôn có cách đặt vấn đề khác người, thoạt tiên có thể gây phản ứng, nhưng rồi ngẫm kỹ, sẽ thấy nó không phải không có lý. Trước đây, trong làng nghệ thuật thường lưu truyền một giai thoại: Có một buổi, ở Anh người ta biểu diễn vở “Othello” của nhà soạn kịch đại tài Shakespeare. Đến đoạn Iago (tên một nhân vật trong vở kịch) xúc xiểm Othello – là người nổi tiếng nóng nảy – khi Othello nghi ngờ Desdemona ngoại tình với Cassio, diễn viên đóng vai Iago làm động tác nằm ép người, rồi như rắn bò ngoắt ngoéo trên sàn sân khấu, một viên sĩ quan ngồi dưới hàng ghế khán giả đã hét lên một tiếng rồi rút súng bắn chết diễn viên. Khi mọi người xô lại thì cũng là lúc ông ta bừng tỉnh, nhận ra đó không phải là cảnh trong đời thực mà là cảnh trên sân khấu. Quá ân hận về hành động của mình, viên sĩ quan đã dí súng vào thái dương, tự sát.

Khi Brecht đến thăm một vườn hoa ở ngoại thành London, thấy có hai ngôi mộ được đặt song song, với dòng chữ ghi trên bia đá một ngôi mộ: “Nơi đây yên nghỉ một diễn viên xuất sắc nhất thế giới”, và trên bia mộ còn lại là dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ một khán giả xuất sắc nhất thế giới”, sau khi hỏi và được biết câu chuyện, Brecht đã có phản ứng: “Không, không có gì “xuất sắc” cả. Tôi đề nghị thay bằng dòng chữ trên bia đá như sau: “Đây là nơi chôn diễn viên xoàng nhất thế giới” và “Đây là nơi chôn một khán giả xoàng nhất thế giới”.

Theo quan điểm của Brecht, cần phải giữ được yếu tố giãn cách giữa sân khấu và đời thực. Người diễn viên phải đủ tỉnh táo, trí tuệ để khi diễn xuất, không “lừa” khán giả, khiến họ tưởng giả là thật, xem kịch mà ngỡ đó là việc đang diễn ra trong đời.


Một cảnh trong vở “Vòng phấn Kavkaz” dựa theo kịch bản của Bertolt Brecht.

Nhờ bạn bè vận động mới có giải thưởng Lênin

Năm 1933, khi Hitler lên nắm quyền, thực thi chủ nghĩa phát xít ở Đức, Brecht cùng nhiều văn nghệ sĩ, trí thức có tên tuổi buộc phải rời Tổ quốc, sống cuộc đời lưu vong tại nhiều quốc gia. Năm 1948, Brecht trở về Tổ quốc và được tín nhiệm bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật CHDC Đức, Chủ tịch Hội Văn bút Đông – Tây. Có thời gian, do những cách tân nghệ thuật, ông bị cáo buộc chạy theo chủ nghĩa hình thức, đi chệch phương pháp sáng tác hiện thực XHCN. May mà sau đó, ông được các bạn bè văn nghệ sĩ tác động qua nhà văn Fadejev, bấy giờ là Ủy viên BCH Đảng Cộng sản Liên Xô, lãnh đạo Hội Nhà văn Liên Xô, và được trao giải thưởng văn học Lênin (năm 1954), nhờ thế mà những nghi kị liên quan đến ông mới dần được gỡ bỏ.

Một số người tình của Brecht

Theo nhiều tài liệu còn lưu lại thì Brecht là người có đời sống tình dục dồi dào.

Chuyện kể rằng, ngay từ nhỏ, Brecht đã được làm quen với một trò chơi oái oăm. Marie Miller – người hầu gái trong nhà – thường giấu các món đồ chơi nhỏ xinh trong áo ngực hoặc quần lót của mình để các cậu chủ – tức mấy anh em Brecht “kiếm tìm”.

Brecht biết đến “mùi đàn bà” năm ông mới 16 tuổi, và kết hôn lần đầu vào năm 24 tuổi (năm 1922). Người vợ đầu của ông là nữ diễn viên Marianne Zof. Trước đó, Brecht đã kịp có một cuộc tình chớp nhoáng với Fraulein Bie và kết quả là người phụ nữ này đã sinh hạ cho ông một người con trai. Sống với Marianne Zof được hai năm thì tình cảm giữa hai người trở nên lạnh nhạt, Marianne quay về sống với bố mẹ đẻ. Cũng thời gian này, Brecht gặp nữ diễn viên Helen Weigel. Ông quay sang tấn công Weigel và kết quả là vào năm 1924, Uweigel đã lại sinh hạ cho Brecht một người con trai nữa. Như vậy, cả hai đứa con của Brecht tính đến thời điểm ấy đều là con ngoài giá thú (phải tới năm 1929, sau khi ly hôn Marianne được 3 năm, Brecht mới cưới Helen Wiegel).

Với Brecht, mọi cuộc hôn nhân chỉ là rào buộc lỏng lẻo. Ngay tại đám cưới với Wiegel, ông đã thẳng thừng tuyên bố: “Lễ cưới này rất quan trọng. Nhưng nó cũng… chẳng có ý nghĩa gì hết”.

Điều đáng nói là những người phụ nữ từng gắn bó và có quan hệ tình cảm với Brecht đều ít nhiều có những động thái tích cực giúp ông mở mang sự nghiệp. Đặc biệt, họ xử sự với nhau khá thân ái. Như khi Brecht đột ngột qua đời, mặc dù có để lại di chúc, song di chúc lại thiếu chữ ký của người chứng thực nên không có hiệu lực pháp luật. Vậy nhưng tài khoản để lại của nhà thơ vẫn được vợ ông, bà Helen Wiegel hào phóng san sẻ cho một số nhân tình của ông.

Bí ẩn về cái chết của Brecht

Theo các thông tin chính thức thì Brecht đột ngột qua đời ngày 14 tháng 8 năm 1956 bởi bệnh tim. Ông vốn bị bệnh này từ nhỏ. Ông biết mình có thể ra đi bất cứ lúc nào nên đã thảo sẵn di chúc, trong đó ông thể hiện một ý thích khá độc đáo: Khi ông qua đời, thi thể phải được quàn trong một cỗ quan tài bằng thép để không một loại mối mọt nào có thể “xâm phạm” cơ thể. Kèm đó, ông yêu cầu trên ngực ông phải được đặt một con dao nhỏ.

Bertolt Brecht được chôn cất tại Nghĩa trang Dorotheen, thủ đô Berlin.

Như vậy, về nguyên nhân cái chết của Brecht, các nhà khoa học khẳng định là do  bệnh tim. Tuy nhiên, cách đây hơn năm, một giáo sư người Anh tên gọi Stephen Parker, hiện làm việc tại Trường Đại học Manchester cho hay, sau khi nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu, trong đó có các cuốn sổ y bạ của Brecht còn lưu lại và một tấm phim X quang chụp từ năm 1951, ông có đủ cơ sở để kết luận: Bertolt Brecht bị bệnh tim (ngay từ nhỏ, sổ y bạ đã ghi ông có quả tim ngoại cỡ), song nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của ông là do căn bệnh thấp khớp. Đây là căn bệnh kinh niên ông mắc từ hồi nhỏ và nó đã chạy vào tim dẫn tới cái chết đột ngột của nhà thi sĩ tài ba.

Giáo sư Stephen Parker nói: “Brecht có nhiều triệu chứng của bệnh thấp khớp cũng như có vấn đề về hệ thần kinh vận động”. Vị giáo sư thậm chí còn cho rằng, tình trạng bệnh lý đã ảnh hưởng nhiều tới tâm tính của nhà soạn kịch tài năng. Nó khiến ông hay cáu bẳn và có những phản ứng thái quá trong một số trường hợp.

Nhân nói về việc Brecht có tiền sử bệnh tim, nói chung, Brecht rất ngại tiếp xúc với những gì khiến ông phải… giật mình. Tương truyền, Brecht rất sợ rừng. Vẻ âm u, bí hiểm của nó luôn gây cho ông một nỗi kinh sợ. Có lần, một người quen đã rủ Brecht đi qua một cánh rừng ở Berlin. Người này đã nhận được một câu trả lời lạnh lùng như sau: “Tôi có phải là hươu đâu”.

Trần Trọng Nghĩa

Nguồn: Văn nghệ Công an.